1. Đức Giáo Hoàng: Tại sao chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha
Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 30 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã trình bày những suy tư của ngài về lý do tại sao chúng ta gọi Thiên Chúa là "Cha". Đức Thánh Cha giải thích rằng Tin Mừng sử dụng thuật ngữ này để phản ánh về sự thứ tha, rộng lượng và lòng thương xót của một người cha nhân lành.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Tiếp tục các bài giáo lý của chúng ta trong Năm Đức Tin, giờ đây chúng ta hãy suy tư về lý do tại sao Kinh Tin Kính mô tả Thiên Chúa là "Cha Toàn Năng". Bất chấp cuộc khủng hoảng về tình phụ tử trong nhiều xã hội, Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng ý nghĩa của việc gọi Thiên Chúa là "Cha".
Lòng quảng đại, trung thành, tha thứ, và yêu mến thế gian của Ngài vô biên đến độ đã ban cho chúng ta Con Một của Ngài để cứu rỗi của chúng ta.
Là "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Col 1:15), Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa là một người Cha đầy lòng thương xót không bao giờ bỏ rơi con cái của mình và yêu thương lo lắng cho chúng ta đến độ chấp nhận cả Thập Giá. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã biến chúng ta thành dưỡng tử của Ngài. Thập giá cũng cho chúng ta thấy Thiên Chúa, là Cha của chúng ta, là Đấng "toàn năng" đến mức nào.
Sự toàn năng của Ngài vượt qua khái niệm đầy hạn hẹp của của con người chúng ta về quyền lực, sức mạnh của Ngài chính là ở một tình yêu nhẫn nại được thể hiện trong chiến thắng cuối cùng của sự tốt lành trên sự gian ác, sự sống trên sự chết, và tự do trên ách nô lệ của tội lỗi. Khi chúng ta chiêm ngắm Thánh Giá của Chúa Kitô, chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa là Cha toàn năng và cầu xin ân sủng của Ngài giúp chúng ta từ bỏ chính mình với lòng cậy trông và tin tưởng nơi tình yêu đầy lòng thương xót và quyền năng cứu độ của Ngài.
Tôi chào đón nồng nhiệt các linh mục tham dự khoá thường huấn tại phân khoa Giáo dục thần học của trường Đại học Bắc Mỹ. Với tất cả các du khách nói tiếng Anh hiện diện tại buổi triều yết ngày hôm nay, bao gồm những người từ Hàn Quốc, Canada và Hoa Kỳ, tôi cầu khẩn muôn ơn lành của Thiên Chúa, niềm vui và an bình tuôn đổ trên anh chị em.
2. Đức Thánh Cha nói rằng cuộc tàn sát người Do Thái phải là một nhắc nhở liên tục cho thế giới.
Chúa Nhật 28 tháng Giêng là một ngày nắng đẹp tại Vatican, nơi hàng chục ngàn tín hữu hành hương đã quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô để nghe lời giáo huấn của Đức Thánh Cha trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.
Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu hãy đón nhận ơn cứu độ và sự hiện diện của Thiên Chúa trong ngày sống của mình bằng cách lắng nghe lời của Ngài.
Ngài đã nói về tầm quan trọng của việc giữ ngày Chúa nhật là một ngày dành cho gia đình và thờ phượng Thiên Chúa.
Ngài nói rằng cầu nguyện và thờ phượng cho phép mọi người liên kết trực tiếp với Thiên Chúa và cho phép họ nuôi dưỡng đức tin của họ, và tìm hiểu làm thế nào để ứng dụng Tin Mừng trong cuộc sống hàng ngày.
Tiếp đến Đức Thánh Cha nhắc nhở một cách đặc biệt vì ngày 28 tháng Giêng cũng là ngày tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa diệt chủng Quốc Xã.
Ngài nói:
Hôm nay cũng là “Ngày tưởng niệm” những nạn nhân của Holocaust của Quốc Xã. Việc kỷ niệm thảm họa kinh hoàng này phải là một lời nhắc nhở dành cho mọi người rằng, chúng ta không nên lặp lại những lỗi lầm trong quá khứ. Và chúng ta phải nỗ lực để vượt qua mọi thái độ ghen ghét và các hình thức phân biệt chủng tộc, đồng thời phải thăng tiến và tôn trọng phẩm giá con người.
Ngay sau bài phát biểu của mình về Holocaust, Đức Giáo Hoàng cũng thả hai con chim bồ câu như một biểu tượng của hòa bình.
Có một chi tiết đáng chú ý là sau khi được thả hai con chim bồ câu ngây thơ đã đậu ngay ngưỡng cửa sổ phòng làm việc của Đức Giáo Hoàng. Ngay lúc đó một con hải âu nhào xuống tấn công đôi chim bồ câu trong khi đám đông ở quảng trường Thánh Phêrô lo lắng theo dõi. Tuy nhiên, cả hai con chim bồ câu đều thoát nạn.
3. Ngày Thế giới các Bệnh nhân: Khủng hoảng kinh tế mời gọi chúng ta hãy là những người Sa-ma-ri-tô nhân lành
Hôm thứ Ba, Tòa Thánh đã công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, sẽ diễn ra vào ngày 11 Tháng Hai năm 2013 tại Đền Đức Mẹ Altotting ở Bavaria.
Thông qua sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khuyến khích mọi người hãy trở thành những người Samaritanô nhân hậu, trong khi ngài nêu bật Chúa Giêsu như là gương mẫu tột đỉnh của việc cứu giúp những người hoàn toàn xa lạ mà không yêu cầu hồi đáp.
Đức Tổng Giám Mục chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về chăm sóc mục vụ của người lao động chăm sóc sức khỏe nhận xét rằng trở thành những người Samaritanô nhân hậu là quan trọng hơn bao giờ hết trước sự bất ổn kinh tế hiện tại.
Đức Cha nói:
"Tình nguyện tham gia vào các việc thiện cũng rất quan trọng ở nhiều nước, đặc biệt là các nước ngày hôm nay đang chao đảo với các cuộc khủng hoảng. Chúng ta không thể tài trợ tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta có thể trao ban chính mình cho những người khác. Điều này, tôi thiết nghĩ chính là định nghĩa của một người Samaritanô nhân hậu. Đó là sứ điệp 'hãy đi và làm như vậy. "
Ngày Thế Giới Bệnh Nhân năm nay sẽ diễn ra tại quê hương của Đức Giáo Hoàng. Các bệnh nhân và các nhân viên y tế tham dự sự kiện này tại chỗ hay hướng về sự kiện này từ xa có thể nhận được ơn Toàn Xá.
Ân xá là sự tha thứ hình phạt tạm thời mà một người phải chịu để đền bù những tội đã được tha thứ.Trong Sắc lệnh công bố hôm 28 tháng Giêng, Đức Hồng Y Monteiro de Castro, Chánh Tòa Ân Giải tối cao, và Đức Ông Krzyssztof Nykiel, Phó Chánh Tòa, cho biết Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã quyết định rằng:
- Các tín hữu, với lòng thống hối chân thành, có thể được hưởng ơn toàn xá mỗi ngày một lần, với những điều kiện thường lệ là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha, và có thể nhường ơn này cho các linh hồn quá cố, nếu trong những ngày từ mùng 7 đến 11 tháng 2 tới đây, tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting bên Đức, hoặc tại bất kỳ nơi nào do Giáo quyền chỉ định, họ sốt sắng tham gia một buổi lễ được cử hành để cầu xin Chúa cho những ý chỉ của Ngày Thế Giới các bệnh nhân, và họ đọc Kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria.
- Các tín hữu làm việc tại các nhà thương công cũng như tư, trợ giúp các bệnh nhận theo tinh thần bác ái như người Samaritano nhân lành, và vì công việc phục vụ ấy, họ không thể tham gia cac buổi lễ nói trên, thì họ cũng được hưởng ơn toàn xá, nếu trong những ngày ấy, họ quảng đại trợ giúp trong vài giờ như thể làm cho chính Chúa Kitô (Xc Mt 25,40) và họ đọc Kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính, khẩn cầu Đức Mẹ, với tinh thần xa lánh mọi tội lỗi, và với ý hướng chu toàn vừa khi có thể các điều kiện được yêu cầu để hưởng ơn toàn xá.
- Những tín hữu vì bệnh tật, già yếu hoặc vì lý do khác tương tự, bị ngăn trở không thể tham dự các lễ nghi nói trên, cũng sẽ được ơn toàn xá, miễn là với tâm hồn xa tránh bất kỳ tội lỗi nào và quyết tâm chu toàn vừa khi có thể những điều kiện thường lệ, tham dự trong tinh thần các buổi lễ thánh trong những ngày đã định, đặc biệt là trong các buổi lễ phụng vụ và Sứ điệp của Đức Thánh Cha được truyền đi qua truyền hình, qua đài phát thanh hay các phương tiện truyền thông mới, sốt sắng cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân, và dâng những đau khổ thể lý và tinh thần, nhờ Mẹ Maria là sức khỏe của các bệnh nhân.
Sau cùng, Đức Thánh Cha ban ơn xá bán phần cho tất cả các tín hữu, mỗi khi họ hướng về Thiên Chúa từ bi, với tâm hồn thống hối, trong những ngày từ 7 đến 11 tháng 2 nói trên, sốt sắng cầu nguyện trợ giúp những người đau yếu trong tinh thần của Năm Đức Tin hiện nay.
4. Địa điểm cho các diễn biến trong Đại Hội Giới trẻ Thế giới 2013 tại Rio được công bố
Các bãi biển Copacabana ngoạn mục và nổi tiếng sẽ là trung tâm của sự chú ý vào ngày 25 tháng 7, khi Đức Giáo Hoàng gặp gỡ với con số dự kiến là 2 triệu thanh niên từ khắp nơi trên toàn thế giới.
Ngày Thứ Năm 25 tháng 7, lễ đón tiếp Đức Thánh Cha sẽ diễn ra tại bãi biển Copacabana, một biểu tượng nổi tiếng của thành phố.
Ngày hôm sau, Thứ Sáu 26 tháng 7, ngoài buổi đi Đàng Thánh Giá tại Copacabana, sẽ có một vài sinh hoạt khác khắp thành phố.
Các nhà tổ chức hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng cũng sẽ gặp một số thanh niên tại bức tượng Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc.
Ngày Thứ Bẩy 27 tháng 7, Đêm Canh Thức sẽ diễn ra tại Guaratiba nơi cũng sẽ là địa điểm tổ chức Thánh Lễ Bế Mạc.
5. Đức Giáo Hoàng kêu gọi đề cao quan hệ mật thiết giữa đức tin và đời sống hôn nhân.
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 26 tháng Giêng, dành cho Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 kêu gọi đề cao quan hệ mật thiết giữa đức tin và đời sống hôn nhân.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến có 150 người, trong đó có hơn 20 vị thẩm phán của tòa Rota. Các vị thuộc nhiều quốc tịch dưới sự điều động của vị tân niên trưởng là Đức Ông Pio Vito Pinto.
Lên tiếng trong dịp này, trong bối cảnh Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đặc biệt khai triển mối liên hệ giữa đức tin và hôn nhân.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:
"Cuộc khủng hoảng hiện tại của đức tin có ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau của thế giới, gây ra một cuộc khủng hoảng đời sống vợ chồng, kèm theo những đau khổ và cơ cực cho con cái."
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Giao ước bất khả phân ly giữa người nam và người nữ, để thành bí tích, không đòi phải có đức tin bản thân của đôi hôn phối, nhưng chỉ đòi điều kiện thiết yếu là ý hướng làm điều mà Giáo Hội làm”. Dầu vậy, đức tin vẫn giữ một vai trò quan trọng và ảnh hưởng tới đời sống hôn nhân của đôi vợ chồng “Niềm tin nơi Thiên Chúa, được ân thánh của Chúa nâng đỡ, là một yếu tố rất quan trọng để sống sự tận tụy đối với nhau và sự chung thủy vợ chồng” (Giáo lý trong buổi tiếp kiến chung ngày 8-6-2011).
6. Đức Thượng Phụ nghi lễ Maronites của Li Băng sẽ soạn văn bản cho Đàng Thánh Giá tại Colosseum.
Đức Hồng Y Bechara Rai, Thượng Phụ thành Antiôkia của Công Giáo nghi lễ Maronites tại Li Băng, sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị các văn bản được đọc trong Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay tại Đấu trường La Mã Côlôsêum.
Đó là một cách để Đức Thượng Phụ cảm ơn Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 về chuyến tông du gần đây của ngài tại Li Băng, nơi ngài kêu gọi hòa bình và cầu nguyện cho tất cả các Kitô hữu ở Trung Đông, những người đang trải qua một thời kỳ rất bất ổn.
Trong Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay tại Côlôsêum, hai thanh niên từ Li Băng sẽ tham gia trong các nghi thức Phụng Vụ của buổi lễ. Đó là một biểu tượng của tương lai Kitô giáo ở Trung Đông, vùng đất nơi Chúa Giêsu sinh ra.
7. Đức Thánh Cha bàng hoàng trước cái chết của ít nhất 231 người bên trong một hộp đêm tại Brazil
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bày tỏ nỗi buồn của mình và gửi lời chia buồn cho các nạn nhân và các gia đình những người thiệt mạng trong vụ cháy một hộp đêm lớn ở Brazil cuối tuần qua.
Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gửi một điện tín, nhân danh Đức Giáo Hoàng, cho Đức Tổng Giám Mục Helio Adelar Rubert, người đứng đầu giáo phận Santa Maria, thành phố nơi xảy ra vụ hỏa hoạn sáng sớm Chúa nhật, giết chết ít nhất 231 người.
Trong bức điện tín của Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài "bàng hoàng trước cái chết bi thảm của hàng trăm thanh niên". Bức điện cũng nói rằng Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ cầu nguyện cho những người bị thương sớm lành bệnh và xin ơn an ủi cho tất cả mọi người đang đau khổ vì biến cố này.
8. Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 tiếp các nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Đông Phương
Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã tiếp các nhà lãnh đạo của nhiều Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, nhân dip bế mạc Tuần lễ Cầu Nguyện cho sự hợp nhất Kitô hữu, để thảo luận về những tiến bộ trong các cuộc đàm phán giữa các Giáo hội, nhằm đi đến sự hiệp thông trọn vẹn.
Trong cuộc họp, Đức Thánh Cha đã trích dẫn tình hiệp thông và liên đới vốn tồn tại giữa các Giáo Hội Kitô giáo trong năm thế kỷ đầu tiên, như là một mô hình cho Uỷ Ban Hỗn Hợp Chính Thống - Công Giáo. Ủy ban này đã bắt đầu công việc của mình từ cách đây 10 năm, nhằm đạt đến sự thống nhất hơn nữa.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 cũng thừa nhận tình hình khó khăn, mà nhiều Giáo Hội Chính Thống Giáo đang phải đối mặt ở quê hương.
Ngài nói: "Nhiều người trong quý vị đến từ các khu vực, nơi các Kitô hữu, cả cá nhân lẫn cộng đồng đang phải đối mặt với các thử thách và đau khổ. Đây là mối quan tâm sâu sắc của tất cả chúng ta. Thông qua quý vị, tôi muốn bảo đảm với tất cả các tín hữu ở Trung Đông là tôi luôn nhớ đến họ trong kinh nguyện”.
Ngài đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình cho các khu vực bị ảnh hưởng, và nói rằng tất cả các Kitô hữu cần làm việc với nhau, và giúp đỡ lẫn nhau để đạt được hòa bình.
Mở đầu bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha cũng vinh danh các nhà lãnh đạo của một số Giáo Hội Chính Thống đã qua đời trong năm nay, chẳng hạn Đức Shenouda III, cựu Giáo chủ của Alexandria.
Trong cuộc gặp, các vị thuộc các Giáo Hội Đông Phương đã trao tặng Đức Thánh Cha một tượng Đức Mẹ của Chính thống giáo Đông Phương.
9. Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16: Công cuộc đại kết đòi hỏi một sự hoán cải cá nhân để chữa lành các vết thương quá khứ
Đức Thánh Cha đã bế mạc tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất Kitô hữu, bằng cách cử hành lễ kính Thánh Phaolô trở lại tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành, với sự tham dự của các đại diện đến từ Tòa Thượng phụ Đại kết ở Constantinople và Giáo Hội Anh giáo.
Đức Thánh Cha nói rằng đại kết tinh thần là chưa đủ, và sự hoán cải cá nhân là cần thiết để giúp chữa lành các vết thương quá khứ. Ngài đề cao tầm quan trọng của sự hợp tác làm việc, để mang lại linh đạo cho xã hội hiện đại.
Các nhà lãnh đạo của nhiều Giáo hội đại kết cũng đã tham dự buổi cầu nguyện vọng lễ thánh Phaolô trở lại.
10. Cuộc đấu tranh chống lại hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ đoàn kết người Công giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo
Người Công giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo ở Ấn Độ có thói quen mỗi năm dành ra một tuần lễ để cùng nhau cầu nguyện cho một mục đích chung là sự hợp nhất Kitô hữu.
Trong tuần lễ này, Kitô hữu thuộc các giáo phái khác nhau đề cao những sự tương đồng chứ không nhắc đến những khác biệt giữa họ.
Ban tổ chức năm nay có cả một nhóm sinh viên đại học ở Ấn Độ. Họ quan tâm đến các "Dalit", hoặc các kẻ cùng đinh, tức là giai cấp thấp kém nhất trong xã hội Ấn Độ. Những người cùng đinh này thường chịu sự phân biệt đối xử, và nhóm này gồm đa số Kitô hữu ở Ấn Độ.
Đức Giám mục BRIAN FARELL, Thư ký của Hội đồng Tòa Thánh Cổ Võ sự Hợp Nhất Kitô hữu, nói:
"Ấn Độ là một trong các khu vực có nạn chia rẽ và bất công xã hội rất trầm trọng. Hàng năm chúng tôi có nhu cầu phải tổ chức đối thoại đại kết ở Ấn Độ, và phải mất một thời gian dài mới hiểu được sự cách biệt giữa các tầng lớp xã hội, các nhóm tôn giáo, và các hậu quả đau thương, mà sự chia rẽ trong xã hội đã mang lại".
Đối với Đức Cha Brian Farell, Năm Đức Tin là một cơ hội để thúc đẩy phong trào đại kết, bởi vì Năm Đức Tin nhấn mạnh việc trở về với gốc rễ của Kitô giáo. Ngài nói rằng công cuộc Tân Phúc Âm Hóa sẽ chỉ có thể được thực hiện, nếu tất cả các Kitô hữu hợp nhất với nhau.
11. Sau khi Đức Hồng Y Jozef Glemp qua đời, tổng số các Hồng y còn 210 vị
Ngày 23 Tháng Giêng, Đức Hồng Y Jozef Glemp, người trong nhiều năm là vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan, đã qua đời tại một bệnh viện ở Warsaw, sau một thời gian bị ung thư phổi. Ngài thọ 83 tuổi.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng đầu tiên người Ba Lan, đã tấn phong Hồng y cho ngài năm 1981. Những năm sau đó, Đức Hồng y đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại nhà nước cộng sản cho đến khi đất nước giành lại được tự do.
Với sự qua đi của Đức Hồng y Glemp, tổng số các Hồng y giảm xuống còn 210 vị. Tổng số các Hồng y trong cử tri đoàn, nghĩa là các Hồng y dưới 80 tuổi và có quyền bầu cử trong Cơ mật viện là 119 vị. Tổng số các Hồng y quá tuổi bầu Giáo Hoàng là 91 vị.
12. Đức Thánh Cha trên mạng xã hội: Hãy quên sự ồn ào, hãy trung thực, và thúc đẩy đối thoại
Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16, là vị Giáo Hoàng đầu tiên lên mạng xã hội Twitter, nói rằng Ngài thật khó chịu khi được nổi tiếng trên các trang mạng xã hội, vì con người thường lệ thuộc vào sự nổi tiếng, thay vì vào giá trị và nội dung của sứ điệp mình muốn loan báo. Trong một bức thư, Đức Thánh Cha nói rằng "Đôi khi, tiếng nói nhẹ nhàng của lý trí có thể bị bóp nghẹt bởi tiếng ồn ào của thông tin quá mức".
Vì vậy, Đức Thánh Cha kêu gọi các trang mạng như Facebook và Twitter, hãy là một không gian để cho người ta có thể cổ vũ cuộc đối thoại đích thực. Ngài nói thêm rằng thế giới ảo này bây giờ là một phần của cơ cấu xã hội. Đấy là một điều mà các tín hữu, là những người muốn truyền đạt chân lý và các giá trị, không thể bỏ qua. Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng viết: “Trừ khi được người ta biết đến trong thế giới kỹ thuật số, Tin Mừng có thể vắng mặt trong kinh nghiệm của nhiều người, vì đối với họ không gian hiện sinh này là quan trọng và là tất cả".
Đức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Truyền thông Xã hội, nói:
"Vấn đề không phải là chúng ta phải thay đổi theo chiều hướng thương mại hóa. Mục tiêu của chúng ta không phải là để tuyên truyền. Những gì chúng ta muốn trao cho những người sử dụng các mạng xã hội, là anh chị em hãy sử dụng các phương tiện truyền thông để suy tư, để tìm kiếm các giá trị và chân lý. Hãy chú trọng đến những gì thực sự quan trọng, hãy chú ý đến Chúa Giêsu".
Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã được ký nhân dịp Lễ Thánh Phanxicô Xavio, vị thánh bổn mạng của các nhà báo. Mỗi năm, Đức Thánh Cha gửi một sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội. Năm nay, chủ đề là các mạng xã hội.
Sứ điệp của Ngài có tựa đề là “Mạng xã hội: Cổng đi vào chân lý và đức tin; Không gian Mới của Phúc âm hóa”. Trong số các điểm lưu ý, có điểm nói về Thiên Chúa thông qua các mạng xã hội.
"Các phương tiện truyền thông xã hội cần có sự cam kết của tất cả những người có ý thức về giá trị của cuộc đối thoại, cuộc tranh luận theo lý trí và lập luận hợp lý; của những người phấn đấu để nuôi dưỡng các hình thức diễn ngôn và tu từ; các hình thức này hấp dẫn khát vọng cao quý nhất của những người tham gia vào quá trình thông tin".
Vì vậy, Đức Thánh Cha yêu cầu người sử dụng các trang mạng xã hội hãy trung thực và tôn trọng người khác. Ngài cũng đề nghị các tín hữu hãy sử dụng thế giới ảo để rao giảng Tin Mừng.
Đức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli nói tiếp:
"Tôi nghĩ rằng đây là một công tác lớn cho những người có Chúa Giêsu Kitô trong tâm hồn mình, nhằm giúp đỡ bạn bè của họ trong các trang mạng xã hội. Hãy lắng nghe họ, hiểu các thách thức của họ, giúp đỡ họ để họ có thể thực sự tìm thấy một mục đích trong cuộc sống".
Cùng với sứ điệp này, Tòa Thánh cũng đã tung ra một ứng dụng mới. Nó được gọi là 'Ứng dụng Giáo hoàng”, trong đó bao gồm các bài phát biểu của Đức Thánh Cha, video trực tuyến của các cuộc tiếp kiến của Ngài. Hiện nay, ứng dụng này chỉ dành cho các thiết bị của công ty Apple.
13. Ủy ban Tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Rio năm 2013 chào mừng Đức Thánh Cha sau cuộc họp ở Rôma
Tuần này, các nhà tổ chức đã tạo một sức sống mới cho việc chuẩn bị Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ diễn ra tại Brazil. Ban tổ chức của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro đã dành vài ngày làm việc ở Rôma, để soạn thảo chi tiết chuyến viếng thăm Đại hội của Đức Thánh Cha.
Ủy ban này, gồm các nhà lãnh đạo dân sự và Giáo hội của Brazil, đã có cuộc gặp ngắn ngủi với Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16, sau cuộc tiếp kiến chung ngày 23 tháng Giêng vừa qua. Đức Tổng Giám Mục Orani Joao Tempesta của Tổng giáo phận Rio đã giới thiệu với Đức Thánh Cha các thành viên của Ủy ban, gồm 35 người, trong đó có đại sứ Brazil cạnh Tòa Thánh.
Đại hội Giới Trẻ Thế giới dự kiến sẽ thu hút hơn 2 triệu người đến Rio de Janeiro, là thành phố lớn thứ hai ở quốc gia có đông đảo người Công Giáo nhất trên thế giới.
14. Đức Thánh Cha thay đổi nhiệm vụ giữa các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã công bố hai tài liệu nhằm chuyển giao trách nhiệm giữa các cơ quan của Giáo Triều Rôma: Trách nhiệm đối với các chủng viện từ nay thuộc về Thánh Bộ Giáo Sĩ, trong khi trách nhiệm huấn giáo được chuyển cho Hội đồng Tòa thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng.
Với tự sắc Ministrorum Institutio (Việc đào tạo các thừa tác viên), Đức Thánh Cha chuyển việc quản lý các chủng viện từ Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo qua Thánh Bộ Giáo Sĩ. Trong tự sắc, Ngài nhận xét rằng cả Công đồng Chung Vatican II và Bộ Giáo Luật dạy rằng các chủng viện “thuộc lĩnh vực đào tạo các giáo sĩ ", và do đó, sẽ hợp lý hơn khi chuyển giao việc đào tạo tại các chủng viện cho Bộ Giáo sĩ.
Với tự sắc thứ hai, Fides per Doctrinam (Đức tin nhờ đạo lý), Đức Thánh Cha chuyển trách nhiệm huấn giáo từ Thánh Bộ Giáo Sĩ qua Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng. Ngài giải thích rằng một sự hiểu biết đúng đắn về đức tin "luôn luôn đòi hỏi nội dung của đức tin phải được thể hiện bằng một ngôn ngữ mới", và Hội đồng Tòa thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng được thiết lập gần đây là để khuyến khích sự trình bày đức tin một cách mạnh mẽ hơn.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô ghi chú trong tự sắc Fides per Doctrinam rằng kể từ Công Đồng Chung Vatican II, Giáo Hội đã thực hiện nhiều phương pháp khác nhau để giảng dạy đức tin, và các phương pháp này "không phải là không có sai lầm, thậm chí là có sai lầm nghiêm trọng nữa, cả trong phương pháp và nội dung". Ngài viết rằng phương dược tốt cho các vấn đề này là bảo đảm rằng đức tin pải được trình bày một cách chính xác, và liên kết chặt chẽ tiến trình rao giảng Tin Mừng với Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo.
15. Fiji trục xuất linh mục truyền giáo người Úc
Chính phủ Fiji đã ra lệnh trục xuất một linh mục Công giáo người Úc, vì linh mục này gây thịnh nộ cho tướng Vorege Bainimarama, người đứng đầu hiện nay của chế độ quân sự.
Cha Kevin Barr đã được lệnh phải rời khỏi đất nước ngày 27 tháng Giêng. Một phát ngôn viên chính phủ cho biết rằng vị linh mục Úc, đã làm việc tại Fiji trong 32 năm, đã vi phạm thời hạn của giấy phép lao động của mình.
Cha Barr đã nhận được hàng loạt tin nhắn của tướng Bainimarama đe dọa ngài, sau khi cha ra tuyên bố chỉ trích chính phủ quân sự của ông.
16. Ngày Thế giới chống Bệnh phong: Tăng cường công tác bác ái từ thiện
Ngày Chúa nhật 27 tháng Giêng đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày Ngày Thế giới chống Bệnh phong. Nhân dịp này, Đức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski, chủ tịch Hội Đồng Tòa thánh về hỗ trợ mục vụ cho nhân viên y tế, đã công bố một sứ điệp có tựa đề: "Một dịp thích hợp để tăng cường công tác bác ái từ thiện". Trong bản văn này, Đức Tổng Giám mục lưu ý rằng bệnh Hansen là "một căn bệnh vừa cũ vừa nghiêm trọng, khi chúng ta xét đến sự đau khổ của các bệnh nhân, sự loại trừ người bệnh khỏi xã hội và tình trạng nghèo đói gây ra bởi căn bệnh này".
Sứ điệp nói: "Theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 220,000 người – gồm người lớn và trẻ em – đã mắc bệnh phong trong năm 2011, và nhiều trường hợp chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn phát triển”.
“Trước tình hình khẩn trương về chăm sóc sức khỏe như thế, trong ánh sáng của Năm Đức Tin, và với mong ước dấn thân mạnh mẽ hơn để thực hiện những gì Chúa Giêsu ủy thác cho chúng ta là hãy đi rao giảng và chữa người tật nguyền, tôi muốn nhắc lại lời mời gọi của tôi là anh chị em hãy để bảo đảm rằng ngày Thế giới chống Bệnh phong lần thứ 60 tạo ra một dịp mới thích hợp cho việc tăng cường công tác bác ái từ thiện, trong các cộng đồng giáo hội của chúng ta, để mỗi người trong chúng ta có thể là người Samaritanô nhân lành cho tha nhân.”
17. Ngày Chúa Nhật cầu nguyện cho hòa bình Thánh Địa ở 3000 thành phố trên khắp thế giới
Ngày Chúa nhật 27 tháng Giêng, 3000 thành phố trên thế giới cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, trong bối cảnh của Ngày Quốc tế cầu cho hòa bình lần thứ năm, được cổ vũ từ năm 2009 bởi một nhóm giới trẻ Công giáo.
Tưởng cũng nên biết là Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã khuyến khích việc “đưa ra các quyết định táo bạo nhằm ủng hộ hòa bình, và chấm dứt các cuộc xung đột có tác động tiêu cực trên khắp khu vực Trung Đông, nơi đang bị quấy động bởi nhiều cuộc chiến".
Theo các nhà tổ chức, Ngày Quốc tế cầu bầu cho hòa bình tại Thánh Địa, “đã trở thành một dấu hiệu, và nguồn cảm hứng cho những người ao ước rằng hòa bình và công lý sẽ ngự trị trên phần đất nơi Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người”
18. Tin tức về Đại hội Giới trẻ Thế Giới
Sau cuộc họp với Vatican, một chức sắc của Ủy ban tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 đã khích lệ các bạn trẻ đừng để nỗi lo sợ cho sự an toàn ngăn cản mình đến Rio de Janeiro.
Linh mục Leandro Lenin Tavares, giám đốc huấn giáo tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm nay nói: “Tôi thấy rằng thành phố này đã thay đổi rất nhiều, và không có lý do gì mà người ta lại sợ đến Rio".
Linh mục Leandro và 15 quan chức chính phủ Brazil - bao gồm giới quân sự, chính quyền liên bang, tiểu bang và chính quyền thành phố - đã trấn an Hội Đồng Tòa thánh về Giáo Dân về những lo lắng an ninh của đại hội, trong chuyến thăm Rôma từ ngày 9 đến ngày 25 tháng Giêng.
Các nhà chức trách đã đưa ra một kế hoạch an ninh trong thành phố cách đây bốn năm, được gọi là "kế hoạch bình định", trước Thế vận hội mùa hè năm 2016 và Giải Bóng đá thế giới (World Cup) năm 2014. Trung tâm của nỗ lực này là Chương trình Bình Định Favela (FPP), trong đó các nhân viên được đặc biệt tuyển dụng và các sĩ quan cảnh sát được đào tạo trong cộng đồng sẽ đi vào các favela (tức là các khu ổ chuột) của Rio, trục xuất các thành viên băng đảng ma túy và các tội phạm có vũ trang khác, và thiết lập một sự hiện diện thường trực, được gọi là Đơn vị Cảnh sát Bình định (Unidade de Policia Pacificadora, UPP). Sau đó, chính quyền thành phố có thể đi vào các khu ổ chuột một cách an toàn, và cung cấp các dịch vụ xã hội cần thiết và hỗ trợ kinh tế cho cư dân. Mục tiêu lâu dài của chương trình FPP là đưa các cư dân khu ổ chuột vào dòng chính của xã hội, một quá trình đang diễn ra và hiện đang vượt quá sự mong đợi. Rio de Janeiro có hơn 1.000 khu ổ chuột.
Linh mục Tavares nói với hãng tin CNA: "Tôi dâng Lễ vào ngày Chúa nhật tại khu phố nguy hiểm Penha; khu phố này nằm giữa các khu ổ chuột lớn và có nhiều người buôn bán ma túy".
Vị linh mục sinh ở Rio nói thêm: “Nhưng kể từ khi kế hoạch bắt đầu, quân đội và cảnh sát đảm bảo rằng không có súng đạn nào có thể được đưa vào các khu phố nguy hiểm, và bây giờ chúng tôi có nhiều khách du lịch hơn".
Thành phố Rio de Janeiro có 275 giáo xứ Công giáo, mỗi giáo xứ có ít nhất ba Thánh Lễ ngày Chủ Nhật, trong đó một số giáo xứ có tới 7 thánh lễ ngày Chúa nhật.
Rio de Janeiro (có nghĩa là Con Sông tháng Giêng), thường được gọi tắt là Rio, là thủ phủ của bang Rio de Janeiro, là thành phố lớn thứ hai của Brazil, và là khu vực đô thị lớn thứ ba ở Nam Mỹ, có khoảng 6,3 triệu người dân trong nội ô, làm cho nó trở nên thành phố lớn thứ 6 ở châu Mỹ, và lớn thứ 26 trên khắp thế giới.
VietCatholic Network
0 nhận xét:
Đăng nhận xét