Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Hồ sơ dân oan tuần 51

LTCGVN (31.03.2014)

Sài Gòn – Tuần thứ 51 (Từ ngày 24/3 đến ngày 28/3/2014), Văn phòng nhận được hồ sơ của Dân oan các Tỉnh, Thành phố: Lâm Đồng, Bình Phước, Đăk-Nông, Tiền Giang.
1) Đăk Nông:
Bà CNLD, ở quận Tân Bình, Sài Gòn “yêu cầu xem lại vụ án oan của Ông CTS, 72 tuổi, xảy ra ở Đăk-Nông, bị TA kết án 21 năm tù, hiện đang chấp hành hình phạt: Hồ sơ có đơn của Ông CTS đề ngày 9/2/2008 nêu: “… Tôi bị còng tay, bị đánh đập…bắt cởi quần áo ra rồi dùng thước nhựa đánh vào đầu dương vật tôi hồi lâu. Các ông điều tra nói rằng cứ khai theo lời chỉ dẫn của các ông chỉ bảo thì sẽ được thả về, còn nếu không nghe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…vì vậy, các ông điều tra viên đọc sao thì tôi viết như vậy cho mau về…”. Gia đình mời Bà D. đến gặp Luật sư để trao đổi cụ thể. VP sẽ thông báo giờ gặp với Bà qua điện thoại.
2) Lâm Đồng:

