Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Làm chứng cho sự thật

Con người luôn khao khát tìm kiếm chân lý và sự thật, nhưng không phải ai cũng đạt được những khát vọng của mình. Vì vậy, con người luôn lo âu và khắc khoải về cuộc đời của mình. Khi sống trong thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ, con người luôn đề cao trí thức, hiểu biết và khoa học, còn giá trị thiêng liêng và đời sống đức tin thì đang bị bóp méo và chết dần bởi lý luận thực dụng của con người. 
 
Trong ngày lễ mừng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay, chúng ta cùng nhau nhìn lại và khám khá con người vị Sứ giả của Tin Mừng. Ngài đã sống và làm chứng cho sự thật, như lời Thánh sử Gioan viết: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, người đó tên là Gioan Tẩy Giả, ông đến để làm chứng cho Ánh Sáng” (Ga 1,6). Thật vậy, ngày nay nhân loại đang cần những chứng nhân sống động hơn là thầy dạy. Tôi lại chợt nhớ đến một chứng từ có tựa đề là “Con nay trở về” của Phan Như Ngọc, nguyên Trưởng phòng Vật lý Hạt nhân Viện Khoa học Việt Nam. Vì là một nhà khoa học và cũng là một người vô thần, ông ta cho rằng, ai tin vào Thiên Chúa là người mê tín dị đoan. Trong suốt 13 năm dạy học, ông ta nhồi nhét cho các sinh viên những tư tưởng duy vật và chống lại đường lối của Thiên Chúa.
 
Đến năm 1989, trong một chuyến đi công tác tại Đức, ông ta gặp được một nhà truyền giáo Hà Lan, tên Henk Wolthaus, đến phát Thánh Kinh và những quyển sách nhỏ cho mọi người. Vì có tính tò mò, ông muốn biết cuốn sách này nói gì. Khi mở những trang đầu cuốn Thánh Kinh, ông cảm thấy khó chịu, không thể hiểu được tại sao vũ trụ này lại được tạo dựng trong 6 ngày. Thật là vô lý. Khi đọc tới cuốn Tân ước, ông cũng không thể tin việc Chúa Giêsu chữa lành cho người mù được sáng mắt, người cùi được sạch, kẻ què đi được, người chết sống lại… Tất cả như những câu truyện thần thoại dành cho trẻ con. 
 
Những phép lạ trong Kinh Thánh làm cho cái đầu quen lý luận theo kiểu vô thần của ông ta không sao hiểu nổi. Từ cái khó hiểu và vô lý đó đã nảy ra trong đầu ông ta một câu hỏi, đó là: Sức mạnh nào khiến cho hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có hầu hết các nhà khoa học vĩ đại, tin vào Kinh Thánh? Họ là những người cuồng tín, hay là chính mình là người ngu dốt? Và từ những cuốn sách mỏng của người truyền đạo Hà Lan, ông ta đã đọc được những câu bất hủ sau đây:

Isaac Newton (Anh, 1642-1727) đã kết luận: “Trong Kinh Thánh có nhiều biểu hiện chắc chắn về tính có thực hơn bất cứ một câu chuyện nào chống lại sách đó.
 
Victor Hugo (Pháp 1802-1885) viết: “Nước Anh có hai cuốn sách: Kinh Thánh và Shakespear. Nước Anh sinh ra Shakespear, còn Kinh Thánh làm nên nước Anh”.
 
Albert Einstein (Đức, 1879-1955), nhà vật lý được coi là vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã phát biểu: “Khoa học không có tôn giáo là mù loà, tôn giáo mà thiếu khoa học là què quặt”.
 
Theo như lời tự thuật của Phan Như Ngọc, thì lúc bấy giờ ông chưa được hiểu biết nhiều về Thiên Chúa, nhưng Chúa đã mở cõi lòng chai cứng và làm thay đổi não trạng và thành kiến của ông. Ông ta xác tín: “Chúa dùng Thánh Kinh và những lời của các nhà khoa học để mở con mắt đức tin cho tôi. 13 năm dạy học là 13 năm tôi bước đi trên con đường lầm lạc và xa cách Thiên Chúa, tôi cảm thấy xót xa ân hận vô cùng. Nếu linh hồn của lớp đàn em tôi bị hư mất thì chính tôi phải gánh chịu một phần trách nhiệm, vì tôi đã gây nên tội”. 
 
Thật là một điều kỳ diệu. Là một nhà khoa học, một người vô thần, ông ta lại dám nói những lời đầy xác tín như thế để làm chứng cho Tin Mừng trong thế kỷ 21 này, ông ta đã nói lên sự thật về tình yêu Thiên Chúa, như lời Thánh GioanTẩy giả đã công bố: “Tôi không phải là Đấng Cứu Thế, nhưng sẽ có một Người đến sau tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày Người” (Lc 3,16). Sứ vụ rao giảng của Gioan là dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, ngài kêu goi người ta ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Ngài bảo vệ cho chân lý và sự thật. Khi đã tố cáo vua Hêrôđê phạm tội loạn luân với bà Hêrôđia, vì ông này đã chiếm vợ của anh mình, thì sứ vụ rao giảng của Gioan Tẩy Giả đã chấm dứt: ngài bị tống ngục và bị chặt đầu, cái chết của ngài là làm chứng cho sự thật.
 
Thế thì, chúng ta rút ra bài học gì từ Thánh Gioan hôm nay để có thể dám sống và làm chứng cho sự thật, cho chân lý, trong khi người đời thường bảo nhau: “Thật thà thường thua thiệt, lắt léo lại lên lương”. Sự thật đang bị bóp méo bởi cái tâm giả. 

Gioan Tẩy Giả chỉ cho chúng ta sống thực với chính mình bằng đời sống cầu nguyện, ăn chay hãm mình, bằng cuộc sống đơn sơ và khiêm nhường.
 
Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta phải biết chấp nhận chính mình, không phô trương, tự đắc khi thành công, biết tôn trọng giá trị tốt đẹp của người khác. Chính Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống” dẫn lối cho chúng ta đi và làm chứng cho sự thật về tình yêu của Ngài trong thế giới này. 
 
Như lời Phan Như Ngọc đã trải nghiệm, “khi tin vào Chúa, chúng ta sẽ nếm trải được tình yêu ngọt ngào ấy, như hàng tỷ người trên thế giới này, và chính tôi đã có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy mình như là những con người lạc đường quay trở về nhà Cha của mình”.


Lm. John Nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét