Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Hôm nay ngôn sứ nói gì?


Một ngày cuối năm 1965, trên một chuyến bay từ Ý về Hoa Kỳ mang theo một số Giám Mục nước Mỹ mới đi dự Công Đồng Vatican 2 về, có một nữ chiêu đãi viên hàng không rất xinh đẹp, tận tình và nhã nhặn phục vụ các hành khách.
Thế nhưng đặc biệt trong cả chuyến bay, cô vẫn cảm thấy bực bội trong lòng và mất tự nhiên trước một đôi mắt cứ nhìn chăm chú mãi vào khuôn mặt và vóc dáng của cô mỗi khi thấy cô xuất hiện. Lại càng đáng bất bình hơn nữa khi cô tìm cách kín đáo hỏi thăm một hành khách ngồi gần đó, thì hóa ra đó lại là đôi mắt của một Giáo Sĩ, Đức Cha Fulton Sheen, vị Giám Mục Tông Đồ lừng danh nước Mỹ ( ảnh bên trái ).
Khi phi cơ hạ cánh, đợi các hành khách xuống hết, Đức Cha mới tiến đến trước mặt cô gái, ngỏ ý một cách đứng đắn trang trọng nhưng không kém phần trìu mến dịu dàng: “Hỡi cô bé, cô xinh đẹp lắm ! Cô hãy cảm tạ Thiên Chúa thật nhiều, vì Người đã ban tặng cho cô một sắc đẹp tuyệt vời...”
Thế rồi chỉ vài ngày sau, có tiếng gõ cửa văn phòng làm việc của Đức Cha Fulton Sheen ở Tòa Tổng Giám Mục New York. Cô tiếp viên hàng không hôm nọ vào đề ngay khi vừa ngồi xuống ghế: “Thưa Đức Cha, câu nói của Đức Cha đã làm cho con phải băn khoăn suy nghĩ mãi. Vậy thưa Đức Cha, con biết phải cảm tạ Thiên Chúa như thế nào cho xứng đáng với những gì Người đã ban cho con ?”

Đức Cha điềm đạm đặt lại cho cô một câu hỏi thay vì trả lời: “Thế con có bao giờ nghe nói đến một trại phong cùi mang tên Di Linh ở Việt Nam chứ ?” Cô gái ngước đôi mắt xanh như dọ hỏi: “Thưa Đức Cha, có lần con đã đọc được trên báo và cũng đã được nghe ai đó kể về trại Di Linh.”
Đức Cha dõi nhìn xa xăm qua khuôn cửa sổ: “Có thể hiểu theo một cách nào đó thì Thiên Chúa đã dành tất cả những nét đẹp của những người cùi ở Di Linh mà ban riêng cho con. Nếu con thành tâm muốn cảm tạ Thiên Chúa, con hãy xin sang Việt Nam và tìm cách an ủi họ bằng đời sống phục vụ... Vị Tổng Giám Mục thành lập trại phong Di Linh, Đức Cha Jean Cassaigne người Pháp, lại là một người bạn rất thân của cha…”
Chỉ chừng ấy thôi, cô tiếp viên hàng không chẳng bao lâu sau đó đã trút bỏ tất cả tương lai để tự nguyện khoác áo Nữ Tu. Sau một thời gian tập tu và học hỏi, chị đã xin Nhà Dòng cho được sang Việt Nam phục vụ ngay giữa những con người bất hạnh ở trại phong Di Linh.
Người Nữ Tu Dòng Nữ Tử Bác Ai Vinh Sơn ấy tên là Louise Bannet. Sau biến cố 30 tháng 4, chị bị trục xuất khỏi Việt Nam, nhưng không chịu trở về Pháp mà lại tình nguyện sang phục vụ các bệnh nhân phong tại Tahiti cho đến khi chị qua đời vào năm 1983 vì căn bệnh ung thư... ( Trích Nối Lửa Cho Đời số 2 )
Hôm nay trình thuật Tin Mừng theo Thánh Luca nói về Chúa Giêsu rao giảng cho những người đồng hương Nadarét. Dù mọi người đếu tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra ( Lc 4, 22 ), nhưng đã trở nên bất bình trước thái độ dứt khoát của Chúa Giêsu, không chiều theo yêu cầu tầm thường của họ.
