Khánh Hòa - Dù 4 trang in A4 chỉ nhõn có tiêu đề “Tài liệu tuyên truyền nội bộ về cuộc gặp cấp cao VN – TQ tại Thành Đô 9-1990″, mà không có xuất xứ biên soạn, như tập tính “ném đá giấu tay” lâu nay của Ban Tuyên giáo TW, công văn đính kèm của Đảng ủy khối doanh nghiệp địa phương nọ – triển khai phổ biến đến các cơ sở đảng – đã làm lòi đuôi con cáo: “…do Ban Tuyên giáo TW biên soạn”!
Trong cái gọi là tài liệu tuyên truyền này, tuyệt nhiên Ban Tuyên giáo TW không hề dám nói đụng đến các cơ quan truyền thông chính thống hàng đầu của “Thiên triều mẫu quốc” Trung Hoa như Tân Hoa Xã, Hoàn Cầu Thời Báo. Nhưng các cơ quan nọ đã đăng tải huỵch toẹt nội dung chóp bu VN cầu xin gì ở Bắc Kinh trong cái hội nghị bán nước ô nhục Thành Đô 3&4-9-1990.
Theo thông lệ, trước những vấn đề đối ngoại hệ trọng, Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị ĐCSVN đều tức tốc chỉ thị Bộ Ngoại giao, TTXVN, báo Nhân Dân… chính thức lên tiếng. Nếu nước ngoài bịa đặt, vu khống, xuyên tạc… lập tức cực lực phản đối và đòi cải chính, chính thức xin lỗi… hòng gỡ gạc thể diện. Nhưng vụ này lại giữ động thái của loài hến.
Dĩ nhiên, thúng sao úp nổi voi? Những nhà phân tích chính trị, sử gia cao niên dư “vốn liếng” để hiểu bản chất của Hội nghị Thành Đô. Từ năm 1956 trở đi, tại nhiều quốc gia CS Đông Âu (Hungary, Ba Lan, Tiệp…), dân chúng đã nhiều lần nổi dậy đòi tự do dân chủ nhân quyền và tiến bộ xã hội, chống độc tài hắc ám hủ bại, tham nhũng và sùng bái, thần thánh hóa chóp bu… Nhưng lần nào cũng bị “anh cả đỏ” Liên Xô điều xe tăng, mật vụ dìm trong bể máu, giữ ngai vàng tay sai cho chóp bu các nước đó. Cuối thập kỷ 1980, CS ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ tan hoang.
Quá hoảng hốt trước khả năng bão dân chủ ở LX và Đông Âu lan tới VN, lại phấp phỏng hy vọng lập trường sắt mắu của Bắc Kinh qua vụ Thiên An Môn mùa Hè 1989 – thẳng tay điều xe tăng nghiền nát cả nghìn sinh viên con em khi họ biểu tình đòi dân chủ, chống tham nhũng – bất chấp âm mưu hiểm độc bành trướng tham tàn Đại Hán, bất chấp xương máu chiến sĩ Gạc Ma (3-1988) chưa kịp phôi pha, chóp bu VN đi nước cờ liều lĩnh, trơ trẽn và nhục nhã: chủ động cầu thân, xin làm chư hầu, phiên thuộc Thiên triều mẫu quốc, cốt giữ ngai vàng.
Lịch sử dân tộc có những Hai Bà Trưng, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung quật cường hiển hách, nhưng cũng có những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống đê hèn, nhục nhã.
Thiết tưởng, phải nêu lại tình huống Lê Chiêu Thống sang Tàu cầu viện nhà Thanh: vì thấy người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung tiến quân ra Bắc dẹp loạn họ Trịnh. Lo sợ ngai vàng rung rinh, Lê Chiêu thống vội bầu đoàn thê tử sang Tàu cầu viện. Dẫu giang sơn dày xéo, vẫn tham vọng được giặc Thanh ban phẩm tước bù nhìn.
Trần Ích Tắc, khiếp nhược trước quân Nguyên đông như kiến cỏ, tham sống sợ chết, muốn tiếm ngôi mà chạy sang hàng giặc. Đó cũng là tư tưởng người ta đang cố reo rắc trong quân dân ta.
Trong hồi ký, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã viết: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đau xót: “Hội nghị Thành Đô đã mở đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới đầy nguy hiểm”.
Thúng sao úp nổi voi? Cách xử trí duy nhất đúng đắn về vụ này là công bố đầy đủ các văn kiện thỏa thuận Thành Đô, lên án những kẻ tiền nhiệm ươn hèn ích kỷ, cam kết đáp ứng ý chí, nguyên vọng toàn dân, kiên quyết và bằng mọi giá bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của đất nước.
Nhà báo Võ Văn Tạo