LTCGVN (01.12.2013)
Sài Gòn - Trong mạch bài về dạy và tiếp cận lịch sử, trang mạng Vietnamnet vừa giới thiệu một bài viết dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc.
Bạn đọc Lê Trí đã nhận xét sau khi đọc bài viết: “Nguyên Ngọc không chỉ là nhà văn mà xứng đáng là nhà xã hội học vì nội dung bài này mang đậm tính nhân văn sâu sắc; tính hướng nhân loại về bản chất thật của con người mà không nhợ bợi bất cứ chủ nghĩa nhất thời nào.”
Quả vậy, bài viết của ông đã nêu ra nhiều vấn đề nền tảng trong việc dạy lịch sử. Ông nói: “Lâu nay ta thường hay lẫn lộn giáo dục với tuyên truyền, trong chuyện dạy lịch sử (và dạy văn nữa). Kiểu làm này càng rõ, càng nặng. Có thể tóm tắt: tuyên truyền thì ngắn hạn, cho những mục đích cụ thể và nhất thời. Giáo dục phải nhằm đến lâu dài hơn”.
Đây là vấn đề đầu tiên mà ông đề cập và chắc cũng là điều quan trọng nhất mà ông muốn hướng đến: sự phân biệt giữa giáo dục và tuyên truyền.
Nguyên Ngọc (tên thật là Nguyễn Văn Báu) sinh năm 1932, tại Quảng Nam. Ông là một nhà văn, nhà báo, biên tập, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục nổi tiếng Việt Nam. Ông còn được xem là một nhà văn quân đội, gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên, từng được phong hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Wikipedia)
Nhắc lại sự kiện thành lập CVUH (Ủy ban cảnh giác đối với việc đưa lịch sử ra sử dụng trong công chúng) ở Pháp, ông Ngọc nói tiếp: Tôi nghĩ việc cảnh giác [của các nhà sử học Pháp về việc chính quyền đương thời nhào nặn lịch sử để làm công cụ tuyên truyền cho những lợi ích chính trị của họ.] thật hiền minh, và như vậy cũng rất cần ở ta, nhất là khi chúng ta vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt.
Ngoài ra, ông còn cảnh giác: vì “con người bao giờ cũng chỉ có thể đứng ở một góc nhất định nào đó của thực tại”, nên việc “dạy lịch sử sau chiến tranh, mà lại càng cố ý làm đậm, sâu hơn cái góc vốn đã hẹp một cách tất yếu đó, thì sẽ rất tai hại.”
Từ đó, ông cho biết: “Dạy lịch sử nên cố gắng giúp cho người học khắc phục suy nghĩ đơn giản, một chiều về quá khứ, đặc biệt về quá khứ chiến tranh, về sự vô cùng phức tạp, nhiều chiều. Học lịch sử là để giúp cho con người người hơn, nhân văn hơn, khoan dung, bình tĩnh hơn, minh triết hơn, qua những bài học hay ho hay đắng cay của số phận làm người.”
Cùng đồng điệu với ý kiến trên, bạn đọc Chiến nhận định “Trong các tác phẩm văn học và lịch sử khi nói đến chế độ phong kiến, rồi xã hội Việt nam trước cánh mạng tháng 8 thì cái nhìn của học sinh toàn là xã hội xấu, thối nát. Thật đau lòng khi mà (người ta đã cho rằng- chú thích tác già) Tổ tiên ta đã lớn lên và sinh ra ta từ nó”.
Không những thế, ông Ngọc còn đặc biệt nhấn mạnh: “việc dạy sử không nên đặt ra mục đích đắp bồi chủ nghĩa yêu nước.” “Yêu quê hương, đất nước mình là tự nhiên và tốt đẹp. Nhưng khi nói đến chủ nghĩa thì tức đã có ý đẩy tình cảm ấy đến thành cực đoan, thành chật hẹp, duy nhất, có màu sắc kỳ thị với những gì không phải là đối tượng yêu đó của mình.”
Kết luận bài viết, nhà nghiên cứu kỳ vọng về “một sự phục hưng thật sự của dân tộc, của xã hội chúng ta sau bao nhiêu chiến tranh” được khởi đầu bằng một cái nhìn nhiều chiều thật chân thành.
Bạn đọc Dương Văn Thắng cũng bày tỏ: “chúng ta hãy tôn trọng sự thật. Cảm ơn bác Nguyên Ngọc đã nói lên những góc nhìn mà có thể nhiều người chưa thấy, hoặc có thấy mà chẳng biết nói thế nào…”
Mong rằng việc dạy lịch sử sẽ đi vào đúng bản chất của nó để không còn xảy ra tình trạng như hồi tháng 3 vừa rồi, khi nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, Sài Gòn đã cùng đồng loạt xé đề cương môn lịch sử khiến sân trường tràn ngập vụn giấy.
Chi Thiện, VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét