Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

PHONG CÁCH PHANXICÔ - BÀI 8. CHÚA GIÊSU LÀ CON ĐƯỜNG KHÓ NGHÈO

PHONG CÁCH PHANXICÔ

BÀI 8. CHÚA GIÊSU LÀ CON ĐƯỜNG KHÓ NGHÈO

Trong bài trước tôi có nêu ý kiến mọi người Việt Nam không phân biệt lương giáo, cũng có thể giống như Kitô Hữu toàn cầu gọi Hội Thánh = Đức Kitô = toàn thể phẩm trật nhân sự, tổ chức, cơ sở vật chất là Nhà Thờ, vì tất cả chỉ là một Đức Kitô, Đền Thờ Thiên Chúa Duy Nhất, và gọi vị thay mặt Đức Kitô trên trần gian là Papa = Cha đáng kính thân thương, cho đúng với bản chất và cốt lõi của Lòng Tin Kitô.
Toàn nhân loại đang bị thu hút về một làn gió mới những thay đổi ngoạn mục do Papa Phanxicô đang thực hiện. Thật ra, những thay đổi này không là gì khác hơn là quay về với nguồn cội Kitô của mình. Đức Kitô khổ nạn – phục sinh, đang ngự bên hữu và làm đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng ( x. Mt 17, 5 ), đã đạt tới sự thập toàn rồi, “Thế là đã hoàn tất !” ( Ga 19, 30 ) và Người đã trở thành nguồn Ơn Cứu Độ vĩnh cửu cho tất cả tất cả chúng sinh ( x. Dt 5, 9 ).
Do đó, Nhà Thờ, cũng chính là Đức Kitô, cũng có sự thập toàn đó, không cần phải thay đổi hay thêm bớt gì nữa. Nhưng, tín hữu Kitô tuy đã bước vào Nhà Thờ vẫn luôn ở trong nguy cơ bị sai lạc với Tin Mừng. Do đó, Đức Kitô đã muốn có các Mục Tử mang sứ mạng bảo vệ đàn chiên. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt ( Mt 6, 34 ). Yêu cầu của Người đối với các Mục Tử rất cao. Cũng như Đức Kitô, các Mục Tử cũng phải thí mạng vì đàn chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên ( Ga 10, 11 ).

Trong Cựu Ước, Đức Chúa thường chuẩn bị kỹ càng khi chọn và huấn luyện một Ngôn Sứ. Sách Samuen kể lại chuyện bà Anna bị hiếm muộn nên tới cầu nguyện tại đền thờ Shiloh. Tại đó bà gặp thầy tư tế Êli. Ông chúc lành cho bà sau khi nghe bà thề hứa sẽ dâng con trẻ cho Đức Chúa. Sau đó bà Anna thụ thai và sinh ra Samuen, tiếng Do Thái có nghĩa “được Chúa đoái nghe”. Khi con thôi bú, bà mang con đến trao cho Êli. Từ đó, Samuen, sống tại đền thờ và được thầy Êli dạy dỗ. Khi Samuen được 12 tuổi ( theo số nhà chú giải ) thì bắt đầu nghe tiếng Đức Chúa gọi. Ban đầu cậu cứ cho rằng thầy Êli gọi mình. Khi Êli nhận ra chính Đức Chúa đã gọi Samuen, ông liền xin cậu nói lại cho ông biết lời của Đức Chúa. Đau đớn thay cho ông, Samuen cho biết gia tộc Êli sẽ bị trừng phạt nặng nề vì hai con trai của ông thường ăn cắp của lễ dâng vào đền thờ và hoang dâm với các phụ nữ phục vụ ở Lều Hội Ngộ. Phụ nữ không được đi vào cung thánh mà phải phục vụ ở khu vực bên ngoài ( x. 1 Sm 1 – 2 ).
Sang thời kỳ Tân Ước, Thiên Chúa cũng chọn và chuẩn bị cho Gioan Tiền Hô ngay từ trong bào thai. Bà Êlisabét, vợ của tư tế Dacaria, thuộc dòng tộc tư tế Aharon, là người hiếm hoi. Cả hai đều đã cao niên. Khi Dacaria dâng hương trong đền thờ, sứ thần Đức Chúa hiện ra báo tin là vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai. Em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa ( x. Lc 1, 1 – 17 ). Gioan càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen ( Lc 1, 80 ). Giống như Samuen, ngay trong lời rao giảng đầu tiên, Gioan đã gây nên nhiều nhức nhối nơi người nghe. Đám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa; ông nói với họ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” ( x. Lc 2, 7 – 9 ).
Nhưng nơi bản thân Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa trở thành xác phàm, thì lại rất khác. Song thân của Người trên trần gian theo mặt Lề Luật là Mẹ Maria và Thánh Giuse đều không thuộc về chi tộc Lêvi chuyên lo việc tế tự. Cả hai đều là con nhà thường dân nghèo ít được ăn học và chỉ là những người dân lao động bình thường. Trước khi Mẹ Maria được sứ thần hiện ra trực tiếp ( x. Lc 1, 26 – 38 ) và Thánh Giuse được sứ thần báo mộng về sự nhập thể của Con Thiên Chúa ( x. Mt 1, 18 – 25 ), Thánh Kinh không hề cho biết về một sự chuẩn bị đặc biệt nào mà Thiên Chúa dành cho hai đấng. Do đó cả hai đều băn khoăn ngỡ ngàng trước lời truyền tin dành cho mình.
Có thể nói rằng, hai vị chỉ là những thường dân Do Thái bình thường. Tin Mừng gọi Thánh Giuse là người “công chính” ( bản tiếng Anh New International Version ( NIV ) dịch là “was faithful to the law” tức là tuân thủ Lề Luật ), nhưng chỉ nói Mẹ Maria là một trinh nữ đã hứa hôn với Giuse ( NIV dịch là “to a virgin pledged to be married to a man named Joseph” ). Đa số đàn ông Do Thái đều tuân thủ Lề Luật nghiêm túc, cũng như phần lớn đàn ông Việt Nam đều yêu nước, và đa số các thiếu nữ Do Thái đều là những trinh nữ khi hứa hôn, phần lớn các cô gái Việt Nam cũng vậy thôi. Gốc gác của cả hai vị nói lên rằng Thiên Chúa đặc biệt yêu thích những con người nghèo bình thường, không có danh giá quyền uy chức tước gì về mặt tôn giáo cũng như ngoài xã hội.
Ngoài vài ba ngày tỏa sáng khi giải thích Thánh Kinh cho các luật sĩ trong Đền Thờ khi lên 12 tuổi ( x. Lc 2, 41 – 50 ), cũng là tuổi của Samuen khi nghe tiếng Đức Chúa gọi, Tin Mừng không hề cho biết Chúa Giêsu đã làm những gì trong 18 năm dài sau đó cho tới tận mãi năm Người 30 tuổi khi bắt đầu rao giảng ( x. Lc 3, 23 ). Đây là một khoảng trắng rất lạ lùng trong đời của Người mà các nhà chú giải đành bó tay không biết diễn giảng như thế nào mới xác thực.
Rất nhiều vị thánh có lòng sùng kính Mẹ Maria rất đặc biệt, trong số họ nổi bật có Thánh Louis de Montfort ( 1673 – 1716 ), người được coi như đã khai sinh ra khoa Thánh Mẫu Học ( Mariology ), có khá nhiều đồn đoán về việc ngài sẽ được phong Tiến Sĩ, ngài có tầm ảnh hưởng rất lớn trên các Papa Lêô XIII, Piô X, Piô XII, và Gioan-Phaolô II. Thánh Monfort nói về giai đoạn trước khi Chúa Giêsu đi rao giảng như sau: ( Trích ) Đức Giêsu đã tôn vinh Đức Chúa Cha bằng cách phục tùng Mẹ Maria trong 30 năm nhiều hơn là dùng thời gian đó để hoán cải cả thế giới với các phép lạ vĩ đại nhất.
Khi tận hiến cho Mẹ Maria, ta cũng làm vui lòng và tôn vinh Thiên Chúa một cách cao vời như Đức Giêsu đã làm – Jesus gave more glory to God his Father by submitting to his Mother for thirty years than he would have given him had he converted the whole world by working the greatest miracles. How highly then do we glorify God when to please him we submit ourselves to Mary, taking Jesus as our sole model. ( Nguồn: Thánh Louis de Montfort, Lòng Sùng Kính Mẹ Maria Chân Thực, 1:1:18, https://www.ewtn.com/library/Montfort/TRUEDEVO.HTM ).
Tin Mừng chủ yếu là để cho các tín hữu Kitô chiêm niệm nhằm hiểu được và thể hiện thánh ý Chúa trong cuộc đời mình, chứ không phải để phân tích như một môn khoa học tự nhiên. Khoa chú giải giúp ta hiểu Lời Chúa chính xác hơn chứ không thể thay Chúa Thánh Thần soi sáng cho ta được. Chúa lại soi sáng cho mỗi người mỗi khác nhau. Chia sẻ với nhau Lời Chúa chính là chia sẻ sự soi sáng của Thánh Thần ban cho mỗi người. Thánh Phaolô nói rằng: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung ( 1 Cr 12, 7 ).
Tất cả những người gần gũi nhất với Đức Giêsu, kể từ cha mẹ trên trần gian của Người, cho đến bà con họ hàng, sau này là các Tông Đồ mà Người đích thân tuyển chọn đều là những người nghèo nhất, ít học nhất trong xã hội. Lạ lùng hơn nữa là chung quanh Người cũng không hề có bóng dáng một chức sắc nào trong Do Thái Giáo.
Phanxicô Assisi xuất thân từ một gia đình giầu có, suốt thời trai trẻ chỉ theo đuổi danh vọng lạc thú, hoàn toàn sống đối nghịch với Tin Mừng, không hề có một sự chuẩn bị tối thiểu nào để trở thành ngay cả một Tu Sĩ rất bình thường. Thế mà anh đã trở thành một vị Thánh được tất cả mọi người, dù có là Kitô Hữu hay không, yêu mến nhất. Sự thay đổi mà anh đã tạo nên cho Nhà Thờ thật độc nhất vô song. Tại sao anh có thể làm được một kỳ tích như vậy ?
Đặc điểm nổi bật nhất của Phanxicô là sự khó nghèo, anh được gọi là Vị Thánh Nghèo, những người theo bước anh được gọi là Anh Em Hèn Mọn. Rất khó lý giải bởi đâu Phanxicô có được lòng yêu mến sự khó nghèo một cách rất mãnh liệt như thế. Câu trả lời duy nhất có thể chấp nhận được là chính Đức Kitô đã ban cho Phanxicô sự khó nghèo của chính Người. Do đó Phanxicô luôn được công nhận là người đã khắc họa một cách trung thực nhất chân dung của Đức Kitô nơi chính bản thân anh chính vì nơi anh sự khó nghèo đã tỏa sáng một cách tuyệt vời nhất.

NGUYỄN TRUNG ( Còn tiếp )
Theo EPHATA số 603

0 nhận xét:

Đăng nhận xét