Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Nhân ngày 21/06: Cần có một ngày cho báo mạng

LTCGVN (21.06.2012)


.Ngày 21/6 là ngày gì, của ai?
Có thể có người cho rằng câu hỏi quá ngây ngô. Câu trả lời thường gặp là: Ngày 21/6 là ngày nhà báo Việt Nam và của nhà báo Việt Nam chứ còn là ngày gì nữa.
Tuy nhiên ở nhiều bài báo của báo chí Nhà nước vẫn có cách gọi khác nhau: ngày Nhà báo VN, ngày Báo chí VN, ngày Báo chí cách mạng VN.
Để hiểu cho đúng, ta cần tìm hiểu kỹ ngọn nguồn.
Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chủ trì, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 lấy ngày 21/6 hàng năm làm Ngày báo chí Việt Nam.
Ngày 21/6/2000, Bộ Chính trị BCHTW Đảng CSVN theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, đồng ý gọi ngày 21/6 là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Căn cứ vào tên gọi chính thức của nó thì ngày 21/6 không phải của riêng các nhà báo mà là của những người làm báo (nhà nước) nói chung.
Như vậy, nếu gọi ngày 21/6 là ngày Nhà báo VN hoặc ngày Báo chí VN là không chuẩn. Tuy nhiên, nếu gọi là ngày Báo chí VN cũng có thể được, đấy là cách gọi tắt nhưng phải ngầm hiểu phạm vi chỉ báo nhà nước thôi. Còn gọi là ngày Nhà báo VN thì không đúng vì những người làm báo đâu chỉ có nhà báo, mặc dù gọi là ngày Nhà báo VN có vẻ sang trọng hơn. Nhà báo là người được cấp thẻ nhà báo, tuy không phải nhà báo nào cũng biết viết báo. Ngược lại có người viết báo giỏi nhưng không có thẻ nhà báo. Có phóng viên viết báo nhưng phóng viên chưa chắc đã có thẻ nhà báo.
Báo chí là tên gọi chung của các thể loại thông tin đại chúng. Báo chí có nhiều loại hình: báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, trong đó báo viết là loại hình xuất hiện đầu tiên.
Báo mạng có liên quan đến ngày 21/6 không?
Trong quyết định 52 ngày 5/2/1985 Ban bí thư TW Đảng CSVN khóa 5 có đoạn: “… ngày báo chí Việt Nam là dịp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, đề cao vai trò của báo chí trong xã hội, nêu cao trách nhiệm của nhà báo, tăng cường quan hệ giữa báo chí và bạn đọc … Thông qua ngày báo chí Việt Nam, nhà báo cùng toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp phát triển báo chí, khiến cho báo chí có thể phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa …”.
Như vậy, trừ những tờ báo điện tử được cấp phép và chịu sự quản lý của Nhà nước thì báo mạng không liên quan gì đến ngày 21/6 vì không có sự lãnh đạo của Đảng CSVN và cũng có những blogger không phấn đấu cho CNXH mà chỉ phụng sự cho Tổ quốc, cho nhân dân. Tuy không chịu sự lãnh đạo của ĐCSVN nhưng báo mạng có vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra những thông tin trung thực và kịp thời, phục vụ cho việc làm lành mạnh hóa xã hội và sự phát triển của đất nước. Như vậy, ngày 21/6 không phải là ngày của các blogger. Các blogger có tấm lòng thì hãy chúc mừng những người anh em ở lề bên kia.
Cần có một ngày cho báo mạng
Báo mạng dù muốn thừa nhận hay không thì nó vẫn là một loại hình báo chí. Nên chăng cũng cần chọn cho các blogger một ngày gọi là ngày báo mạng. Nếu được các blogger hưởng ứng, tôi xin đề xuất lấy ngày 24/4 (2012) là ngày báo mạng có tác phẩm báo chí xuất sắc nhất. Đó là clip quay cảnh công an đánh 2 nhà báo của VOV, clip quay cảnh chị Ngô Thị Ánh công dân xã Xuân Quan cũng bị công an bị đánh. Nói chung, ngày này, báo mạng thể hiện xuất sắc vai trò của mình trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang. Nếu được chọn, xin gọi ngày 24/4 là ngày báo lề dân Việt Nam.
20/6/2012
NGUYỄN TƯỜNG THỤY

0 nhận xét:

Đăng nhận xét