Ngôn Sứ theo Thần Khí
Không xu nịnh thói đời háo danh, không vì tư lợi hay bổng lộc, không xảo ngôn, mị dân, Ngôn Sứ hành động hoàn toàn theo sự hướng dẫn khôn ngoan của Đức Chúa Thánh Thần, hoàn toàn vâng theo Thánh Ý Chúa. “Hôm ấy, được quyền năng thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh” ( Lc 4, 14 – 15 ).
Đức Giêsu chính là Ngôn Sứ mẫu mực, làm chứng cho Tình Yêu, cho sự thật, công lý và hòa bình. Trong khi người đồng hương trông chờ phép lạ, để thỏa trí tò mò, để hãnh diện khoe khoang, Người đã tử chối làm sự lạ như họ trông chờ. Bởi vì Người làm mọi việc để vinh danh Chúa Cha, chứ không vì bản thân, hay cho dòng họ, và quê nhà. Thông điệp mà Người muốn gửi qua các dấu lạ, đó là củng cố Đức Tin, chứ không phải đem đền những lợi ích thế gian. Gần đây, Bậc Đáng Kính, Đức Giám Mục Fulton Sheen, cũng đã thể hiện thiên chức Ngôn Sứ một cách vẻ vang rạng ngời.
Không chỉ các Chủ Chăn, các Linh Mục, Tu Sĩ, Chúa Giêsu còn mời gọi tất cả Kitô hữu đều trở nên Ngôn Sứ của Người, một khi đã là nghĩa tử, cha, mẹ, con cái, đều là những Ngôn Sứ thực sự, tỏa sáng Đức Tin cho gia đình và xã hội.
“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết người, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt người làm Ngôn Sứ cho chư dân… Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyển cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi, để giải thoát ngươi” ( Gr 1, 5, 7 – 8 ).
Ngôn Sứ phục vụ
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thuận lợi hay đối nghịch, Ngôn Sứ cũng phải phấn đấu hoàn thành thiên chức của mình, như lương tâm của thời đại, trở nên phát ngôn nhân chính thức của Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng, ca tụng Tình Yêu Thiên Chúa, bảo vệ Sự Thật và Công Lý.
“Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi, nều tôi không rao giảng Tin Mừng” ( 1Cr 9, 16 ).
Chẳng thể hèn nhát, nhu nhược, khiếp đảm nhục hình tra tấn của ác nhân, hôn quân, bạo quyền, mà đánh mất thiên chức Ngôn Sứ, cứ ấp a ấp úng, phân vân, do dự lên tiếng, hay không lên tiếng. Mặt khác, Satan đang ra sức lấy cái bả danh lợi, địa vị, của cải, sắc dục,... để nhẹ nhàng, êm ái bịt miệng, bịt mắt, bịt tai Ngôn Sứ !
Nếu Chúa Giêsu dè dặt, cả nể, ngần ngại va chạm, sợ hãi đối đầu, thì đã không dám lên tiếng tố cáo thói háo danh, lòng hẹp hòi, cục bộ, tính đố kỵ, kỳ thị, kèn cựa, so bì, ganh ghét, háo thắng, của người đồng hương Nazareth. Họ đòi hỏi, thèm thuồng của phù vân, thứ hư danh, chứ không muốn đón nhận Đức Tin cao quý và bền vững.
Trong cuộc sống thường nhật, người Kitô hữu cũng thường chọn lối ứng xử khôn ngoan theo kiểu thế gian, khôn ngoan như con rắn, tránh va chạm, tránh đối đầu với bất công, với sự tha hóa đạo đức, để yên thân và an phận giữ đạo; coi như mình đã đầy đủ nghĩa vụ với Chúa. Đó là những khi tôi vô cảm, im lặng thỏa hiệp trước tội ác, trước áp bức, trước gian tham, trước bóc lột, trước bạo tàn… Khi đó, tôi tránh né, lặng lẽ chối bỏ thiên chức Ngôn Sứ, mà a dua sống theo, sống cùng, sống với sự dữ, làm sao còn xứng đáng làm nghĩa tử của Chúa nữa ?
Lắm khi vị nể người thân, con cháu, tôi chẳng dám nhắc bảo, sống đúng Lời Chúa, thì cũng chẳng đâu phài Ngôn Sứ chân chính. Trong nhà mà còn e dè, sao dám tuyên xưng Đức Tin với người ngoài ?
Ngôn Sứ chứng nhân
Ngôn Sứ luôn noi gương Chúa Giêsu, kết hợp tri hành hiệp nhất, sống đúng theo Tin Mừng mình rao giảng. Nếu Ngôn Sứ chỉ biết nói suông, mà không làm theo thì cũng chỉ là một Ipod, máy ghi âm vô hồn. Hoặc tệ hơn nữa, Ngôn Sứ lại ba hoa chích chòe, bốc thơm ca tụng, truyền bá tà thuyết vô thần, thì thành tay lính đánh thuê chính tông, mong được ân thưởng những đồng tiền tanh tưởi máu và nước mắt.
Ngay sau khi bị lật tẩy bộ mặt háo danh, hẹp hòi, đố kỵ, “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” ( Lc 4, 28 – 30 ).
Ngôn Sứ luôn sẵn sàng hy sinh cho sứ vụ, chẳng hề run sợ, chùn bước trước thách đố có thể chết người, bởi vì Thần Khí ban sức mạnh chịu đựng. Chính vì vậy, biết bao Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam đã hiên ngang chịu chết, để bảo vệ Đức Tin.
Nhưng trong cuộc sống thường nhật, tôi lại thường dỗ ngọt thiên chức Ngôn Sứ, cứ việc an nhiên đông miên ( yên giấc mùa đông ), như con gấu cực Bắc. Đừng lên tiếng phản đối trò gian xảo, áp bức, chèn ép, bất nhân, để được an thân, bình yên vô sự, kẻo chuốc phiền toái vào thân.
Như thế, chính tôi đang bịt miệng Ngôn Sứ, đang cấm triệt Ngôn Sứ đem tình thương, đem Lời Chúa can thiệp vào đời mình, vào gia đình và xã hội. Sao Ngôn Sứ có thể làm trọn vai trò chứng nhân Đức Kitô được ? Thánh Phaolô đã từng nhắc nhủ: “Bạn dạy người khác, sao lại không dạy chính mình ? Bạn tự hào vì có Lề Luật sao bạn lại vi phạm Lề Luật mà làm nhục Thiên Chúa” ( Rm 2, 21 – 23 ).
Phần thưởng luôn sẵn sàng dành cho Ngôn Sứ trung thành và tận tâm. “Những ai giỏi giang và vất vả giảng Lời Chúa, thì đáng được đãi ngộ gấp đôi” ( 1Tm 5, 17 ).
Lạy Chúa Giêsu, xin nhắc nhở con luôn là Ngôn Sứ, để nói với bản thân và tha nhân nhận biết Tin Mừng, qua chính cuộc sống và tâm tình con với Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Ngôn Sứ nguyên bản qua Kinh Magnificat, xin dạy con trở nên Ngôn Sứ, biết cảm tạ, ngợi khen và vinh danh Thiên Chúa mãi mãi. Amen.
AM. TRẦN BÌNH AN
Theo EPHATA số 547

0 nhận xét:

Đăng nhận xét