Ông Nguyễn Văn Phụ, huyện Đơn Dương: Ông cho biết, sau 1975, gia đình ông góp đất vào làm ăn tập thể, đến 1989, hợp tác xã nông nghiệp giải thể, đất ai trả về người ấy. Riêng gia đình ông còn 640m2 chưa được trả, ông đã ròng rã 25 năm khiếu kiện từ trung ương đến địa phương chưa được giải quyết. Hồ sơ có Quyết định giải quyết của UBND tỉnh Lâm đồng số 35/QĐ-UBND ngày 7/1/2008 “không chấp nhận khiếu nại đòi đất của Ông vì “quá trình sử dụng diện tích đất trên đã qua nhiều thời kỳ, địa phương đã tạo điều kiện …(hai lần hoán đổi diện tích đất tại vị trí khác nhưng gia đình ông Phụ không chấp nhận). Năm 1979, diện tích đất trên đã được qui hoạch làm trụ sở UBND xã; năm 2005, đã được UBND tỉnh cấp GCNQSD đất cho UBND xã, hiện tại đã xây dựng chợ, bưu điện hoàn chỉnh”. Tuy nhiên, theo Ông Phụ trình bày, nói “hoán đổi” chỉ là mị dân. Thực tế UBND xã có mời gia đình tới thảo luận và xã mới có ý định hoán đổi đất nông nghiệp cho gia đình tôi, chỉ trao đổi miệng…gia đình tôi đề nghị xin lại ¼ diện tích (một nền nhà, còn lại hoán đổi…nhưng sau đó xã, huyện đều không trả lời. VP sẽ trao đồi thông tin thêm với Ông qua điện thoại.
3) Bình Phước:
Ông Điều Dinh, và một số hộ đồng bào dân tộc Châu Ro (?) ở Hớn Quản: Ông có nhiều nội dung khiếu nại, bức xúc. Văn phòng sẽ xem hồ sơ, hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, hồ sơ ông và các hộ dân cung cấp khiếu nại việc bà con dân tộc ấp Sóc Ruộng, xã Lợi Hưng (cũ), làm nương rẫy, trồng điều có đóng thuế cho nhà nước. 1994, bí thư tỉnh Năm Chi về Sóc Ruộng hứa với bà con “định canh- định cư, mỗi hộ dân được 03 ha”. Ngày 25/5/1995, UB huyện Bình Long có Quyết định số 873 giao đất của bà con cho 28 cá nhân “đó là những người cán bộ…”. Bà con không chịu “lấy đất dân tộc thì phải cấp cho dân tộc như vậy mới là công bằng. Lấy đất người dân tộc cấp cho cán bộ không, người 15 ha đến 20 ha. Người dân ấp (Sóc) Ruộng cấp đất 2 năm liền chỉ được 1 ha mà thôi”….Ngày xưa bà con làm rẫy hai nơi…ông Ba Khảm – Giám đốc nông trường Lợi Hưng- vận động bà con vào làm công nhân, phá hết đất rẫy trong đó là vườn cây ăn trái, cây mít, khế, xoài….Bà con làm theo lời ông ta nói, nhận đất, cây giống, công lao tự khai phá bằng sức lao động của mình với lời hứa “làm công nhân mãi, đời con, đời cháu…luôn”. Nhưng đến 1990, bị đuổi việc hết, không còn ai được làm nữa… Kèm theo hồ sơ là danh sách “Cán bộ đang sử dụng đất của bà con khu vực Sóc Ruộng”. Hiện, địa phương đang sử dụng Quyết định số 2345 ngày 1/9/2004 của UBND tỉnh Bình Phước để cho rằng “vụ việc đã được giải quyết”. Trong khi, Quyết định này thể hiện nhiều nội dung không phù hợp, giải quyết xâm phạm quyền, lợi ích bà con dân tộc thiểu số…Phần đầu trang 1 Quyết định thừa nhận “Do tập quán sản xuất theo lối du canh du cư của đồng bào dân tộc, nên hiệu quả sản xuất không cao. Năm 1987…tiến hành họp dân và thỏa thuận với các đồng bào dân tộc đưa đất vào nông trường…”. Thế nhưng, trang 4 Quyết định “Bác đơn khiếu nại…Lý do: không có giấy tờ, chứng cứ nào thể hiện diện tích đất các hộ đòi lại thuộc quyền quản lý sử dụng của các hộ.”. Và lý do “muôn thủa” “để chiếm đất” là: “Hiện tại, diện tích đất này nhà nước đã giao cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng ổn định trên 10 năm. Do đó các hộ đòi lại đất là không có cơ sở xem xét, giải quyết”. Câu hỏi đặt ra là “thế trước 10 năm thì ai sử dụng? Nhà nước lấy đất của ai để “giao cho tổ chức, cá nhân trồng rừng ổn định…”. Sao bà con đang sử dụng ổn định lại không giao? Quyết định cũng cho rằng: “Hiện nay tại ấp Sóc Ruộng có 88 hộ dân tộc đang canh tác, sản xuất và sinh sống…số hộ có đất sản xuất từ 01 ha trở lên là 77/88 hộ. Số hộ thiếu đất sản xuất là 7/88 hộ…”. Vấn đề bà con khiếu nại là đất của bà con khai phá, sao lại lấy giao cho cán bộ 8, 10 ha mà không đền bù, còn bà con thừa nhận “chỉ được giao lại 1 ha”…Văn phòng sẽ trực tiếp hướng dẫn bà con.
4) Tiền Giang:
a) Ông Nguyễn Văn Triền, H. Gò Công Tây: Nội dung khiếu nại: “Năm 1987, nhà nước lấy của tôi trên 600 m2 đất ruộng, buộc vào HTX. 1989, có chủ trương trả lại đất do tập đoàn, HTX làm ăn không hiệu quả, nhưng không trả cho gia đình tôi. Đất tôi là đất ruộng, trồng lúa. Nhưng xã lại cho lên nền và đã cho bán 1999 và ký cho bán tiếp đợt 2 vào năm 2001. Tôi kiện ra tòa nộp đơn 7/10/2013, tới nay không xét xử. Lý do tòa trả lời miệng là UB huyện chưa cử người nên Tòa chưa xử được”. Văn phòng sẽ trực tiếp trao đổi với ông.
b) Bà Nguyễn Thị Xương, H. Gò Công Tây: Văn phòng mới nhận hồ sơ bà bổ sung. Việc tranh chấp đất giữa Bà và Ông Nguyễn Văn My, Văn phòng đề nghị Bà mời Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình. Văn phòng sẵn sàng giới thiệu Luật sư cho Bà.

Văn phòng Công lý & Hòa bình
Dòng Chúa Cứu Thế- Sài Gòn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét