Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Hai con người


LTCGVN (29.03.2014)

Trong mỗi chúng ta đều có hai con người. Một con người luôn hướng thiện với lương tâm tốt, nhân chi sơ tính bổn thiện, đó là tiếng nói của Thiên Chúa: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48). Một con người theo hướng ác với lương tâm lệch lạc, đó là tiếng nói của ma quỷ: “Chẳng chết chóc gì đâu” (St 3:4). Hai con người, nhưng chỉ có một cuộc đời. Vì thế, với hai con người đó, chúng ta gọi là “hai nửa cuộc đời”.
Hai con người hoặc hai “nửa” đó luôn giằng co khiến chúng ta phải thực sự can đảm và dứt khoát mới có thể hành động đúng. Khó thật! Thánh Phaolô đã phải than thở: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7:15).
Chúng ta có hai con người nên chúng ta cũng có hai bộ mặt và hai tính cách: Hiền và dữ, tươi cười và nhăn nhó, đẹp và xấu, mềm và cứng, đen và trắng,...
Trình thuật Lc 15:11-32 là dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” hoặc “Đứa Con Hoang Đàng”. Đây là dụ ngôn điển hình nhất trong ba dụ ngôn về Lòng Chúa Thương Xót, và là dụ ngôn rất thực tế – hai dụ ngôn kia là “Con Chiên Bị Mất” (Lc 15:4-7; Mt 18: 12 -14) và “Đồng Bạc Bị Mất” (Lc 15:8-10). Trong đó có hai người con, một bướng bỉnh và một ngoan ngoãn. Đó là hình ảnh “hai con người” trong chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ “nhắm” vào tội của người con thứ mà làm ngơ cái lỗi của người con trưởng.

Một hôm, khi thấy các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Ngài giảng, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15:2). Có thể chúng ta không nói ra, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã từng “liếc mắt sắc như dao cau” hoặc dè bỉu, hoặc có các động thái tương tự câu nói đó của họ.
Nghe họ rỉ tai nhau như vậy, Chúa Giêsu kể một hơi dài với ba dụ ngôn về Lòng Thương Xót. Một câu chuyện “rất quen” như thế này…
Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con”. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha”.
Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng.
Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ”. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”.
Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Vâng, chẳng cần đọc lại hoặc nghe lại vì chắc hẳn chúng ta đã “thuộc lòng” dụ ngôn này rồi. Người cha không dùng quyền mà ép nó. Thiên Chúa hoàn toàn cho chúng ta tự do, nên chúng ta không thể trốn tránh trách nhiệm hoặc biện hộ là “tại, vì, bởi, nếu,…”.
BỘ MẶT THỨ NHẤT: NGƯỜI CON THỨ
Bản chất con người muốn chứng tỏ mình, muốn nổi dậy, thích tự do, không muốn bị gò bó. Người con thứ là “bản chất xấu” trong chúng ta. Lúc nào nó cũng tìm dịp để nổi dậy, sơ hở một chút là nó vùng lên ngay. Nó biết “đi hoang” là sai trái, nhưng nó có nhiều lý do để chống chế, tự biện hộ, và tự cho là mình hành động đúng. Trong khi đó, thằng quỷ kiêu ngạo lại rỉ tai: “Chẳng chết chóc gì đâu”. Thế là chúng ta phạm tội!
Cám dỗ nào cũng ngọt ngào, cám dỗ nào cũng đẹp, không ngọt ngào và không đẹp thì làm sao lôi cuốn? Cũng như quảng cáo nào cũng bắt mắt, bùi tai, mua và dùng rồi mới biết là… bị lừa! Những người đi lừa người khác luôn khéo nói, như thế mới có thể chiếm dụng tài sản của người khác, như thế nhiều người mới mắc lừa.
Miệng ăn, núi lở. Sau khi ăn chơi phung phí và trác táng, không còn một xu dính túi, người con thứ mới nhận thấy mình… sai, vì sống khổ sở quá, đến nỗi thèm cám heo cũng không ai cho mà ăn. Đắn đo, nghĩ tới nghĩ lui, hết cách, chỉ còn “đường binh” cuối là trở về với cha.
Sự trở về nghe chừng đơn giản, ngắn gọn, nhưng thực ra không hề dễ, cam go lắm. Trước khi cất bước trở về, người con thứ phải chiến đấu với chính mình rất dữ dội, giằng xé nát lòng, suy nghĩ nát óc. Đi xa về mà te tua tơi tả thì ai mà coi được! Phải “mặt dày” lắm mới có thể trở về. Một sự giằng co nữa là ngại với cha, xấu hổ lắm, không biết cha có nhận mình về hay lại đuổi đi. Gay go thật!
Vì ở bước đường cùng, người con thứ phải quyết trở về để tìm đường sống, bất đắc dĩ phải làm vậy thôi. Nó không dám mong gì hơn, chỉ dám hy vọng mong manh là cha sẽ nhận nó như người làm công thôi. Nhưng thật bất ngờ, người cha không chỉ tha thứ tội lỗi cho nó mà còn phục hồi cương vị làm con yêu dấu và mở tiệc liên hoan y như nó là quan trạng vinh quy bái tổ vậy. Nước mắt vẫn chảy xuôi. Kỳ lạ thật!
BỘ MẶT THỨ NHÌ: NGƯỜI CON TRƯỞNG
Người con trưởng là con cả hoặc anh hai. Chúng ta tưởng đứa con này khôn ngoan, nhưng không phải, có thể có “khôn” nhưng chưa “ngoan”. Tại sao? Nó đã nhẫn tâm phủ nhận tình huynh đệ, tình máu mủ ruột rà, lại còn kiêu ngạo khi tự nhận mình là đứa con hiếu thảo, đồng thời so đo và đố kỵ: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”.
Không chỉ ghen tương và đố kỵ, nó còn mặc nhiên coi thường tình phụ tử, nó ở gần cha mà lòng lại xa cha. Nhìn người con trưởng, chúng ta thấy nó có vẻ bình thường và là đứa con ngoan ngoãn, nhưng thực ra nó nhiều tội lắm! Loại “con người” này cũng vẫn thường xuất hiện ở chúng ta. Có thể chúng ta không nói ra bằng lời, nhưng qua các động thái, chúng ta vẫn ngầm cho mình là người đạo đức hơn người khác: Tưới cây trong khu nhà thờ, quét nhà thờ, tham gia hội đoàn Legio, huynh đoàn Đa-minh, hội Con Đức Mẹ, hội Phạt Tạ Thánh Tâm, hội Cầu Nguyện, cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, ca đoàn, giúp lễ, đọc sách thánh, làm việc từ thiện,… Tham gia như vậy cũng rất tốt, nhưng hãy coi chừng: Đừng chỉ chú trọng bề nổi mà thiếu chiều sâu. Hãy hoạt động để sáng danh Chúa thực sự chứ đừng “đánh bóng” chính mình!
Điều MUỐN và điều CẦN không giống nhau. Có rất nhiều điều chúng ta ước muốn lắm, nhưng trong số đó có những điều không thực sự cần thiết. Ví dụ, chúng ta mua quần này, áo nọ, giày nọ, dép kia, thay đổi điện thoại đời mới,... Thế nhưng có những thứ hoàn toàn lãng phí, chỉ là đua đòi, chứ thực sự không cần thiết. Chúng ta thường bị ảo giác trước vẻ hào nhoáng của các vật, bị chúng làm lóa mắt, do đó mà chúng ta “vung tay quá trán” và hoang phí. Đó là chúng ta bị những ham muốn lừa dối. Về lĩnh vực tâm linh cũng tương tự!
Cuộc đời như sân khấu vậy, người ta hóa trang đủ kiểu khiến người khác khó nhận biết. Các sản phẩm ngày nay cũng khó nhận ra cái nào thật hoặc giả, hàng hiệu hoặc hàng nhái. Trong cuộc sống tâm linh cũng vậy, chúng ta vẫn có nhiều loại “mặt nạ”. Phải thực sự can đảm mới đủ sức lột mặt nạ để có thể luôn luôn cứ là chính mình!
Trong chúng ta cũng có hai “con người” như hai người cầu nguyện tại Đền Thờ (x. Lc 18:9-14). Ước gì chúng ta “mặc lấy” con người của người-thu-thuế-khiêm-nhường, nhưng “cởi bỏ” con người của người-Pha-ri-sêu-kiêu-ngạo.
Mùa Chay, chúng ta hãy cùng nhau “lột xác” theo lời khuyên của Thánh Phaolô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4:22-14).
TRẦM THIÊN THU

Mùa Cứu Độ – 2014

0 nhận xét:

Đăng nhận xét