LTCGVN (06.06.2012)
Có hai thứ mùa xuân. Mùa xuân ngoài đất trời và mùa xuân trong tâm hồn. Cứ hết năm là mai nẩy lộc. Xuân đât trời, không tìm vẫn có, không đợi vẫn đến. Khi thời gian chưa tới thì có mong, mai vẫn chẳng nở, đào vẫn không đơm nụ, và chẳng làm sao có mùa xuân. Bởi thế, khi người ta đi tìm mùa xuân là ngụ ý nói về mùa xuân tâm hồn. Mùa xuân trong tâm hồn có thể tìm được. Nó không lệ thuộc vào không gian, hoàn cảnh vật lí. Mùa xuân này lúc nào cũng có thể thấy và lúc nào cũng sẵn sàng để có thể mất. Mùa xuân tâm hồn huyền diệu là ta có thể cất chứa mùa xuân này trong một ngăn kéo trí nhớ. Có những mùa xuân xa xưa lắm, mà nay, bên một chiều, ta có thể bảo trí nhớ quay về gọi mùa xuân hiện diện lại. Thượng Đế ban cho con người trí nhớ để có thể lưu giữ những mùa xuân này trong tâm hồn. Một lúc trống trải nào đó trong đời sống, ta lấy mùa xuân ra khỏi ngăn kéo, và ngăn kéo này đưa ta vào ngày tháng êm ả. Cứ như thế, lúc nào ta cũng có thể có mùa xuân.
Con cám ơn Chúa đã ban cho con người khả năng để nhớ. Trong những tặng phẩm cần thiết cho đời sống, mùa xuân tâm hồn là một góp phần quý hoá của trí nhớ, nó có sức làm dịu ngọt cuộc đời, nó cũng có thể ray rứt, thúc dục cuộc sống suy nghĩ.
Con thích đi tìm mùa xuân bằng mở lại những ngăn kéo hồi tưởng này. Trí nhớ, ôi! Quà tặng thật huyền diệu Chúa đã ban. Kín đáo, tĩnh mịch, ai cũng có thể sống trong mùa xuân trí nhớ. Chỉ cần một mơ ước nhỏ nhủ xuống tâm hồn hoặc hỏi hồn mình về một thao thức nào đó, rồi từ trong những tiếng nói sẽ sàng ấy, tâm hồn đưa con vào những giây phút rất quý của thời gian. Có những sự cố xẩy đến vội vàng mà trí nhớ gom nhặt chưa hết, thì trong những giây phút hồi tưởng, bao nhiêu chi tiết nẩy sinh và như một cành cây trong buổi sáng xauan ấm, nó lên xanh những suy nghĩ, đưa êm ả, hoặc thao thức về và dạy tương lai nẻo vào hạnh phúc.
Lạy Chúa, câu chuyện xẩy ra vào một chiều cuối năm. Buổi chiều có người đàn bà ngồi đợi con ở cuối nhà thờ. Là linh mục thì Chúa biết đó, con gặp gỡ biết bao nhiêu người. Nhưng người đàn bà này đã đi vào ngăn kéo trí nhớ con và rồi dừng lại ở đấy. Có quên rồi lại nhớ. Cứ khi trời trở lạnh vào cuối tháng Chạp, mỗi độ đất se mình vào xuân là con lại nhớ về hình ảnh người đàn bà này. Nếu không là linh mục thì câu chuyện cuối năm đó chắc đã phôi pha mất rồi. Nếu không có bóng dáng Chúa trong chuyện này thì cái nhớ chắc cũng sơ sài thôi.
Không biết người đàn bà đã ngồi ở cuối nhà thờ từ bao giờ. Chắc khá lâu. Trại tị nạn đang vào những ngày cuối năm. Đã gần 6 năm chờ đợi rất mỏi ở đây rồi, cứ Tết đên, năm nào người tị nạn cũng nói đây là năm cuối hay chỉ là cuối năm. Tết trong trại tị nạn là những cái Tết khó diễn tả. Tết là ngày gia đình xum họp, vì thế cứ Tết đến là ai cũng nhớ nhà. Hoàn cảnh tị nạn làm vợ chồng xa nhau, con cái vắng bóng cha mẹ. Cả năm không liên lạc gì, nhưng Tết đến, ít nhất cũng viết dăm ba lá thư hỏi thăm. Viết thư là nhắc đến nỗi lòng, nỗi lòng giờ đây có gì vui đâu. Vì thế, dù có tổ chức Tết bên ngoài thế nào đi nữa thì Tết trong tâm hồn vẫn là cái Tết sầu biệt li.
Trước khi nói về câu chuyện người đàn bà trong buổi tối cuối năm này, tôi muốn hồi tưởng lại đôi dòng về buổi trưa cùng ngày hôm đó. Cũng lại là câu chuyện của một người đàn bà nữa.
Tết là những này linh thiêng, dù hoàn cảnh nào, vui hay buồn, người Việt Nam cũng ăn Tết. Đã có tiếng pháo nổ rời rạc đây đó. Những bài hát xuân không làm cho mùa xuân thêm hương sắc ngày Tết mà nó ai oán hơn, vì “xuân này con không về chắc mẹ buồn lắm.” Nếu có ai bùi ngùi thì người ta để trong lòng, còn bên ngoài vẫn cố đón xuân. Một chút mua sắm, dăm ba túi bánh kẹo cho con. Đó là những hình ảnh đón xuân.
Người đàn bà dắt đứa con nhỏ đến gặp tôi trưa nay xin chút tiền là vì thế. Ngày Tết đến, thấy người ta sắm sửa cui xuân, dễ làm kẻ túng thiếu cảm thây bơ vơ. Tôi cho người đàn bà chút tiền để mua quà cho cháu bé và gởi bà ta lời chúc Tết.
Tôi nghĩ cháu bé sẽ hạnh phúc trong bộ đồ mới. Người mẹ bớt tủi lòng vì thấy con mình không rách rưới thèm thuồng bánh kẹo của con hàng xóm. Tôi đã cho người mẹ ấy một niềm vui, và niêmg vui ấy cũng cho tôi một chút thanh thản tâm hồn. Tôi muốn nhặt, cất đi những mẩu gặp gỡ nho nhỏ ấy như kỷ niệm trong những ngày làm việc ở trại. Tôi đang vào mùa xuân bằng những êm ả kín đáo.
Nhưng, đời thường có những không tưởng, nó vuột tầm ngờ của ta. Vô tình, chỉ một lúc sau, tôi băt gặp người đàn bà ấy đang đnáh bài bằng tiền tôi vửa mới giúp. Cháu bè đứng bên cạnh mẹ. Khuôn mựat tuổi thơ mới gặp ban trưa. Liệu mùa xuân này cháu có manh áo không?
Trong hoàn cảnh như thế người ta chỉ có hai suy nghĩ cho hai phản ứng. Suy nghĩ thứ nhất là có lẽ người đàn bà ấy buồn quá, muốn mua vui một chút cho qua tẻ nhạt vào độ chiều cuối năm, những ngày mà nhiều người cũng đang tìm quên. Có thể bà ta biết số tiền ấy quý, nhưng nỗi buồn có sức mạnh riêng của nó. Hãy thông cảm với bà ta.
Suy nghĩ thứ hai có thể đặt ra là bà ta muốn dùng chiều cuối năm như dịp tiện để có thể lừa tôi. Mỗi người có những lí do riêng khi đến gặp tôi mà lí do nào cũng thương tâm. Có những lí do thật, có những gian dối tinh vi mà cuộc đời đã dạy họ để mà sống sót. Vì thế, phân biệt xem đâu là thương tâm thật, đâu là nghệ thuật lừa đảo là một thách đố cho ai muốn thử sự thông minh của mình. Tôi đã biết có những người lừa được tiền để đi uống rượu, họ kể nhau nghe, rồi cười như một trò chơi. Trong phản ứng tự nhiên không muốn kiểm soát luận cứ của mình, tôi rơi vào suy nghĩ thứ hai.
Tôi thấy mình như bị lừa. Nếu bị lừa, người đánh lừa sẽ nghĩ gì về mình, họ có cho tôi là khờ khạo quá chăng? Sự thông minh đã bị tổn thương. Khi sự thông minh bị kẻ khác dẵm lên, nó là một thứ đau của niềm tự ái. Và dĩ nhiên, tôi đã mang một buổi chiều cau có trong tâm hồn từ giây phút biết sự thật người đàn bà ấy đã dùng tiền đi đánh bài.
Bây giờ trở lại người đàn bà thứ hai đợi tôi ở cuối nhà thờ. Thấy tôi ra khỏi nhà xứ, bà theo tôi ngay. Khi biết bà cũng lại xin tiền gọi là để mua ít bột ngọt, thêm mắm muối cho ngày Tết, tôi liên tưởng ngay đến người đàn bà hồi trưa đã xin tôi tiền rồi đi đánh bài. Bà nãy cũng dắt một cháu bé, cũng ngôn ngữ na ná như thế. Có phải trẻ thơ là phương tiện để khơi động sự thương tâm? Sự “ thông minh bị tổn thương” ban chiều nhắc ngay đến niềm đau tự ái. Tôi đã từ chối bà ta.
Lời từ chối của tôi nhẹ nhàng rồi nghiêm khắc dần. Hi vọng của bà cũng theo đường độ ấy trĩu theo niềm thất vọng xuống sâu hơn. Điều đó tỏ rõ trên khuôn mặt rất buồn của bà. Tôi bỏ đi. Hi vọng cuối cùng muộn màng như giải nắng tan. Bà cố theo sau tôi năn nỉ. Tôi đi trước, bước chân có ngập ngừng. Bà bước phía sau, chắc cũng sượng sần. Tôi không đủ thời gian cho một suy tính rất vội. Biết đâu bà mẹ này tội nghiệp thật thì sao? Bà đang cần một chút an ủi trong mùa xuân vắng, mà tôi là người có thể từ chối hoặc ban tặng. Chỉ trong giây phút này thôi, chiều cuối năm của bả sẽ được quyết định, tôi phải hành động thế nào? Cái suy tính ấy làm khoảng cách giữa tôi và bà xa dần. Tôi nghĩ với lòng mình, thôi cứ giúp bà một chút đi, dầu sao cũng là cuối năm. Lúc tôi quay lại thì bà không còn theo tôi nữa. Trong khoảng tối, cầm tay cháu nhỏ, bà đang đứng trước hang đá Đức Mẹ.
Khuôn mặt bà khá lạ đối với tôi. Tôi không gặp ở nhà thờ. Chắc bà không phải là người Công Giáo. Nếu vậy tại sao bà lại cầu nguyện với Đức Mẹ? Mà bà cầu nguyện gì đây? Đêm nay đang giao mùa giữa cũ và mới. Trong khoảng đất trôi dạt ở một vùng trời xa quê hương, xa gia đình, có hai mẹ con bơ vơ tìm mùa xuân.
Tôi không biết được lời nguyện cho một niềm tin mà như xa lạ, bà đã nói gì với Đức Maria, và đâu là tiếng vọng của Mẹ từ bi cho bà. Nếu trong lời nguyện ấy, bà cầu xin cho có người giúp đỡ mẹ con bà trong giây phút túng thiếu này thì Mẹ Maria bảo bà tìm đến với ai. Không có người nào giả vờ túng thiếu mà trong kín đáo của bóng tối đi tìm Đấng Cao Cả gởi niềm trông cậy cầu xin. Tôi nghĩ vậy, và lòng tôi bắt đầu không an tâm. Vào những ngày tháng mà ngoại cảnh rất đặc biệt này nó làm cái lạc lõng của giây phút cần được nâng đỡ mà bị từ chối thành muộn phiền rất sâu. Tượng Mẹ Maria ở đó đã bao năm, bạc màu với năm tháng theo lời cầu xin trĩu nặng trăn trở của những con người tuyệt vọng đang tìm đất sống. Tượng Mẹ bằng đá, Mẹ không lên lời đáp trả được, nhưng vẫn có gối quỳ đọc kinh hàng đêm, vì họ mong Mẹ ban ơn cho con người có trái tim mềm dịu mà giúp đỡ nhau. Và đêm nay, lại một tâm hồn đang đến với Mẹ để tìm mùa xuân.
Lại một lần nữa, trong đời có những không tưởng nó vuột tầm ngờ của ta. Tôi nghĩ rằng tôi phải hỏi thăm bà về đời sống của bà ở trại tị nạn này. Một lời thăm hỏi lắng nghe của Đức Kitô trong Tin Mừng mà hôm nay một linh mục của Chúa phải làm. Tôi bình an và vui với quyết định ấy. Tôi quyết định sẽ chi bà một số tiền.
Tiếng pháo lẹt đẹt rải rác đây đó. Trên lối ngõ gặp nhau đã có lời chúc qua năm cũ vào năm mới được nhiều may mắn hơn. Và tối đó, trên đường đi, cũng có người dừng chân chúc Tết cho tôi. Ân cần câu chuyện cuối năm. Khi câu chuyện chấm dứt, tôi quay lại nhìn thì không thấy người đàn bà kia đâu nữa. Nghĩ đến chuyện tôi đã quyết định giúp bà ta vì rất có thể bà ta đang khổ cực, tôi có linh cảm bất thường, tự dưng thấy buồn và hồi hộp. Tôi vội đến hang đá tìm bà, nhưng đúng vậy, sân không bóng người. Chung quanh ngã ba, cả ba phía hút về phía xa, không có bóng ai. Người đàn bà hoàn toàn khuất dạng trong đêm cuối năm.
Trong một ngày nào đó của cuộc sống, trí nhớ quay về những sự cố sẩy đến trong đời, ta thấy mất mát trong đời sống không phải do cuộc đời tránh ta mà thường là do ta bỏ rơi mất cuộc đời. Rất nhiều khi không ai lừa mình, nhưng sự thông minh nằm sâu trong tiềm thức không được kiểm soát kĩ lưỡng đẩy ta vào một căn dặn có vẻ triết học. Lời căn dặn định nghĩa rằng nghi ngờ là khởi điểm của khôn ngoan. Biết vậy. Nhưng trong trường hợp khi không khôn ngoan đủ để sự thông minh của mình lừa gạt chính mình thì làm sao định nghĩa về sự thông minh đó và gọi sự khôn ngoan kia là gì.
Lạy Chúa, đêm ấy hai mẹ con bà đã cầu nguyện gì với Chúa? Cái hoang vu của một đêm vắng tình thân trong vườn Giêtsimani thủa nào chưa chấm dứt. Vẫn có những tâm hồn đi tìm mùa xuân trong nỗi khát khao.
Người đàn bà ấy bây giờ ở đâu? Những ngày cuối năm đó đã đi vào ngăn kéo trí nhớ của bà. Lời nào Mẹ Maria nói với bà trong buổi tối ảm đạm ấy? Bà có gặp mùa xuân mà hai mẹ con đã đi tìm trong chiều cuối năm đó không. Chiều cuối năm ấy đã đi qua, nhưng mùa xuân đó trong tâm hồn bà thì chưa chắc đã im nghỉ. Hôm nay, gió bắt đầu se lạnh, sắp vào cuối tháng Chạp, có thể mùa xuân này lại nhắc bà về một mùa xuân trí nhớ.
Vâng, lạy Chúa, lại một cuối tháng Chạp nữa trong cuộc sống. Con cũng xin mượn trí nhớ quay về mùa xuân năm đó. Nhìn lại những mùa xuân, xin Chúa dạy con biết định nghĩa đúng mùa xuân của tâm hồn là gì và nhắc nhở con luôn là con đang tìm mùa xuân tâm hồn như thế nào trong đời sống hàng ngày của con.
Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
Nguồn: Mạng Lưới Dũng Lạc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét