Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Sự nhạy bén của Tin Mừng

LTCGVN (09.06.2012)  

Sau khi đọc bài MỘT ƯỚC MƠ của Lm. Chân Tín đăng trên báo Ephata số 511, Chúa Nhật 27.5.2012, http://www.trungtammucvudcct.com/web/news.php?mode=chitiet&no=512&cid=13&id=5429, tôi mang một tâm trạng vui rất nhiều nhưng cũng kèm theo một số suy nghĩ khác.
Không vui sao được. Nhớ thời tuổi trẻ lớn lên sau 1975 lúc nào bụng cũng đói cồn cào, đi đứng lảo đảo vì thiếu ăn hoa cả mắt, mỗi buổi sáng chỉ mong có tiền mua được một gói xôi đậu đen bỏ vào bụng mà hiếm khi có được. Quần áo chỉ có mỗi một bộ tàm tạm mà trong nhiều năm liền đi đâu cũng mặc. Nhà thờ giáo xứ cần một cái đàn organ điện tử mà cha xứ phải quyên góp cả năm mới mua được. Tôi phải đi xin bên Tin Lành một cuốn Kinh Thánh với cách dịch nghe là lạ như: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn: lại cũng cho mọi điều các ngươi sẽ nhân danh ta cầu xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi” ( Giăng 15, 16 ).
Lúc đó ai có giầu trí tưởng tượng lắm cũng không dám mơ có ngày hai Đức Giám Mục khả kính của Giáo Phận Saigon dẫn một phái đoàn 92 người đi viếng Đất Thánh ở Do Thái với chi phí 9 tỉ đồng. Trung bình mỗi người phải chi 100 triệu cho chuyến đi hay ngót ngét 10 triệu cho một ngày đi. Điều này nói lên rằng Giáo Hội ta, cũng chính là ta đó, bây giờ sung túc quá. Ta cũng phải vui lên chứ. Ta còn phải vui lên vì chắc chắn rằng quý Đức Cha, Linh Mục, mọi Giáo Dân trong phái đoàn đều có lòng yêu mến Chúa Giêsu quá đỗi nên mới không quản ngại đường xa nhọc mệt tốn kém. Mùa này bên Đất Thánh nóng còn hơn Việt Nam, mà quý vị đó sốt sắng đi hành hương đến tận nơi, hít thở không khí mà Chúa đã từng thở, đi những con đường mà Chúa đã từng đi, ăn những món ăn mà Chúa đã từng ăn, đến tận nơi mà Chúa đã bị đóng đinh để than khóc, hay vui mừng tại chính chỗ mà từ đó Chúa đã “bay” về Trời để cầu xin cho có ngày ta cũng được bay về Trời với Chúa…
Mong rằng khi trở lại quê nhà quý ngài sẽ sốt sắng rao giảng hùng hồn, truyền đạt lại cảm nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu vô cùng thâm sâu ( và rất tốn kém ) đó cho những người như chị Trần Thị Ngọt, Phạm Thị Thắm, Nguyễn Thị Lý… ( không thể liệt kê hết trong mục Cùng Tương Trợ trên các số báo Ephata ) đau ốm không tiền chữa bệnh, để các chị đó hiểu được giá trị con đường thập giá mà các chị đang được mời gọi dấn bước.
Là một người Công Giáo Việt Nam tôi luôn tự hào về dòng máu tử đạo mà cha ông chúng ta đã đổ ra để giữ vững và truyền lại Đức Tin nơi Chúa Giêsu cho đời sau. Tôi luôn yên trí lớn rằng dòng máu Tử Đạo đó sẽ mãi luôn là một bảo đảm chắc chắn, chắc ăn đến 1.000%, cho sự trường tồn của Giáo Hội Việt Nam. Chắc chắn tôi không sai lầm !
Thế mà mới đây khi có dịp đọc cuốn The Lost History of Christianity ( Lịch sử Kitô Giáo bị lãng quên ) của Philip Jenkins. Xin xem hình bìa và tóm tắt tại http://www.amazon.com/Lost-History-Christianity-Thousand-Year-Asia/dp/0061472808, tôi phải ngỡ ngàng nhận ra con đường của Thánh Thần dẫn dắt Giáo Hội lữ hành không đơn giản và thoải mái như thế đâu.
Chúng ta thường cho rằng Âu Châu với điện Vatican hùng vĩ hoành tráng và 265 triều đại Giáo Hoàng uy nghi liên tục từ Thánh Phêrô, với các quốc gia Công Giáo hùng mạnh như Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, chính là trung tâm của Giáo Hội trong hai ngàn năm qua.
Thật ra không phải như thế đâu. Trong số 12 Tông Đồ và 72 Môn Đệ nòng cốt của Chúa Giêsu chỉ có Thánh Phêrô ( cùng với Thánh Phaolô, người không thuộc Nhóm 12 ) trôi dạt đến Roma để thiết lập Giáo Hội tại đó. Các Tông Đồ và Môn Đệ khác bôn ba đi mọi nơi khác để rao giảng Tin Mừng. Theo khảo cứu của tác giả Jenkins, trung tâm của Giáo Hội trong hàng ngàn năm chính là ở Trung Đông, Á Châu và Phi Châu với một số cộng đoàn lớn mạnh và quan trọng trải dài tới tận Trung Quốc.
Những nhóm Kitô này có đặc tính giữ lại được tính tinh ròng nguyên thủy của các giáo huấn của Chúa Giêsu, có một mối dây rất gắn bó và gần gũi với Chúa Giêsu. Chính họ đã góp phần cực kỳ quan trọng trong sự hình thành Giáo Hội tại Tây Âu. Giáo Phụ quan trọng nhất vào giai đoạn phôi thai của Giáo Hội là Thánh Augustine ( 345 – 430 ), ngài làm Giám Mục thành Hippo Regius, ngày nay là Annaba ở nước Algeria của Phi Châu chứ ngài đâu có ở Roma hay thành phố nào đó bên Âu Châu.
Các Kitô Hữu, những người có học nhất và nhiều khả năng nhất, đã nắm các chức vụ quan trọng nhất trong các chính quyền và học viện Hồi Giáo khi Hồi Giáo mới trỗi dậy. Tức là họ đã tích cực cộng tác với Hồi Giáo. Thế mà đáng thương và đáng tiếc thay, sau cùng, cả một hệ thống Kitô Giáo lâu đời và hùng mạnh như thế đã sụp đổ tan tành, hầu như không còn dấu vết nào cả.
In this groundbreaking book, renowned religion scholar Philip Jenkins offers a lost history, revealing that, for centuries, Christianity's center was actually in the Middle East, Asia, and Africa, with significant communities extending as far as China. The Lost History of Christianity unveils a vast and forgotten network of the world's largest and most influential Christian churches that existed to the east of the Roman Empire. These churches and their leaders ruled the Middle East for centuries and became the chief administrators and academics in the new Muslim empire. The author recounts the shocking history of how these churches – those that had the closest link to Jesus and the early church – died.
Tại sao Chúa lại nỡ lòng nào để cả một hệ thống Giáo Hội lớn mạnh đến như thế phải mệnh chung ? Chắc chắn rằng họ đã có rất nhiều vị Tử Đạo hơn Việt Nam gấp bội. Chắc chắn rằng họ đã làm theo lời dạy của Chúa, không dùng bạo lực chống lại bạo lực của Hồi Giáo. Không bao giờ Chúa phải cần đến vũ lực để duy trì sự trường tồn của Giáo Hội. Chắc chắn rằng không bao giờ Chúa bỏ rơi họ. Thế mà tại sao họ đã bị tiêu vong hết đi ?
Tìm ra câu trả lời này khi đọc công trình nghiên cứu của tác giả Jenkins có lẽ chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời cho tương lai Giáo Hội Việt Nam. Dòng máu các Thánh Tử Đạo chắc chắn là vô cùng quan trọng để hạt giống Đức Tin được lớn lên trên đất nước chúng ta. Nhưng cây Đức Tin đó phải do chính chúng ta vun bón và nuôi dưỡng. Việc này Chúa không làm thay chúng ta đâu.
Khi cha Chân Tín đề nghị rằng:
“…Mơ ước của tôi thấy có những cuộc hành hương trên Đất Thánh Việt Nam sẽ là hiện thực khi mỗi Giáo Phận, Giám Mục sẽ tổ chức những cuộc hành hương, mỗi Xứ Đạo tổ chức những cuộc hành hương trên Đất Thánh Việt Nam, nơi mà hiện nay Chúa Giêsu đang ngồi tù trong các trại giam, nơi Chúa Giêsu đang bị bóc lột, đang bị đánh đập, đang bị tra tấn, đang phải chết tức tưởi.
Cuộc hành hương này sẽ làm tỉnh thức lương tâm con người Việt Nam và làm đẹp lòng Chúa Giêsu hơn mọi cuộc hành hương khác, kể cả cuộc hành hương Đất Thánh tại nước Do Thái…”
Đây có thể là tiếng nói của Thánh Thần để cảnh tỉnh chúng ta không phải đi vào vết xe đổ của các Giáo Hội Kitô nói trên. Người Tin vào Chúa Kitô tuyệt đối không được dùng bạo lực như một phương tiện bảo vệ Đức Tin. Nhưng khi chúng ta đánh mất sự nhạy bén của Tin Mừng, trở nên ba phải nhập nhằng với thế gian trong các đoàn thể Mặt Trận lừa phỉnh, đánh mất tiếng nói của Thánh Thần nơi chúng ta. Chúng ta không dám tích cực chống phá thai, chống bất công xã hội, không biết sống khó nghèo và không quan tâm đến người nghèo. Đó là đánh mất đi sự bén nhậy của Tin Mừng. Khi ta bỏ qua những điều quan trọng nhất không làm ( như việc Bảo Vệ Sự Sống ), nhưng lại đi làm những gì không thiết yếu với Đức Tin ( như việc đi hành hương Đất Thánh ), thì chúng ta tự đạp đổ Đức Tin của chính chúng ta.
Nếu chúng ta tích cực hồ hởi đi với thế gian theo kiểu tốt đạo đẹp đời, sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt… theo cách mà thế gian muốn chúng ta thỏa hiệp giống như những Kitô Hữu đã tích cực cộng tác và xây dựng nên các chế độ Hồi Giáo đầu tiên thì chúng ta sẽ tiêu vong mà Chúa cũng không cứu chúng ta được. Đó là bài học của lịch sử. Chúng ta làm điều mà Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em” ( Mt 7, 6 ).
Bài học đó còn dạy rằng ở những nước mà Kitô Giáo không bị mai một như tại Âu Châu thì phẩm giá con người, nhất là phụ nữ và trẻ em được tôn trọng hơn, xã hội tiến bộ và văn minh hơn. Tại sao những nước Hồi Giáo thường có loạn lạc như tại Syria hiện nay, những nước Phi Châu luôn có đói kém, những nước Á Châu hay có độc tài trong khi nền văn mình Tây Phương đã đi trước rất xa ?!?
Chỉ khi nào chúng ta giữ vững Đức Tin thì tương lai dân tộc ta mới vẹn toàn !
NGUYỄN TRUNG
Theo EPHATA số 512

0 nhận xét:

Đăng nhận xét