Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Người Việt đang sống trong hòa bình?

LTCGVN (20.03.2014)

NGƯỜI VIỆT ĐANG SỐNG TRONG HÒA BÌNH ? (2)
(Tiếp theo)

III.- XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN.

Nhà nước pháp quyền thực thi nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy quyền làm chủ đất nước, xã hội và làm chủ nhà nước. Nhà nước phải bảo đảm và phát triển quyền làm chủ của người dân quy định bởi Hiến pháp và luật lệ.

Đảng cộng sản Việt Nam tạo ra nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo là để tạo môi trường cho đảng viên tham nhũng công quỷ, do dân đóng thuế. Các tập đoàn, công ty quốc doanh nuôi béo đảng cộng sản, trong lúc đồng bào lao động chắt mót từng đồng trong khó khăn và cực nhọc. Tin Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm ăn ‘thua lỗ’ làm thâm thủng công quỷ hơn 86.565 tỷ đồng. Ngày 01.11.2010, khi thảo luận kinh tế và xã hội tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên chính phủ có liên quan đến vụ Vinashin, kể cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì ông đã bổ nhiệm Chủ tịch Vinashin Nguyễn Thanh Bình, người bị bắt vì trách nhiệm món nợ của tập đoàn này, lên tới 4,3 tỷ mỹ kim (tin RFI online cùng ngày). Cuối cùng, không viên chức chính phủ nào chịu trách nhiệm. Do đó, có một Tập đoàn thâm thủng công quỷ thì cũng đã xảy ra Tổng Công ty nhà nước thứ nhì…

Đó là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vietnam National Shipping Lines -Vinalines). Tháng 9.2011, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định chính thức về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines. Ngày 06.02.2012, khi C48 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng) đang tiến hành điều tra vụ án ‘tham ô’, ‘cố ý làm trái…’ tại Vinalines, ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, được Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 142 cho thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinalines để Bộ trưởng Giao thông Vận tải bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Việc sử dụng nguồn vốn huy động này từ trái phiếu sai mục đích, quản lý nguồn vốn, quản lý nợ phải thu chưa tốt, có khoản nợ với số tiền 23.062 tỉ đồng (trên 1 tỷ mỹ kim) kéo dài nhiều năm chưa thu được và có nguy cơ không thu được.
(Xin xem nội vụ Vinalines và bản án sơ thẩm dành cho họ tại địa chỉ : http://vietcatholic.net/News/Html/121106.htm ). Từ đó, phát sinh ra vụ án 'cố ý làm lộ bí mật nhà nước' liên quan đến thượng tướng Phạm Quý Ngọ, cần phải điều tra trong tình trạng tế nhị vì ông là Ủy viên Trung ương Đảng, một cơ quan đầy quyền lực đảng cộng sản. Do đó, muốn khởi tố điều tra, đảng và chính phủ phải thực hiện các điều sau đối với ông Ngọ :
- Khai trừ khỏi vị trí ủy viên trung ương đảng ;
- Khai trừ các chức vụ đảng trong đảng ủy bộ công an ;
- 'Miễn nhiệm' chức vụ thứ trưởng bộ công an ;
- Đình chỉ công tác ;
- Khai trừ khỏi đảng.
(Đây là nguyên tắc, nhưng 16 đồng chí Bộ Chính trị có quyền ‘đốt giai đoạn’.)

Căn cứ vào những lời ông Dương Chí Dũng, ông Ngọ phải bị khởi tố ít nhất 5 tội danh sau:
- Nhận hối lộ: Ít nhất là 1,5 triệu mỹ kim ; 
- Bao che, tiếp tay cho tội phạm bỏ trốn, nhờ cương vị trưởng ban chuyên án điều tra Vinalines, ông đã thông cung để ông Dương Chí Dũng trốn đi ;
- Không tố giác tội phạm ;
- Cố ý lộ bí mật công tác ;
- Làm sai lệch kết quả điều tra: các cán bộ dưới quyền ông Ngọ đã ép cung, đe dọa, làm sai lệch những lời khai liên quan đến tướng Ngọ.

Khoảng giữa tháng 02.2014, bộ ảnh thật đầy đủ về đám cưới xa hoa của ông Phạm Mạnh Hùng, con trai thứ trưởng bộ Công an Phạm Quý Ngọ, được tung lên Internet tại : http://www.youtube.com/watch?v=bOT52Yhvv_Y và http://www.youtube.com/watch?v=9wCUfswn9FM . Đám cưới diễn ra tại khách sạn 5 sao J.W. Marriott, sang trọng bậc nhất Hà nội nằm trong Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Hội trường Ba Đình, ngày 11.12.2013, độ một tháng trước ngày tướng Ngọ bị 'ngã ngựa'. Cả tướng Ngọ lẫn ông Hùng đều được ông Dương Chí Dũng nêu đích danh trong lời khai về các khoản hối lộ, chạy án vụ Vinalines hôm 07.01.2014 tại tòa. Ông Hùng được tố là đã dẫn ông Dương Chí Dũng đến nhà riêng đại tá Trần Duy Thanh - cục trưởng C48 để ông Dũng hối lộ đại tá Thanh 20,000 mỹ kim để nhờ chạy án : « Tôi nhờ anh Hùng, con trai anh Ngọ, dẫn đến nhà anh Thanh. Tối 06.05, tôi đến nhà anh Ngọ, tôi điện cho Hùng nhờ dẫn sang nhà anh Thanh. Tôi gặp anh Thanh, đưa quà cho anh Thanh 20.000 mỹ kim và một chai rượu. Tôi biếu anh Thanh với mục đích anh giúp tôi trong việc bị triệu tập điều tra việc mua ụ nổi 83M ». Sự kiện này tố cáo sự giàu sang, vượt xa lương bổng của một tướng công an…

Ngày 17.02.2014, báo chí trong nước loan tin Ban Nội chính Trung ương cho biết Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ có thể bị tạm đình chỉ công tác để đảm bảo việc điều tra về những tố cáo của Dương Chí Dũng mà Tòa án Hà nội đã khởi tố vụ án ‘Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước’ do liên quan đến người đã mật báo cho ông Dũng bỏ trốn. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó ban Nội chính Trung ương, khi được hỏi về khả năng tạm đình chỉ công tác của ông Ngọ để bảo đảm cho việc điều tra, đã nói ‘Về nguyên tắc thì phải tạm đình chỉ, nhưng do ông Ngọ đang bệnh nặng nên việc này nhạy cảm’. Đây là lần đầu tiên một quan chức Việt Nam khẳng định ông Ngọ ‘đang bị bệnh nặng’ (tin RFI cùng ngày). 

Ngày 18.02.2014, bản tin PetroTimes, lúc 19 giờ 58, đã loan tin ‘tướng Ngọ đã từ trần vào hồi 21h20 ngày 18/2. (Vào lúc 16h30, tim của tướng Phạm Quý Ngọ đã ngừng đập. Nhưng được các bác sĩ khoa cấp cứu A11 Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 hồi sức tích cực, nên trái tim đã đập trở lại. Tuy nhiên, đến 21h20 thì ngừng hẳn). Ông Ngọ từ ba tháng nay đã chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.’ Sự kiện nhanh nhẹn loan tin này (lúc 19 giờ 58 đưa tin xảy ra lúc 21 giờ 20) của PetroTimes đã tạo cơ hội cho ‘người ta’ đặt điều nghi ngờ trước cái chết của tướng Ngọ, như phải chăng Nguyễn Như Phong, được ai đó trong ‘nhóm lợi ích’ có liên quan tội trạng vội báo ‘tin mừng’ là đã ‘xử lý’ xong tướng Ngọ, giữa lúc họ đang rất cần giành lại thế thượng phong, bằng tận dụng cả công vụ tuyên truyền? Ngoài ra, giờ ‘từ trần’ của tướng Ngọ, PetroTimes đã ‘rất khác’ với báo Công an nhân dân đăng ‘Đồng chí Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an do lâm bệnh nặng, đã từ trần vào hồi 21h05 ngày 18/2/2014 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108’ và chỉ loan đi vào lúc 7 giờ 30 ngày 19.02.2014.

Bản tin đài RFI (Pháp) ngày 18.02.2014, với tựa đề ‘Những câu hỏi đặt ra sau cái chết của ơng Phạm Quý Ngọ’ đã cho biết : Ông sinh năm 1954 tại Thái Bình, được dư luận biết nhiều qua việc xử lý vụ nổi dậy ở Thái Bình năm 1997, vụ cưỡng chế đất đai của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng vào đầu năm 2012. Với cái chết của ông, ngón đòn cuối cùng ‘phe bảo thủ’ đánh vào ‘phe lợi ích’, nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Trước hết, đây có phải là một cái chết bình thường hay không ? Và tại sao cái chết này lại xảy ra ngay sát thời điểm Ban Nội chính Trung ương tuyên bố có thể đình chỉ công tác đối với ông Ngọ ? Như vậy với việc ông qua đời, có nghĩa là một đầu mối điều tra hết sức quan trọng có khả năng bị bế tắc hoàn toàn, không thể dẫn tới một ‘siêu án’ như dư luận đang chờ đợi. Liệu đây có phải là ‘cú thoát hiểm ngoạn mục’ của phe lợi ích, và từ nay phe này sẽ chuyển sang phản công ?

Sau khi ông Phạm Quý Ngọ qua đời, vấn đề được không ít người đặt ra là “Đình chỉ vụ án ‘Làm lộ bí mật Nhà nước’ hay không ?”. Luật tố tụng hình sự quy định : « Khi đã khởi tố vụ án mà chưa khởi tố bị can, tức chưa xác định được người bị tố cáo có phạm tội hay không. Vì vậy, khi người này qua đời, vụ án vẫn được cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra để xác định các đối tượng liên quan ». Trong trường hợp này, ông Dương Chí Dũng tố cáo ông Ngọ mật báo cho ông bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan tố tụng mới khởi tố vụ án theo điều 286 Bộ luật hình sự để điều tra nhưng chưa khởi tố bị can, tức chưa khẳng định ông Ngọ có liên quan trong vụ án này hay không. Do đó, sau khi ông Ngọ chết, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục điều tra vụ án như đã khởi tố để tìm ra người nào báo tin cho Dương Chí Dũng. Nếu xác định được dấu hiệu tội phạm ở những nghi can khác, cơ quan điều tra có thể khởi tố bị can đối với những người này. Nếu ông Ngọ được xác định là nghi can duy nhất của vụ án, nay ông Ngọ đã chết, cơ quan điều tra phải ban hành quyết định đình chỉ vụ án, kết thúc điều tra, theo điều 107 Luật Tố tụng hình sự quy định.

Trong trường hợp ‘chết là hết chuyện’ như nhiều người đang hí hửng vang xin như vậy thì thật tội nghiệp cho ông Ngọ khi ‘tâm nguyện ông là mong được cơ quan chức năng minh oan cho’, nhưng các đồng chí của ông chỉ muốn ‘đình chỉ vụ án’ mà thôi. Do đó, người ta đã dành cho ông một đám táng linh đình để đền bù. Tình nghĩa ‘côn(g) an’ chỉ có thế mà thôi !!!

IV.- NƯỚC CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM DO NHÂN DÂN LÀM CHỦ.

Đó là những chữ mà chúng ta đọc tại Điều 2 Hiến pháp 2013 có hiệu lực kể từ ngày 01.01.2014 ‘Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân’. Ngoài ra, Điều 3 ghi ‘Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…’. Thêm vào đó, Điều 4 còn cho phép ‘Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình’. Nhưng, một tình huống bi hài đã diễn ra trong đời sống xã hội Việt Nam khi người dân thực hành hai điều đầu trên, nói chi đến điều 4 khẳng định ‘Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác–Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’.

Chiếu điều 4 này, các đại biểu Quốc hội đã ‘vâng lịnh’ biểu quyết Luật Hình sự cho phép các quan chức nhà nước bắt và xử tù người dân bởi các điều 79 (lật đổ), 87 (phá hoại đoàn kết), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), 89 (phá rối an ninh) và 258 (xâm phạm lợi ích nhà nước) đang gia tăng đáng kể. Do đó, Bộ công an có đến khoảng 180 tướng (trong có một gái Thiếu tướng Bùi Tuyết Minh, Giám đốc Công an Kiên Giang), đông nhất thế giới. Do ‘lạm phát’ và tàn bạo với đồng bào, nên người dân gọi là ‘côn an’ và, trong buổi UPR (xem dưới đây), Đại diện Mozambique đề nghị Việt Nam nên huấn luyện công an về Nhân quyền (trong ngôn ngữ ngoại giao, đó có nghĩa là : công an vi phạm nhân quyền vì vô học thức).

Buổi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR, http://vietcatholic.net/News/Html/121269.htm ) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vào lúc 14 giờ 30 và kéo dài khoảng 3 tiếng rưỡi, ngày 05.02.2014 tại trụ sở Liên hiệp quốc Genève (Thụy sĩ), dưới sự điều hợp chủ tọa của ‘troika’, gồm ba quốc gia: Kazakhstan, Kenya và Costa Rica. 107 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc đã lên tiếng góp ý.

Trước đó, ngày 04.02.2014, nhiều thanh niên nam nữ thuộc các tổ chức dân sự độc lập (Mạng lưới Blogger Việt Nam, Dân làm báo, Con đường Việt Nam, Phật giáo Hòa hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị-Tôn giáo Việt Nam và VOICE, đã có những nỗ lực nhằm vận động quốc tế lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình trạng nhân quyền Việt Nam nhân dịp 'Ngày Việt Nam' tại trụ sở Liên hiệp quốc với sự hiện diện của phái đoàn Costa Rica (thuộc nhóm Troika) và sự tham dự của nhiều phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế. Chân thành cám ơn những bạn trẻ đã dấn thân nói Sự Thật, một yếu tố của Hòa bình.

Sau phát biểu khai mạc của vị Chủ tọa, phái đoàn Việt Nam gồm khoảng 16 người đọc bản báo cáo lối 20 trang, tuyên truyền về cái gọi là 'thành tích nhân quyền' của chính phủ. Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh những thành tựu Nhà nước đã đạt trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. u tiên hàng đầu Việt Nam là phát triển kinh tế-xã hội, kiện toàn hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền con người và xây dựng nhà nước pháp quyền. Sự kiện thông qua hiến pháp năm 2013 rất quan trọng trong đời sống chính trị đất nước.

{Hiến pháp này có từ năm 1992, nhưng chưa được thực thi. Nguyên do, Quốc hội bao gồm những đại biểu không biết viết Đề nghị luật, chỉ chờ biểu quyết những Dự luật do chính phủ chuyển sang theo lệnh Đảng. Vương quốc Anh không có Hiến pháp thành văn, nhưng sinh hoạt dân chủ diễ ra một cách tuyệt hảo. Ngoài ra, Việt Nam là một nước Cộng hòa, nhưng con cái các quan chức cao cấp đang chuẩn bị ‘nối ngôi cha’ như tại Bắc Hàn.}

Trong phiên họp, đa số các quốc gia kiến nghị Việt Nam :
- bảo đảm quyền tự do ngôn luận cả trên mạng và ngoài đời ;
- sửa đổi Bộ luật Hình sự và bổ sung các điều luật liên quan theo hướng bảo vệ nhân quyền ;
- tiến tới giảm án tử hình ;
- tiếp tục chủ động tham gia các cơ chế nhân quyền, nhất là cơ chế bảo vệ quyền phụ nữ và chống buôn người. 

Đặc biệt, Đại diện Mỹ phát biểu rất nhanh : « Chúng tôi cảm ơn bài diễn văn của đoàn Việt Nam, cũng như hoan nghênh việc Viêt Nam ký Công ước Chống Tra tấn và có những bước đi trong việc cải thiện quyền của người đồng tính (LGBT). Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại vì Việt Nam vẫn tiếp tục sách nhiễu và bắt giam những người thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp; tiếp tục hạn chế tự do tôn giáo, sách nhiễu các nhà thờ, công đoàn độc lập, và thực hiện lao động cưỡng bức. ngăn chặn khối xã hội dân sự tham gia tiến trình UPR. Chúng tôi kiến nghị:
1. Việt Nam xem xét lại tất cả các đạo luật mơ hồ
2. Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là: Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, và Trần Huỳnh Duy Thức...
3. Thúc đẩy quyền của người lao động, và khẩn trương ký phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn ».

Chiều ngày 07.02.2014, Nhóm Công tác (the Working Group) thuộc UPR, chu kỳ II Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc họp tại Genève (Thụy sỹ) đã trao cho Việt Nam 227 Điểm khuyến nghị yêu cầu xem xét để bảo vệ Nhân quyền, trong đó có 5 lĩnh vực quan trọng cần được thực thi ngay là:
1) Tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí trên Internet và bên ngoài, tự do hội họp ;
2) Quyền tự to tín ngưỡng, tôn giáo đặc biệt của các sắc dân thiểu số ;
3) Hủy bỏ án tử hình hoặc xét lại hình phạt quá nặng này đối với các tội phạm Kinh tế vá các tội không nghiêm trọng khác ; 
4) Hủy bỏ hoặc tu chính các Điều 79, 88, 258 mơ hồ và bị lạm dụng nhằm hạn chế tự do của Bộ Luật hình sự ; 
5) Yêu cầu sửa lại hai Nghị định 72 và 174 vì đã hạn chế và kiểm soát hoạt động của Truyền thông Xã hội và các Tổ chức Phi Chính phủ. Yêu cầu sớm có Luật quy định quyền tự do hội họp và biểu tình ôn hòa phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền Công dân và Chính trị. 

Xin nhắc lại : Năm 2009, trong Chu kỳ I của ‘Cơ chế kiểm định kỳ phổ quát’ chỉ có 123 yêu cầu của 60 nước tham dự. Việt Nam chỉ chấp nhận thi hành 96 đề nghị.

(Còn một bài đặc biệt về trường hợp Luật sư Công Giáo Lê Quốc Quân).

Hà MInh Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét