Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Hồ sơ Dân oan Tuần 49

LTCGVN (17.03.2014)
Tuần thứ 49 (Từ ngày 10/3 đến ngày 14/3/2014), Văn phòng nhận được hồ sơ của Dân oan các Tỉnh, Thành phố: Bình Thuận, Sài Gòn, và Cần Thơ.
1) Sài Gòn:
Bà Trần Thị Thiên, Q. Tân Bình: Bà cho rằng Bản án số 268/DSPT ngày 16/10/2002 của Tòa Phúc thẩm- TANDTC- tại Sài Gòn xét xử buộc Bà và Bà Trần Thị Hoa phải “ trả toàn bộ căn nhà và đất tại số 231/15A, Lê Văn Sỹ, P. 14, Phú Nhuận cho gia tộc họ Nguyễn là không đúng pháp luật. Gia tộc họ Nguyễn không chứng minh đã được cho hoặc của con cháu, nên đến nay chưa được hợp thức hóa chủ quyền”. Bà cũng có ý kiến: Bản án có hiệu lực từ năm 2002, thời điểm này chưa có quyết định thu phí thi hành án, tới năm 2006, Bà mới nhận tiền THA, nhưng cơ quan THA lại thu tiền thi hành án của Bà là không đúng. Do Bản án Phúc thẩm đã có hiệu lực từ năm 2002, theo qui định, đến nay thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm/ hoặc tái thẩm đã hết, hơn nữa Bà cũng đã “nhận tiền” vào năm 2006 như Bà trình bày, nên không thể có Đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nữa. Còn “tiền phí THA”, do không rõ cơ quan THA thu tiền gì khi Bà nhận tiền, nếu là “phí THA” như Bà cho biết thì theo Điều 20 Pháp lệnh Thi hành án Dân sự năm 2004 đã qui định: “Người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản mà người đó thực nhận.”. Và chương IV Nghị định số 173/2004/NĐ-CP của chính phủ đã hướng dẫn rõ về Phí THA.

2) Bình Thuận:
a) Bà Phạm Thị Nhỏ, H. Tuy Phong: Bà viết: “Nhờ Văn phòng giúp để Tỉnh Bình Thuận trả đất lại cho tôi vì tôi quá già và nghèo khổ không có tiền…”. Hồ sơ Bà cung cấp, mặc dù đã có Thông báo của UBND tỉnh “chấm dứt giải quyết khiếu nại…” từ ngày 3/4/2013, nhưng đúng như Đơn khiếu nại kêu oan Bà viết: “…Ông Lê Tiến Hào- P. Tổng thanh tra chính phủ, không trực tiếp đối thoại với dân, mà chỉ ngồi tại Hà Nội, làm theo sự báo cáo oan sai của UBND tỉnh Bình Thuận để chiếm đoạt 12.000m2 đất hợp pháp của gia đình nông dân đem rào bao chia lô rao bán….”. Hồ sơ Bà cung cấp thể hiện rõ những cố tình mập mờ, gian lận của UBND tỉnh. Cụ thể: Tại Quyết định số 640/QĐ-CTUBBT ngày 6/4/1999, chủ tịch UBND tỉnh xác định: “Năm 1976, UBND tỉnh có quyết định qui hoạch để tiến hành xây dựng xí nghiệp Đông Lạnh Phan Rí Cửa và thu hồi của Hộ Bà Phạm Thị Nhỏ 4.188 m2 …”. Nhưng tại Văn bản số 3085/UBND-NC ngày 24/7/2006, UBND tỉnh lại xác định: “…Vào năm 1985 UBND huyện Tuy Phong thu hồi (4188m2 đất của gia đình Bà) để xây dựng cơ sở Đông lạnh…”. Như vậy thì tỉnh hay huyện thu hồi? và năm 1976 hay 1985? Sự thực theo Bà Nhỏ trình bày là năm 1976 lấy của Bà 6.000 m2 và năm 1985 lấy hết 6.000m2 đất còn lại của gia đình Bà. 4188m2 chỉ là số đất ghi trên giấy tờ mua bán đất từ năm 1968 của gia đình. Số còn lại là khai phá, sử dụng liên tục từ 1968 đến lúc bị cướp đất. Bà cho rằng tỉnh thu hồi sử dụng xí nghiệp Đông lạnh thì ít mà đem bán phân lô… Tỉnh bác nội dung này, nhưng lại thừa nhận tại Quyết định số 640/QĐ-CTUBBT “…Hiện nay trên diện tích đất…đã xây dựng…3 nhà ở của gia đình cán bộ công nhân viên Xí nghiệp…”. Như vậy, sao UB tỉnh lại buộc Bà Nhỏ “chấm dứt khiếu nại”?
b) Bà Lê Thị Cúc, H. Hàm Thuận Bắc: Bà viết: “Tôi đi khiếu nại về đất bị cưỡng chế sai pháp luật thì bị nhà cầm quyền tỉnh Bình Thuận vu khống tội “chống người thi hành công vụ” kêu án 6 tháng tù treo, 1 năm thử thách…”. VP không có đủ hồ sơ đất của Bà, nên không thể hướng dẫn. Riêng bản án 6 tháng tù treo của Bà, Bà kêu oan vì Bà không có mặt tại hiện trường thì sao kết tội Bà? Hồ sơ Bà cung cấp, thể hiện các cơ quan tiến hành tố tụng từ trung ương đến tỉnh đều có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, tắc trách, cẩu thả trước số phận người dân. Chỉ cụ thể một vài chi tiết: a) Vụ án của Bà cùng tồn tại hai Cáo trạng số 40/KSĐT-TA ngày 22/8/2001 và số 16/KSĐT-TA ngày 13/5/2002? b) Cáo trạng qui kết: “Cúc dùng cán cờ đánh vào đầu và vai Chị Hải 3- 4 cái…” (trang 3). Bản án sơ thẩm xác định: “Cúc dùng cán cờ đánh vào đầu và vai chị Liên một cái” . Và Bản án Phúc thẩm kết luận “bị cáo Cúc…níu kéo xô đẩy…”. Như vậy từ chỗ “đánh vào đầu và vai ..3- 4 cái” (cáo trạng) đến “một cái” (sơ thẩm) để chỉ còn “níu kéo, xô đẩy”…Và đánh Bà Hải (cáo trạng) hay Bà Liên (BAST)? Chưa kể, Bản án sơ thẩm xác định “một cái” nhưng lại “vào đầu và vào vai”? Điều nhấn mạnh là sau khi Bản án có hiệu lực, Bà Cúc “quá bức xúc kêu oan”, VKS ND Tối cao tại Thông báo không kháng nghị GĐT ngày 5/6/2009 tự nhận “sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và Bản án Phúc thẩm , xét thấy:….Bà Lê Thị Cúc dùng cán cờ đánh vào đầu, vai Bà Liên (thành viên đoàn cưỡng chế) nhiều cái…”. Vô cảm và cẩu thả đến cỡ này thì “kiểm sát” cái gì ? Cáo trạng xác định: “Cúc mang lá cờ tổ quốc, 01 cán cờ bằng tre dài 2m …” (trang 2) và “dùng cán cờ đánh…”, nhưng vật chứng – có lẽ để thêm phần “nặng tội” lại thu giữ và đề nghị tịch thu tiêu hủy “01 đoạn cây gỗ có cạnh vuông kích thước 3×4 cm dài 1 m, có một đầu bị đập gẫy”? Theo qui định tại Điều 74 BLHS thì “vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”. Theo qui định BLTTHS “việc kháng nghị GĐT theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”, thế nhưng, TAND tỉnh Bình Thuận lại “trả lời đơn đề nghị GĐT minh oan của Bà Cúc” tại văn bản ngày 90/2008/GĐKT ngày 7/8/2008 là “Nhận thấy hai bản án này đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm (05/09/2002) đến nay đã được thi hành án xong. Từ những cơ sở trên và xét thấy vụ việc không có tình tiết gì mới nên chúng tôi không thể giải quyết theo yêu cầu của bà được”. Dốt luật và nhầm lẫn “tình tiết mới” cỡ đó mà làm “chánh án” Tòa án Tỉnh thì đúng là “Tòa án thiếu người đến mức phải sử dụng cả lái xe làm thẩm phán” là đúng.
c) Ông/Bà Nguyễn Văn Xuân- Trần Thị Xuân, H. Đức Linh: Bà trình bày: “Bản thân tôi là người tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau này vì lý do sức khỏe không tập kết ra Bắc được nên phải ở lại địa phương khai phá đất ruộng nuôi sống gia đình đồng thời cũng là cơ sở tiếp tế cho cách mạng… Nhưng nghịch lý thay, sau ngày đất nước thống nhất đất ruộng của tôi bị tịch thu đem cấp cho người khác sử dụng với lý do hết sức đơn giản vì gia đình tôi không phải là người của xã đó, mặc dù nhà tôi chỉ cách miếng vườn của mình không đầy 2 cây số…”. Trường hợp của Ông / Bà hồ sơ có văn bản của VP tỉnh ủy Bình Thuận ngày 29/6/2009 “chỉ đạo của đồng chí bí thư tỉnh ủy …chủ tich UBND huyện Đúc Linh rà soát lại và có biện pháp giải quyết dứt điểm trường hợp khiếu nại nói trên…”. Và ngày 19/6/2013, VP UBND tỉnh có văn bản gửi Thanh tra tỉnh “xem xét tham mưu UBND tỉnh xử lý…”, không rõ đến nay vụ việc đã giải quyết như thế nào?
3) Cần Thơ:
Ông Nguyễn Văn Long, H. Vĩnh Thạnh: Vụ việc tranh chấp đất giữa Ông và Ông Nguyễn Minh Đăng đã có Biên bản hòa giải của Ban hòa giải UBND TT Thạnh An ngày 4/3/2014. Vụ việc, theo kết luận của chủ tọa cuộc hòa giải: “…cuộc hòa giải không thành, đề nghị chuyển hồ sơ đến TAND huyện giải quyết”. Ông có thể nhờ Luật sư giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. VP sẽ giúp giới thiệu Luật sư, nếu Ông có yêu cầu.
Văn phòng Công lý & Hòa bình
Dòng Chúa Cứu Thế- Sài Gòn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét