LTCGVN (04.06.2012) - Với diện tích khoảng gần 3,5 triệu km2, biển Đông là một trong những biển lớn nhất thế giới. Biển Đông có nhiều tuyến giao thông hàng hải, hàng không quan trọng giữa châu Á và châu Âu, giữa nhiều khu vực quan trọng khác của châu Á. Ngoài ra Biển Đông còn là địa bàn quân sự chiến lược quan trọng không những đối với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á mà còn là địa bàn chiến lược giao thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Biển Đông có 3 quần đảo chính: Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã là lãnh thổ của Việt Nam từ lâu đời và chiếm cứ một khu vực biển rộng lớn: khu vực Hoàng Sa rộng khoảng 13.000 km2; khu vực Trường Sa rộng khoảng 18.000 km2.
Ở vào một vị trí chiến lược trọng yếu trên biển Đông chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 120-250 hải lý, lại là khu vực có tiềm năng về lượng dầu khí dồi dào, nên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là hai vị trí trên biển Đông có tầm quan trọng về quân sự và kinh tế của Việt Nam. Trong chiến lược thôn tính toàn cầu, Trung Quốc không dễ gì mà bỏ qua cái cơ hội này, biển Đông chính là mục tiêu ưu tiên.
Về phía Việt Nam thì liên tục lên tiếng xác định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa, nêu lên những dẫn chứng để xác định mối liên hệ liên quan, bằng mọi cách, bày tỏ thái độ quyết liệt của mình. Nhưng người ta vẫn thấy Trung Quốc cứ đương nhiên tiến hành những gì họ muốn. Trung Quốc ngang nhiên cấm mọi thuyền bè lưu thông trong khu vực biển Đông kể cả khu vực Trường Sa và Hoàng Sa trong thời gian họ tập trận gây xáo trộn các mối giao thương bình thường; mới đây họ lại ngang nhiên không cho Việt Nam khai thác các nơi có mỏ dầu trong vùng biển Đông…
Tình hình căng thẳng hơn khi tàu đánh cá Việt Nam liên tục bị Hải Quân Trung Quốc gây áp lực trên biển Đông, tàu Việt Nam thường xuyên bị tàu của họ đâm chìm ngay trên lãnh thổ mình. Hải Quân Trung Quốc thường xuyên công khai vi phạm lãnh hải Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa đặc biệt Trung Quốc còn xúc tiến việc thăm dò khai thác dầu khí tại những vùng biển đang tranh chấp.
Bất chấp dư luận trong và ngoài nước, Trung Quốc đang ra sức thực hiện âm mưu để nhanh chóng trở thành một cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, có tầm cỡ ngang hàng với Mỹ, Nhật ở khu vực này. Trung Quốc lên chiến dịch xâm lấn hoàn toàn biển Đông làm ưu tiên hàng đầu vì đó là vị trí chiến lược của biển Đông. Làm chủ được biển Đông tức là khống chế được cả Đông Nam Á và tuyến giao thông hàng hải huyết mạch từ Thái Bình dương qua Ấn Độ Dương. Đây cũng được biết đến là khu vực giàu tài nguyên nhất, đó là dầu khí mà Trung Quốc không muốn lọt vào tầm kiểm soát của các nước khác.
Cuộc xâm lấn lãnh thổ
Sau khi Trung Quốc chiếm đóng hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các diễn tiến trong các quan hệ giữa hai nước vẫn diễn ra một cách rất bình thường như không có gì xảy ra. Trung Quốc vẫn tiếp tục giành được nhiều dự án lớn tầm cỡ quốc gia, trong đó có dự án Bauxite Tây Nguyên.
Nói riêng về dự án Bauxite Tây Nguyên, nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam cẩn trọng hơn trong vấn đề chiến lược quân sự, thì không thể nào lại không đề phòng sự xâm nhập của Trung Quốc vào một khu vực chiến lược quan trọng như Tây Nguyên. Đảng Cộng Sản Việt Nam rất hiểu rõ rằng chỉ cần mất Tây Nguyên là coi như Việt Nam đã lâm thế. Hơn nữa, với dự án Bauxite Tây Nguyên, phải chăng Đảng Cộng Sản Việt Nam đang muốn bán rẻ một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và có giá trị về mặt quân sự là quặng Uranium cho Trung Quốc và việc khai thác Bauxite làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống ở đó.
Các chuyên gia khi đó nhận định:
”Nếu triển khai các dự án bô-xít, về môi trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước của vùng Tây Nguyên, không đủ nước để phát triển được cây công nghiệp cao su, chè và cà phê. Về sinh thái, sẽ ảnh hưởng xấu đến khí hậu của toàn vùng miền Nam Trung Bộ và Campuchia, hạn hán sẽ kéo dài, lũ lụt sẽ thường xuyên xảy ra hơn” (TuanVietnamnet).
“Khai thác quặng bôxit chế biến thành alumina để luyện nhôm là một quy trình tiêu tốn lượng nước và điện khổng lồ, đồng thời phát thải một lượng khí thải nhà kính và bùn đỏ có sức hủy diệt môi trường rất ghê gớm. Nguồn nước của Tây Nguyên những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng, nếu trưng dụng nguồn nước cho khai thác bôxit, chắc chắn Tây Nguyên sẽ chết vì thiếu nước”…( Giáo sư Đào công Tiến ).
Rõ ràng là đối với Trung Quốc, Cộng Sản Việt Nam đã nhượng bộ một cách rất thái quá, bất bình thường đến mức tỏ ra nhu nhược, sợ sệt.
Trước thái độ nhượng bộ nầy của Việt Nam, Trung Quốc luôn gây sức ép và lấn dần Việt Nam trên mọi vấn đề. Phải chăng vì Trung Quốc cho rằng Việt Nam là nước dễ thôn tính và dễ lấn lướt nhất trong tình thế hiện tại: quan hệ hợp tác, đầu tư giữa các nước và Việt Nam còn chưa phát triển, đơn phương về chính trị, yếu kém về quân sự và nhất là nghèo về kinh tế, mà lại chiếm một vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á.
Chỉ một vài phân tích sơ bộ nêu trên cũng thừa đủ để nhận định rằng hiện tại cũng như trong tương lai, Trung Quốc luôn là mối đe doạ chủ yếu đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Nếu ai đó cứ trông đợi vào một hệ thống chính quyền Cộng Sản độc đảng, đa quyền, thân Tàu như hiện nay như cái phao cứu hộ thoát nạn giặc Tàu thì hoàn toàn sai lầm.
Còn đâu cái thời liệt oanh mà Trưng Trắc, Trưng Nhị xưa kia đã hiên ngang lên đàn thề quyết tử với non sông đánh đuổi giặc Tàu:
“Một xin rửa sạch quốc thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,…”
(Trích: Thiên Nam Ngũ Lục).
anhle
0 nhận xét:
Đăng nhận xét