Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Viết trong tâm hồn: ĐOẢN KHÚC 24: HOA TƯỞNG NHỚ



LTCGVN (18.06.2012)

Có phải hoa nghĩa trang là những cánh hoa nói về niềm thương nhớ? Có cánh hoa của người sống ở  nghĩa trang trước mộ bia người chết, nhưng là để lấy lòng người sống.  Có cánh hoa xã giao như vậy thì cũng có những cánh hoa ân tình của người sống gởi người ra đi rất đỗi chân thành yêu mến. Những cánh hoa đó là cánh hoa nhớ thương.

Tôi là một cánh hoa đẹp chứ không bị làm cánh hoa giả hình như đoá  hồng nhung mà các bạn vừa nghe tâm sự ở đoản khúc 6 bên trên. Đoá hồng nhung được đem ra mộ bia, nhưng thật tình chỉ là để người sống xã giao với người sống. Bởi đó, đoá hồng nhung có nỗi câm nín riêng.

Tôi là cánh hoa nhớ thương thật tình của người sống tiễn người đi trong tiếc nuối. Nếu cô đơn có nhiều tha thức, nếu đau khổ có nhiều hạt giống khác nhau thì thương nhớ cũng vậy. Có thương nhớ cắn rứt xót xa. Có thương nhớ của hối hận ăn năn.

Có nhớ gởi đi xa để gọi thương về gần. Tôi là cánh hoa của hai nỗi: thương và nhớ.

Ngày xưa, tôi là cánh hoa nhớ thương của hai người sống gởi cho nhau. Nhưng hôm nay tôi đang ở nghĩa trang, tôi là cánh hoa của một người sống gởi một người chết. Tôi xin kể về thế giới của loài hoa được làm thương nhớ.



Tôi đên nghĩa trang này vào một buổi sáng không có mấy. Trời cao nguyên mà không trong, không độ lượng, màu xám bao che không gian. Bụi sương bay nhẹ trong hồn tôi như sương bay ngoài cánh đồng.

Những đoá hoa chúng tôi trang trọng theo đoàn người ra mộ bia. Có tiềng thổn thức trong hồn ai đó. Chuyện tình của họ đã mấy chục năm nay. Có những ngày họ yêu nhau nồng nàn và cũng có những ngàu họ chán nhau. Những giận hờn đây đó rải rác  trong đời họ cũng nhiều, nhưng chỉ là những cách xa giới hạn, rồi họ lại cùng nhau đi. Họ không ngờ có ngày họ xa nhau vĩnh viễn như hôm nay.

Tình yêu cần thời gian vô cùng. Người ta chỉ có thể yêu nhau rất nhiều chứ không thẻ bảo là đã yêu nhau trọn vẹn. Vì thế, thời gian luôn luôn mở ngõ về phía trước để tình yêu của họ có thể nồng nàn hơn.  Khi đau thương thì thời gian cũng mở ngõ cho họ hi vọng làm lại chuyện tình. Bởi đó, thời gian là định mệnh hệ trọng của tình yêu. Khi một trong hai vĩnh viễn ra đi thì ngõ tương lai ấy khép lại mất rồi, và kẻ kia chỉ vời trông theo mà thôi.

Đám tang sáng nay là chuyện tình của hai người mà trong quá khứ chưa yêu thương như lòng họ mong muốn. Họ dự định cho nhau tình yêu nồng nàn ở tương lai. Nhưng, một đồi chiều mây xám bên nghĩa trang, lối tương lai đem bóng hình người yêu di mất rồi. Do vậy, trong sa mù sáng nay có gợi nhớ, gợi thương. Vì thương nhớ đó mà loài hoa chúng tôi theo chân người ra nghĩa trang.

Nhớ thương một người đã chết có thể là ray rứt của trái tim chưa yêu ngươờ chết cho đủ khi còn sống. Và cũng có thể nhớ thương người ra đi là tiếc  xót cho mình. Người chết đã đi rồi nên người sống có nhớ, thì người chết cũng chẳng biết. Người chết về một cõi xa xăm, vì thế xót thương người chết lại quay về với người gởi xót thương đi.

- Bởi đâu có xót thương nếu không có mất mát? Chỉ người ở lại thấy căn phòng trống trải. Chỉ kẻ ở lại thấy mình mất. Như vậy, xót thương trong nghĩa trang không phải là xót thương mình sao.

Nếu thế, những bông hoa thương tiếc trước mộ bia cũng chỉ là để xoa dịu nỗi đau của kẻ sống mà thôi. Người chết về thế giới linh thiêng là người chết bỏ lại thế giới này chứ không phải là mất, nên họ không đau đớn, xót thương. Do đay, những cánh hoa trước mộ bia là cánh hoa của người sống đem thương nhớ đến rồi lại lấy thương nhớ về.

Câu chuyện nỗi thương nhớ sáng nay trên vùng trời cao nguyên này là thế. Tôi được họ ôm sát lồng ngực, nên cánh hoa chúng tôi nghe rõ con tim đau đớn. Họ nuối tiếc một trời quá khứ đã chẳng thương nhau đủ, để đời nhau thổn thức. Giờ đây, kẻ ở, người đi nghìn trùng xa cách. Tôi nghe nước mắt xót thương của người sống rơi trên từng cánh hoa, tôi xúc động lắm, nhưng tôi không theo người chết ra đi mà gởi thương nhớ được. Chính vì thế, lúc này, loài hoa chúng tôi cũng chẳng thể nói gì đựoc với người đã ra đi. Tôi chỉ xin có lời cho người còn sống thôi.


Trước định mệnh cuối đời ở nghĩa trang này, tôi cũng hạnh phúc là ngày xưa được làm bông hoa của hai người sống trao cho nhau. Tôi xin kể đôi lời về những tháng ngày hạnh phúc ấy.

Ngày đó, tôi là bông hoa bận rộn như cánh ong đến mùa làm mật. Họ càng yêu nhau thì tôi càng say đường đi, chóng mặt ngõ về. Họ gởi hoa tặng nhau. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc thích thú trong trò chơi tuyệt vời của Thượng Đế tạo dựng này. Khi hai người thương nhau, họ nâng niu chúng tôi từng cánh mỏng, họ đưa lên lồng ngực ấp ủ, rồi chúng tôi đem sứ mạng tình yêu của người này chạy một đường dài tới cho người kia, ở đó, chúng tôi lại được lồng ngực khác đưa lên thương mến. Đời chúng tôi cứ là thế. Chúng tôi là loài hoa được nghe hết những nồng nàn trên hương tóc, trên bàn viết, trên đôi môi của con người. Chúng tôi chan hoà hạnh phúc vì đem giây ngọt ngào ràng buộc con người với con người, trái tim với trái tim.

Bạn ạ, không gì đẹp cho cánh hoa khi được làm thiên thần truyền tin đem tình yêu cho con tim. Lối đi, chúng tôi được tiễn bằng chờ mong. Lối về, chúng tôi được đón bằng mong nhớ. Người gởi tình yêu đi thì cho chúng tôi hạnh phúc. Người nhận tình yêu về thì cho chúng tôi ngọt ngào. Ngõ đi lối về đều là mật, là hương. Và dường như, vì thế mà chúng tôi được Thượng Đế sinh ra.

Chúng tôi muốn là bông hoa của người sống gởi cho người sống. Khi chúng tôi theo chân người ra nghĩa trang, chúng tôi không biết đi đâu. Tôi đem thương nhớ của người sống đến đây, nhưng người chết không cho địa chỉ nên chúng tôi phải quay về với người sống..

Thương nhớ ở nghĩa trang là đường một chiều. Chúng tôi là những cánh hoa đi mà không có bến đỗ. Chúng tôi là cánh hoa không làm trọn tin mừng truyền tin của thiên thần. Vì, lối tiễn có người đưa mà lối đi không có ai nhận. Chúng tôi là cánh hoa thương nhớ. Chúng tôi xẻ tim mình thành hai bến đò:

Thương và nhớ là hai động từ chúng phải được tác động từ một chủ thể. Trong tình yêu, thương và nhớ hoà lẫn vào nhau. Nhưng bạn ạ, nếu nhìn kĩ, trong cái hoà lẫn vẫn có nhưng biên giới khac biệt.

Đã được làm hoa thương nhớ, giờ đây, loài hoa chúng tôi xin nói về hai bến thương  nhớ đó.

Không thương nếu không biết. Không nhớ nếu không thương. Tôi thương là thương ai. Khi thương thì động lực trong tim tôi thúc đẩy mình phải làm “một cái gì đó” cho người mình thương. Nó diễn ra bằng hành động. Thương mà không có việc làm, và chẳng làm gì cho người minhg thương là thương hờ. Thương, rồi động tự nhớ mới đến sau. Không có ai trước khi thương mà đã nhớ. Nhớ chỉ đến sau khi đã thương. Nhớ chỉ là hình ảnh, thay mặt cho thương khi không có mặt người đó để thương. Thương thúc đẩy nhớ. Nhớ chỉ là thay mặt, nên trong tình yêu, thương là động từ chính, nhớ là động từ phụ.

Chẳng đôi tình nhân nào lại nhớ vòng tay khi họ đang trong yêu thương mặn nồng. Khi thương đến, thì bùng lên tràn vỡ  bằng trọn vẹn tâm tư, ước muốn, hành động. Khi không có thể thương vì xa cách, bấy giờ động từnhớ mới thay mặt gọi lại thương. Và lúc này, động từ nhớ đẩy chủ thể tìm cách thương thêm và chuẩn bị để thương nhiều, thương cách khác nữa.

Trong tình yêu có cả thương và nhớ. Khi con người còn sống thì họ có thể vưa thương vừa nhớ. Hiểu rằng thương là hành động cụ thể, làm “một cái gì đó” cho người mình thương, nó là hi sinh, là tặng phẩm, là tha thức, là xin lỗi, thì lúc chết rồi chỉ có thể nhớ mà không còn thương đựoc nữa. Khi còn có nhau, họ nhớ nhau đó, mà sao khó thương . Đến khi một kẻ ra đi rồi, không thương được nữa, bấy giờ họ lại nhớ. Chuyện con người sao lạ quá nhỉ.

Nhớ mà không thương thì chỉ là nhớ buâng quơ. Nhớ mà thương, nhưng không cách nào thương được nữa là nhớ xót xa. Nhớ thương trong nghĩa trang sáng nay là thương nhớ xót xa này.


Tôi muốn là bông hoa được thương để rồi có nhớ. Tôi không muốn là bông hoa khi nhớ thì không còn cơ hội để thương.

Tôi muốn là bông hoa của vợ chồng trao cho nhau trong cuộc đời lúc còn sống chứ không phải ở ngoài nghĩa trang. Rồi họ cũng phải giã từ nhau. Nhưng chẳng ai muốn giờ li biệt của mình là giã từ trong lạnh lẽi tẻ nhạt. Họ cần cho nhau một bông hoa lúc còn sống để biết bông hoa ấy sẽ  vẫy chào nhau lúc biệt li.


  



Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
Nguồn: Mạng Lưới Dũng Lạc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét