LTCGVN (22.03.2014)
Phàm điều gì hoặc cái gì được biết rõ thì người ta mới mơ ước, khao
khát. Thế nhưng không ai biết gì về Nước Trời, vậy mà ai cũng mơ ước cháy lòng.
Lạ thật!
Chỉ có ba môn đệ được “nếm thử”
hạnh phúc Nước Trời khi Chúa Giêsu cho họ thấy Ngài biến hình, rồi đàm đạo với ông
Mô-sê và ông Ê-li-a (Mt 17: 1-8; Mc 9:2-8; Lc 9:28-36), và một vài vị thánh
cũng được thị kiến về Thiên Đàng. Còn chúng ta hoàn toàn mù tịt.
Kinh thánh giúp chúng ta nhận biết
Nước Trời.
Trên Nước Trời, chúng ta có kết hôn?
Chúa Giêsu nói: “Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ
lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mt 22:30). Mối
liên kết hôn nhân là “hình bóng” của Chúa Giêsu và Giáo hội lữ hành. Trên trời
không còn hôn nhân như phàm nhân nữa.
Trên Nước Trời, chúng ta có thân xác?
Thánh Phaolô nói: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta
nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền
năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn
của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3:20-21).
Trên Nước Trời, có âm nhạc?
Có loại âm nhạc khác, không giống
như nhạc thế gian. Kinh thánh có những chỗ nói tới âm nhạc. Khi Chúa Giêsu
giáng sinh, các thiên thần đồng ca: “Vinh
danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc
2:14). Sách Khải Huyền cũng cho biết rằng người ta đồng ca “Bài Ca Mới” (x.
Kh 5:9-13).
Trên Nước Trời, chúng ta có nhận biết thân nhân và bạn bè?
Khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa
Giêsu nói: “Từ nay, Thầy không còn uống
thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới
trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26:29). Những người đã chết từ lâu mà các môn
đệ vẫn có thể “nhận diện” là Mô-sê và Ê-li-a cùng đàm đạo với Chúa Giêsu (Mt 17:3).
Trên Nước Trời, điều gì sẽ xảy ra?
Kinh thánh nói: “Họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm
ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của
Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng
mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa” (Kh 7:15-16).
Trên Nước Trời, chúng ta có giới tính?
Chúa Giêsu đã quả quyết rằng mọi
người “như thiên thần” (Mt 22:30; Mc 12:25). Chắc chắn có sự biến đổi tâm linh
để nên giống hình ảnh Thiên Chúa hoàn toàn, không còn ngoại hình như phàm nhân,
tức là không còn giới tính.
Trên Nước Trời, chúng ta có nhìn thấy Thiên Chúa?
Chắc chắn là CÓ! Nhưng Thiên Chúa đã
nói với ông Mô-sê: “Ngươi không thể xem
thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33:20). Thánh
Phaolô khao khát: “Chúng tôi luôn mạnh
dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2
Cr 5:8). Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu đã nói: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”
(Mt 5:8).
Trên Nước Trời, chúng ta sống thế nào?
Thánh Phaolô nói: “Công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra
ánh sáng” (1 Cr 3:13).
Trên Nước Trời, có các động vật?
Từ tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã
có mục đích cho mọi loài. Kinh thánh không trực tiếp đề cập sự sống đời sau, nhưng
ngôn sứ I-sai-a mô tả: “Sói với chiên con
sẽ cùng nhau ăn cỏ, sư tử cũng ăn rơm như bò, còn rắn sẽ lấy bụi đất làm lương
thực. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá” (Is 65:25). Rõ ràng không
còn nguy hiểm. Điều đó ngụ ý nói sự bình an trong Nước Trời và mọi loài vui
mừng.
Nước Trời như thế nào?
Thánh Phaolô nói: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe,
lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai
mến yêu Người” (1 Cr 2:9). Sách Khải Huyền cho chúng ta một cái nhìn: “Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và
xích não. Chung quanh ngai có cầu vồng trông giống như bích ngọc. Chung quanh
ngai có hai mươi bốn ngai khác, và trên những ngai đó có hai mươi bốn vị Kỳ
Mục; các vị đang ngồi, mình mặc áo trắng, đầu đội triều thiên vàng. Từ ngai
phát ra ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét. Bảy ngọn đuốc, tức là bảy thần khí của
Thiên Chúa cháy sáng trước ngai. Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa
pha lê. Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau
đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò
tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng
đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những
mắt. Ngày đêm chúng không ngừng hô lên rằng: Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa,
Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang đến!” (Kh 4:3-8). Khắp
nơi là sự hiện diện và vẻ đẹp chói ngời của Thiên Chúa (x. Kh 21:23). Nước Trời
được ví như Thành Giêrusalem Mới (Kh 3:12; Kh 21:2). Kinh Lạy Cha cho chúng ta
biết rằng “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, đó là “thiết kế” của
Nước Trời.
Trên Nước Trời, chúng ta sẽ làm gì?
Thánh Gioan nghe từ phía ngai có
tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở
cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính
Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không
còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ
đã biến mất” (Kh 21:3-4).
Trên Nước Trời, chúng ta có trở thành thiên thần?
Chúa Giêsu nói rằng chúng ta sẽ
“như các thiên thần” (Mt 22:30; Mc 12:25). Còn Thánh Gioan cho biết: “Thiên thần bảo tôi: ‘Hãy viết: Hạnh phúc
thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!’. Người lại bảo tôi: ‘Đó là những
lời chân thật của chính Thiên Chúa’. Tôi phủ phục xuống dưới chân người mà thờ
lạy, nhưng người nói: ‘Đừng, đừng! Tôi cũng là một tôi tớ như ông và như các
anh em của ông, những người giữ lời chứng của Đức Giêsu. Hãy thờ lạy Thiên Chúa’.
Lời chứng của Đức Giêsu, là thần khí linh hứng cho ngôn sứ” (Kh 19:9-10).
Nước Trời có cổng hoặc cửa?
Thị kiến của Thánh Gioan: “Thành hình vuông: chiều dài cũng bằng chiều
rộng. Rồi người lấy cây sậy đo thành, được mười hai ngàn dặm: chiều dài, chiều
rộng và chiều cao đều bằng nhau. Người đo tường thành được một trăm bốn mươi
bốn thước, theo thước đo của loài người cũng là của vị thiên thần. Tường xây
bằng ngọc thạch, thành thì bằng vàng y, giống như thủy tinh trong sáng. Nền
móng tường thành được trang trí bằng mọi thứ đá quý. Nền móng thứ nhất bằng
ngọc thạch, nền móng thứ hai bằng lam ngọc, nền móng thứ ba bằng lục ngọc, nền
móng thứ tư bằng bích ngọc, nền móng thứ năm bằng mã não, nền móng thứ sáu bằng
xích não, nền móng thứ bảy bằng kim châu, nền móng thứ tám bằng lục châu, nền
móng thứ chín bằng hoàng ngọc, nền móng thứ mười bằng kim lục, nền móng thứ
mười một bằng huỳnh ngọc, nền móng thứ mười hai bằng tử ngọc. Mười hai cửa là
mười hai khối ngọc trai; mỗi cửa là một khối ngọc duy nhất. Quảng trường của
thành bằng vàng y như thủy tinh trong suốt. Trong thành, tôi không thấy có Đền
Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành.
Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa
toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi. Các dân ngoại sẽ tiến bước theo
ánh sáng của thành, và vua chúa trần gian đem kho tàng vinh quang tới đó. Ngày
nọ qua ngày kia, cửa thành không bao giờ đóng, vì ở đấy sẽ chẳng có đêm. Thiên
hạ sẽ đem tới đó kho tàng vinh quang và sự giàu sang của các dân ngoại. Tất cả
những gì ô uế cũng như bất cứ ai làm điều ghê tởm và ăn gian nói dối, đều không
được vào thành, mà chỉ có những người có tên ghi trong Sổ trường sinh của Con
Chiên mới được vào” (Kh 21:16-27).
Nước Trời có đủ chỗ cho chúng ta?
Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên
Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói
với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em,
thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và
Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14:1-4).
Trên Nước Trời, chúng ta có làm việc?
Sách Khải Huyền nói: “Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Ngai
của Thiên Chúa và của Con Chiên sẽ đặt trong thành, và các tôi tớ Người sẽ thờ
phượng Người” (Kh 22:3). Những người tôi trung sẽ được “hưởng niềm vui của
chủ” (Mt 25:23). Không còn cực nhọc, chỉ có vui hưởng phần thưởng.
Trên Nước Trời, có sự cai trị?
Ông Phi-la-tô muốn tha Chúa Giêsu
nhưng sợ hơn đám dân nổi loạn.9 Ông trở vào dinh và nói với Chúa Giêsu: “Ông từ đâu mà đến?”. Nhưng Đức Giêsu
không trả lời. Ông Phi-la-tô nói: “Ông
không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng
đinh ông vào thập giá sao?”. Đức Giêsu đáp lại: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì
thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn” (Ga 19:11).
Trên Nước Trời, chúng ta cảm thấy thế nào?
Kinh thánh cho biết: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn
chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm
14:17). Vương quốc của Thiên Chúa là sự công chính, hòa bình và vui mừng trong
Chúa Thánh Thần. Các phẩm chất tốt lành đó đầy ắp trong “không khí” của Nước
Trời.
Nước Trời có là nơi thật?
Thánh Phaolô nói: “Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe
tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và
ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất
Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-xa-ác và ông
Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một
thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. Nhờ đức tin, cả bà
Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi
đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Vì thế, do một người duy
nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời
cát biển, không tài nào đếm được” (Dt 11:8-12). Nước Trời là một nơi vô
cùng tốt đẹp, một “vương quốc” và một “thành phố” do chính Thiên Chúa thiết kế.
Nước Trời vượt ngoài sức chúng ta có thể tưởng tượng được những gì tuyệt vời
nhất.
Nước Trời ở đâu?
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, các
môn đệ hỏi có phải lúc đó là lúc Chúa Giêsu khôi phục vương quốc Ít-ra-en không.
Hoàn toàn không như các ông nghĩ. Chúa Giêsu đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp
đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên
anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp
các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:7-8).
Nói xong, Ngài được cất lên ngay
trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Ngài, khiến các ông không còn thấy
Ngài nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Ngài đi, thì bỗng
có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng
vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy
Người lên trời” (Cv 1:11-12). Kinh thánh nói về việc “được đưa lên”, vậy
Nước Trời ở ngoài không gian và thời gian.
Chúng ta lên trời bằng cách nào?
Ông Tôma vốn “đa nghi” nên hỏi Đức
Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết
Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”. Chúa Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự
sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em
cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người” (Ga
14:6-7).
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét