Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

10 Loại ngụy biện thường gặp khi đụng đên chuyện "chính chị"


1. Loại "ở đâu cũng vậy":

Khi bị phê bình về tình trạng tệ hại về con người, văn hoá, giáo dục, y tế, kinh tế, chính trị, xã hội, đối nội, đối ngoại thì biện pháp tốt nhất là trả lời: "ở đâu cũng vậy". Khi nói rằng "ở đâu cũng vậy" thì điểm ngu xuẩn nhất chính là chấp nhận những điều phê bình là đúng.

Loại nguỵ biện này không xác định rõ "lượng" và "chất" của sự thể "ở đâu cũng vậy" nhưng lắm kẻ gật gù bị thuyết phục. Ví dụ, khi nói rằng một quốc gia tràn lan tham nhũng thì có nghĩa con số tham nhũng chiếm tỉ lệ cao. Điều này nếu xét ra "ở đâu cũng vậy" thì quốc gia nào trên thế giới cũng có tham nhũng chiếm tỉ lệ cao.


2. Loại "chiến thắng vẻ vang":

Khi bị phê bình về sự kém cỏi, thiếu khả năng, thiếu tổ chức, thiếu nghiệp vụ và luôn luôn nằm trong tình trạng đối phó thì biện pháp tốt nhất là mang cái "chiến thắng long trời lở đất" ra để khoả lấp. Khi mang "chiến thắng" ngày xưa để chống chế cho sự kém cỏi ngày nay, điều ngu xuẩn nhất là không hiểu rằng "chiến thắng" ngày xưa là sự chiến thắng của súng đạn, của mạng người, còn ngày nay thất bại là của khả năng xây dựng và phát triển. Hai sự việc hoàn toàn khác nhau. Việc đâm chết một con người hoàn toàn khác với việc xây một cái nhà.

Loại nguỵ biện mang "công" của ngày xưa để chuộc "tội" của ngày nay là loại nguỵ biện tệ hại bởi vì nếu dùng "công" (chưa biết có phải đích thực là "công" hay không) để chuộc "tội" thì hiển nhiên đã công nhận là mình có tội rồi.


3. Loại "chụp mũ" và ma quỷ hoá kẻ đối diện:

Khi bị phê bình về một việc gì, cách tốt nhất là chụp mũ cho kẻ đối diện cái mũ "phản động". Đây là dạng nguỵ biện thường gặp nhất vì nó là cách dễ nhất là chụp mũ. Khi kẻ đối diện đã là "phản động" rồi thì tất cả mọi lý luận và biện chứng của kẻ ấy đều vô giá trị.

Khổ sở một nỗi, khi hỏi "thế nào là phản động" thì hầu như không có câu trả lời bởi vì chính kẻ chụp mũ không những không có khả năng phân tích và chứng minh mà còn không có khả năng định nghĩa ngay chính cụm từ "phản động" được dùng (một cách mòn mỏi).


4. Loại tự cho mình quyền phán xét:

Loại này na ná loại số 3. ở trên nhưng nó khác biệt ở chỗ, kẻ nguỵ biện tự cho mình có thẩm quyền vì mình thuộc "dòng dõi" nào đó hoặc mình sinh ra trong một gia đình, sinh ra trên một vùng đất nào đó. Loại này không những ma quỷ hoá kẻ đối diện mà còn tự nâng mình lên một vị trí có quyền phán xét... suông. Loại này cũng không cần bằng chứng, không cần phân tích, không cần lý lẽ.

Loại nguỵ biện này tệ hại hơn loại số 3. ở chỗ chẳng những không biện chứng mà những gì "phán xét" chỉ để phỉ báng và thoả mãn (hoặc xoa dịu) bức xúc nào đó.


5. Loại "đại diện nhân dân":

Loại này luôn luôn đi tìm "chính nghĩa" để che và nấp. Thứ "chính nghĩa" thường thấy, dễ chấp nhận nhất là loại "chính nghĩa nhân dân". Bởi vậy, họ luôn luôn "đại diện nhân dân".

Loại nguỵ biện này không cần số liệu hoặc dẫn chứng mà chỉ cần dùng một cụm từ ưa thích đó là: "đại đa số quần chúng". Bởi vì "đa số quần chúng" (mơ hồ nào đó) cũng nghĩ như kẻ "đại diện nhân dân" này cho nên quan điểm của "kẻ đại diện nhân dân" ắt phải đúng.


6. Loại "về học lại" hoặc "học thêm":

Loại ngụy biện này thường thấy khi kẻ tranh luận bị bế tắc. Xét ra, nó na ná dạng 5. ở trên ở góc độ tự nâng mình lên chỗ hiểu và biết hơn kẻ đối diện để "khuyên" kẻ đối diện cần phải "học lại" hoặc "học thêm". Xét ra dạng này "có học" hơn và lưu manh hơn.

Loại này cũng có điểm tương tự với loại 1. ở góc độ không dùng "lượng" và "chất" để lý luận hay thậm chí... để khuyên bảo, dạy dỗ. Ví dụ, dạy kẻ đối diện "về học lại" nhưng không hề đưa ra cụ thể học cái gì và học ở đâu. Đây là dạng mà giới "giang hồ" trên mạng gọi là "tự nâng cao quan điểm".


7. Loại "hô khẩu hiệu":

Phải nói đây là dạng phổ biến nhất trong mọi dạng. Loại này không cần lý luận, không cần phân tích. Mọi câu trả lời, mọi lý giải, mọi phát biểu...v....v... đều là những khẩu hiệu được soạn sẵn. Chúng có thể được dùng như những câu nói vạn năng bởi vậy chúng được học thuộc lòng. 

Loại này được các loại 1, 2, 3, 4, 5 và 6 ở trên sử dụng trong quá trình "tranh luận". Nếu ai có thắc mắc về ý nghĩa của những khẩu hiệu này, họ sẽ được một trong những loại ở trên áp dụng (ví dụ, "về học lại" hoặc "không thể cải tạo bọn phản động").


8. Loại phán mà không phân tích (hay còn gọi là chém gió):

Loại này tương tự loại "ở đâu cũng vậy" ở khía cạnh không cần dẫn chứng và phân tích. Nó là một chọn lựa ưa thích cho những thảo luận đang đi vào bế tắc, nó nhẹ nhàng hơn "chụp mũ", tế nhị hơn "về học lại" nhưng nó cũng mang cùng tính chất "phán". Ví dụ, "tôi có thể trỏ ra những điểm phi lý trong phân tích của anh nhưng tôi không muốn làm điều đó" hoặc "anh cũng có vô số điểm phi logic và để tôi sẽ phân tích sau".... nhưng chuyện "phân tích" ấy sẽ không bao giờ xảy ra.

Đây là dạng nguỵ biện mang tính chất vớt vát vì tự ái chớ chẳng phải thảo luận để đi đến một điểm kết nào đó. Loại này được dân "có học" sử dụng nhiều.


9. Loại "có giỏi thì làm đi":

Loại này đặc biệt các em "teen" ưa thích. Tuy vậy, các em "không teen" cũng lắm khi sử dụng. "Có giỏi thì làm đi" cũng ngu xuẩn và bất lực như "ở đâu cũng vậy" vì nó chấp nhận điều bị phê bình là đúng. Nó tội nghiệp hơn "ở đâu cũng vậy" vì nó thách đố người tranh luận phải "làm" cái gì đó mà điều kiện để "làm" ấy không bao giờ có thể xảy ra. Ví dụ, ông Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục tuyên bố sẽ "cải cách giáo dục" nhưng sau 5 năm thì tình trạng giáo dục càng tồi tệ hơn. 

"Có giỏi thì làm đi" buộc kẻ phê bình phải làm "bộ trưởng GD" và nếu không làm được thì xem như những điều phê bình là vô giá trị. Chỉ có điều, ngay lúc thốt ra "có giỏi thì làm đi" thì điều phê bình đã giá trị rồi.


10. Loại "tự do, đa đảng để loạn như Thái Lan; là muốn chửi, muốn viết, buốn bắn ai thì bắn thì bên Mỹ ấy à":

Loại này đặc biệt thường gặp khi tranh luận về đa đảng; tự do. Trên TG, đa số các quốc gia đều theo chế đô đa nguyên về chính trị, đa đảng. Nhưng không thể coi đa đảng sinh ra loạn lạc chỉ bởi một ví dụ như Thái Lan mà không tự đặt câu hỏi: có bao nhiêu nước đa đảng loạn lạc như Thái Lan? Chiếm bao nhiêu % các nước đa đảng?

Ngoài ra, tự do không có nghĩa là "muốn làm gì thì làm". Tất nhiên không hề có cái gọi là "tự do tuyệt đối". Giống như tự do kinh doanh không phải là muốn bán gì thì bán (thuốc phiện, ma túy...). Giới hạn tự do của một người chính là sự tự do của người khác.


Tác Giả : Diệu Hoàng + NKYN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét