Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014
Mù và Sáng (Chúa nhật IV mùa Chay, năm A)
02:30
No comments
Có hai con
mắt, mờ một mắt, hư một mắt, hoặc thị lực yếu thì đã thấy khổ lắm rồi, huống
chi bị mù hẳn. Hai con mắt “khác” một chút như bị đau cũng thấy khổ rồi, tình
trạng “bốn mắt” là khổ suốt – dù có thêm “hai con mắt” nữa.
Mắt cũng biết
khóc, biết cười. Khó nhận biết khi mắt cười, nhưng ai cũng nhận biết khi mắt
khóc. Khóc cũng đa dạng: vì vui, vì buồn, vì khổ, vì thương, vì nhớ, vì tức, vì
sợ, vì nhõng nhẻo, vì giả bộ,… Tuy nhiên, đôi khi người ta cũng cần phải biết
khóc, vì nước mắt có thể “cuốn trôi” nổi buồn và làm sạch mắt nhờ chất mặn. Đặc
biệt là phải khóc vì tội lỗi mình đã phạm – tội với Thiên Chúa và lỗi với tha
nhân!
Mắt còn có khả
năng “bật mí” nhiều thứ khác, như người ta ví von: “Đôi mắt là của sổ của tâm hồn”. Qua hai “cửa sổ” này, người ta có
thể biết người đối diện như thế nào. Cửa sổ nhỏ hơn cửa ra vào, thế nhưng đôi
khi cửa sổ vẫn quan trọng lắm đấy! Người yếu vía sẽ “tự quay đi” khi nhìn vào
mắt của người “mạnh vía”. Dòng nước mạnh sẽ “lướt” dòng nước yếu thôi!
Mù đồng nghĩa
với tối tăm, trái ngược với sáng sủa. Khiếm thị hoặc mù lòa về thể lý là tình
trạng tồi tệ đối với một con người, nhưng “mù lòa tâm linh” còn nguy hiểm hơn
nhiều. Thế nên Chúa Giêsu đã nói: “Tôi
đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem
thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9:39). Thật đáng sợ nếu chúng ta bị Ngài quở trách như vậy. Lúc đó, chúng ta
hóa thành người “có mắt như mù”. Khủng khiếp quá!
Ngày xưa, Đức Chúa đã phán
với ông Sa-mu-en: “Ngươi còn khóc thương
Sa-un cho đến bao giờ, khi ta đã gạt bỏ nó, không cho làm vua cai trị Ít-ra-en
nữa? Ngươi hãy lấy dầu đổ đầy sừng và lên đường. Ta sai ngươi đến gặp Gie-sê
người Bê-lem, vì Ta đã thấy trong các con trai nó một người Ta muốn đặt làm
vua” (1 Sm 16:1). Chúa không nói đến mắt, nhưng chúng ta biết Ngài nói đến
mắt nhờ động từ “khóc”.
Trình thuật 1 Sm 16:6-7, 10-13
cho biết rằng khi họ đến, ông thấy Ê-li-áp, ông nghĩ: “Đúng rồi! Người Đức Chúa xức dầu tấn phong đang ở trước mặt Đức Chúa
đây!”. Nhưng Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa
không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức
Chúa thì thấy tận đáy lòng”. Cách nghĩ của Thiên Chúa đã
khác hẳn với loài người rồi, mà cả tầm nhìn của Ngài cũng hoàn toàn khác.
Chúng ta thường “trông mặt
mà bắt hình dong”, cứ tưởng “con lợn béo” thì “lòng nó ngon”. Nhưng Thiên Chúa
không như vậy, Ngài không nhìn theo bề ngoài mà Ngài nhìn “thấu suốt” nội tâm.
Tục ngữ Việt Nam cũng xác nhận: “Chiếc áo
không làm nên thầy tu”. Những người coi trọng bề ngoài là những người có
nội tâm hời hợt, nông cạn – gọi là dạng “yếu bóng vía” hoặc “mắt kém”.
Sau s9ó, ông Gie-sê cho
bảy người con trai đi qua trước mặt ông Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói với
ông Gie-sê: “Đức Chúa không chọn những
người này”. Quả là “mắt thần” có khác! Rồi ông lại hỏi ông Gie-sê rằng các
con ông có mặt đầy đủ chưa. Ông Gie-sê nói còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.
Ông Sa-mu-en liền bảo ông Gie-sê cho người đi tìm nó về rồi mới nhập tiệc. Ông
Gie-sê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt
xinh xắn. Đức Chúa nói với ông Sa-mu-en: “Đứng
dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!”. Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu
và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí Chúa nhập vào Đa-vít từ ngày
đó trở đi.
Phụng vụ Chúa Nhật Hồng
(*) hôm nay sử dụng trọn Thánh Vịnh 23 (gồm 6 câu). Đây là Thánh Vịnh phổ biến
nên rất quen thuộc, nói về niềm hạnh phúc được Chúa quan phòng và gìn giữ, đồng
thời cũng có ý đề cập niềm tín thác vào Ngài: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ
xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ
sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv
23:1-4).
Thật vậy, khi có Chúa đồng
hành thì “dầu qua lũng âm u” chúng ta cũng “chẳng sợ gì nguy khốn”, chúng ta có
“côn trượng Ngài bảo vệ” thì hoàn toàn “vững dạ an tâm”. Tác giả Thánh Vịnh cho
biết: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay
trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan
chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được
ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:5-6). Có
Chúa là có tất cả, hoàn toàn an tâm vững dạ, vì chúng ta được đi trên “con
đường sáng” chứ không tăm tối.
Thánh Phaolô nói: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ,
trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái
ánh sáng; mà ánh
sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep
5:8-9). Tức là phải cẩn trọng xem “điều gì đẹp lòng Chúa”, chứ “đừng cộng tác
vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng” (Ep 5:10-11). Thánh
Phaolô giải thích: “Vì những việc chúng
làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi. Nhưng tất cả những gì bị vạch trần,
đều do ánh sáng làm lộ ra; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng. Bởi
vậy, có lời chép rằng: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong,
trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5:12-14).
Bóng tối rất mạnh, chỗ nào
không có ánh sáng thì nó phủ đầy ngay. Nó mạnh mà lại yếu, vì chỗ nào có ánh
sáng, dù chỉ le lói, nó cũng sẽ lui ngay. Quẹt một que diêm sẽ thấy “tác động”
giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng rất cần, nhưng chúng ta phải cố gắng “tạo”
ra nó. Có một câu danh ngôn liên quan ánh sáng và bóng tối, ý nói chúng ta phải
không ngừng nỗ lực trong cuộc sống: “Hãy
thắp lên một ngọn nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”.
Chuyện đời thường mà chúng
ta còn phải cố gắng thì chuyện tâm linh càng phải nỗ lực hơn nhiều lắm!
Một hôm, Thầy Trò cùng nhìn
thấy một người mù bẩm sinh. Các môn đệ hỏi Sư Phụ Giêsu: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay
cha mẹ anh ta?”. Đức Giêsu trả lời: “Không
phải anh ta, cũng chẳng
phải cha mẹ anh ta đã phạm
tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa
được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy,
khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở
thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9:3-5). Khi “thiên
hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện” là lúc Thiên Chúa được
vinh danh.
Đáng lẽ chúng ta phải
“ngộ” ra nhờ câu trả lời của Chúa Giêsu mới phải, thế nhưng có lẽ chúng ta vẫn
không mấy quan tâm. Do đó, trong cuộc sống, chúng ta vẫn “chắc nịch” cho rằng
những người kém may mắn hơn mình (làm ăn thua lỗ, mùa màng thất bát, bị tai
nạn, bị bệnh hoạn, gặp điều xui xẻo,…). Có người chỉ “để bụng”, nhưng có người
lại dám “phán câu xanh rờn” rằng: “Chúa
phạt!”. Lạy Chúa tôi! Nói theo phim bộ Hong Kong thì phải nói: “Thiện tai!”.
Không chỉ vậy, chúng ta
còn có thiên kiến. Cũng một sự việc như nhau (ví dụ: bệnh hoạn), với người
không “hợp ý mình” thì chúng ta nói: “Chúa
phạt cho đáng đời!”. Nhưng với người “hợp ý mình” thì chúng ta lại nói: “Thánh giá Chúa trao”. Đúng là “cái lưỡi
không xương nhiều đường lắt léo”. Chính định kiến đó là chúng ta “giết” người
không cần gươm giáo!
Trả lời các đệ tử xong, Chúa
Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo
anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa”
(Si-lô-ác có nghĩa là “người được sai phái”). Anh ta liền đến rửa ở hồ, và khi
về thì nhìn thấy được. Chúa Giêsu có biệt dược độc đáo ghê đi. Mà phải nói là
“thần dược” hoặc “linh dược” mới đúng ngữ nghĩa. Đó là “nước miếng trộn với
bùn”. Hay dữ nghen! Mấy lang băm chớ mà học đòi theo, các pháp sư phải sợ mà
chạy có cờ, còn các lương y và bác sĩ danh tiếng cũng phải tâm phục khẩu phục!
Dân chúng trước kia thường
thấy anh ta ăn xin mới xì xầm bàn tán, kẻ thì bảo là chính hắn, kẻ thì bảo
không phải, kẻ lại bảo ai đó giống hắn thôi. Chín người, mười ý. Chẳng ai chịu
ai. Thế là họ dẫn anh ta đến với những người Pha-ri-sêu. Rắc rối là ngày Chúa
Giêsu trộn bùn với nước miếng và làm cho anh ta sáng mắt lại là ngày sa-bát. Ấy
thế, người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Chính anh
xác nhận: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy” (Ga 9:15).
Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì bảo Chúa Giêsu không thể là người của Thiên
Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát, kẻ thì bảo rằng người tội lỗi không thể
làm được những dấu lạ như vậy. Cũng chẳng ai chịu ai, thế là họ đâm ra chia rẽ.
Ngộ dữ nghen, chuyện của người ta mà xía vô làm chi vậy ha? Rồi họ lại hỏi “cựu
người mù” nghĩ gì về người đã mở mắt cho mình. Anh ta đáp ngày: “Người là một vị ngôn sứ!” (Ga 9:17).
Người Do-thái không tin là
trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. Họ hỏi
anh ta có phải là con không. Cha mẹ anh xác nhận anh bị mù từ khi mới sinh, còn
bây giờ anh sáng mắt thì họ không biết tại sao, cha mẹ canh bảo họ cứ hỏi anh
ta là chính xác nhất. Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái, những người sẵn
sàng trục xuất khỏi hội đường bất cứ kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng
Kitô.
Một lần nữa, họ gọi người
trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn
vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi” (Ga 9:24).
Anh ta bảo rằng ông ấy có phải là người tội lỗi hay không thì anh không biết,
mà anh chỉ biết một điều là trước đây anh bị mù nhưng nay anh nhìn thấy được.
Họ hỏi anh xem Chúa Giêsu đã làm thế nào mà anh sáng mắt. Anh bảo rằng anh đã
nói rồi mà họ không chịu nghe. Anh nói thẳng rằng có phải họ cũng muốn làm môn
đệ Chúa Giêsu hay không. Tự ái bốc tới chỏm đầu nên họ không tiếc lời mắng
nhiếc: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy;
còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa
đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến”.
Anh vừa gãi đầu vừa nói: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy
bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên
Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý
của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt
cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến,
thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9:30-33). Họ đối lại: “Trứng khôn hơn vịt. Mày sinh ra tội lỗi
ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” (Ga 9:34). Và rồi họ liền
trục xuất anh. Người có tâm địa xấu là vậy, chỉ chờ có thế thôi!
Đức Giêsu cũng biết họ đã
trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Ngài hỏi anh có tin vào Con Người không, anh ta
hỏi Đấng ấy là ai để anh ta tin. Đức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây” (Ga 9:37). Thật
bất ngờ, nhưng anh thấy rất vui nên nói ngay: “Thưa Ngài, tôi tin” (Ga 9:38). Nói xong, anh sấp mình xuống trước
mặt Ngài. Đức tin của “cựu người mù” này lớn quá! Tại sao? Thường thì đa số hơn
thiểu số, nhiều người ghét Chúa Giêsu, nhưng anh vẫn có lập trường rõ ràng của
riêng mình, không chịu “gió chiều nào ngả theo chiều nấy”.
Biết anh thật lòng, Chúa
Giêsu nói: “Tôi đến thế gian này chính là
để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!”
(Ga 9:39). Những người Pha-ri-sêu đang ở đó và nghe vậy thì liền lên tiếng:
“Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay
sao?”. Lại tự ái. Đầu óc “bã đậu” và “nhỏ mọn” như thế thì chả bao giờ khá
lên được. Đầu óc gì mà nhỏ như hạt đậu, hẹp như ống hút nước vậy! Có lẽ lúc ấy Chúa
Giêsu lắc đầu, rồi thản nhiên bảo họ: “Nếu
các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng ‘chúng
tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9:41). Họ thường ngu đột xuất, giờ
lại tiếp tục ngu kinh niên, ngu tầm cỡ quốc tế luôn!
Còn chúng ta? Chắc hẳn đã
có những lần chúng ta y như người Pha-ri-sêu vậy, chẳng hơn họ đâu. Và rồi
chúng ta cũng vẫn cứng lòng, không chịu “cho vào tai” những lời “thuận ngôn”, không
chịu “cân nhác” lời hơn lẽ thiệt, không chịu “mở mắt” to để nhìn rõ vấn đề, thế
nên chúng ta “có mắt như mù”. Thật đáng sợ!
Mù thì chắc chắn khổ,
nhưng chỉ mờ mắt hoặc thông manh cũng khổ, và cũng khổ nếu cận thị, viễn thị
hoặc loạn thị. Nói chung là khổ hết ráo, nếu đôi mắt không bình thường. Tác giả
Thánh Vịnh nói: “Mở mắt coi, bạn liền
thấy rõ thế nào là số phận bọn ác nhân” (Tv 91:8). Do đó, chúng ta phải
luôn biết cầu nguyện: “Xin mở mắt cho con
nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao” (Tv 119:18).
Chúa Nhật IV Mùa Chay là
“cột mốc” cho biết rằng chúng ta đã đi được nửa Hành Trình Mùa Chay. Chúng ta
đã “nhìn” thấy gì, “sáng” thêm mấy độ, còn cận thị, viễn thị hoặc loạn thị
nhiều hay ít? Chúng ta cận thị vì tưởng mình đạo đức tốt lành, viễn thị vì
không nhận biết tội mình, và loạn thị vì “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại bạn
một phần”. Đã qua nửa Mùa Chay, chúng ta cùng tạ ơn Chúa và tiếp tục xin Ngài
dìu dắt chúng ta đi hết chặng đường Mùa Chay theo đúng Thánh Ý Ngài.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin mở mắt đức tin cho chúng con, xin tăng
thị lực đức tin cho chúng con, xin giúp chúng con nhìn thấy chính Chúa trong
mọi người – nhất là nơi những người nghèo khổ, nơi những người hèn mọn, và xin
cho bất kỳ ai gặp chúng con cũng có thể nhận thấy nơi chúng con thực sự có Chúa
sống động. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của
chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Chúa Nhật IV Mùa Chay mệnh danh là Chúa Nhật Hồng hoặc Chúa Nhật Vui
(Laetare Sundae), do chữ đầu tiên của Ca Nhập Lễ là “Laetare” (Hãy vui lên, hỡi
Giêrusalem). Chúa Nhật
này dùng lễ
phục hồng, được phép chưng hoa trên bàn thờ, và đệm đàn khi hát. Hoa Hồng Vàng
được làm phép hôm nay, và còn được gọi là Mediana, Ngày Giữa Mùa Chay, Ngày Lễ
Các Mẹ, Ngày Hoa Hồng, hoặc Chúa Nhật
Tĩnh Dưỡng.
Có một Chúa Nhật Hồng khác, cũng gọi là Chúa Nhật Vui (Gaudete Sundae),
đó là Chúa Nhật III Mùa Vọng, do câu mở đầu của Ca Nhập Lễ có câu “Gaudete in
Domino semper” (Anh em hãy vui trong Chúa luôn mãi). Chúa Nhật này cũng dùng lễ
phục hồng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét