Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Viết trong tâm hồn: ĐOẢN KHÚC 17: ƯỚC MƠ CỦA CHÚA

LTCGVN (11.06.2012)

“Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những

người Cha ban cho con cũng ở đó với con”

(Yn. 17:24).

Trong tình yêu, gần là thương, xa là nhớ. Những người yêu nhau, họ không chấp nhận ngăn cách của không gian. Họ mơ ước người yêu ở đâu thì họ ở đấy. Như cánh bướm, họ đi tìm. Ngay lá rừng, không cất cánh đi tìm mùa thu được, thì lúc thu đến, rừng lá cũng chuyển màu như í thầm nói lên nỗi mong, nỗi muốn bỏ quê cũ của mình mà đi tìm thu. Vũ trụ đi tìm vũ trụ. Con người đi tìm con người. Tình yêu thúc đẩy họ tìm nhau. Sao Đức Kitô không nói: “Lạy Cha, con muốn rằng những người Cha ban cho con ở đâu thì con cũng ở đấy.” Tại sao Ngài lại mơ ước ngược chiều là Ngài ở đâu thì tôi ở đấy, chứ không là tôi ở đâu thì Ngài theo đến đó với tôi.


Lạy Chúa, khi mến thương ai thì hay mang hình ảnh người ấy. không phải ấp ủ trong giấc mơ mà thôi mà trong cuộc sống thực.  Người hạnh phúc là người có nhiều kẻ thương mến, có hình bóng trong nhiều ước mơ. Con hạnh phúc vì trong ước mơ của Chúa có bóng hình con. Khi con nghĩ về một người thì trong mơ ước, con có cả một đường dài, một khung trời, một lối đi cho người ấy, chứ không phải chỉ là một hình ảnh có thể tan trong sương, bay theo nhẹ của khói. Vậy, khi Chúa mơ về con, Chúa có một khung trời cho con không? Chúa dùng ngôn ngữ rung cảm của xác thân là đau khổ, là tiếng khóc, là niềm vui, là hi vọng, là ước mơ mà nói với con, thì con cũng lấy ngôn ngữ tự nhiên ấy để cố hiểu về Chúa. Và, lạy Chúa, chiều nay, con muốn hiểu về ước mơ của Chúa cho con như thế nào.

Rẽ nhánh đôi bờ, trong tình yêu của con, tình yêu có cả hai, một bờ mong rằng mình ở đâu thì người mình thương ở đó. Và ngược lại, một bờ mong rằng người tôi thương ở đâu, tôi sẽ sẵn sàng đi tới nơi ấy. Trong mơ ước của Chúa có bóng dáng con. Chúa có khung trời nào  cho con khi nói rằng Chúa ở đâu thì con ở đấy?


Trên thập giá, con thấy  trong mơ ước của Chúa, Chúa đem con đi trong cả hai bến bờ của ước mơ. Ước mơ thứ nhất là con ở đâu thì Chúa tìm đến nơi ấy với con. Đó là Chúa đã sinh ra và ngồi chung ngưỡng cửa căn nhà nhân loại với con. Trong căn nhà nhân loại, Chúa đến bằng bước chân trần đi trên đường bụi cát. Có gió lạnh ở biển hồ đêm khuya. Có trưa mỏi bên giếng nước Samaria. Trong căn nhà nhân loại, Chúa ghé thăm những cánh buồm rất mệt trên dòng đời. Chúa an ủi những mảnh hồn rất lạnh, rất đơn côi trong cuộc sống, như Mađalêna, như người thiếu nữ bị kết tội phải ném đá cho chết. Trong căn nhà nhân loại, Chúa dẫn người mù lên đường, Chúa nâng người què đứng dậy, Chúa bào chữa cho những người nghèo khổ rằng “lề luật được dựng nên cho con người chứ không phải con người cho lề luật” (Mc. 2:37). Lời ca đêm Giáng Sinh nói cho con rất rõ về mơ ước này của Chúa: Một Con Trẻ sẽ sinh ra, tên gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi (Mt. 1:23).

Trong căn nhà nhân loại ấy, Chúa đã đến với con. Cả cuộc đời Chúa trong Tin Mừng là hình ảnh của một người đi tìm người mình thương mến. Có thể là rưng màu gai, có thể mệt ở một chân đồi, người chăn chiên vẫn đi tìm chiên cuả mình (Lc. 15:4-6). Chúa đi tìm con như tìm mảnh hồn của chính Chúa. Bỏ trời cao xuống căn nhà của con, gõ cửa linh hồn khi con đau ốm, đấy không phải là con ở đâu thì Chúa ở đó hay sao. Vậy mà lời nguyện của Chúa hôm nay sao lại khác thế. Chúa mơ ước rằng Chúa ở đâu thì con ở đấy.


Lạy Chúa, cũng nhìn lên thập giá, con suy niệm về ước mơ của Chúa. Chúa nói Chúa ở đâu thì mong con ở đấy là lúc Chúa sắp bước vào cuộc thương khó. Chúa sắp bị căn nhà nhân loại lên án tử hình. Cánh cửa đó sắp công bố một chối từ. Và trong xa cách ấy, Chúa vẫn muốn gần con. Rồi sẽ xa. Thập giá sẽ dựng nên. Căn nhà nhân loại sẽ đóng cửa.

Những gì chưa có thì mới là mơ ước. Đã mơ ước thì lúc nào cũng nghĩ tới điều mình mong. Khi Chúa mơ ước Chúa ở trên trời thì con cũng ở đó, có nghĩa là ngày nào con chưa về trời với Chúa thì trong hồn Chúa luôn có bóng hình con. Chúa không muôn mất con. Lạy Chúa, xin cho con suy niệm lời ước mơ này của để con thấy mình hạnh phúc.

Trong hai bến đỗ của liên hệ yêu thương, đến với người mình thương và ước ao người mình thương đến với mình, thì Chúa đã đến với con rồi. Đấy không còn là ước mơ của Chúa nữa. Bến đỗ ấy Chúa đã đi qua. Bến còn lại, Chúa chỉ biết ước mơ thôi, căn nhà nhân loại của con đóng cửa không cho Chúa ở. Con có đến với Chúa hay không là tuỳ con.

Người ta có thể giữ mơ ước trong hồn thing lặng. Người ta có thể kín đáo nuôi ước mơ. Trong ước mơ này, Chúa không giữ bóng hình con im lặng, Chúa dâng lời nói với Chúa Cha. Trong tâm hồn Chúa, hình ảnh con được Chúa gìn giữ rất quý, rất thương. Khi nói với ai về một ước mơ, có thể là mình sung sướng nhiều về mơ ước ấy, cũng có thể là mình muốn người khác giúp mình đạt được ước mơ. Đó là trường hợp của con trong ước mong của Chúa.

Có những mùa lá rụng rơi bên ngõ, hoàng hôn xuống dần, đưa đêm đến. Tự nhiên trong im lặng, con nghĩ tới ngày biệt ly. Rồi cũng như cuống lá xuôi đất về cội nguồn. Con sẽ đi về đâu khi tắt nắng trên dòng đời? Băn khoăn hỏi mình, con không khỏi những suy tư mà có lúc sợ đối diện. Sự Chết. Những bóng tối của tội lỗi, những lầm lỡ của yếu đuối, những xám hối không trọn vẹnh, còn có tất cả những tiếng nói ấy trong lương tâm. Có những giây phút trăn trở, lương tâm lên tiếng hỏi linh hồn,  nhất là trong những lúc đơn côi, nhìn hoàng hôn tắt dần. Rồi bên kia cuộc đời?

Không ai có kinh nghiệm về sự chết. Có những biệt ly không ngờ. Có những ra đi không sửa soạn. Chiếc lá không có hơi thở thế mà khi ngọn gió vẫy nó lìa đời, con vẫn cảm thấy một  nỗi tiếc. Huống chi một cuộc sống, bởi đó, nhìn ngày mình ra đi, con  thấy bâng khuâng.

Lòng Chúa tha thiết con về trời với Chúa nói cho con biết trước một hạnh phúc đang chờ. Ước mơ của Chúa như dòng suối mát, rất dịu và rất êm trong hồn con, cho con một niềm vui như những chồi non tiềm ẩn nhắc cành cây khô về nắng xuân đang tới. Trong ước mơ ấy, con thấy tình thương của Chúa rộng lắm, nó trải dài kín trong cuộc đời của Chúa, gìn giữ kín cuộc đời của con. Trong ước mơ ấy, Chúa cho con một đường dài vững chắc, một khung trời bảo đảm, một lối đi sẽ tới. Lúc nào Chúa cũng mong con có mặt ở nơi Chúa ở thì không một lẽ gì con lại không có mặt ở đó, lạy Chúa, con nguyện xin cho ước mơ ấy thấm sâu trong hồn con.

Con muốn suy niệm về ước mơ của Chúa để con không còn bâng khuâng về màu hoàng hôn, để con tin vui đi trong cõi đời vì con biết con luôn luôn là hình ảnh trong ước mơ thánh của Chúa.




  

Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
Nguồn: Mạng Lưới Dũng Lạc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét