LTCGVN (08.03.2014)
– Sài Gòn – Thể theo lời mời gọi được loan đi từ facebook của cô Lilly Nguyen, nhiều cá nhân trong và ngoài nước đang cùng nhau tham gia một chiến dịch nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (QTPN) ‘tuyệt thực 24 giờ để cùng đồng hành với bà Bùi Thị Minh Hằng’, người cũng đang tuyệt thực để phản đối sự giam giữ trái pháp luật của nhà cầm quyền tỉnh Đồng Tháp.
Tính đến ngày hôm nay 8/3, bà Bùi Thị Minh Hằng, bị công an huyện Lấp Vò bắt giữ từ hôm 11.2, đã tuyệt thực được 26 ngày, cô Đặng Thị Quỳnh Anh khẳng định với BBC.
Viết trên facebook cá nhân, cô Lilly Nguyen kêu gọi: “Ngày mai, chúng ta sẽ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Chủ đề của năm nay được quốc tế công nhận là ‘Bình đẳng cho phụ nữ là sự tiến bộ cho tất cả,’ … nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ như một tác nhân thay đổi trong xã hội.”
“Trong ngày Quốc tế Phụ nữ 2014, chúng ta hãy thể hiện sự đoàn kết với bà Hằng, người đã nhịn ăn 25 ngày để phản đối [việc mình] bị giam giữ trái pháp luật.” Cô viết tiếp, “Người phụ nữ dũng cảm như Bùi Thị Minh Hằng (Việt Nam) cần sự chú ý ngay lập tức của chúng ta.”
Tuyệt thực là khi ánh sáng của tự do, công bằng, của hy vọng đã bị che khuất
Hưởng ứng lời kêu gọi trên, facebook Lạc Việt chia sẻ cảm xúc: “ngày QTPN, tôi cũng muốn đến với em [tức bà Hằng] để ôm vai, chúc mừng người phụ nữ can trường này, nhưng không được, tôi chỉ còn cách này [tuyệt thực] để chia sẻ với em nỗi nhục nhằn trong tù thôi.”
Facebook Vi K. Tran cũng cho biết: “nhận lời kêu gọi từ FB của Lilly Nguyen, tôi đồng hành cùng một số cô, chị, em phụ nữ tham gia tuyệt thực 24 giờ… tuy tôi chưa bao giờ tiếp xúc với cô Bùi Hằng, nhưng tôi biết về cuộc đời của cô và những sự đấu tranh chống lại sự bất công sai trái của chính quyền cộng sản Việt Nam và cho quyền con người của người dân Việt Nam của cô. Vì lẽ đó, tôi ủng hộ tự do cho cô.”
Bên cạnh đó, anh Nguyễn Đức Quốc (facebook Thanh Hoang), người từng tố cáo bị công an phường Hòa Minh, Đà Nẵng hành hung, bày tỏ: “Hôm nay tôi tuyệt thực 24 giờ để ủng hộ tinh thần chị Bùi Thị Minh Hằng, và cầu nguyện cho chị… tôi muốn nói với chị Hằng: ‘Chị Hằng ơi, tôi luôn ở bên chị.’”
Facebook Paulo Thành Nguyễn thì nhấn mạnh thông điệp: “Khi con người dùng cả sinh mạng mình để phản đối sự bất công bằng cách tuyệt thực chính là lúc mọi ánh sáng của tự do, của công bằng, của hy vọng đã bị che khuất hoàn toàn bởi bóng tối của sự dữ.”
“Tôi hy vọng những người đang nhớ, đang mong cô Bùi Hằng cũng hãy làm gì đó, hãy hành động trong giới hạn của mình”, anh viết tiếp: “trong khả năng yếu ớt của mình, tôi chỉ có thể tuyệt thực trong 24 giờ như một tâm tình và ý nguyện của tôi gửi đến cô cùng những tù nhân khác qua một trung gian, mà trong Đức tin tôi tin chắc Thiên Chúa sẽ nhận lời.”
Bùi Thị Minh Hằng và ngày Quốc tế Phụ nữ
Bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà hoạt động vì dân oan và là người tham gia nhiều cuộc biểu tình đấu tranh ở trong nước, hiện đang bị giam giữ cùng với 2 người khác là ông Nguyễn Văn Minh và cô Thúy Quỳnh, tại trại tạm giam tỉnh Đồng Tháp. Hai người bị giam cùng bà Hằng cũng đang tuyệt thực để bày tỏ sự phản kháng.
Trước đó, bà Hằng cùng một đoàn gần 20 người đã xuống nhà ông Nguyễn Bắc Truyển (huyện huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) để thăm hỏi sau khi nghe tin ông này bị bắt hôm 09.02. Tuy nhiên, khi đang trên đường đi tới nhà ông Truyển thì bà cùng với đoàn người trên bị bắt, lúc 10 giờ sáng ngày 11/02.
Nhiều người trong đoàn sau đó đã được thả, tuy nhiên bà Hằng cùng 2 người nữa vẫn tiếp tục bị giam giữ.
Được biết, bà Hằng bị công an khép vào điều 203 về tội ‘cản trở giao thông nghiêm trọng’. Anh Phạm Nhật Thịnh, người bị bắt trong cùng chuyến đi khẳng định với RFA, “nếu mà nói ‘cản trở giao thông’ thì chính họ [lực lượng công quyền] mới là người cản trở giao thông… Tại vì tụi em đi với tốc độ bình thường và đi hàng một. Khi đến cầu Nông Trại thì họ chặn xe chúng em và cầm gậy gộc đánh chúng em nữa.”
Theo Wikipedia tiếng Việt, ngày QTPN là thành quả đấu tranh lâu dài và lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới.
Lịch sử của ngày QTPN bắt đầu từ năm 1857 đến 1911, được đánh dấu bởi nhiều cuộc diễu hành và đấu tranh đòi quyền lợi của phụ nữ như vào ngày 8 tháng 3 năm 1908, 15.000 phụ nữ diễn hành trên các đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc nhận trẻ em vào làm tại các nhà máy.
Về hình thức kỷ niệm ngày này tại một số quốc gia hiện nay, ngày QTPN được kỷ niệm bằng những hoạt động liên hoan, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới, ở các mức lương, ở cơ hội giáo dục đào tạo, và thăng tiến trong nghề nghiệp, hay là điều kiện an sinh xã hội.
Trong khi đó tại Việt Nam, Wikipedia nhận xét: “ngày này thường là ngày phái nam chiều phụ nữ, tặng hoa, quà, nhưng ít nói đến chuyện bình đẳng giới bền vững, lâu dài.”
Tôn Vân Anh, một facebooker nói: “Bạn nào muốn chúc ngày phụ nữ thì hãy chúc tôi sớm nhận được tin vui rằng các chị em tù nhân lương tâm được tự do vô điều kiện, cho Việt Nam nhanh dân chủ. Chúc những thứ khác sẽ khiến mình cám ơn hơi miễn cưỡng (thật!).”
Thiết nghĩ, bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà hoạt động vì dân oan, là một nhân vật đáng để suy nghĩ tới trong ngày QTPN 2014 này.
Một hoạt động khác cũng đáng ghi nhận trong ngày 8/3 hôm nay là rất nhiều phụ nữ dân oan đã đến khu vực nhà thờ Đức Bà và bưu điện Sài Gòn căng biểu ngữ đòi nhà cầm quyền Việt Nam phải trả lại đất sống cho họ.
Phong trào dân oan vừa cho biết: “Trân Ngọc Anh và các dân oan khác vừa bị công an, an ninh, dân phòng bạo hành rất đau đớn. Riêng bà Trân Ngoc Anh bị công an điểm huyệt, cơ thể tay chân đang đau tê dại”.
Pv.VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét