LTCGVN (02.02.2013)Nhân sắp tới đây, kỷ niệm ngày Quốc Tế Tưởng Niệm Diệt Chủng 27 tháng 1 ( International Holocaust Remembrance Day ), xin giới thiệu cuốn phim bất hủ “Schindler’s list” ( Danh Sách của Schindler ) do đạo diễn nổi tiếng của nền điện ảnh Mỹ, Steven Spielberg, thực hiện năm 1993.Phim dài ba tiếng, các tài tử chính gồm: Liam Neeson, Ben Kingsley, Ralph Fiennes. Phim dựa theo cuốn tiểu thuyết Schindler’s Ark của nhà văn Úc Thomas Keneally kể lại truyện một nhà sản xuất, đảng viên Đức Quốc Xã đã cứu mạng được hơn 1.100 người Do Thái bằng cách nhận họ vào làm công nhân trong hãng của ông. Cuốn phim thành công vẻ vang, đã đoạt nhiều giải thưởng lớn: 7 giải thưởng của Hàn Lâm Viện Mỹ gồm phim hay nhất, giải đạo diễn xuất sắc, hình ảnh đẹp…; 3 giải Quả Cầu Vàng ( Golden Globe ); 7 giải thưởng của Hàn Lâm Viện Anh, ngoài ra còn được nhiều giải của các Hiệp Hội Điện ảnh như Los Angeles, Chicago, New York, Dallas… Năm 2007, Schindler’s list đã được Học Viện Điện Ảnh Mỹ ( American Film Institute ) xếp hạng thứ 8 trong số 100 phim Mỹ hay nhất của mọi thời đại ( best American films of all time ). Trong thập niên 90 đây là cuốn phim nổi bật nhất của điện ảnh Mỹ, công phu, giá trị, sâu sắc, đầy tình thương nhân loại nhưng cũng rất rùng rợn, sống thực, cho thấy thiên tài vượt bực của Steven Spielberg. Với tài dàn cảnh cực kỳ khéo léo, linh hoạt Steven Spielberg đã làm sống lại trang sử đen tối nhất của nhân loại bằng những thước phim đen trắng đơn sơ. Ngoại cảnh quay tại Krakow, Ba Lan, trong 72 ngày, nó cũng có giá trị như một phim tài liệu. Trong số 9 triệu người Do Thái tại Âu Châu, có vào khoảng hai phần ba, tức 6 triệu người, bị Đức Quốc Xã sát hại hầu hết trong các trại diệt chủng gồm hơn một triệu trẻ em, gần hai triệu phụ nữ và ba triệu đàn ông. Sau ngày Xôviết sụp đổ, họ tiết lộ có vào khoảng từ 10 cho tới 11 triệu tù binh, tù dân sự bị Đức Quốc Xã tiêu diệt, nhiều nhất là người Nga, sau đó là Ba Lan, giới đồng tình luyến ái, những kẻ tàn tật... Cũng có tài liệu cho rằng con số này có thể cao hơn thế. Với đầu óc kỳ thị chủng tộc quái gở, Đức Quốc Xã khinh rẻ các dân tộc Đông Âu thuộc giống Slave mà chúng coi như hạ đẳng và tàn sát không gớm tay, khoảng 90% nạn nhân bị diệt chủng là người Đông Âu và Do Thái, họ có nể nang dân gốc Anglo Saxon ở Tây Âu hơn. Sau khi chiếm được Châu Âu, Hitler và đồng bọn cho lùng bắt tập trung tất cả người Do Thái. Mới đầu chúng tính đưa họ trả về bên Trung Đông nhưng Hải Quân Anh đóng tại Địa Trung Hải đã cản trở dự tính này, và chúng đã có “giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái tại Âu Châu” ( final solution of the Jewish question in Europe ), đó là… giết hết ! Heinrich Himmler, nhân vật số hai của chế độ, là tác giả của giải pháp sau cùng này. Trong khi Hitler và ban tham mưu thảo luận để giải quyết số phận “bọn tha phương ăn bám”, nhiều người Do Thái vẫn chưa biết họ đang nằm kề bên nấm mồ. Từ đầu 1942 cho tới cuối 1944, bọn phát xít cho chở người Do Thái từ khắp các vùng chúng chiếm đóng tại Âu Châu về các lò hơi ngạt phần nhiều tại Ba Lan. Hitler, con người quái đản nhất trong lịch sử nhân loại, đã ra lệnh giết người y như giết thú vật, đã nói một câu thật ghê rợn: “Sau này nhân loại sẽ phải nhớ ơn chế độ Quốc Xã vì chúng ta đã diệt chủng được bọn Do Thái”. Sơ lược truyện phim Một đảng viên Quốc Xã có thế lực tên Oskar Schindler sang Ba Lan lập nghiệp khi Thế Chiến thứ hai bắt đầu, ông ta bắt được cơ hội để làm giầu mau chóng nhưng từ đó cũng đã cứu mạng được hơn 1.100 người Ba Lan gốc Do Thái. Quả thật, có thể nói, giữa bầy quỉ dữ lại xuất hiện một vị thiên thần. Quân Đức tràn qua chiếm Ba Lan 1939, người Do Thái phải ra trình diện, họ bị lùa vào trong những khu nhà ghetto chật chội, dơ bẩn, bệnh tật lan truyền. Schindler lập hãng sản xuất nồi niêu cho quân đội Đức và tuyển người gốc Do Thái từ các nhà giam, vì không phải trả lương cho thợ nên ông ta làm giầu nhanh chóng. Sang năm 1942, 43, quân Đức bắt đầu thua to tại cả hai mặt trận miền Đông cũng như tại Bắc Phi và họ bắt đầu mở chiến dịch tàn sát người Do Thái, nhưng những người Do Thái làm việc cho Schindler vẫn được bảo toàn tính mệnh. Đức Quốc Xã bị quân Nga đánh tơi bời, gây thiệt hại nặng tại miền Đông và bị quân đội Mỹ – Anh ném bom dữ dội ngay tại thủ đô Berlin cũng như nhiều thành phố lớn khác, chúng càng cay cú càng tàn sát người Do Thái dữ hơn. Sang năm 1944, phe Quốc Xã bị quân Nga tấn công mạnh, phải rút dần về nước Đức. Thiếu tá SS Amon Goeth trông coi tù Do Thái báo cho Schindler một tin bí mật, nhân công của ông sẽ bị đưa về trại diệt chủng Auschwitz hết. Schindler lo sợ bèn hối lộ nhiều tiền cho Amon Goeth và dùng kim cương mua chuộc một ông lớn để giữ lại hơn 1.100 công nhân của ông. Thay vì đưa về trại diệt chủng, chuyến xe lửa sẽ đưa họ về hãng mới tại quê nhà Schindler, trước khi chuyển đi, Schindler và người thư ký đã lập danh sách thật dài trên 1.100 người, gọi là “danh sách của Schindler”, đó là danh sách cứu mạng để chuyển họ về hãng mới chế tạo vỏ đạn đại bác cho quân đội Đức. Cuộc chiến đã gần tàn, nhiều lúc hãng không còn việc để làm nhưng Schindler vẫn cố gắng dùng tiền hối lộ các tướng lãnh, cấp lớn để cứu công nhân của mình, ông có thế lực nên quen biết nhiều cấp lớn. Chiến tranh chấm dứt, nước Đức đầu hàng, khi ấy Schindler tập họp nhân công lại, cho họ biết tin này và chào từ giã mọi người để trốn sang vùng Mỹ kiểm soát, vì quân Nga sắp tới, ông sẽ bị bắt giữ vì tội đảng viên phát xít bóc lột tù nhân. Lúc chia tay, công nhân xếp hàng hai bên đường tiễn đưa Schindler, người thư ký kế toán đưa cho ông bức thư có chữ ký mọi người chứng nhận ông đã giúp đỡ cứu vớt sinh mạng họ. Một người công nhân tặng ông chiếc nhẫn mà anh đã lấy mấy chiếc răng vàng của một ông già tối qua để đúc thành, khi ấy Schindler bật khóc. Ông mếu máo tự trách mình đã không cứu thêm nhiều người chỉ vì đã ăn xài hoang phí, đáng lý ra phải cứu thêm được nhiều người hơn nữa. Quân Nga tới, Thiếu tá SS Amon Goeth bị bắt, tòa xử tử hình vì tội chống nhân loại, trước khi bị treo cổ, hắn còn hô: “Heil Hitler !” Sáng hôm sau, một kỵ binh Nga tới cho các công nhân Do Thái biết họ đã được Hồng Quân giải phóng, người kỵ binh khuyên mọi người hãy đi về hướng Tây vì hướng Đông không ưa họ đâu… Schindler mất tại Tây Đức tháng 10 năm 1974. Phim chuyển từ chuyện xưa hình đen trắng sang hình mầu chuyện ngày nay, những người Do Thái đã từng được ông cứu mạng, sắp hàng đến thăm mộ Schindler và tặng hoa để tưởng nhớ ân nhân của họ” Có lẽ “Schindler‘s list” là cuốn phim hay và nổi bật nhất của Steven Spielberg, một phim giá trị nhất của nền điện ảnh Mỹ trong mấy thập niên vừa qua. Nhờ tài dàn cảnh vô cùng khéo léo của Steven cùng với sự diễn xuất điêu luyện của các tài tử chính cũng như phụ, vở kịch đã có được một nội dung cực kỳ bi thảm. Đây cũng có thể coi như một cuốn phim kinh dị với những cảnh hiện thực của ranh giới giữa sống và chết, giữa trần gian và địa ngục. Steven Spieldberg đã khiến khán giả đôi lúc muốn dựng tóc gáy trước những hình ảnh diễn tả chân thực sự tàn ác của chế độ phát xít Đức. Nhà đạo diễn không cần dựa vào mầu sắc vì nội dung của nó đã quá phong phú hiện thực. Hình ảnh đen trắng cổ điển, đơn sơ đã giúp tăng thêm không khí u ám của thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nhân loại, nó cũng giúp phần đưa “Schindler’s list” lên hàng siêu phẩm của thời đại. Cuốn phim đã được ca ngợi khắp nơi như một kiệt tác phẩm nghệ thuật, lại cũng là một chứng tá lịch sử, một tài liệu sống thực của thảm kịch đã qua. Tuy thế Steven Spielberg cũng không tránh khỏi vài sơ xuất nhất là về trang phục tù nhân, họ ăn mặc quá tươm tất so với những rách rưới thảm sầu của các tù nhân trong các phim tài liệu thật. Sự thực 1.100 người được cứu sống chỉ là một con số quá nhỏ so với sáu triệu người Do Thái và hàng chục triệu người Nga, Ba Lan... bị tàn sát trong các lò hỏa thiêu, trại tập trung diệt chủng Đức Quốc Xã, nhưng ý nghĩa của nó vô cùng lớn lao vì nó tiêu biểu cho sự chiến thắng của lòng nhân đạo, bác ái và tình yêu nhân loại bao la. Kinh Do Thái có câu: “Ai cứu được một mạng người thì cứu được cả thế giới” ( Whoever saves one life, saves the world entire ). Tôi đã được xem một phim du lịch nước Đức, họ chiếu cảnh một nhạc viện với lời dẫn giải “Nước Đức đã đóng góp nhiều thiên tài cho văn hóa nghệ của cả thế giới nào Mozart, Beethoven…” và gần đó là hình ảnh một trại tập trung với các lò hỏa thiêu xác người vẫn còn để y nguyên, một vết nhơ trong lịch sử nước Đức. Nay các lò diệt chủng tại Đức và Ba Lan vẫn còn để y nguyên như cũ, Auschwitz tại Ba Lan là trại giam với những lò thiêu xác và phòng hơi ngạt lớn nhất, hàng năm có hơn một triệu du khách khắp năm châu bốn biển tới viếng thăm. Người ta muốn cho cả thế giới thấy tận mắt những chứng tích của tội ác và cũng là để xây dựng, củng cố một niềm tin cho nhân loại, rằng: Lịch sử sẽ không bao giờ tái diễn !
Ephata biên tập lại từ một bài không rõ tác giả, xin cáo lỗi
Theo EPHATA số 545
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét