Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

2.178 người ký tên trên kiến nghị sửa đổi Hiến pháp do nhóm Boxitvn đề xướng


LTCGVN (04.02.2013)
Sài Gòn – Đến trưa hôm qua, chỉ mới 12 ngày qua (từ ngày 22.01.2013, công bố trên blog boxitvn), đã có 2.178 người Việt Nam ký tến tham gia bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp (HP) theo đề xướng của nhóm Boxitvn.
Ban đầu kiến nghị do 72 người ký tên, trong đó đầu danh sách là tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội, đứng thứ 26 là Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, thứ 60 là Phạm Toàn, nhà giáo, Hà Nội, …
Trong danh sách hơn 2 ngàn ký tên có nhiều trí thức, doanh nhân, chức sắc các tôn giáo, giáo viên, sinh viên, người lao động phổ thông trong nước chiếm đa số, cùng với một số là Việt kiều. Riêng trong nước, có cả những đảng viên CSVN cũng ký tên đồng tình với kiến nghị này. Đặc biệt có Đức cha Nguyễn Chí Linh, giám mục Thanh Hóa, Phó chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam, và Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng giám mục Hà Nội cũng ký tên trong danh sách này.
Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đang ký tên vào danh sách Kiến nghị sửa đổi HP 2013 – Ảnh BTH

Chữ xác nhận và chữ ký của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, thực hiện tại đan viện Chân Sơn, Nho Quan, Ninh Bình – Ảnh BTH
Bản kiến nghị góp ý 7 điểm:

- Điểm đầu tiên là nên rút đảng CSVN khỏi lời nói đầu và điều 4 HP. Kiến nghị cho rằng: “Chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ. Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy. Hiến pháp của Liên Xô năm 1977 quy định ở Điều 6 vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội đã không tránh được sự sụp đổ của chế độ Xô-viết khi không còn lòng tin của dân”.
- Điểm thứ hai là quyền con người. Kiến nghị viết: “Chúng tôi yêu cầu sửa Dự thảo theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Nếu các quyền này được ghi trong Hiến pháp mà không được thực thi nghiêm túc như hiện nay, thì việc quy định các quyền ấy cũng trở nên vô nghĩa. Vì vậy chúng tôi yêu cầu Hiến pháp quy định thành lập một Ủy ban Quốc gia về Quyền Con người hoạt động độc lập”.
- Điểm thứ ba là nguyên nhân gây căng thẳng nhiều năm qua, sở hữu đất đai. Kiến nghị viết: “chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 57 của Dự thảo, trở lại như Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Có thể quy định như sau: ‘Sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng và nhà nước về đất đai được tôn trọng. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và thống nhất quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và các tài nguyên, nguồn lợi khác ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư’. Thay thế quy định thu hồi đất bằng trưng mua đất và không áp dụng cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội như nêu trong Điều 58 của Dự thảo.
- Điểm thứ tư là về tổ chức nhà nước. Ở điểm này, kiến nghị tập trung vào việc phải có tam quyền phân lập (Lập pháp, hành pháp và tư pháp), và phải có Tòa án HP.
- Điểm thứ năm là về lực lượng vũ trang. Bản kiến nghị nói rõ lực lượng vũ trang chỉ có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia và nhân dân, nên không thể lệ thuộc bất cứ một tổ chức nào, kể cả đảng CSVN.
- Điểm thứ sáu là quyền lập hiến là của toàn dân. Bản kiến nghị nhấn mạnh sự khác biệt của lập hiến và lập pháp. Lập hiến là của toàn dân, lập pháp là của Quốc hội. Nên toàn dân phải có quyền phúc quyết đối với HP.
- Điểm cuối là thời hạn góp ý cho việc sửa đổi HP. Bản kiến nghị thời hạn kéo dài đến cuối năm 2013, thay vì chỉ đến cuối tháng 03.2013 như Quốc hội đã thông báo.
Số người ủng hộ kiến nghị này càng ngày càng tăng, tuy nhiên cũng có những ý kiến nghi ngại.
Đa số nghi ngại cho rằng đảng CSVN chỉ làm cách hình thức chứ có thực sự lắng nghe dân đâu mà góp với ý. Có người còn cho rằng bản kiến nghị này là “hàng gài” của cộng sản, để tìm và bắt những ai trước đây âm thầm chống họ, nay công khai hóa tên tuổi.
Người này nói (trưa 02.02.2013): “Trí thức cộng sản báo cáo đã có 1,981 người ký tên vào bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp. Trong số 1,981 người này, sẽ có rất nhiều người chia sẻ quan điểm chính trị, sẽ có rất nhiều người công khai danh tánh. Và sau chiến dịch lấy ý kiến mị dân này, sẽ có trên 1,000 người bị điều tra, sách nhiễu và bị bắt bớ tù đày vì “chống phá nhà nước chxhcn Việt Nam. Một báo cáo thành tích mà trí thức cộng sản đã chiêu dụ được những người chống đảng cộng sản lộ diện”.
Những người ủng hộ thì cho rằng: “Kiến nghị này được CSVN đọc, quan tâm và tìm cách cải thiện thì rất tốt cho dân cho nước, còn nếu họ không tìm hiểu thì đây cũng là cách thông báo công khai cho cả dân tộc Việt Nam biết có một số lượng rất đông công dân không đồng tình với HP họ đưa ra. Trước đây sự không đồng tình có thể có, nhưng tất cả đều bị giấu kín, nên hệ thống tuyên truyền vẫn rêu rao là quyết sách của họ được toàn dân ủng hộ. Nay thì không thể đơn giản thế”.
Một ý kiến khác khẳng định: “Nếu chỉ vài người ký tên thì có thể bị bắt, nhưng cả triệu người thì không thể bắt hết được. Còn bắt đại một vài người để làm gương hay làm con tin đe dọa thì số người còn lại chẳng lẽ để yên cho?”
Được biết, tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, Chúa nhật 27.01 vừa qua, và ngày hôm qua 10.02.2013 đã đặt các bàn ký tên ủng hộ kiến nghị sửa đổi HP năm 2013.
Giáo dân Thái Hà ký tên vào bản Kiến nghị sửa đổi HP 2013 – Ảnh BTH
Đây là lần đầu tiên, cùng một chủ đề chính trị, mà hệ thống truyền thông của đảng CSVN vừa phải tuyên truyền lại vừa phải làm công tác phản tuyên truyền cùng một lúc. Dân chúng thì sẽ có cơ hội biết rõ hơn sự kiện này, nếu có đủ giờ và kỹ năng tiếp cận cả hai dòng thông tin lề đảng và lề dân.
Quý vị nào muốn ghi danh vào bản kiến nghị này, xin gởi thông tin cá nhân đơn giản: Họ và tên, nghề nghiệp, chức vụ (nếu có), nơi cư trú về điện thư: kiennghisuadoihienphap2013@gmail.com.
PV. VRNs 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét