LTCGVN (12.06.2012)
Chẳng ai trang điểm khi sống một mình. Trang điểm là muốn được người nhìn. Muốn đẹp là để thu hút người và để người thu hút mình. Ngày nào còn sự khắc khoải muốn được thu hút ấy trên mặt đất thì trang điểm sẽ mãi mãi là vấn đề. Trai cần tài, gái cần sắc, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ miền đất này qua miền đất nọ, cứ thế mà con người đi tìm.
Tiêu chuẩn của xã hội mong ước là trời sinh làm con gái thì phải đẹp. Từ đó, người con gái cần vàng bạc, gấm vóc để điểm trang. Đời cũng muốn làm trai phải có tài. Vì thế, trí thức cũng có thể là một thứ trang điểm cho người con trai. Trong những tiêu chuẩn ấy, cũng có tiêu chuẩn cho người tông đồ. Đã là tông đồ thì phải đạo đức.
Bởi thế, thánh thiện có thể cũng là thứ trang sức mà xã hội đẩy người tông đồ đi tìm. Và, khi sự thánh thiện trở thành đồ trang sức thì nhân đức chỉ là một tà áo lụa, một chiếc nhẫn trên ngón tay mà thôi.
Có phải người con gái trời đã sinh để làm tươi mát cuộc đời. Họ là bông hoa trên bàn viết cho người nghệ sĩ, họ đưa sáng tạo tới, họ gọi tác phẩm thành hình. Có lẽ Thượng Đế muốn họ đẹp để giúp Ngài một tay kiện toàn sự sống trên vũ trụ này, vì thế, làm đẹp là “giới luật yêu thương” mà Ngài đã phổ vào tâm hồn mỗi người con gái. Họ được kêu gọi làm đẹp và Thượng Đế chuẩn bị cho họ tằm dâu nhả tơ may áo.
Loài ong cần mật để cho đời ngọt ngào vì đời nhiều đắng cay. Đời cần ngọt ngào để đời tiếp tục sống. Hoa không hương thì làm sao ong biết đường tìm đến hoa. Vì thế, hương như nhan sắc gọi ong tới. Hoa lấy hương gọi ong đến mà đưa nhuỵ phấn bay. Rồi chúng, cả hai, ban cho đời trái thơm dịu dàng.
Hoa cho mật ngọt. Ong cho hoa sự sống giao thoa. Sự khôn ngoa của Thượng Đế đã cho hoa có hương chỉ lối cho bầy ong. Cái đẹp của người con gái cũng trong mục đích của Thượng Đế là nuôi dưỡng sự sống của trái đất này. Sắc đẹp của người con gái là tín hiệu cho người con trai tìm đường. Bởi đó, người con gái trang điểm cho mình mà không có trái tim kính trọng sự sống và yêu mến sự sống là họ đã ăn cắp ơn sủng của Thượng Đế.
Trái Đất này đẹp là sự sống mà Thượng Đế đã trang hoàng cho nó. Ngài có muôn ngàn cánh ong là sứ giả buông lối tìm hoa. Mỗi mùa hoa nở là nghìn vạn tiếng gọi yêu thương. Rừng hoa đánh đi những tín hiệu. Rồi ngang dọc bầu trời, hàng triệu cánh ong nhỏ bận rộn vì những tín hiệu ấy. Chúng bay mọi góc biển chân trời để kiếm tìm. Chúng vượt thung lúng, chúng băng rừng già. Tất cả vì tín hiệu. Vũ trụ xôn xao biết bao. Cứ như mùa trẩy hội. Thượng Đế có sáng kiến vô cùng thú vị. Ngài làm Thượng Đế có sáng kiến vô cùng thú vị. Ngài làm cho vũ trụ nôn nao chỗ nào cũng là thương mến. Rồi êm đềm mà rạo rực, cả mặt đất chuyển mình. Bông hoa im lặng kết nụ thành trái. Hàng triệu triệ sự sống trong trái ngọt sẵn sàng gieo xuống đất mềm cho vũ trụ tiếp tục vũ điệu.
Từ nguyên thuỷ lâu lắm rồi, và sẽ là mãi mãi sau này không ai biết đến bao giờ, hoa cứ có hương sắc và bầy ong cứ náo nức đi tìm. Hoa không bay đi đây đó nhìn vũ trụ được thì Thượng Đế cho hương sắc để mà làm dáng. Để bày bướm rách cánh trong sương. Để bầy ong vất vả tìm kiếm. Nhưng hoa và ong, chúng chung khúc ngợi ca sự sống. Từ vùng đất này tới vùng đất khác. Hoa tiếp tục trang điểm đời mình bằng hương cho ong biết chỗ. Ở nơi đâu cũng thế, từ bờ tre đến đồi sim trên ngàn, hoa trang điểm bằng sắc cho bầy bướm khỏi lạc lối. Chúng bận rộn trang điểm cho mình. Và vì thế mà vũ trụ mới tươi xinh. Ngày hoa kết sắc màu và không còn hương bay. Ngày đó sẽ ủ dột cho bầy bướm biết bao và sầu buồn cho cánh ong như thế nào. Đấy là ý nghĩa của trang điểm.
Sau khi tạo dựng nên những tín hiệu yêu thương ấy, Thượng Đế thấy bày ong và cánh hoa thu hút nhau, Ngài hài lòng để rồi viết những trang đầu Kinh Thánh như thế này: “Mọi sự đều tốt lành quá đỗi” (Stk. 1:31).
Thấy mọi sự tốt lành. Vũ trụ tưng bừng kiếm tìm những tín hiệu yêu. Rồi Ngài bảo: “Ta hãy làm ra con người” (Stk. 1:26). Thế rồi Adam-Evà vào đời. Thượng Đế bảo họ: “Hãy sinh sôi nẩy nở và nên đầy dẫy trên mặt đất” (Stk. 1:28). Từ đó, Evà theo hoa gởi những tín hiệu yêu và Adam bắt chước cánh ong đi tìm. Evà có nhan sắc và bày bướm trong hồn Ađam run cánh trong sương mai.
Nhưng câu chuyện thần tiên không bao lâu phải chấm dứt. Evà đã muốn trang điểm cho mình một trí tuệ: “Ngày nào ăn trái táo ấy nàng sẽ nên thông minh” (Stk. 3:4). Evà nhìn trái cây đẹp mắt và thèm ăn. Người đàn bà đầu tiên của vũ trụ đã hái trái táo hồng đưa lên môi. Người thiếu nữ trang điểm sai từ dạo đó.
Theo dọc thời gian vào những thế kỉ tiếp nối, trang điểm là đầy đoạ lao đao cho mọi người con gái. Khi người con gái trang điểm mà không có yêu thương cho sự sống thì tín hiệu yêu sẽ làm người con trai lầm lạc. Khi người con trai lầm lạc thì người con gái khổ lụy.
Sau trái-táo-evà, cuộc luân vũ tuyệt vời của con người đã chấm dứt. Chỉ còn hoa và bầy ong vẫn tiếp tục. Trái đất hoang vu lỗi cung điệu nên Thượng Đế tiếp tục tạo dựng bày ong và rừng hoa để lời Kinh Thánh còn nối tiếp âm hưởng tốt đẹp thủa ban đầu. Ngày nào người con gái còn trang điểm sai thì vũ trụ còn lỗi nhịp. Ngày nào người con trai còn lầm lẫn vì trang điểm của người con gái thì lỗi nhịp ấy vẫn nối dài.
Người con gái có nên trang điểm cho người con trai tìm kiếm? Chắc Thượng Đế muốn như vậy. Nhưng thế nào là trang điểm và thế nào là đẹp thì e rằng người con gái chắc khó đủ trí tuệ để trả lời. Vì muốn thông minh như các thần “để biết mọi sự” nên trí tuệ Evà đã thành cằn khô. Sự trang điểm sai của người thiếu nữ đầu tiên ấy theo thời gian vào vũ trụ cũng làm biết bao người thiếu nữ hôm nay không biết đâu là ranh giới của vẻ đẹp và đâu là vực sâu của gian truân. Ađam đã lầm lẫn ngay bởi trí tuệ của Evà thì làm sao người con trai trả lời được câu hỏi ấy. Bởi đó, đi tìm định nghĩa cho trang điểm vẫn là câu hỏi gian nan vì nhan sắc. Còn người con trai vì nhan sắc cũng sẽ tiếp tục gian nan theo.
Chinh phục làm người ta thỏa mãn hạnh phúc và để người khác chinh phục cũng là một thú yêu đương.
Yêu và được yêu là nhu cầu sống. Bởi thế, con người tiếp tục trang điểm để hút nhau. Rồi từ những thúc đẩy của xã hội tiếp tục ban ra. Trai phải tài. Gái phải sắc. Tu sĩ phải đạo đức. Những khả năng ấy cần thiết để người đến với mình, để mình đến với người. Vì thế, người tông đồ cũng không dễ tránh khỏi đi tìm sự thánh thiện để đáp ứng quy định xã hội và nhu cầu của mình. Từ đấy, nẩy sinh những nhân đức như một thứ trang điểm.
Thánh thiện là hương nhân đức, nó thắp sáng bóng đêm. Khi người tông đồ lấy sự thánh thiện để trang điểm thì phải tìm ánh sáng để lộ ra người ta mới thấy nhân đức. Thánh thiện ấy không có khả năng đưa hương nhân đức ngược chiều gió, nên người tông đồ có phải tìm chiều gió mà thả hương.
Khi chán việc tông đồ chỉ vì người khác không thấy việc đạo đức của mình thì đấy là dấu hiệu nhân đức đó chỉ là một thứ trang điểm.
Bấy giờ, trong đáy sâu linh hồn sẽ có bóng dáng của ghen tương thôi thúc, so sánh mình với người. Xao xuyến về lời khen chê của người chung quanh định giá về tiếng tăm của mình, băn khoăn về địa vị xã hội sẽ làm lệch lạc nhận thức về sự thiêng liêng của công việc tông đồ. Và rồi, cũng việc tông đồ, nhưng, nếu tôi mất ngôi vị kia, không được người ấy để ý, tôi thấy chán nản rồi thôi không hợp tác nữa.
Người con gái trang điểm sai là đêm đời đi bên vực thẳm chênh vênh. Nhưng người tông đồ dùng sự thánh thiện để trang điểm sẽ đem đời mình đi dưới hố sâu.
Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
Nguồn: Mạng Lưới Dũng Lạc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét