LTCGVN (16.06.2012)
Nhìn lên. Nhìn xuống. Nhìn quanh quẩn. Có cái nhìn lương thiện. Có cái nhìn lẳng lơi. Nhìn vu vơ. Nhìn quyến rũ. Nhìn thoáng qua. Trong cái nhìn kĩ, cũng có thể chia thành nhiều cái nhìn khác như là nhìn thèm muốn, nhìn tìm hiểu, nhìn gian tham.
Yêu lặng lẽ là yêu không dám nói
Là âm thầm để chuốc lấy thương đau
Nhìn người ta rồi khe khẽ cúi đầu
Để đêm vè khóc thầm bên gối trắng (1)
Chỉ có “nhìn người ta” thôi mà trong cái nhìn ấy có “yêu lặng lẽ”, có “yêu không dám nói”, có “âm thầm”, có “thương đau”, có “khe khẽ cái đầu”, có “khóc thầm”, có “gối trắng”. Trời ơi! một cái nhìn thôi sao nhiều í quá, beo nhiêu hình ảnh! Thế mà trên đời lại có không biết bao nhiêu cái nhìn!
Không ai nói hết được về những cái nhìn. Nhìn nhiều mà vẫn có thể là nhìn thiếu. Vì thế, những gì tôi viết về cái nhìn chỉ là cái nhìn bắt đầu gợi í mà thôi. Tôi muốn gợi í về hai cái nhìn. Cái nhìn thứ nhất là thấy vì đã nhìn. Cái nhìn thứ hai là nhìn mà không thấy.
Đôi mắt mở ra cho nhiều cuộc gặp gỡ diệu kì. Chiều hoàng hôn đẹp có thể cho người nghệ sĩ một tác phẩm thành hình. Có người nhìn dòng sông mà soi tâm hồn cuộc sống trong dòng đời. Có người nhìn những biến cố xẩy đến trong định mệnh rồi thấy con đường Chúa muốn mình đi. Rất nhiều í nghĩa cuộc sống đã được khám phá vì chịu khó nhìn. Thí dụ hai người môn đệ của Yoan Tẩy Giả: “Hãy đếm mà xem. Họ đến, thấy chỗ Chúa ở và lưu lại với Ngài” (Yn. 1:39).Hai người ấy đã đến, đã xem, đã gặp rồi theo Chúa.
“Anh em cứ nhìn xem cây cả mà học hỏi. Khi anh em thấy cành nó mềm ra và trổ lá là biết mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó, anh em hãy biết Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (Mt. 24:32-33).Chúa Kitô bảo những người nghe Ngài là cứ qua cái nhìn sẽ khám phá các dấu chỉ í nghĩa. Cũng liên quan đến cái nhìn, Tin Mừng có một câu chuyện khác: “Nước Trời cũng giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi mất. Khi lúa mọc lên có bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện” (Mt. 13:24-26).Đó là hậu quả của những giấc ngủ thiếu cái nhìn. Trong đời sống thiêng liêng, ta thiếu những cái nhìn này biết bao. Các mục đồng chăn chiên và ba vua nhìn ngôi sao lạ dẫn đường mà thấy Thiên Chúa giáng sinh. Khởi đầu gặp gỡ ơn sủng là những cái nhìn.
Lạy Chúa, Chúa cho con nhiều cơ hội để gặp gỡ ơn sủng, nhưng con đã không nhìn kĩ, nhìn đủ. Khó khăn trong gia đình, nghèo đói trên đất nước, xích mích trong họ đạo, sự kiện nào cũng có nguyên nhân. Con không thấy vì con không quen nhìn.
Người mù ở cổng thành Jericô đã thấy Chúa rồi theo Chúa về Jêrusalem. Anh ta đã gặp ơn cứu độ. Ngày đó Chúa hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Người mù đáp: “Thưa Thầy xin cho tôi nhìn thấy được” (Mc. 10:51). Tất cả cái thấy đó hệ tại một yếu tố rất ngắn gọn: Lòng muốn của anh ta. Để thấy thì phải nhìn. Để thì thấy thì phải muốn. Ước ao là điều kiện đầu tiên mở ra cho một chân trời mới. Xin cho con biết ngỏ thời giờ cho những ngày tĩnh tâm để con nhìn những nguyên nhân nào đang làm đời mệt mỏi, mất vui. Con muốn lấy lời cầu xin của anh mù làm lời kinh của con hôm nay: “Thưa Thầy, xin cho con được thấy.”
Trong đời sống bình thường, kinh nghiệm cho hay nhiều lúc người ta muốn nhìn một vật gì đó, nhìn mãi mà chẳng thấy. Hai người đứng cạnh nhau, một người cứ hỏi: “Đấy, thấy không, thấy không?”. Người kia: “Đâu, ở chỗ nào đâu mà chăng thấy!” Như thế, ước ao nhìn mà cũng chưa thấy. Có người chỉ cho mà cũng chưa chắc thấy. Rồi gian nan hơn nữa là có khi thấy rồi mà không hiểu. Nhìn bức tranh chỉ thấy màu thôi chứ không thấy hội hoạ. Người không biết đọc sẽ thấy chữ chứ không thấy nghĩa. Thấy mà không hiểu thì cũng chả hơn gì nhìn mà không thấy.
Như vậy, để nhìn mà thấy, nghĩa là nhìn mà hiểu thì qua cái nhìn tiếp cận bên ngoài, người nhìn phải đi vào thế giới khác nữa: Thế giới nội tâm. Thế giới nội tâm này quyết định cái nhìn nào thấy và cái nhìn nào không thấy. Bao nhiều người nhìn Đức Kitô, nhưng vẫn không thấy đấy là Thiên Chúa. Nguyên nhân làm cho họ nhìn Đức Kitô mà không thấy Ngài là Thiên Chúa vì thế giới nội tâm của họ cắt nghĩa sai về những gì họ nhìn nơi Đức Kitô.
Tảng đá là tảng đá. Tự nơi sự vật không bao giờ sai về bản thể của nó. Có người nhìn tảng đá nhưng bảo là ngôi mộ. Vậy nhìn mà không thấy điều phải thấy luôn luôn sai về phía chủ thể nhìn. Nơi chủ thể nhìn có một đà cản. Để nhìn rõ, Đức Kitô bảo: “Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ” (Mt. 7:5)
Theo lời Đức Kitô, để nhìn rõ, con người phải chuẩn bị sửa soạn ở phía mình. Lấy cái xà ra không phải là dễ. Khó vì có thể không biết mình có cái xà. Và có khi biết mà lấy không được, hoặc được mà không trọn vẹn. Thí dụ, nhìn ngôi mộ, ban ngày đi qua ta thấy, như trong Kiều của Nguyễn Du, nó chỉ là “sè sè nấm đất bên đường”. Nhưng tối đến, ngang qua, ta thấy sợ. Ta nói với mình: “đừng sợ, đó chỉ là nấm đất”, nhưng vẫn không hết sợ. Ta biết có cái xà cản, muốn lấy đi mà không được. Hoặc cũng chỉ một ngôi mộ, mà một người sợ, một người không sợ. Như vậy, không phải tại ngôi mộ mà tại ta đã nhìn sự vật không đúng như sự vật nữa. Thế giới nội tâm cắt nghĩa cho nó những hình ảnh khác về chính nó. Đây là một thứ xà trong mắt. Ta không có tự do để nhìn khách thể bị nhìn như những gì nó là. Cáo xà cản này có nhiều hình thức, nó là giáo dục, tập quán, môi trường sống, sức khoẻ, những gì liên quan đến con người.
Nhìn mà không thấy thì những phản ứng, hành động tiếp sau sẽ sai lạc. Sự sai lạc này xẩy ra dưới 3 cấp bậc khác nhau. Sai ít, là những cái sai làm ta đau khổ ít. Sai nhiều, là những cái sai gây đau khổ nhiều. Cái sai đau khổ nhất là không nhìn thấy Đức Kitô.
- Có những lúc chúng ta mua lộn một món đồ. Đi lộn một khúc đưòng. Trang điểm lộn một nét son. Cuộc đời có những cái chọn sai. Nhưng đây chỉ là cái sai nhỏ. Một thoáng qua rồi cũng xong.
- Có người, một lúc nào đó, thở dài. Nhớ lại ngày đầu quen nhau. Tại sao ngày ấy mình không nhìn ra sự thật thế này nhỉ! Bây giờ mọi sự đã lỡ làng. Biết sao đây. Mua lộn chiếc áo thì đổi chiếc khác. Nhưng cưới lộn một người biết bao giờ đổi! Đây là cái sai chết trong đời người.
- Sống là nhìn. Nhìn chung quanh. Nhìn trời cao. Nhìn đất thấp. Nhìn mà không thấy rõ hướng thì đời sẽ đi sai. Chọn sai, đời sẽ khổ. Tẩt cả hạnh phúc của con người hệ tại những cái nhìn đúng và chọn đúng. Sai ít, đời khổ ít. Sai nhiều, đời khổ nhiều. Trong ba cái nhìn, cái nhìn không thấy Đức Kitô rồi bảo đó là tên quỷ ám, tên mê ăn uống, tên tội lỗi, không phải là người cảu Thiên Chúa (Yn. 9:24;9:16. Mt. 9:11;9:34. Lc. 19:7)
Ra trước tòa phán xét về cuộc sống đời sau là ngày hệ trọng nhất. Ngày ấy liên quan đến cái nhìn nhiều lắm. Phúc Âm Mátthêu kể về cái nhìn như sau:
Đức vua nói với những người bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho ma quỷ và các ác thần của nó. Vì xưa Ta đói các người không cho căn. Ta khát các người không cho uống. Ta là khách lạ các người đã không tiếp rước. Ta trần truồng các người không cho mặc. Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thămnom.“ Bấy giờ những người ấy sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chũng con THẤY Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không giúp đỡ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các người đã không làm cho chính Ta vậy.” Thế là họ sẽ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính thì vào hưởng sự sống muôn đời (Mt. 25:41-46)
Cuộc sống vĩnh hằng của họ rơi vào tràm ải vì không nhìn thấy Chúa nghèo đói. Để nhìn mà thấy thì phải có điều kiện. Chúa đã chỉ cho những kẻ theo Ngài điều kiện đó: “Phúc cho ai cótâm hồn trong sạch vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt. 5:8). Như vậy, điều kiện để nhìn mà THẤY là một tâm hồn trong sạch. Tội là mây mù mưa sa ngăn cản lối nhìn. Khách thể bị nhìn không thay đổi. Nội tâm chúng ta cắt nghĩa khách thể chúng ta nhìn. Cũng một người đàn bà phạm tội, những người Pharisiêu thấy: “Người đàn bà này bị bắt quả tang ngoại tình. Theo luật, chúng tôi phải ném đã hạng đàn bà như thế”. Còn Chúa Kitô thì: “Ta không xử tội người đâu. Đi đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Yn 8:1-11). Cùng một sự kiện, hai cái nhìn, hai lối thấy khác nhau. Những người Pharisiêu không nhìn thấy độ lượng, bao dung vì họ không có trái tim trong sạch. Chính câu nói của Chúa: “Ai trong các ngươi sạch tội thì ném đá trước đi”, cho thấy điều kiện để nhìn thấy Chúa là trái tim sạch tội.
Lạy Chúa, để hạnh phúc thì con phải nhìn rõ. Thế giới nội tâm con bị đục vì lo âu, vì tội lỗi vì đam mê nên nhìn mà không thấy, thấy mà hiểu sai. Xin Chúa cho con quả tim mới để con có cái nhìn đúng về người chung quanh con đang sống với. Và quan trọng hơn nữa là nhìn rõ về chính con. Theo cái nhìn của Chúa thì cứ khởi đầu bằng lòng thương xót. Có lòng bao dung, độ lượng con sẽ nhìn cuộc đời rõ và đúng hơn.
Để biết mình nhìn mà có thấy hay không thì có thể kiểm chứng qua hai cách. Thứ nhất là xét về kết quả những cái nhìn của kẻ gặp Chúa xem thế nào. Thứ hai là tìm xem cách Chúa nhìn ra sao.
Thứ nhất, kẻ “thấy” Chúa thì đời họ có sự biến đổi qua hành động cụ thể. người mù thì lên đường theo Chúa về Jêrusalem. Hai môn đệ của Yoan thấy Chúa rồi thì ở lại với Ngài. Người đàn bên giếng nước thì chạy về nói cho dân trong làng. Môn đệ trên đường Emau thì thấy như bừng lửa trong lòng.
Thưa hai, Đức Kitô nhìn con người bằng tâm hồn xót thương. Thí dụ như một chiều bên đồi cỏ, thấy dân chúng đói, Chúa đã truyền cho các môn đệ lo cho họ ăn: “Thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt. 9:36). Rồi ở nhà Maria, trước cái chết của Lazarô: “Thấy cô khóc và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Đức Kitô thổn thức trong lòng và xao xuyến.” Khi người ta bảo Ngài đến mà xem chỗ xác Lazarô nằm thì Yoan tường thuật: “Đức Yêsu liền khóc” (Yn. 11:32-35). Cái nhìn của Đức Kitô luôn luôn chứa chan một tình cảm sâu trong tim.
Để xét mình, tôi có thể dựa vào hai tiêu chuẩn này mà hỏi linh hồn. Tôi có cái nhìn nhân ái với con người hay không? Có gì thay đổi trong lối sống của tôi không? Nếu không có, thì những gì tôi nhìn thấy Chúa có thể chẳng khác người Pharisiêu thấy Chúa là bao. Tử nạn lịch sử trên Núi Sọ của Đức Kitô đã hoàn tất. Hôm nay chỉ còn tử nạn của Đức Kitô nơi con người. Câu trả lời: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con THẤY Chúa đói, khắt, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, hay yếu hay ngồi tù, mà không giúp đỡ Chúa đâu?” là chứng từ một cái NHÌN MÀ KHÔNG THẤY.
Câu Chúa đáp trả: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các người không làm như thế cho một trong những người bé nhỉ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”, là chứng từ minh xác rằng cách ta nhìn trong cuộc sống này sẽ liên hệ tới số phận đời đời.
---------------------------------------------------------
(1) Lời thơ trên tôi không nhớ trọn vẹn. Có thể là của Lệ Khánh, trong tập thơ Em Là Gái Trời Bắt Xấu.
Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
Nguồn: Mạng Lưới Dũng Lạc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét