Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Viết trong tâm hồn: ĐOẢN KHÚC 13: LỜI KHEN

LTCGVN (07.06.2012)   

Một trong những người ít lời khen là Đức Kitô. Mắng thì nhiều mà khen chẳng bao nhiêu!

Vị Giáo Hoàng thứ nhất đã bị Chúa mắng ngay từ những ngày đầu bỏ chài lưới ở biển hồ Galilê. Rồi sau đấy bị mắng liên tiếp cho tới ngày cuối đời ở Jêrusalem. Lời mắng đầu tiên là quân yếu tin (Mt. 14:21). Lần mắng sau đó là về sự tối dạ: “Đến bây giờ rồi mà anh em vẫn còn ngu tối sao” (Mt. 15:16). “Đến bây giờ rồi” có nghĩa là một thời gian lâu rồi mà vẫn chậm hiểu. Rồi lời mắng nặng hơn: “Satan, xéo đi sau Ta” (Mc. 8:33). Trước khi chết, Chúa còn mắng thêm lần nữa: “Bỏ gươm vào vỏ. Chán Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao?” (Yn. 18:11).

Có một lần thánh Phêrô cũng thông minh trả lời Thầy rằng Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Hôm ấy, Chúa khen rằng phúc cho Phêrô. Nhưng Chúa lại bảo ngay không phải“máu thịt đã mạc khải cho ngươi, mà là Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt. 16:17). Chúa muốn nói nhờ Chúa Cha trên trời mạc khải cho nên thánh Phêrô mới nói được như thế. Như vậy, còn gì là khen nữa.

Bị mắng nhiều mà khen chẳng bao nhiêu. Tiểu sử vị thủ lãnh đầu tiên của Giáo Hội là thế. Vậy mà bây giờ các môn sinh của vị thủ lãnh ấy lại hay băn khoăn về lời khen. Khen làm người ta vui thế nào thì chê làm người ta đau đớn như thế. Cũng từ đó, các môn sinh của vị thủ lãnh ấy dằn vặt nhiều lắm vì tiếng chê.

Người ta hãnh diện khi được khen vì khen là  dấu hiệu mình có khả nưng. Đếm lời khen cũng là cách để biết mình thế nào. Những khả năng, dù vật chất hay tinh thần, thành công trong việc làm hay tình yêu, giàu có bằng của cải hay trí thức, đều là những khả năng. Cứ nhìn vào đấy mà người ta đánh giá cuộc đời. Hiện hữu là sự sống, mà sự sống thì ai cũng hiện hữu như nhau thôi. Chính khả năng riêng của mỗi cá thể làm cho hiện hữu ấy khác biệt. Nó như màu sắc rải lên một buổi chiều. Trời chiều tự nó chỉ là xám màu tro, nhờ ngũ sắc của những áng mây mà làm cho buổi chiều lên hoa nắng. Vì khả nưng làm cho sự hiện hữu của một cá thể thêm lung linh, cho nên có thể nói khả năng của một người làm cho sự hiện hữu của người đó càng hiện hữu thêm. Nghĩa là sự sống đã vào đời bây giờ “sống” hơn nữa. Liên quan đến sự sống là hồn thiêng ai cũng tìm kiếm. Từ đó, họ đi tìm lời khen.

Khả năng đặc biệt của mỗi cá thể là những hạt kim cương của mỗi người. Chẳng ai đeo kim cương rồi giấu kín đi. Muốn cho người khác biết thì cần để lộ ra. Vì thế, tự nhiên, người ta có khuynh hướng làm cho khả năng mình nổi bật giữa những cá thể khác. Một tâm hồn nào đó chỉ hạnh phúc vì tiếng khen. Có cách tìm dễ dãi là chỉ việc cho người ta biết mình có khả năng. Bởi đó, tiếng khen và sự khoe khoang gần nhau lắm.

Cách dễ dãi để cho đời biết hạt kim cương là đeo trên ngực áo. Khổ một điều, khi không có khả năng thì lấy gì để cho người ta biết. Từ đó, nhu cầu cần tiếng khen xua người ta vào những vùng tăm tối của những giá trị không thật. Họ tạo ra những khả năng không có. Và, cũng từ đó, giả dối đi vào cuộc sống, nên sự sống của họ không còn sống trọn vẹn nữa. Bi thảm của lòng ham muốn tiếng khen là chỉ vì muốn sự hiện hữu của mình thêm hiện hữu hơn mà tạo ra những giá trị không thực, để rồi làm cho chính sự hiện hữu đang có ấu mất đi một phần hiện hữu của nó.

Khi không được khen mà tiếng khen đó lại về người khác, nó làm cho người ta xao xuyến. Tiếng khen là lời ca tụng khả năng, khả năng là hạt kim cương trang điểm cuộc sống. Sống là sống với ai. Giữa rừng người ấy thì không muốn so sánh người ta cũng thấy những khác biệt. Có ánh kim cương này ngời sáng hơn ánh kim cương khác. Khen là xác định sự khác biệt ấy. Bởi đó, khen người này đẹp thì người bên cạnh tự nghĩ là mình kém xinh. Tiếng khen là hạnh phúc cho khóm hoa cúc thì cũng có thể là nỗi dằn vặt cho cành hoa ngâu. Biết bao tâm hồn đã khổ đau vì nghe người khác được khen. Lời khen tự nó chẳng là gì. Con người ban tặng nó sức mạnh để làm con người ngây ngất và cho nó thuốc đôck để sầu muộn hoá sự sống.

Thê thảm của lời khen là lời khen không đúng. Nó vẽ lên khả năng ta không có để ta hạnh phúc với điều không thật. Điều không thật mà có khả năng làm ta hạnh phúc thì đấy là dấu chứng ta không có khả năng để hiểu hạnh phúc thật là gì.

Lời khen không đúng là thê thảm. Nhưng lời khen đúng cũng không hẳn là không làm ta thảm hại. Khi con người say tìm lời khen thì lời khen trở thành thuốc phiện đưa ta vào nghiện ngập nô lệ. Ta không làm chủ đời ta nữa mà là tiếng khen làm chủ đời ta. Tại sao tôi lại để đời mình ngây ngất hay ủ dột, tôi mua giá quá đắt cho một lời nói không mất tiền mua.

Các môn  sinh của vị thủ lãnh đầu tiên của Giáo Hội không có luật trừ. Họ không ra khỏi hàng rào tập quán giá trị của xã hội. Ngày kia, có tiếng đồn đại về một người môn sinh. Chàng xuống núi hành đạo và tín đồ cho chàng lời ca tụng. Chàng băn khoăn về lời khen. Rồi cũng ngày kia, kẻ đồng môn của chàng lại cũng được đời cho những lời tụng ca. Kẻ đồng môn ấy bắt đầu tìm khuôn mựt mình bằng đếm nhặt những khả năng. Từ đó, cả hai người môn sinh đều thẩm định sứ mạng bằng thành công do lời khen của người chung quanh.

Rồi dần dà từ ấy, họ lo âu soạn những lời thuyết giảng sao cho hay hơn. Ngày nọ qua ngày kia, lời ca tụng đến nhiều, họ hạnh phúc nhiều và họ lại cũng lo âu nhiều. Lời giảng thuyết nói về bình an nội tại, nhưng biết nói sao đây cho người đời khen tặng, nên chính lúc nói về bình an mà nội tâm người môn sinh lại lo âu. Họ cứ đếm khả năng của nhau mà soạn lời thuyết giảng. Mùa nắng lên. Mùa mưa về. Thời gian đưa cuộc đời ngắn dần. Mải mê để cuộc đời định giá, họ chỉ còn vui khi được lời khen. Lời khen tưạng của đời có sức xoá vơi thao thức lời mắng của Đức Kitô.

Thánh Phêrô, vị thủ lãnh của họ ngày xưa bị Đức Kitô mắng nhiều. Hôm nay, các kẻ nối gót vị thủ lãnh ấy lại nghe những lời phê bình và đi tìm hãnh diện qua lời khen. Nhớ về các môn đệ nơi trần thế, nêú thánh Phêrô hồi tưởng lại ngày còn ở thế trần, thì một trong những kỉ niệm đáng nhớ là ngày Đức Kitô giảng về dự uế tạp. Chúa bảo những gì ở bên ngoài thì không làm cho người ta ra sạch hơn, hoặc bẩn hơn được (Mt. 15:10-20).

Hôm nay, vị thủ lãnh ấy chắc đang nghĩ ngợi về  môn đệ của mình ở trần gian, vì các môn đệ này tin rằng những lời khen ở ngoài nhưng có sức làm cho họ ra sạch hoặc ra bẩn.

Thánh Phêrô có kinh nghiệm rằng Đức Kitô tìm người biết lắng nghe cho dù có bị mắng. Mà dường như hôm nay Chúa lại gặp nhiều các môn sinh thích đi tìm tiếng khen. Bởi thế, tâm trạng của thánh Phêrô đối với Giáo Hội có thể là tâm trạng đang băn khoăn.





Lạy Chúa, Chúa mắng thánh Phêrô nhiều mà ít lời khen. Như vậy, con theo một người nhiều mắng ít khen, mà lại mong khen nhiều ít mắng thì có là theo lầm người không. Hoặc là theo đúng người nhưng lại không đúng cách theo.




Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
Nguồn: Mạng Lưới Dũng Lạc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét