“Mỗi
một bào thai dù chưa được sinh ra đã mang những linh hồn. Những đứa trẻ
tội nghiệp chưa thành dáng, thành hình đã phải lìa trần do sự nhẫn tâm
của các bậc sinh thành”… với quan niệm sống đậm tình người ấy mà gần
chục năm qua, người dân làng Đồi Cốc ( xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội )
đã ngày ngày lặn lội khắp các miền đất nước để nhặt những thai nhi bị
người ta bỏ đi để đem về chôn cất.
Nghĩa trang 5 vạn hài nhi
Đã
ghé thăm các nơi chôn cất hài nhi như Nghĩa Trang Quần Vinh ( Nam Định
), Nghĩa Trang Anh Hài ( Thừa Thiên – Huế )… nhưng khi đến Nghĩa Trang
Đồi Cốc ( Sóc Sơn – Hà Nội ), phóng viên không khỏi ngỡ ngàng và chua
xót khi ngay giữa thủ đô lại có một nghĩa trang lớn với hơn 50.000 mộ
sinh linh vô tội.
Nghĩa
Trang Đồi Cốc trong một chiều đầu hạ, quang cảnh hiu hắt vắng lặng. Như
mọi ngày, ông Nguyễn Văn Thạo ( trưởng xóm Đồi Cốc ) cặm cụi lấp đất
lên những huyệt nhỏ của những sinh linh bé bỏng không có cơ hội được
chào đời. Rồi ông lặng lẽ thắp nhang. “Khổ thân những đứa trẻ chưa kịp
chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành, mong muốn
duy nhất của người dân Đồi Cốc là giúp những đứa trẻ được an nghỉ bình
an”, ông nói.
Nghĩa
Trang Đồi Cốc được chia làm hai nửa, một nửa để an táng những người dân
trong thôn, một nửa còn lại là những phần mộ dành cho những sinh linh
vô tội bị bỏ rơi khi chưa kịp chào đời. Theo lời ông Thạo, mỗi một huyệt
mộ tập thể chôn được 30 tiểu sành, ở nghĩa trang hiện nay có hàng trăm
ngôi mộ như thế. Ước tính cũng đến hơn 5 vạn hài nhi đã được mai táng ở
đây.
Trên
những ngôi mộ có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, có em bé
khi lìa đời có tên có tuổi được gắn trên bia, còn lại đa số là vô danh.
Đặt lọ hoa cúc trắng lên ngôi mộ bé Đào Thị Đỏ mất ngày 3.4.2012, ông
Thạo khẽ lau nước mắt kể, ngày người làng nhặt cháu về, cháu đã mang
dáng hình của đứa trẻ, người ta bọc cháu trong tấm vải ghi rõ quê quán ở
huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Hiện nay, chúng tôi luôn phải đào sẵn
huyệt mộ để an táng những đứa trẻ mới. Trung bình mỗi ngày nghĩa trang
đón 20 cháu, thật đau lòng xót xa.
Khu
chôn cất dành cho hài nhi trong nghĩa trang Đồi Cốc mới được xây dựng
chưa đầy 10 năm. Con số hài nhi xấu số bị bỏ rơi được người làng đưa về
đây an táng luôn gia tăng sau mỗi năm, thậm chí năm 2011 gấp đôi năm
2010.
Theo
người dân thôn Đồi Cốc, ở trên địa bàn huyện và địa bàn thị xã Phúc Yên
( Vĩnh Phúc ) có nhiều khu công nghiệp, một số hài nhi bị bỏ rơi có bố
mẹ là công nhân tại các xí nghiệp. Họ bỏ đi máu mủ ruột rà của mình lúc
chưa thành dáng thành hình thì quả là chua xót, đáng trách. Hơn 5 vạn
hài chi chỉ là con số mà bà con thu nhặt được, chắc hẳn con số thực tế
lớn hơn rất nhiều.
“Cuộc
sống ngày càng phát triển thì con người ta sống càng buông thả hơn.
Ngày càng nhiều các cô gái đến các phòng khám ở thị trấn Sóc Sơn, ở thị
xã Phúc Yên ( Vĩnh Phúc ) để phá thai cũng đồng nghĩa với việc ngày càng
nhiều những nấm mộ hài nhi mọc lên. Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các
cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng. Càng
thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã
phải chịu thay tội vạ mà các bậc sinh thành chúng đã gây ra", một người
dân trong làng xót xa.
Cả làng đi nhặt… xác hài nhi
Theo
lời ông Thạo, năm 2000, một người dân trong làng đã vô tình phát hiện
một hài nhi bị bỏ ở vệ đường, người đó thương cảm đã đưa về nghĩa trang
thôn an táng. Thế rồi không ai bảo ai, từ đó tới nay, người dân trong
làng hễ thấy hài nhi xấu số là nhặt về chôn cất, nhiều người còn lặn lội
hàng chục cây số, biết có tin hài nhi bị bỏ rơi, thậm chí đến tận các
cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để xin về chôn cất. Mọi người ở đây quan
niệm, đứa trẻ dù chưa được sinh ra những đã có phần hồn và thể xác, phải
an táng chúng như những con người khi lìa trần thì mới an lòng.
Cuộc
sống người dân làng Đồi Cốc không mấy dư dả, nhưng có tấm lòng, họ họp
bàn nhau lại để xây dựng khu nghĩa trang dành cho hài nhi, khang trang
sạch sẽ. Người có của, kẻ có công, sau vài năm, hàng trăm ngôi mộ đã
được xây dựng bề thế. Những mộ em bé có tên tuổi còn được gắn bia đá.
Rời
nghĩa trang Đồi Cốc khi mặt trời đã tắt. Những ngôi mộ của các sinh
linh bé nhỏ chìm dân vào màn sương, chúng đã có giấc ngủ yên bình bởi
bàn tay chăm sóc của những người không trực tiếp sinh thành. Ở đâu đó,
những người cha, người mẹ của chúng có phải trả giá bằng sự day dứt xé
lòng ?
Theo NINH THANH, Infonet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét