LTCGVN (01.12.2013)
Hà Nội - “Giảng về Đức Mẹ là phải mời các cha DCCT!” Với nhiều tín hữu, nói đến DCCT là nghĩ đến Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nói đến Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là nghĩ đến DCCT.
Nhưng từ kinh nghiệm một linh mục trẻ DCCT, con cảm thấy đang thiếu một cái gì đó về Đức Mẹ. Con tự hỏi mình phải làm gì để có thể “nối lửa” DCCT: Hăng say rao giảng và làm cho các tín hữu hôm nay yêu mến Đức Mẹ dưới tước hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
DCCT VỚI LINH ĐẠO THÁNH MẪU
Môn Thánh Mẫu học phát triển từng bước theo dòng chảy lịch sử Hội Thánh, nhưng chỉ từ sau thời Phục Hưng mới xuất hiện một môn Thánh Mẫu học phong phú. Trong số các Dòng tu theo Linh đạo Thánh Mẫu có DCCT. DCCT được khai sinh trong hoàn cảnh nền Linh đạo Thánh Mẫu nở rộ từ thế kỷ 16 với tinh thần gần gũi với Hiến Chế Lumen Gentium của Công Đồng Vaticanô II hơn là lòng đạo đức tình cảm thời Trung Cổ.[1] Lòng sùng kính của Công Đồng bắt nguồn từ đức tin, trước hết nhắm mục đích nhìn nhận sự trổi vượt của Đức Mẹ, sau là để gia tăng lòng yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ.
Các Thánh và Chân phúc trong DCCT luôn dựa vào Đức Mẹ để giữ vững ơn gọi trong những cơn phong ba bão táp: Thánh Tổ Anphongsô coi ơn gọi của ngài là món quà đặc biệt của Đức Mẹ. Ngài “bật mí bí mật” là không ngừng lập đi lập lại lời xác tín: “Chúa Giêsu yêu tôi!”, “Đức Trinh Nữ yêu tôi!”[2] Ngài tận hiến cả cuộc đời cho Đức Mẹ, cách riêng lao tác miệt mài trong 16 năm để hoàn tất tác phẩm Những vinh quang của Đức Maria. Tác phẩm này cùng với tác phẩm Lòng sùng kính đích thực đối với Đức Mẹ của thánh Louis Grignion de Montfort được xem là tiêu biểu cho lòng sùng kính Đức Mẹ ở thế kỷ 18.
Thánh Clement Hofbauer coi lòng sùng kính Đức Mẹ là đảm bảo cho công trình gầy dựng Nhà Dòng ngoài nước Ý, và ngài thêm thánh danh Maria vào tên mình. Chân phúc F.X Seelos đi tu DCCT cũng vì thấy Đức Mẹ hiện ra với mình. Thánh Giêrađô không muốn lập gia đình với cô gái nào cả mà chỉ muốn “cưới” Đức Mẹ. Thánh John Neumann đã cầu nguyện với Đức Mẹ tha thiết khi bị cám dỗ mất đức tin, đức khiết tịnh, buồn phiền thất vọng và nỗi buồn của gia đình khi biết ngài muốn đi truyền giáo xa xôi. Chân phúc Gaspar Stanggassinger khi cầu nguyện với Đức Mẹ để xin ơn tu trì thì được Đức Mẹ bảo phải đến tu viện các cha DCCT. Đấng đáng kính Passerat được Đức Mẹ cứu thoát khi “vượt biên” thoát cảnh súng đạn trận mạc để sau đó đến được với ơn gọi DCCT. “Phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ.” Các Thánh và Chân phúc DCCT đến được với Chúa Giêsu Cứu Thế và ơn gọi DCCT mà không bị lạc đường là nhờ có sự hướng dẫn và bảo vệ chở che của Đức Mẹ.
Các thừa sai DCCT đầu tiên đến VN (30.11.1925) đặt tất cả công trình mới này trong tay Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và ngày khai sinh DCCT tại VN là ngày lễ kính Đức Mẹ (8.12.1925).[3] Từ đó đến hôm nay, theo bước chân tông đồ của các tu sĩ DCCT trong các kỳ Đại phúc hoặc các bài giảng, ngày càng có thêm nhiều người biết đến linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và biết bao ơn lành từ trời ban xuống qua linh ảnh này cho đoàn con của Mẹ tại VN.
NHU CẦU CANH TÂN VÌ “VINH QUANG ĐỨC MARIA”
Canh tân thần học
Hôm nay, mối tình của DCCT với Đức Mẹ vẫn còn nguyên vẹn như khi mới “đón Mẹ về nhà mình” (x. Ga 19,27). Nhưng để phù hợp với thời đại hôm nay, Tổng Công Hội XXIV của DCCT (2009) vừa nhắc lại sự kiện ĐGH Piô IX năm 1866 trao linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho DCCT vừa kêu gọi canh tân để lòng sùng kính này vươn lên như một làn sóng mới trên thế giới. Sau đó, Công Hội Tỉnh DCCT VN khóa II cũng tha thiết cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ.[4] Tuần qua, ngày 22-23.11.2013, DCCT VN tổ chức hội thảo về lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Một trong những nội dung thần học chính đó là nhu cầu canh tân theo hướng dẫn của Hội Thánh, hạn như Hiến Chế Lumen Gentium (Chương VIII) và Tông huấn Marialis Cultus. Theo đó, việc đạo đức tôn sùng Đức Maria phải tỏ rõ nét Ba Ngôi, Đức Kitô và Hội Thánh. Nói cách khác, đó là mối liên hệ giữa Thánh Mẫu học với các môn tín lý khác là Ba Ngôi, Kitô học, Thánh Thần học, Giáo Hội học và Cánh chung học. Phương pháp để triển khai môn Thánh Mẫu học bao gồm bốn khía cạnh: (1) Kinh Thánh, (2) Phụng vụ, (3) Đại kết và (4) Con người.[5]
Canh tân mục vụ
Tại VN, quan trọng và nổi bật nhất gần đây đó là Đức Mẹ “trao cho” DCCT một cơ hội và thách đố mới: Sự kiện Đức Mẹ La Mã Bến Tre. Con nghĩ rằng một khi đã là con của Thánh Anphongsô thì ai cũng yêu mến Đức Mẹ, nhưng dường như những ai đã được “ơn cứu mạng” của Đức Mẹ thì sẽ sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt hơn (ví dụ Lm. Thành Tâm DCCT). Điều này cũng dễ hiểu, vì đức tin thật ra căn bản là một thái độ bày tỏ lòng biết ơn thẳm sâu đối với những gì Chúa và Đức Mẹ đã ban cho chúng ta mà chúng ta đã kinh nghiệm thấy.[6] Các việc mục vụ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại các trung tâm hành hương và cộng đoàn DCCT đang được xem xét lại để gia tăng hiệu quả. Hy vọng một lần nữa DCCT VN sẽ thành công như xưa.
Canh tân tấm lòng
DCCT cũng canh tân đời sống thiêng liêng và mục vụ của mình bằng cách học tại trường của Đức Mẹ. Như kinh nghiệm của Thánh Anphongsô, để bài giảng về Đức Mẹ không nhàm chán, các tu sĩ DCCT cần đọc sách và suy gẫm nhiều.[7] Khi đó, nói về Đức Mẹ bao nhiêu cũng không đủ hoặc nhàm chán (Thánh Bênađô). “Bất cứ ai bước vào trường thiêng liêng của Đức Mẹ phải học biết ca ngợi tình yêu và ân huệ của Thiên Chúa. Người ấy phải có đức tin và để ngỏ cho ơn Thiên Chúa ban xuống tâm hồn. Chỉ những ai khiêm tốn, nghĩa là những người nhìn nhận rằng trước mặt Thiên Chúa họ chỉ là kẻ nghèo khó, thì mới có thể hoàn tất khóa học.”[8] Có lẽ đó cũng là bí quyết canh tân để DCCT hôm nay có thể chu toàn sứ mạng Thiên Chúa đã trao và tiếp tục cùng nhau làm cho “Vinh Quang Đức Maria” bay xa mãi: “Make Her Known!”
LM. JM. Hà Ngọc Phú, CSsR
Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà
Những ngày hội thảo lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 2013
[1] Nguyễn Văn Trinh, Thánh Mẫu Học, 390.
[2] John O Donnell, CSsR, chairman, Readings in Redemptorist Spirituality, vol. 2, (Rome: 1988), 18.
[3] Dòng Chúa Cứu Thế, 75 năm Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam 1925-2000, 101.
[4] Thư Cha Giám Tỉnh, tháng Giêng năm 2010, 42.
[5] Nguyễn Văn Trinh, Thánh Mẫu Học, 12-34.
[6] Kevin O’Shea, CSsR, Pastoral, Biblical, Moral Themes for Redemptorists – A Five Day Seminar in Saigon, 184.
[7] Theodule Rey-Mermet, CSsR, Anphongsus Liguori, 446.
[8] Noel Londono, general ed. To be a Redemptorist Today, (USA: Ligouri Publications, 1996), 213.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét