Trong lần về quê vài ngày trước, tôi giật mình khi nghe tiếng ve kêu trên các tán cây của rừng cao su hai bên đường. Ô hay, hè đã về rồi đấy à ? Tôi tự hỏi thầm, nhìn những cây phượng đỏ cả một sân trường tiểu học gần nhà, lòng lại thấy bồn chồn về những ngày còn cắp sách đến lớp...
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi hầu hết các sân trường đều có những cây phượng lớn, tụi tôi hay dùng một vật gì đó để ném lên cây mong sao những hoa phượng đỏ rớt xuống. Và rồi cả bọn lại dùng những hoa phượng đó để ép thành bướm, thành hoa... Những con bướm không bao giờ bay và những cánh hoa chẳng bao giờ tàn... Nhưng hầu như, chả đứa nào giữ lại được những cành phượng hay con bướm đó...
Rồi tiếng ve gọi hè, tiếng ve của những tấm lòng xôn xao, náo nức chờ ngày được nghỉ hè, ngày được thả hồn, thả những giấc mơ vào những cánh diều trên đồng cỏ, cùng đám bạn chạy nhảy ở khu nghĩa trang Tàu vào những buổi trưa hè nóng bức.
Những buổi trưa hè ấy làm cho chúng tôi thân thiết hơn, gần gũi nhau hơn. Nào ai biết được để có những cánh diều tung bay trên bầu trời đầy nắng và gió ấy, đã có biết bao nhiêu đứa phải đứt tay, chảy máu, bị mẹ cha đánh đòn, thậm chí nhịn cả bữa ăn trưa để lấy cơm nguội dán diều...
Những buổi chiều cùng nhau đi hái trộm trái cây, hái trộm khoai mì bị người ta ném đá, tạt nước... Đó là những ngày hè của ngày xưa, ngày còn thơ bé, ngày còn đi bộ đến trường với cái "bình tông, lọ mực, cái nón lưỡi trai đã cũ rách..."
Tháng ngày trôi qua thật lặng lẽ, mới đó đã gần ba mươi năm, ba mươi năm cũng đã được xem như là một đời người. Ở cái tuổi này, nhiều đứa trong đám bạn tôi đã lập gia đình, đã có con cái, đã phải bươn chải mỗi ngày trên khắp các nẻo đường... Có đứa đã mất, đã chuyển chỗ ở,... nhưng khi gặp lại nhau. Chúng tôi vẫn không thể quên, không thể cầm được nước mắt khi nhắc về những ngày xưa đầy kỷ niệm ấy.
Ngày nay, khi tiếng ve gọi hè, khi những cánh phượng đỏ nở rực trên cành thì đó cũng là thời điểm để các em học sinh trong các ngôi trường mong mỏi chờ đợi, chờ đợi kết quả học tập của mình sau một năm, một năm với vô số kì thi, vô số bài kiểm tra...
Học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, học sinh khá,... đó là những cấp bậc mà học sinh ngày nay luôn phải phấn đấu. Và cũng từ đó nhiều chuyện liên quan đến vấn đề này nảy sinh...
Một học sinh học giỏi thật sự, nhưng nhà nghèo, chưa chắc được chọn làm học sinh giỏi.
Một học sinh học khá, nhưng có tiền ( nghĩa là có tiền đóng Kế Hoạch Nhỏ, tiền mua tăm tre, tiền nước uống trong trường, tiền Anh ngữ, vi tính… nói chung tất cả những chương trình mà nhà trường đưa ra ), đồng nghĩa với việc được chọn làm học sinh giỏi ?!?
Anh bạn già của tôi có đứa con học lớp 7 ở một trường gần nhà, hai em cùng tổng điểm, nhà trường không đồng ý cho xếp đồng hạng, nên yêu cầu xét về các hoạt động tham gia ở trường. Và dĩ nhiên con của anh bạn tôi chỉ đứng hạng ba sau một em 9,8 và một em cùng 9,6 với mình. Cô bé hỏi bố: "Bố có buồn không khi con chỉ đứng hạng ba ?" Anh bạn của tôi đương nhiên là cảm thông và không ngừng động viên con gái mình.
Vậy ra, đồng tiền mua luôn lòng người, mua luôn con tim, mua luôn lương tâm của các hiệu trưởng, của các giáo viên, những người trực tiếp nuôi dạy những "mầm non của đất nước" này sao ?
Thật trớ trêu thay khi trong trường còn tồn tại một hình thức "hối lộ" hợp pháp như thế, chẳng phải chính những thầy cô giáo đã làm hoen ố tâm hồn trắng trong của bọn trẻ, làm chúng phân biệt, đối xử với nhau chẳng bằng con tim nhưng bằng đồng tiền, bằng sự ganh đua như thế à ?
Nếu gặp những em dễ bị tổn thương, liệu chúng có hỏi bố mẹ chúng những lời mà đứa con của anh bạn già tôi nhắc đến không ? Hay chúng tự ái, chúng trách mắng bố mẹ chúng đã không cho tiền đóng Kế hoạch nhỏ, hay tiền mua tăm, đủ các thứ tiền, thậm chí cả tiền nước uống ?!?
Thử hỏi rằng liệu chúng có chấp nhận được khi biết sự thật rằng, vì thành tích, vì muốn được làm giáo viên dạy giỏi các thầy cô đã không ngừng dạy cho chúng phải gian dối trong thi cử, phải đối phó thế nào với một tiết học khi có Hiệu Trưởng hay một giáo viên khác dự giờ một tiết học của chúng ?
Câu trả lời ở những giáo viên, những người đang cầm tay chúng dìu vào đời hay "đem con bỏ chợ", cầm tay hay kéo tay ? Dìu hay đẩy chúng vào đời ? Dạy chúng viết những nét chữ đầu đời thật trong sáng, hay "nhồi" vào đó những nét chữ "xiêu vẹo", những nét chữ đã làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ, một thế hệ trẻ đã và đang nếm trải mùi vị đắng ấy !
Mùa hè chỉ thật đúng nghĩa khi các em nhận biết được giá trị đích thực của nó.
Mùa hè chỉ thật đẹp khi các em được cùng gia đình sum họp mỗi buổi đọc kinh, mỗi chiều đi dự Thánh Lễ, mỗi bữa cơm... mà không còn phải ăn vội vàng, đi vội vã, vì sợ trễ giờ học thêm, lại còn phải học tăng tiết của các em nữa.
Xin hãy để mùa hè với các em là những ngày thật sự vui chơi giải trí, đừng biến các em thành những quân cờ trong sự mưu toan, tính toán của người lớn.
Xin hãy để những cánh diều mang bao mơ ước ấy, những mơ ước của trẻ thơ được bay cao, bay xa và đừng vướng bận gì của người lớn hết.
Xin hãy đề những tiếng ve gọi hè thành âm thanh thật sự quen thuộc với các em như tiếng gọi các em vào hè.
Xin hãy để những cánh bướm được xếp từ những cánh hoa phượng đỏ như một biểu tượng của sự bình yên, nhắc nhớ các em trong những ngày hè...
Và sau cùng, xin hãy để các em trở về với đúng tuổi thơ của mình, một tuổi thơ không bị đánh cắp...
KEYBOARDNGUYEN, Sàigòn, hè 5.2012
Theo EPHATA số 511
0 nhận xét:
Đăng nhận xét