Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Cánh diều



LTCGVN (11.06.2012)  - Sài Gòn - Mùa hè gắn liền với những cánh diều tuổi thơ tuyệt vời. Đặc biệt là ở những miền quê bình dị. Thế nhưng cánh-diều-giản-dị chỉ còn trong ký ức xa ngái…
Ngày xưa, tuổi thơ tôi vô cùng giản dị, nhưng thắm đượm “chất quê hương”. Tôi thường tự tay lấy giấy vở hoặc giấy báo để dán lại thành hình vuông, dán thêm thanh tre thẳng theo đường chéo của hình vuông và một thanh tre uốn vòng cung theo hai cạnh hình vuông, thế là thành thân diều. Đuôi diều là mấy dải giấy dán nối dài hoặc hình sợi xích.
Những buổi chiều lộng gió, tôi thỏa chí chạy ra cánh đồng rộng phía sau lũy tre làng để thả con diều giấy theo gió bay lên cao, càng cao càng thích. Chơi diều và đá dế là trò chơi tuổi thơ của những đứa trẻ vùng quê, hoặc chỉ là chơi khăng hay bắn bi mà thôi. Vô cùng giản dị. Trời tối mà vẫn chưa muốn kéo diều xuống. Có khi để diều bay cả đêm, nhất là những đêm trăng sáng. Mê lắm!
Ngày nay, người ta bán nhiều loại diều đủ hình thù các con vật, nhưng không được làm bằng giấy, và đủ màu sắc rực rỡ. Tuy nhiên, hình như không mấy trẻ em còn mê thả diều như ngày xưa. Trẻ em ngày nay “văn minh” nên chơi trò chơi trên máy vi tính hoặc trực tuyến (online games). Những trò chơi ngày nay không “hiền” như những cánh diều, mà lại rất “bạo lực”. Mất hết “mùi vị” quê hương. Thật tội nghiệp cho những con diều giấy, hầu như không còn ai muốn nhắc tới nữa!
Con diều giấy thật đơn sơ, nhưng lại có điều kỳ lạ: Gió ngược càng thổi mạnh, cánh diều càng vút cao.
Cuộc đời không ai muốn gian khổ nên luôn tìm mọi cách thoát khổ, nhưng đau khổ như một phần tất yếu của cuộc sống đã được “lập trình phần cứng”. Đau khổ như một hệ điều hành vậy. Thiếu nó thì không thể vận hành chiếc-máy-cuộc-đời. Gỡ nó ra thì bộ máy có thể bị tê liệt hoàn toàn. Lạ thật!
Khi Tòa Thánh mở án phong Chân phước cho ĐGH Gioan XXIII, người có công khai mạc Công Đồng Vatican II năm 1963, phe “luật sư của quỷ” không tìm thấy điều gì xấu ở ngài nên đã “tố cáo” rằng hồi nhỏ ĐGH Gioan XXIII hay chơi diều. Như vậy cánh diều đã từng là niềm vui tuổi thơ của một vị thánh Công giáo.
Cánh diều lên cao nhờ gió ngược, gió càng ngược và càng mạnh thì cánh diều càng vút cao. Đó là bài học tuyệt vời của cánh diều. Cũng vậy, con người thành nhân (đôi khi kể cả thành công) là nhờ những tình huống khó xử trong cuộc sống, càng trải nghiệm càng thêm khôn ngoan. René Bazin xác định: “Những trái tim đau khổ và dũng cảm là những tâm hồn cao thượng”. Thiết tưởng, ai cũng phải tự lưu ý: Đừng bao giờ lẫn lộn giữa hai khái niệm “thất thế” và “bại trận” (F. Scott Fitzgerald). Nghe chừng “thất thế” và “bại trận” có vẻ khá giống nhau, nhưng thực ra hoàn toàn khác. Trần Bình Trọng bị bắt do “thất thế” chứ ông không hề “bại trận”, nhất là khi ông ngước cao đầu hiên ngang tuyên bố trước mặt địch quân: “Thà làm quỷ Nước Nam còn hơn làm vương Đất Bắc”.
Nói về một người ngại khó (hoặc lười biếng) và một người không ngại khó (và có tính độc lập), Carandier so sánh:“Người muốn làm thì tìm ra phương tiện, người không muốn làm thì tìm ra lý do”. Thật vậy, ca dao Việt Nam có câu::
Non xanh bao tuổi mà già
Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu
Gian truân và đau khổ khiến người ta già và bạc đầu, nhưng đó chỉ là sinh lý, vấn đề quan trọng là đừng để tâm hồn mình già nua và cằn cỗi. Cách thoát khổ tốt nhất là đi xuyên qua gian khổ, cứ thản nhiên và luôn là chính mình, luôn đứng trên chính đôi chân của mình. Đó là sống theo bài học của cánh diều vậy!
TRẦM THIÊN THU
All Rights Reserved ®

0 nhận xét:

Đăng nhận xét