Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Viết trong tâm hồn: ĐOẢN KHÚC 23: KINH CHIỀU

LTCGVN (17.06.2012)

Đêm nay con muốn nói với Chúa về nỗi cô đơn của mộ linh mục. Con không còn trẻ như một linh mục mới ra trường để rạo rực thấy màu áo dòng luôn sáng mùa phục sinh. Con cũng chưa là tay thợ gặt đã  sương gió quá đời người trên cánh đồng. Con chỉ vừa đủ một quãng đời cho một kinh nghiệm nỗi cô đơn của đời linh mục là gì.

Ngày giã từ nhà trường với hương thơm của sách vở vẫn còn phảng phất đâu đây. Con nhớ ngày đó đẹp làm sao. Như cánh diều nhờ gió cho một chân trời đã căng đầy ước mơ từ lâu. Gìơ đã đến, tung gió mà bay cho bát ngát bầu trời. Chiếc áo dòng đóng dấu đời con một tình sử thiêng liêng. Con bước xuống cánh đồng với lời hứa sẽ đem ề một mùa lúa hân hoan.

Đêm nay, nhìn màu áo trong thinh lặng của một đêm trằn trọc tâm tư. Có nhiều thứ cô đơn trong cuộc sống. Cô đơn con muốn nói với Chúa đêm nay là cô đơn mà một linh mục thấy cô đơn hơn cả.

Trong tình yêu, khi một người muốn yêu mà tình yêu cứ bay ngược gió, họ thấy hồn họ hiu hắt buồn. Họ có thể gọi nỗi buồn ấy là cô đơn. Dường như con tim phải đi tìm con tim. Chẳng thế, sao Chúa phải tạo dựng Evà cho Ađam? Trong câu chuyện tạo dựng Ađam-Evà, lời Kinh Thánh thật thơ mộng khi bảo rằng trái tim người thanh niên ở một mình không tốt. Đó là tiếng gọi nhiệm mầu liên hệ giữa nam và nữ. Từ thời gian đó về sau, con tim đi tìm con tim.

Nhưng câu chuyện yêu thương đẹp như thần thoại ấy cũng có lối rẽ riêng cho một màu sắc khác. Đó là khi Evà đến thì Ađam đã sa ngã. Vậy, nếu Evà đừng tới có phải trái tim một mình của Ađam tự do dong chơi hơn? Lời trong trang Kinh Thánh thì ngắn mà ý thì mênh mông vô bờ. Có liên hệ nhiệm mầu giữa hai người, nhưng giữa hai người vẫn có khoảng cách. Ađam đã sa ngã sau khi Evà đến cho thấy liên hệ nam nữ ấy không phải là định đề tất yếu tối hậu cho một hạnh phúc trọn hảo.

Tuy không là liên hệ tất yếu phải có, nhưng liên hệ nam nữ là tiếng gọi rất sâu trong thân xác. Tiếng gọi nhiệm mầu của con tim đi tìm con tim vẫn luôn là thôi thúc. Tuy nhiên, không phải là định đề tất yếu phải có cho hạnh phúc, nên tình yêu nam nữ chỉ là một thứ nhu cầu trong nhiều nhu cầu khác của cuộc sống. Trong khoảng cách nam nữ, nhiều người đi tìm một tình yêu dàn trải hơn, nó là sáng tạo, là nghệ thuật, là phụng sự, là lí tưởng tôn giáo như lí tưởng con đang theo.

Con yêu những chân trời nắng dội. Con không thể đánh đổi cho dù một vườn cung ngự uyển nào cả. Con muốn đi. Con hạnh phúc với cánh tay  với mãi bầu trời. Con muốn bay. Con không thể đánh đổi những chiều băng gió, qua mây ngàn tìm ánh sao. Những buổi chiều ấy huyền nhiệm quá. Có những bóng chiều một mình, mây ngàn hun hút thẳm, trái tim có khi rất thơ cho một bóng hình. Con độc hành mà vẫn không cô đơn. Vắng bóng hình trong liên hệ nam nữ không là nỗi cô đơn của con. Bởi cô đơn làm sao được khi con đem kinh cầu gõ lối cho ý thơ bay cao. Vậy, nỗi cô đơn con muốn nói Chúa đêm nay là nỗi cô đơn nào.



Trong những định nghĩa về côc đơn cũng có thể là cô đơn vì thiếu quý mến của kẻ dồng hành. Đường về Nhà Chúa là ơn gọi đi chung. Con không  thể là linh mục của Chúa nếu không đi với ai. Con có bước chân riếng, nhưng trong cái riêng ấy không vắng những bước chân bên nhau. Những bước chân bên nhau ấy đã có những bước lầm lẫn dẵm vào đời nhau. Và lầm lẫn ấy làm cho đôi chân xa nhau trên một lộ trình mà ngại nhìn nhau trong gặp gỡ đó là nỗi vắng giữa đám đông. Nó là nỗi vắng không dám định nghĩa là cô đơn. Khi chiều buông, là cây xẻ cánh rũ vào đêm, hình hài nỗi vắng ấy lên màu. Khoảng màu ấy là sự xa cách. Lúc thinh lặng của bóng hoàng hôn và khi tiếng kinh chiều đã lịm, trăn trở của một chiều nghỉ ngơi mà thấy chung quanh  mình là chống đối, đó không phải là những chiều cô đơn sự đơn côi sao.

Nhưng thưa Chúa, không hẳn mọi xa cách đều mang màu đơn độc. Đối với con, có những xa cách cần thiết cho sáng lên một định đề lí tưởng mình đã chọn cho đời mình. Con có đủ can đảm chấp nhận khác í để giữ trọn lối sống. Bước đi bên cạnh bao nhiều bước chân khác, con phải học can trường mà chấp nhận những giây phút bị những bước chân chống đối. Đẹp biết bao khi bước chân nào cũng rạo rực những thương cùng mến, những nhờ cùng mong. Là linh mục, con không mơ tưởng điều ấy, con nguyện xin và cố gắng, nhưng con phải thực tế nhìn những khía cạnh dang dở của cuộc đời và chấp nhận những ngày u ám. Và, con đủ nghị lực để không định nghĩa những chiều nghỉ ngơi trong trăn trở của những cảm tình xa cách mình ấy là cô đơn. Nhưng giây phút không có Chúa bên mình, không thấm linh hồn trong cầu nguyện, xa cách ấy có thể làm lí tưởng linh mục bạc màu. Con cũng đã thấy có những tâm hồn linh mục mang nhiều thương đau của những chống đối đó. Con cũng sợ những giây phút con không thấm linh hồn trong cầu nguện không có Chúa bên con.

Còn hơi ấm của máu, còn tiếng thở của rung cảm là còn nỗi chán của những xa cách. Phải cam đảm lắm mà chống cự. Phải anh hùng lắm mà giữ vững niềm vui. Tuy hoang vu thế nào đi nữa con vẫn không định nghĩa sự xa cách đó là cô đơn. Thiếu thương mến của những bước chân song hành, nếu có khó khăn của những bước chân đưa đời mình vào nghịch cảnh, con gọi đó là những u ám của mùa thương khó. Có chán nản con cũng không gọi đó là cô đơn. Vì con vẫn có Chúa. Nỗi cô đơn con muốn nói với Chúa đêm nay ở sâu  mãi trong tâm hồn con.


Có lẽ con đỉ cam đảm để di những tháng ngày u ám của mùa thưogn khó. Có lẽ con đủ tha thiết để bay cao trong những chiều có tiếng gọi thầm trong thân xác của vườn địa đàng. Nhưng nỗi cô đơn trong con là cô đơn khi con không muốn nghĩ về Chúa, không muốn nói về Chúa, không đủ năng lực đem Chúa cho ngưòi khác, và nhất là không có Chúa trong con.

Là linh mục, mà con không muốn nói về Chúa cho cuộc đời, con thấy trong con úa nắng làm sao. Là linh mục, mà mỗi sáng con ngại ngùng dâng lễ, con thấy trống vắng lắm. Những lúc như vậy, con thấy dâng lên một nỗi chán rất sâu. Nỗi chán ấy đến từ vùng sâu thẳm nhất của linh hồn. Là linh mục, mà con không đủ nghị lực đem Chúa cho người khác, con thấy những ngày như vậy giống như mùa thu rất ngắn trong khu vườn rất chật. Lặng lẽ và lẵng lờ. Con gọi tất cả những nỗi chán và nỗi vắng ấy là cô đơn. Khi con không muốn nói về Chúa, nghĩ về Chúa, không có Chúa trong con, con thấy lẻ loi. Con gọi sự lẻ loi ấy là cô đơn.

Con yêu những chân trời nắng dội của Phanxicô Xaviê. Người thanh niên một thuở nuôi mộng đời giữa kinh thành hoa lệ Paris đã giã từ bờ biển Tây Phương không hẹn ngày trở lại. Và thực sự, người thanh niên ấy đã ra đi không bao giờ trở lại quê hương mình. Theo cánh buồn của đám thương gia tìm đường đi truyền giáo. Rời Lisbon đến Ấn Độ. Bỏ Ấn Độ tìm đường đi Mã Lai. Bỏ Mã Lai tìm vào Nam Dương. Bỏ Nam Dương tìm vào Nhật Bản. Bỏ Nhật Bản tìm vào Trung Hoa. Một ngày u ám không tiếng sóng, chết trên bờ biển với người bạn fuy nhất mà vẫn xuối mát nhìn vào Hoa Lục vì mơ ước chưa thành.



Lạy Chúa, không có nghịch cảnh nào ngăn nổi bước chân Phanxicô Xaviê vì người thanh niên ấy muốn nói về Chúa. Con muốn đi qua những giới hạn của liên hệ trong tâm hồn, trong thân xác, trong xã hội để cánh chom bay cao. Cô đơn của linh mục là không muốn nghĩ về Chúa, không muốn nói về Chúa. Và, lạy Chúa, khi con ngại dâng lễ, chán giờ kinh nguyện là dấu chỉ con đang đi vào cô đơn. Đêm nay, con muốn nói với Chúa về nỗi cô đơn đó.

  



Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj
Nguồn: Mạng Lưới Dũng Lạc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét