Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

PHONG CÁCH PHANXICÔ - BÀI 7. NHÀ THỜ VÀ HỘI THÁNH CHỈ LÀ MỘT VÀ LÀ ĐỨC KITÔ

LTCGVN (17.03.2014)
PHONG CÁCH PHANXICÔ

BÀI 7. NHÀ THỜ VÀ HỘI THÁNH CHỈ LÀ MỘT VÀ LÀ ĐỨC KITÔ

Ta thường nghe một kiểu nói xã giao, tỏ ra tôn trọng sự khác biệt, bao dung và hiểu biết: Đạo nào cũng là đạo, cũng tốt như nhau, vì cũng chỉ dạy người ta ăn ngay ở lành, làm lành lánh dữ, thấu suốt rằng những gì ta làm ( nhân ) trong đời này sẽ dẫn tới một kết cục tương ứng ( quả ) sau khi ta qua đời. Chỉ có Cộng Sản duy vật vô thần, vì phủ nhận đời sau trong lý thuyết ( thực tế thì lại làm ngược lại ), mới dám lấy cứu cánh ( thế giới đại đồng hoang tưởng ) biện minh cho phương tiện ( vô sản chuyên chính ), thẳng tay tàn sát đến 100 triệu người vô tội trong giai đoạn quá độ ( vô độ và vô tận ). Người Cộng Sản lại dựng lên lăng mộ hoành tráng ( hoang phí ) cho các lãnh tụ và nhào nặn họ một loại thần linh mới. Một số quan chức còn được lập các đền thờ riêng nữa.
Tuy nhiên, không hề có chức sắc tôn giáo chân chính nào lại dám cho rằng đạo nào cũng giống nhau. Ai cũng nhất mực cho rằng đạo mình mới là chân lý, nếu không thì đã chẳng tu đạo làm gì. ( Trích ). Với Phật Giáo, triết lý của đạo này là một triết lý sống, bởi vì là một chân lý giải thoát mà chỉ có ai thực hành mới đạt được, hiểu được trọn vẹn. Phật tử phải tự mình tu tập để tiến tới giải thoát. Đức Phật chỉ là người dẫn đường. Ngài chỉ dạy cho chúng ta con đường tạo ra nhân quả. Số phận của ta nằm trong tay ta. Với Kitô Giáo, vì là một tôn giáo cứu rỗi, con người chỉ cần đặt tất cả vào một niềm tin duy nhất ở một đấng siêu nhiên để mong cầu giải thoát: “Thiên Chúa quá thương yêu thế gian đến nỗi ban con duy nhất của Ngài, để những ai tin vào Người sẽ không bị luận phạt, nhưng được sống đời đời.” ( Nguồn: Tâm Diệu http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-94_4-19317/dao-nao-cung-la-dao.html )
Nếu tin rằng chỉ có mình mới tự giải thoát được cho mình mà không phải cậy dựa vào năng quyền của một đấng siêu việt nào, tại sao trong Phật Giáo vẫn có những nghi thức cầu an và cầu siêu ? Cầu với ai và ai có quyền năng và lòng thương xót để đoái hoài đến mình ? Tại sao những Phật Tử bình thường ít dám tự mình chủ trì lễ cầu an và cầu siêu mà thường do các tăng ni thực hiện ? ( Trích ) Sáng 16.3.2007, Thiền sư Nhất Hạnh chủ trì lễ cầu siêu “Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế” tại chùa Vĩnh Nghiêm. Khoảng 9.000 tăng ni Phật Tử và bà con đã làm lễ cầu siêu cho những vong nhân, người tử nạn trong chiến tranh và cầu mong hòa bình, an lành, hạnh phúc cho đất nước, thế giới. ( nguồn http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thien-su-thich-nhat-hanh-cau-sieu-tai-tp-hcm-2079142.html ) Tôi có tìm cầu tuệ giác băn khoăn này nơi một bài pháp và tăng ni, nhưng vẫn chưa hiểu thấu được.

Vì Công Giáo thường được xếp vào hàng ngũ các tôn giáo, nên Chúa Giêsu cũng được coi như một đấng lập đạo tương tự Đức Phật lập nên Phật Giáo, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc lập nên Cao Đài Giáo, Đức Tiên Tri Muhammad sáng lập ra Hồi Giáo. Nhưng thật ra, Hội Thánh Công Giáo với cơ sở vật chất và cơ cấu phẩm trật nhân sự như đang có hiện nay, tuy do Chúa Giêsu lập nên, không là gì khác hơn ngoài chính Chúa Giêsu, Đền Thờ Thiên Chúa Duy Nhất. Chính vì lý do này mà Đức Kitô là một Con Đường và Kitô Giáo không phải là một tôn giáo theo cách hiểu thông thường. Rất khó lĩnh hội được điều này nếu chưa xác định và hiểu được đúng tên Hội Thánh.
Hội Thánh Việt Nam khá lúng túng trong một số ngôn từ trong Đạo vì phải đã quen dựa vào tiếng Hoa. Điều này dễ hiểu thôi. Ngôn ngữ và văn hóa Việt qua hàng ngàn năm Bắc Thuộc đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Trung Hoa. Có đến 60% từ vựng trong tiếng Việt có nguồn gốc trực tiếp từ tiếng Hoa. Không những các từ riêng lẻ mà rất nhiều cụm từ dùng hàng ngày có nguồn gốc tiếng Hoa. Thí dụ, “nỗ lực học tập” mà một đứa bé Việt Nam đi nhà trẻ cũng hiểu ngay, nghe qua tưởng là tiếng Việt vì phát âm theo lối Hán Việt, vẫn là tiếng Hoa từng chữ một và cả câu. nǔ ( nỗ ) lì ( lực ) xué ( học ) xí ( tập ). Thí dụ khác: zūn ( tôn ) shī ( sư ) zhòng ( trọng ) dào ( đạo ). Vì có sự gần gũi như vậy, nói lên ai cũng hiểu cả, nên nhiều khi cứ để nguyên âm Hán Việt mà dùng cho tiện và thanh cao, đổi sang tiếng Việt thuần túy ( tiếng Nôm ) nghe không trịnh trọng và hay lắm.
Thuở nhỏ tôi thường nghe mẹ nói: Đi ra nhà dây thép ( bưu điện ) gọi dây nói ( điện thoại ) cho bác Hai. Bây giờ không nghe ai nói như thế nữa. Ông bà ta cho rằng “Nôm na là cha mách qué” để chỉ lối diễn đạt thô lỗ tầm thường của những người chỉ biết dùng chữ Nôm trong trường hợp cần phải dùng chữ Hán. Nếu không sử dụng từ Hán Việt thì chỉ có thể nói ra ( một cách rất tục tĩu ) các bộ phận sinh dục và các sinh hoạt tình dục ( dùng để chửi tục ), không ai dám viết ra trên giấy. Có một dạo sau 1975, không biết do sự chỉ đạo của “đỉnh cao trí tuệ” nào mà Bệnh Viện Từ Dũ được trương bảng hiệu thành Xưởng Đẻ Từ Dũ. Trong trường hợp này, đúng là mách qué thật.
Không lạ gì, trước một sự vật hay khái niệm mới chưa có sẵn trong ngôn ngữ, không những người Việt thời trước, khi mà đa số kẻ sĩ đều thông thạo chữ Hán, mà ngay cả bây giờ, đều có khuynh hướng dùng luôn một từ Hán Việt. Thí dụ: hỏa tiễn, phi thuyền, phi hành gia, phi cơ phản lực, trực thăng, thủy quân lục chiến, hải quân hoàng gia, vô tuyến truyền thanh, vô tuyến điện, điện thoại, vi tính, địa lý, y khoa, tâm lý học, lượng giác, đại số, siêu vi, tam quyền phân lập, tối cao pháp viện…
Nhưng tiếng Việt khác tiếng Hoa đặc biệt ở chỗ ta đã ta bỏ hẳn cách viết bằng chữ Nôm theo lối tượng hình Hán Tự, mà dùng luôn các mẫu tự Latin tượng thanh ( Quốc Ngữ ) để viết tiếng Việt vì chính xác và tiện lợi hơn nhiều. Người Tầu phiên âm tên của nhà tư tưởng Pháp có ảnh hưởng rất lớn đến Cuộc Cách Mạng Pháp là Montesquieu ( 1689 – 1755 ) thành Mạnh Đức Cưu. Trước đây cứ thế mà dịch nguyên con thành Mạnh Đức Tư Cưu trong các sách giáo khoa. Nay đã phải đổi thành Mông-tét-xki-ơ hay viết hẳn Montesquieu. Bây giờ không còn mấy người nhớ nổi Mạnh Đức Tư Cưu là ai nữa. Đọc sách cũ mà gặp cái tên này có khi dám cho rằng ông ta là thân sinh của nàng Mạnh Lệ Quân hay là một Võ Lâm Ngũ Bá trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Người ta cũng không còn gọi vị thừa sai Dòng Tên có công lớn nhất sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ là A Lịch Sơn Đắc Lộ nữa, mà cứ để nguyên tên ngài là Alexandre de Rhodes. Bây giờ, các ngôi sao Hàn Quốc cũng được gọi tên theo kiểu phiên âm trực tiếp, chứ không cần theo lối Tầu nữa. Ta gọi nam tài tử tài hoa đẹp trai của bộ phim ăn khách “Ông Vua Truyền Hình” là Choi Si-won ( Hàn tự: 최시원; Hán tự: Thôi Thủy Nguyên ), nếu cứ theo Tầu mà gọi là Thôi Thủy Nguyên thì rất là kỳ quặc.
Ta đã bỏ dần các từ ngữ như Gia Nã Đại, Tân Gia Ba, Ý Đại Lợi, Úc Đại Lợi, Bảo Gia Lợi, Hung Gia Lợi, Lục Xâm Bảo, Mễ Tây Cơ, Á Căn Đình, Ba Tây, Ba Lê, Hoa Thịnh Đốn, Mặc Tư Khoa, Nã Phá Luân, tây ban cầm, dương cầm, đại phong cầm, vô tuyến truyền hình, phi công, minh tinh màn bạc… Bây giờ mà còn nói như thế thì quá lẩm cẩm rồi. Người ta đã đổi sang Canada, Singapore, Italia, Australia, Bulgaria, Hungary, Luxembourg, Mexico, Argentina, Brasil, Paris, Washington, Moscow, Napoleon, guitar, piano, organ, tivi, pilot… ai cũng hiểu ngay, không còn bị lên án là vọng ngoại nữa. Ở Việt Nam nói đi xe Honda là ai cũng hiểu là xe gắn máy có hai bánh, dù lắm khi đang ngồi trên xe Yamaha, Suzuki, Kawasaki. Các bạn trẻ bây giờ ít nói “điện thoại di động” mà cứ gọi là “mobile phone”, hay đơn giản hơn là “mô-bai”.
Trong khi người đời đã bỏ đi nhiều cách phiên âm theo lối tiếng Hoa các từ ngữ nước ngoài, tại sao ta cứ rập khuôn một cách máy móc đó trong khi ta đang dùng mẫu tự Latin, có thể viết thẳng nguyên ngữ được ? Đáng tiếc thay, sự thay đổi hết sức cần thiết này ở trong Hội Thánh diễn ra rất chậm, hầu như không có. “Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái sự sáng” ( Lc 16, 8 )
Khi Tin Mừng mới được loan báo đến Việt Nam, vào lúc đó chữ Quốc Ngữ viết bằng mẫu tự Latin chưa phổ biến, tổ tiên ta phải nhờ đến tiếng Hoa để có được một số từ ngữ trong đạo. Nhưng đã gần 400 năm kể từ khi các vị Thừa Sai đầu tiên đặt chân đến nước ta, tôi cho rằng đã đến lúc ta phải mổ xẻ một số từ cốt yếu trong Đạo, tuy không dễ dàng gì và có khi còn nhức nhối khó chịu nữa. Cứ áp dụng một cách máy móc mà không nắm rõ ý nghĩa của từ ngữ, ta dễ đi đến chỗ hiểu sai nội dung.
Tiếng Hoa không viết ra được chữ Papa nên họ phải dịch thành ( jiào huáng ) Giáo Hoàng ( hoàng đế Công Giáo ). Tại sao ta phải cứ theo họ mà gọi các ngài một cách oan ức như thế ? Papa chắc chắn không phải là một ông vua trong Công Giáo. Ngài chỉ là người cha đáng kính và thân thiết nhất của ta trong Lòng Tin vào Đức Kitô.
Từ quan trọng vào hàng bậc nhất ở trong Công Giáo là Ecclesia, tiếng Latin vừa có nghĩa là Giáo Hội khi viết hoa, vừa có nghĩa là nhà thờ khi viết thường. Tất cả các ngôn ngữ Âu Châu cũng chỉ dùng một từ cho hai khái niệm này vì thực chất chỉ là một thực thể mà thôi. Nhưng khi dịch, người Hoa đã tách thành hai từ khác nhau, phân biệt rõ ràng thành 教會 jiào huì ( Giáo Hội ) và 教堂 jiào táng ( giáo đường ). Ta cứ thế trong 400 năm theo Tầu mà chia cách Đức Kitô ra làm hai thực thể phân biệt là Giáo Hội và Giáo Đường. Nhiều khi còn ngộ nhận đó là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau. ( Phần sau sẽ bàn về danh xưng Công Giáo ).
Như đã đề cập ở Bài 4, sự phân biệt trong từ ngữ giữa Hội Thánh và Nhà Thờ, như đang thịnh hành ở Việt Nam không hề có trong Hội Thánh toàn cầu trong 2.000 năm qua. Trong ngôn ngữ của Hội Thánh tiên khởi và của tất cả nước Âu Châu mà từ đó Tin Mừng được loan báo đến Việt Nam, đâu có sự phân biệt này. Sự tách đôi như thế có thể khiến cho Kitô hữu Việt Nam gặp lúng túng hơn khi lĩnh hội nòng cốt của Tin Mừng: Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Vô Hình, trở thành Con Người Hữu Hình nhưng vẫn là Thiên Chúa. Qua khổ nạn và phục sinh Người trở thành Đền Thờ Duy Nhất, cũng là chính Hội Thánh tại thế, mà người tin phải bước vào để thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật ( x. Ga 4, 22 ). Hội Thánh, Đền Thờ Hữu Hình, dù có bất toàn đến đâu, dù có bị đàn áp, giết chóc, bị chính quyền lên quy hoạch phá bỏ, chính là Chúa Giêsu Khổ Nạn và Phục Sinh, là Ơn Cứu Độ của ta đó. Nói cách khác, Đền Thờ, Hội Thánh và Chúa Giêsu chỉ là một, và chỉ là Chúa Giêsu mà thôi.
Ta có thể khẳng định rằng việc trở lại của Phaolô không hề mang ý nghĩa cải đạo; ông không hề chuyển đổi từ Do Thái giáo qua Kitô giáo. Với anh em đồng đạo, ông không ngừng khẳng định và tự hào rằng mình vẫn là một Do Thái chính hiệu, trong tất cả nội dung xã hội chính trị và tôn giáo của nó ( Rm 11, 1; 1 Cr 9, 20 ) ( x. Linh Mục Nguyễn Văn Ty, báo Ephata 596 ).
Nếu hiểu như thế thì cũng có thể hiểu rằng, đến như một nhân vật cực kỳ quan trọng như Phaolô mà vẫn đâu có cần phải cải đạo từ Do Thái giáo qua Kitô giáo, vì đi theo Chúa Giêsu đâu có phải là gia nhập một một tôn giáo như các tín đồ trong các tôn giáo khác. Đi theo Chúa Giêsu, tức là đi theo Con Đường Giêsu, là tháp nhập vào Con Người Giêsu, Đền Thờ Thiên Chúa.
Trong bài chia sẻ cho Thứ Tư Lễ Tro 2014, Linh Mục Nguyễn Văn Ty còn có một định nghĩa theo dạng công thức toán học: Đức Kitô = Hội Thánh. ( Trích ) Nếu Giôen kêu gọi dân chúng chay tịnh để hy vọng được Thiên Chúa xót thương, thì Đức Kitô ( = Hội Thánh ) kêu gọi chay tịnh là để các tín hữu có dịp vào sâu hơn trong lòng xót thương cứu độ đó.
Các tín hữu thường nghĩ rằng họ theo đạo Công Giáo chứ không phải theo Do Thái Giáo. Mẹ Maria, Thánh Giuse, các Tông Đồ và Kitô Hữu tiên khởi, vẫn hoàn toàn là những người Do Thái chính hiệu. Tin Mừng còn đề cao việc Maria và Giuse dâng con trẻ Giêsu vào Đền Thờ với của lễ là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non theo Luật Do Thái ( x. Lc 2, 22 ).
Cũng không nên cho rằng Giao Ước Cũ đã chấm dứt kể từ lúc Chúa Giêsu nhập thể. Hiểu như thế thì công trình dẫn dắt lịch sử Dân Do Thái trong gần 2.000 năm ( Abraham sinh ra vào khoảng năm 1800 trước Công Nguyên ) của Đức Chúa đã thành vô ích. Nếu cho rằng Cựu Ước chỉ có giá trị để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Giêsu trong Tân Ước thì cũng chưa hẳn là đúng. Chuẩn bị mà làm gì khi người Do Thái không những phủ nhận vai trò Đấng Thiên Sai của Chúa Giêsu mà còn tạo áp lực buộc người Rôma đóng đinh Người vào thập giá. Công trình mấy ngàn năm can thiệp vào lịch sử Dân Riêng Thiên Chúa của Giavê đâu có thất bại thê thảm như thế. Trái lại, công trình đó đã thành công rực rỡ, đạt được tột đỉnh và trở thành cốt lõi cho Lòng Tin của ta.
Qua thập giá và phục sinh, Đức Kitô trở thành Đền Thờ Thiên Chúa Duy Nhất ngự giữa nhân loại. Thân thể Đức Kitô bị đập nát ra để cho Người trở thành Đền Thờ mà Chúa Cha đẹp lòng mọi đàng, nơi mà nước hằng sống được tuôn chảy ra như những dòng sông. Đức Kitô đâu phải là một cái hội có tính cách tôn giáo ( Giáo Hội ) hay có tích cách thánh thiện ( Hội Thánh ). Người là Đền Thờ Chân Chính, làm thành toàn Đền Thờ Giêrusalem, Nhà Thiên Chúa ngự giữa loài người. Trở thành Kitô hữu đâu phải là gia nhập một cái hội tôn giáo thánh thiện, nhưng là đi vào Đền Thờ Kitô.
Lênin thường được cho rằng đã sáng lập nên Đảng Cộng Sản Liên Xô từ đảng Bolshevik sau khi nắm quyền ở Nga sau Cách Mạng Tháng Mười 1917. Nhưng Đảng Cộng Sản chỉ là một cái hội do Lênin lập nên mà không phải là Lênin. Sau khi ông chết vào năm 1924 thì Đảng vẫn còn tồn tại đến năm 1991 trước khi chết theo. Nói cách khác, Lênin và Đảng hoàn toàn là hai thực thể riêng biệt, tuy có liên quan nhưng hoàn toàn độc lập với nhau.
Nhưng Chúa Giêsu, qua khổ nạn và phục sinh, lại trở thành Đền Thờ Thiên Chúa Duy Nhất hiện diện tại thế mà người tin phải bước vào để thờ phượng Thiên Chúa. Đền Thờ và Chúa Giêsu chỉ là một thực thể duy nhất không thể chia cắt được. Lý do duy nhất để cho Nhà Thờ có mặt cho đến tận ngày nay, và sẽ tiếp tục tồn tại cho đến tận thế dù có phải trải qua mọi loại phong ba bão táp dữ dội đến đâu đi chăng nữa, là vì Chúa Giêsu vẫn đang sống và là chính Nhà Thờ.
Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” ( Kh 21, 2 – 4 ).
Đức Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì Ơn Cứu Độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” ( Ga 4, 21 – 24 ).
Do đó, tôi cho rằng Hội Thánh Việt Nam nên quay về cách mà Nhà Thờ Toàn Cầu từ hai ngàn năm nay chỉ luôn tự gọi mình bằng một từ duy nhất là Nhà Thờ. Dù có thể đây là những một ngôi Nhà Thờ vật chất cụ thể như Nhà Thờ Kỳ Đồng, hay là toàn thể phẩm trật nhân sự và tổ chức, tất cả đều chỉ là một Thân Thể Đức Kitô mà thôi. Nhà Thờ Việt Nam nghe chưa quen rất là lạ tai nhưng lại là cốt lõi của Lòng Tin của ta. Ta đâu có ở trong một cái hội dù mang nặng tính cách tôn giáo hay có tính cách thánh thiện đến đâu đi chăng nữa. Làm gì có khái niệm này trong Nhà Thờ Toàn Cầu. Ta đang ở trong Đức Kitô, Nhà Thờ Thiên Chúa, để thờ phượng trong tinh thần và chân lý. Tại sao ta không dám gọi mình bằng đúng tên của mình ?
Trong cuộc đời Phanxicô ( cũng như cuộc đời của mỗi Kitô Hữu ) không có gì quan trọng hơn việc xây lại Đền Thờ Thiên Chúa. Đặc điểm của Phanxicô là rất đơn sơ, nghe sao hiểu vậy. Khi đi cầu nguyện tại Nhà Thờ Thánh Damiano đổ nát, anh nghe tiếng Chúa phán: “Hãy đi sửa lại ngôi nhà của Ta”. Thế là anh hăng say dựng lại ngôi Nhà Thờ này. Qua thời gian, anh hiểu rằng Nhà Thờ chính là Hội Thánh. Rồi, còn phải đi xa hơn tới tận cùng, Nhà Thiên Chúa chính là Đức Kitô sống nơi mỗi người theo như lời Thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" ( Gl 2, 20 ).

NGUYỄN TRUNG ( Còn tiếp nhiều kỳ )
Theo EPHATA số 602

0 nhận xét:

Đăng nhận xét