Tôi sinh ra là đứa út ít trong nhà. Bố mẹ tôi đã chủ trương đặt tên Thánh cho các con, hễ con trai thì ngoài tên riêng được thêm tên của bố, hễ con gái thì ngoài tên riêng được thêm tên của Mẹ. Thế là tôi có được tên Thánh thật dài: Giuse Maria Antôn. Ba mươi ba năm sau, khấn DCCT ngày 1 tháng 8, tôi được thêm tên Thánh An Phong. Thế là tôi luôn khoe với mọi người, rằng mình được mừng Bổn Mạng gần như... quanh năm: Thánh Giuse 2 lần, Thánh Antôn và Thánh An Phong, mỗi vị 1 lần, riêng Đức Mẹ thì ngoài các lễ trọng còn thêm 52 lần thứ bảy hằng tuần.
Nghe vậy cứ ngỡ tôi đạo đức sốt sắng ghê lắm, con cưng Đức Mẹ mà ! Thưa, không được như thế đâu, tôi viết bài này không hẳn như một hồi ký, nhưng xin được như một hồi ức về Mẹ, chia sẻ với mọi người nhưng thật ra là để chính mình có cơ hội để quỳ xuống cúi đầu xin lỗi Mẹ, để rồi sẽ yêu mến gắn bó với Mẹ nhiều hơn, thật hơn, sâu hơn.
Đọc những lời bộc bạch tâm sự này, nếu quý độc giả thấy có thể đồng cảm được ở một góc nào, một mảnh nào đó, tôi sẽ mừng ghê lắm và chúng ta sẽ càng thân nhau hơn trong tình nghĩa cùng là con cái của Mẹ.
Trước ngày 30 tháng 4, tôi chỉ là một chú bé học sinh thành phố, ham chơi, lắm trò nghịch ngợm, tuy nhiên cũng đã bắt đầu nếm trải những nỗi kinh sợ máu lửa và bom đạn của cuộc đảo chính 1963, của Tết Mậu Thân 1968, của mùa hè đỏ lửa 1972, và của những ngày tranh tối tranh sáng 1975.
Mới ba, bốn tuổi đầu, đi ông nha sĩ quen ở gần chợ Tân Định để nhổ mấy cái răng sữa bị sâu, tôi đã chứng kiến những cuộc biểu tình phất phới những tấm áo vàng của Nhà Phật với gạch đá, ống nước bằng sắt và lựu đạn cay trước cuộc đảo chính 1 tháng 11 năm 63, lật đổ ông Ngô Đình Diệm.
Mới chín, mười tuổi, mê mẩn với trò đốt pháo đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968 thì ngay sau đó đã được nghe súng AK47 và B40 của quân Giải Phóng nằm vùng nổ rền ngay trước hiên nhà. Sau đó, thì hằng đêm, cả nhà tôi 8 người cùng chui vào cái hầm nổi diện tích chỉ có 4 mét vuông, chất đầy bao cát ngay giữa nhà, để may ra thoát chết nếu có pháo kích của “mấy ổng” bằng hỏa tiễn 122 ly từ miệt Hóc Môn rót vô tội vạ vào nội ô Sàigòn.
Và, may quá, giữa cái không khí binh biến và chiến tranh chết chóc hãi hùng ấy, ký ức niên thiếu của tôi còn được ghi dấu không phai những kỷ niệm về Đức Mẹ.
Vâng, năm 1965, lúc ấy tôi mới lên sáu, bé xíu, đang học tiểu học với các Nữ Tu Dòng Đức Bà Truyền Giáo ( Notre Dame des Missions ) ở Thị Nghè, đi học được nghe các dì kể chuyện, về nhà lại được ba mẹ tôi cho xem ảnh, cho đọc báo Thăng Tiến nên bây giờ còn nhớ rõ lắm. Pho tượng Đức Mẹ Fatima gương mặt thật đẹp nhưng cũng thật buồn, một giọt nước mắt luôn đọng nơi cánh mũi, ánh mắt nhìn sâu thăm thẳm, hai cánh tay đưa ra với một tràng chuỗi lấp lánh long lanh, như muốn trao, lại nửa như muốn níu, muốn kéo, muốn vớt lấy đàn con khốn khổ.
Tôi nghe gọi tên “Đức Mẹ Thánh Du”, rằng Mẹ đã đi khắp các nước trên thế giới, rồi nay Mẹ đến thăm dân Việt, đất Việt. Mẹ không chỉ đến các Trung Tâm Hành Hương lớn và các Nhà Thờ Chính Tòa của các Giáo Phận, Mẹ vào cả Khám Chí Hòa gặp các tù nhân, vào Tổng Y Viện Công Hòa gặp các thương bệnh binh. Mẹ đến tận cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nơi lúc ấy còn cắt đôi đất nước... Bài Thánh Ca của nhạc sĩ Hải Linh sáng tác từ xa xưa ngoài Bắc trước thời di cư, nay được cất lên trong đầm đìa nước mắt: “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám chiến tranh điêu tàn, Mẹ hãy giơ tay ban phúc Bình An, nước Việt Nam qua phút nguy nan”.
Ở Giáo Xứ Phanxicô Đakao của tôi khi ấy có tổ chức cho từng gia đình đón Đức Mẹ Fatima về nhà, rồi cả xóm, các liên gia kéo đến, cả những người Phật Giáo ở gần đó, tất cả quây quần bên Mẹ đọc kinh lần chuỗi, hát Thánh Ca thật là sốt sắng. Ngay đám nhóc tì chúng tôi ngày thường hò hét chạy nhảy linh tinh, bỗng nhiên cũng biết ngồi chăm chú khoanh tay xếp bằng trên những chiếc chiếu trải dưới n ền nhà, sát ngay bàn thờ đặt tượng Mẹ. Của đáng tội, có buồn ngủ quá thì nằm xoài ra đấy cũng chẳng ai la mắng, mắt nhắm tịt nhưng mà có chịu ngủ đâu, tai vẫn lắng nghe từng vần hát cung kinh ngân nga da diết.
Đầu năm 1974, Đức Mẹ Fatima lại Thánh Du đến Việt Nam một lần nữa. Lúc ấy chiến sự Bắc Nam đã dữ dội lắm rồi. Mẹ lại khóc, cả đất nước, người giáo người lương cùng khóc. Trong một buổi cung nghinh tại Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn, đám đông hàng vạn người đã vây kín các lối đi, các cửa ngõ, không cách nào đưa Đức Mẹ ra đi.
Sau này tôi nghe kể một giai thoại: cha Tiến Lộc, DCCT, đã nẩy ra sáng kiến, đề nghị Ban Tổ Chức cho ngay một xe cứu thương hụ còi chạy đến, rẽ đám đông để đưa được đuôi xe đến một ngách bên hông Nhà Thờ Chính Tòa. Và Đức Mẹ đã được bọc kín bằng mấy tấm vải trắng, đặt nằm lên băngca khiêng ra xe như một người bệnh đang cần đưa đi cấp cứu. Và thế là Mẹ đã được “cứu giúp” kịp thời như Mẹ đã và vẫn luôn cứu giúp con cái của Mẹ trong những khoảnh khắc tử sinh.
Sang năm 1975, vừa hết Tết thì gần như mỗi ngày, lại thêm một tỉnh chìm trong lửa khói, đoàn dân tỵ nạn vừa chạy từ tỉnh bên cạnh về, chưa kịp dựng xong lều bạt tạm cư, đã lại nháo nhào bỏ chạy tiếp. Người Sàigòn chúng tôi lúc ấy đâm ra ngơ ngác. Khắp nơi người ta chạy về thành phố của mình, đến phiên mình thì biết chạy đi đâu ?
Tôi đã từng được bố tôi cho xem bức ảnh bà cụ di cư 54 từ Bắc vào Nam, của nả chẳng có gì ngoài một giỏ cói gánh vai, thế mà tay vẫn cặp theo bằng được bức ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bây giờ hơn mươi năm sau, tôi lại thấy cũng một bà già hao hao như thế, cũng chít khăn mỏ quạ, cũng răng đen mã tấu, chạy từ Dốc Mơ, Gia Kiệm về, thấy đất Sàigòn có lẽ cũng không ổn, lại loay hoay định tìm đường chạy tỵ nạn tiếp về đến Rạch Giá, tay khư khư ôm một pho tượng Đức Mẹ Fatima mà hình như lòng thì tin chắc rằng chính Mẹ mới là người đang ôm mình vào lòng.
Ngày 8 tháng 4, tôi đang ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi Brevet thì bom nổ ngay giữa lòng Sàigòn. Tấm sàn gác gỗ tôi đang nằm như thụng xuống rồi bật dội lên. Người ta ném bom Dinh Độc Lập. Cả thành phố kinh hoàng xôn xao. Lính bắt đầu đóng chốt, giăng kẽm gai các cửa ngõ vào Sàigòn. Tin tức lan nhanh, nhật báo bán đắt như tôm tươi, vật giá gạo sữa và xăng nhớt tăng chóng mặt.
Hôm sau, gia đình tôi được tin ông anh rể là sĩ quan bị phục kích bắn chết ở Hóc Môn. Cả nhà lên nhận xác người thân trên Nghĩa Trang Quân Đội giữa tiếng khóc như ri của mấy chục bà vợ lính ôm ghì xác chồng, mấy trăm đứa trẻ con lính tròn xoe mắt nhìn xác bố. Buổi chiều mây mù ảm đạm, chợt có tiếng mẹ tôi bắt kinh Kính Mừng, thế là mọi người râm ran đọc theo, cả những gia đình không Công Giáo cũng như lắng nỗi đau lại, kìm nén và chịu đựng.
Chiều 28 tháng 4, tôi đang dự Thánh Lễ chiều ở Nhà Thờ Phanxicô Đakao thì bom lại nổ như sấm rền, súng đại liên và cao xạ giật đùng đùng như nhịp chày giã từng tràng tức muốn vỡ lồng ngực. Sau này mới biết có lại có máy bay phản lực ném bom Dinh Độc Lập. Sau khi cho rước Lễ, cha Sở cho anh chị em Giáo Dân chạy lên hẳn Cung Thánh để vào nấp sâu trong Tu Viện, riêng tôi thì liều lĩnh chạy về nhà, cứ nép sát các bức tường dọc phố mà đi, tránh những lằn đạn nảy tung trên mặt đường nhựa.
Tôi về được đến nhà thì thấy cả gia đình đang ngồi xệp dưới đất ở phòng trong, hướng mắt lên bàn thờ mà líu ríu đọc kinh. Vôi vữa trên trần rơi xuống từng đợt, bức tượng Đức Mẹ đặt trên bệ cao như rung rinh theo nhịp bom đạn hung hãn. Không ai bình tĩnh để nhớ mà đọc được một kinh nào cho ra đầu ra đuôi, cuối cùng lại vẫn... “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.”
Cứ thế, mấy ngày liên tiếp, dân Sàigòn sống trong hoang mang sợ hãi của một cuộc chiến đã gần tàn, tiếng máy bay gầm rú trên trời, tiếng xe chạy hỗn loạn trên đường, tiếng người lạc nhau gọi nhau í ới, tiếng trẻ con sơ sinh khóc ngằn ngặt, thỉnh thoảng nơi này chỗ kia lại bùng lên một vụ nổ, một đám cháy và những cuộc xô xát hôi của hỗn loạn.
Rồi 30 tháng 4... Không biết bao nhiêu người đã ra đi và bao nhiêu người ở lại. Cũng chưa có ai thống kê được chính xác bao nhiêu người đã nằm xuống, phía bên này lẫn phía bên kia...
Tôi học ba năm cuối cấp 3 ở ba trường khác nhau. Trùng hợp thật dễ thương, tôi đã khởi đầu với một trường tiểu học của các Nữ Tu Dòng Đức Bà Truyền Giáo ( Notre Dame des Missions ), đến năm lớp 12 kết thúc quãng đời Trung Học, tôi lại được gặp các Nữ Tu Dòng Đức Bà ( Dòng các nữ Kinh Sĩ Thánh Augustin ), vẫn quen được gọi là Regina Mundi. Đức Mẹ tuy được tôn dương như một bà quý phái sang trọng ( Notre Dame, Our Lady ) nhưng với nhận thức của một chú thiếu niên mới lớn, tôi đã đồng hóa một số Nữ Tu hiền hòa nhân hậu, lại vui vẻ nhỏ nhẹ, cởi mở dễ thương với chính Đức Mẹ, Đấng cứ ngỡ là cao xa cách biệt, triều thiên lóng lánh đứng trên bệ cao là cả và cõi đất này.
Hình như tất cả để chuẩn bị cho sau này tôi được đến với Đức Mẹ gần hơn nữa, thân tình hơn nữa, trong DCCT với Mẹ Hằng Cứu Giúp, tước hiệu nếu được dịch sát, cũng phải được vinh danh là Đức Bà ( Notre Dame du Perpétuel Secours – Our Lady of Perpetual Help ).
Với hai Nhà Dòng Đức Bà, tôi xin ghi nhớ mãi công ơn của các Nữ Tu đã dạy dỗ tôi, đặc biệt là các vị đã được Chúa gọi về: Sr. Jeanne de Valois, Sr. Raphael, Sr. Paul, Sr. Joseph Lê Thị Thơm và cô giáo Tâm Lý Chiều Sâu, Sr. Tô Thị Ánh.
Còn nhớ những năm 1977 – 1978, vừa mới qua biến cố 75 không lâu, bao nhiêu là xáo trộn trong xã hội và trên toàn đất nước, vậy mà sao buổi sáng hễ cứ lọt được vào khoảng sân trường trải sỏi và nhiều bóng cây râm mát của Dòng Đức Bà, lũ học trò con trai chúng tôi như thể tìm được một không gian bình yên và nhân ái, thanh cao và thánh thiện, thoát khỏi mọi thứ mít-tinh, cờ quạt, khẩu hiệu, ồn ào xôn xao.
Chắc có lẽ bên Sở Giáo Dục cũng không thể lường được là một ngôi Nguyện Đường xinh xắn ấm áp nằm lọt ngay giữa khuôn viên một trường học cấp 3 của Nhà Nước XHCN lại có một tác dụng tâm linh sâu xa tuyệt vời như thế nào đối với chúng tôi lúc ấy, cả dân Công Giáo cũng như bên lương, cả đối với các đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản !
Thi tốt nghiệp Phổ Thông ( nay gọi là Tú Tài ) vừa xong, cũng là lúc bạn bè chúng tôi xa nhau, mất nhau, một loạt đi vượt biên, khá nhiều bạn phải theo gia đình đi Kinh Tế Mới hoặc phải vào đời sớm để mưu sinh vì trong nhà còn có người đi học tập cải tạo. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ bùng, một số bạn trai phải đi bộ đội hoặc thanh niên xung phong sang tận Kampuchea. Chỉ còn một số ít lọt được vào Đại Học.
Bản thân tôi cũng đinh ninh mình đi thi vào trường Kiến Trúc chơi cho vui vậy thôi, lý lịch gồm đủ bộ: Bắc Kỳ, Công Giáo di cư, bố ngụy quyền, anh ngụy quân, thành phần tiểu tư sản trí thức thành thị... thì làm gì mà dám mơ tưởng đến chuyện làm sinh viên ?
Hôm ấy, tôi đi chơi lông bông cho vơi sự đời với mấy đứa bạn, đến trưa về nhà, chị tôi bảo: “Sáng nay mẹ đang quét sân thì có thư, ba mở xem thì ra giấy báo cậu được gọi trình diện trường Kiến Trúc. Ba đã bắt cả nhà vào quỳ gối trước bàn thờ đọc kinh lần chuỗi tạ ơn Đức Mẹ đấy ! Ba bảo đây là đứa con đầu tiên trong dòng họ nội ngoại được Mẹ thương cầu bầu cho vào được Đại Học !”
Mà đúng thật là phép lạ, sau này tôi vào trường rồi, tìm hiểu mới biết bài vẽ của tôi rất tốt nhưng vẫn bị đánh rớt vì lý lịch quá xấu, thế nhưng sau khi gọi tập trung đợt một, có quá nhiều bạn không ra trình diện, có lẽ vì đã vượt biên, thiếu túc số trầm trọng, trường phải xét đậu vớt. Và thế là tôi được công nhận là sinh viên của Nhà Nước, hàng tháng lãnh học bổng 18 đồng, được mua gạo, mua nhu yếu phẩm với giá cực rẻ, lại được cho cha mẹ “ăn theo” mấy chục ký lương thực ngay trong giai đoạn bao cấp, cả nước đang phải ăn bo bo với khoai lang trừ cơm !
Hai mươi năm đầu đời của tôi cuối cùng được lại ghi dấu bằng một biến cố sinh tử mà tôi tin chắc mình đã được Đức Mẹ gìn giữ. Xập tối một ngày cuối năm 1979, tôi phải vào Nhà Thương Sàigòn cấp cứu, cứ ngỡ là đau bụng lình xình, không ngờ chỉ tý nữa thôi là vỡ ruột thừa ! Ca mổ của tôi là ca thứ tư, các bác sĩ và y tá đã quá đuối sức với những ca phức tạp trước đó, nhưng mạng sống tôi đã được cứu kịp thời.
Nằm trong phòng hậu phẫu, tôi vẫn còn thiêm thiếp trong cơn nửa tỉnh nửa mê, chỉ biết tay mình đang nắm thật chắc một bàn tay ai đó để bình an thiếp vào giấc ngủ. Đến sáng, tôi mở mắt thì thấy ba tôi đang ngồi gục đầu lên giường bệnh của tôi, một tay nắm chặt bàn tay tôi, một tay cầm xâu chuỗi, như thể ba tôi muốn làm một gạch nối giữa đứa con trai út đang thập tử nhất sinh với Đức Mẹ, Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Vậy đó, bây giờ nhìn lại đã mấy mươi năm trôi qua, ký ức tôi cũng một phần nhạt phai, chỉ còn giữ lại những nét hằn sâu của lịch sử và những vết sẹo từ các thương tích của chính đời mình, của bạn bè tôi, của từng gia đình, từng con người thời chiến tranh loạn ly và cả thời hậu chiến, tưởng là đã hòa bình nhưng vẫn có quá nhiều tang tóc đổ vỡ.
Và tôi cảm nhận rõ, tất cả, những người quanh tôi, lương lẫn giáo, miền Bắc miền Nam, người thắng kẻ thua, vô thần hãy tín hữu, bản thân tôi và mọi người, đều đã sống, đã khóc đã cười, đã bước đi trong vòng tay cứu giúp của Mẹ, cho dù có thể thâm tâm vẫn chưa nhìn ra Mẹ, thậm chí vẫn chống đối Mẹ ra mặt. Mẹ vẫn là Mẹ, mà lại là Hằng Cứu Giúp nữa cơ chứ... Mẹ luôn là Mẹ của tất cả, tất cả đều là những đứa con cần có tình thương của Mẹ nuôi cho lớn khôn...
Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin tiếp tục cứu giúp chúng con. Amen.
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT
Theo EPHATA số 513
0 nhận xét:
Đăng nhận xét