Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Sen trong bùn

LTCGVN (21.06.2012)

Em sinh ra trong một gia đình nghèo. Tuổi thơ em nhễ nhụa nước mắt. Em, một bé gái gầy gò, chưa lớn bao nhiêu thì đã chịu cảnh cha ra đi. Sốc! Rồi chẳng bao lâu mẹ cũng theo cha. Sững sờ đến mất cảm giác! Ngay cả đứa em trong bụng mẹ em cũng không được thấy mặt. Tủi thân! Một hành trình cuộc đời trong khắc nghiệt, cô đơn, ám ảnh bởi những điều quá mức chịu đựng của một trẻ thơ. Xúc cảm em bị tổn thương. Tâm lý em mong manh đầy sợ hãi. Em mồ côi, mồ côi theo đúng nghĩa của mồ côi. Và, em đã lớn lên từ hoàn cảnh ấy. Một mình, em đã vào đời, từ rất sớm. Những tháng năm sau đó, bao nhiêu biến cố kinh khủng khác đã xảy ra… Kể không hết được! Ta chợt dừng lại mà thắc mắc: Một người từ nhỏ đến lớn phải trải nghiệm những điều đau thương, kinh khủng như thế, sẽ trở thành người như thế nào? Lớn lên giữa xô xát khắc nghiệt của dòng đời như vậy, nhân cách người ấy sẽ ra sao? Và ta cũng chợt đau lòng nhận ra đây đó đầy những trường hợp “gần mực thì đen”. Một em bé sinh trưởng trong môi trường của những tiếng chửi bới thì ngôn từ của em cũng tục tĩu phàm phu. Nếu chung quanh em có những bất hòa đổ vỡ thì em cũng sẽ dễ bạo lực du côn. Nếu đời em phải lớn lên một mình chống chọi với sóng gió thì em có thể sẽ bất cần đời, ứng xử thô thiển, nhẫn tâm để tự vệ, để sống còn. Ta bỗng chợt giật mình tự hỏi lòng: Nếu tôi là em bé trong câu chuyện có thật ở trên, tôi sẽ trở thành người như thế nào nhỉ?
YYYYYYY
Tít tít tíii…..t
Tít tít tíii…..t
Tiếng còi cứ vang lên, tiếng ngắn tiếng dài, như thể đang nói thay tâm trạng của những người ngồi trên những chiếc xe máy. Hàng trăm chiếc xe, xe nào cũng có còi, còi nào cũng tít tít tít như muốn choảng nhau, trừ một chiếc xe. Chiếc xe ấy không tít tít tít như ‘hàng xóm’ đang inh ỏi bên cạnh, không phải vì nó không tít được mà bởi vì chủ của nó không bắt nó tít. Phong cách chen lấn, bóp còi, không phải là một thứ cần thiết để trở nên văn minh lịch sự nhưng vì một số lý do nào đó người ta đã cho nó phép nó len lỏi vào mình, trở thành thói quen bóp nghẹt lối sống thanh thản, nhẹ nhàng. Một buổi chiều mùa hè, siêu thị vẫn đông người mua sắm như mọi khi. Ai cũng muốn giành phần gửi xe trước nên bóp còi, chen, lấn, húc, cố ‘chiếm’ thật nhanh bất kì centimet không gian nào hở ra. Chủ của chiếc xe duy nhất không tít tít là Mỹ An. Mỹ An thông minh nên ước mơ của em cũng giản dị bởi vì càng đơn giản thì càng dễ hạnh phúc. Điều Mỹ An ước lúc này là thấy mọi người tắt máy xe cho khỏi hao xăng, quay qua chào nhau í ới cho vui thay vì tít tít tít mà tội nghiệp mấy bé xe. Làm như vậy biết đâu thời gian trôi qua mau hơn và việc gửi xe diễn ra trật tự hơn.
Cuộc sống lắm lo toan làm cho Mỹ An có nhiều căng thẳng. Một cách giảm căng thẳng đơn giản là nhai kẹo xinh-gum (chewing gum), vừa tập thể dục cho hàm vừa thư giãn đầu óc. Bóc một lát xinh-gum vừa mua của một bé trai bán vé số, Mỹ An thong thả cho vào miệng rồi từ từ thưởng thức cái vị the the, nhẹ nhẹ của vị bạc hà. Mỹ An vo tròn mảnh giấy bọc xinh-gum lại, bỏ vào túi để mang về nhà bỏ vào thùng rác. Góc phố chỗ Mỹ An đang đứng lúc đó tràn lan rác, thêm một cọng rác nhỏ tí ti như miếng giấy xinh-gum thì cũng chẳng làm bẩn nó thêm, có bớt một cọng rác bé tẹo tèo teo như thế thì cũng chẳng làm nó sạch hơn chút nào. Người ta hay nghĩ như vậy. Mỹ An thì nghĩ khác nên mang rác về nhà mình để bỏ thùng cho nó sang. Ngày mai có chiếc xe chở rác to đùng đến tận nhà lấy rác cơ mà!
Chiều nay Mỹ An ghé vào quán phở bình dân trong hẻm. Tiệm này chắc nấu ngon nên thấy khách hàng tấp nập. Hôm nay công việc nhiều quá. Ái chà, đói!!! Người bồi bàn trẻ, có lẽ là một sinh viên làm việc bán thời gian, ra lấy thực đơn của Mỹ An. Làm một tô xe lửa cho hoành tráng! Hôm nay phải tự thưởng cho mình một ly sinh tố dâu! Người bồi bàn tự nhiên cảm thấy thật thoải mái với người khách vui vẻ, hòa nhã này. Có những người khách khác nét mặt nghiêm nghiêm, đôi khi cau có, đưa ra nhiều yêu sách, thậm chí còn nghĩ mình bỏ tiền ra thì có quyền lớn tiếng nạt nộ, có lẽ họ tưởng họ là “thượng đế” thật. Mỹ An thì ngược lại vì em hiểu sự khó khăn của cuộc sống. Biết đâu người bồi bàn đang cố gắng tươi cười ngoài mặt vì công việc đang ôm sầu héo một bồ bên trong.
“Dạ, cho em gửi nước trước.” Người bồi bàn bưng ly trà đá đặt xuống bàn, nhưng lỡ tay làm đổ nước lên chiếc váy đầm trắng kem của Mỹ An.
“Ấy chết, em xin lỗi!”
“Không sao đâu bạn. Chuyện thường thôi mà. Chắc hôm nay làm nhiều nên mệt hả?”
“Dạ. Nhưng xin chị thông cảm cho em!”
“Ồ, đừng lo gì ha. Nhớ giữ sức khỏe cho tốt nhé!” Một nụ cười nhân ái.
Phở ra đến nơi. Ui, cái mùi thơm của nó đúng là hớp hồn người ta.
“Cảm ơn bạn. Phở thơm quá!” Mỉm cười. Mỹ An làm dấu, nhắm mắt khẽ tạ ơn Trời Cao đã thương ban lương thực hôm nay. Rồi một, hai, ba, tác chiến !
Đang ăn một cách say sưa, bỗng Mỹ An cảm thấy cái gì đó cưng cứng, ướt ướt rơi trúng chân. Nhìn xuống gầm bàn. Hóa ra là cục xương của người đang ngồi ăn đối diện giục xuống. Lúc đó, Mỹ An mới giật mình nhìn thấy nền quán phở này đầy khăn giấy, xương, rau, tăm, vỏ chanh,…do khách hàng xả xuống từ bàn ăn. Ủa, có mấy chiếc giỏ đựng rác dưới mỗi bàn mà sao ít người bỏ vào đó vậy nhỉ? Lạ! Quá lạ! Lỡ nhìn thấy nền quán ngổn ngang nhớp nhúa, Mỹ An mất luôn khẩu vị. Mỹ An thầm ước giá mà bà con cô bác nhìn kĩ một chút để bỏ xương bỏ giấy bỏ rau thừa vào những thùng ngay trước mặt kia thì sẽ vệ sinh biết mấy mà môi trường quán sẽ lịch sự, đẹp mắt biết bao. Ước gì! Buồn năm giây! Rồi Mỹ An gom phần rác của mình lặng lẽ bỏ vào thùng. Mỉm cười sâu, vui vì mình vẫn là mình.
Bước ra khỏi quán phở, điện thoại báo có tin nhắn. Lại thêm một tin nhắn của một người lâu nay không thân thiện với Mỹ An. Cả tháng nay, thỉnh thoảng họ lại nhắn một tin nhắn móc mỉa, nói bóng nói gió, ghen tương tị hiềm, khiêu khích thách thức, lên lớp dạy đời. Mỹ An cũng thử giãi bày cách này cách khác mong sự hòa nhã, vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau. Nhưng xem ra sự cố chấp phiến diện khiến cho người này không nhìn ra vấn đề đã được giải thích. Thế là họ cứ tiếp tục tỏ thái độ công kích bằng nhiều cách. Đúng là người ta rất dễ rơi vào hiểu lầm và bị nhốt trong vòng luẩn quẩn của xét đoán khi họ tự cho mình là đã biết tỏng người khác. Cuối cùng, Mỹ An đành chọn một cách của bình an. Nếu cần nhắn tin lại để giữ phép lịch sự thì em chỉ nhẹ nhàng nhắn những lời cầu chúc an lành và hạnh phúc.
Nhắn xong những lời hòa bình, thầm thĩ dâng một lời cầu nguyện mong ước cho người kia được bình an trong tâm hồn, Mỹ An lái xe tới một trung tâm từ thiện. Em luôn thích cho đi, thích lấy sự giúp đỡ người khác làm niềm vui. Sáng nay công việc làm ăn gặp được may mắn hơn dự tính một số tiền kha khá. Mỹ An quyết định biếu số tiền ấy cho những người thiếu thốn hơn mình. Có những việc làm bình thường mà niềm vui to lớn lắm. Đúng là Chúa chẳng bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Em thấy rõ điều ấy. Chẳng hạn, khi em trân trọng tặng cụ già bán vé số một tờ vé số, Chúa cho em lại một niềm hy vọng rằng biết đâu cụ trúng được chút gì đó để giúp gia đình cụ; hay khi em mời bạn đi uống nước, Chúa cho lại em niềm hạnh phúc thấy bạn mình vui vẻ, nhẹ lòng sau khi tâm sự…. Mỗi đêm về, trước khi đi ngủ, Mỹ An có thói quen nhìn lại một ngày vừa qua để đếm và tạ ơn về những gì mình đã lãnh nhận, những cơ hội mình có để giúp đỡ anh chị em, những bài học kinh nghiệm quý giá….
Sau khi đã trao số tiền cho trung tâm từ thiện và nhờ họ gửi đến những người nghèo khổ, Mỹ An ghé vào một tiệm bánh sinh nhật để mua bánh phô-ma (cheese cake). Em muốn mời người bạn thân cùng thưởng thức loại bánh mình thích nhất nhân dịp sinh nhật mình. Loại bánh này khá mắc tiền nên người bạn cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc thưởng thức nó. Tiệm bánh chiều nay khá sầm uất nên người ta xếp hàng dài lắm. Mỹ An xếp hàng gần nửa tiếng mà vẫn chưa đến phiên mình. Bỗng lúc ấy có một chị xồn xồn ở ngoài chen ngang vào hàng người ta đã xếp nãy giờ. Một số người tỏ vẻ không hài lòng, xầm xì phản đối về sự bất lịch sự và bất công của chị ta. Chị ta đang quê mặt không biết nên phản ứng thế nào thì nghe tiếng ai gọi phía trước: “Chị ơi, chắc chị đang có việc gấp hả? Chị lên đứng chỗ của em, em xếp hàng thay cho chị vì em cũng không vội vàng gì. Chị lên đây đi.” Mỹ An tới khoác tay chị ta kéo nhẹ đến cho mình rồi vui vẻ xuống cuối hàng đứng. Chị kia chẳng biết làm gì hơn là ‘ngoan ngoan’ làm theo cách của Mỹ An. Cuộc sống đã tốt hơn cho tất cả.
Trời đổ mưa. Tháng sáu trời hay mưa lắm. Mưa xuống thì bùn lên. Phố phường vẫn tấp nập xe cộ ồn ào. Giữa dòng người xuôi ngược trong mưa bùn, có một đóa hoa sen trắng. Em bé ngày xưa ấy đã lớn lên, vượt qua tất cả mọi nghịch cảnh: Mỹ An.
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Mỹ An đang tiến về ngôi thánh đường ấm cúng bao kỉ niệm. Em muốn đến đó để lắng đọng cầu nguyện, tạ ơn Ngài trước khi cắt bánh sinh nhật vì chính Ngài đã tạo nên, giúp giữ gìn và thăng hoa phẩm chất tinh tuyền của sen nơi em.
Giuse Tuấn Việt, O.Carm.
[20A+V0612]

0 nhận xét:

Đăng nhận xét