Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Cám dỗ (Chúa nhật I mùa Chay, năm A)

LTCGVN (09.03.2014)

Cám dỗ

(Chúa nhật I mùa Chay, năm A)

Cám dỗ rất đa dạng: Tiền tài, danh vọng, chức tước, địa vị, quyền hành, nhục dục,... Đủ mưu ma chước quỷ. Có thể nói rằng bắt nguồn từ con mắt. Con mắt là cửa sổ tâm hồn, nhưng chính cái “cửa sổ” ấy cũng có thể nguy hiểm, vì không khéo thì nó sẽ khiến chúng ta “trắng tay” (cả nghĩa đen và bóng), dẫn tới chốn diệt vong.

Mắt là đèn của thân thể, mắt sáng thì toàn thân cũng sáng, mắt xấu thì toàn thân cũng tối (x. Mt 6:22; Lc 11:34). Quả thật, mắt là “đầu mối” của tham-sân-si. Chỉ vì nhìn không khéo mà bị người khác cho là “nhìn đểu”, thế là xảy ra cãi vã, ẩu đả, thậm chí là án mạng.

Cám dỗ là “dụ dỗ” người khác bằng động thái hoặc lời đường mật khiến họ mắc lừa, sa ngã. Nói theo ngôn ngữ bình dân, cám dỗ là “dụ khị”. Tất nhiên, cám dỗ cũng có những mức độ khác nhau, và lúc nào cũng có những chước cám dỗ. Chỉ lơ là một chút thôi sẽ “chết” ngay. Cám dỗ rất tinh vi, có khi khó nhận ra, đến khi biết thì... muộn mất rồi! Chiến đấu với cơn cám dỗ là chiến đấu với chính mình, đó là cuộc chiến cam go nhất.

SA NGÃ VÌ KHÔNG CHIẾN ĐẤU

Trên hành trình vào Đất Hứa ròng rã suốt 40 năm, Dân Chúa đã phải cảnh giác cao độ trước những thứ cám dỗ không ngừng (x. Đnl 8:7-20). Chúa Giêsu đã căn dặn: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14:38; Lc 22:40; Mt 26:41a). Tại sao? Lý do rất đơn giản: “Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41b; Mc 14:38). Thật vậy, phàm nhân chỉ là bụi tro, mau tan như hạt sương, rất yếu đuối, bạc nhược và khốn nạn, ấy thế mà lại rất “chảnh”, cứ tưởng mình là “số dzách”, ngang bướng hết nước hết cái, có thể “nổi loạn” bất kỳ lúc nào. Lạy Chúa tôi, kinh khủng quá!

Phàm nhân chỉ như “tác phẩm” của nghệ nhân điêu khắc mà dám “chống lại” người tạo tác nên nó. Gan cùng mình, liều hết nước! Chúng ta không chỉ có sinh hồn như cỏ cây (sống và động), có giác hồn như động vật (biết đau, biết buồn, biết yêu, biết ghét,…), mà đặc biệt hơn cả là có linh hồn, biết lành biết dữ. Triết học cũng phải công nhận rằng “con người là sinh vật cao cấp nhất”. Nhờ linh hồn mà con người trở nên “cao cấp”, nhưng chính linh hồn đó là do Thiên Chúa trao ban: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7).

Đức Chúa là Thiên Chúa chuẩn bị mọi thứ xong rồi mới tạo dựng con người, đó là để cho con người hưởng dùng. Ngài trồng một vườn cây ở Ê-đen (phàm ngôn Việt ngữ quen gọi là Vườn Địa Đàng, cõi Thiên Thai), ở về phía Đông, Đức Chúa đặt vào đó con người do chính Ngài nặn ra. Ngài khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. Ngài “thiết kế” hai loại người: nam và nữ. Họ không chỉ tận hưởng mọi thứ và có quyền trên mọi loài khác, mà họ còn được tận hưởng niềm hạnh phúc do kết hợp âm dương, và đó cũng là cách cân bằng giới tính. Ấy thế mà con người vẫn chưa thỏa lòng, vẫn tham lam, vẫn tranh giành, vẫn muốn nổi loạn!

Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Rắn chính là ma quỷ. Nó ghen ăn tức ở với con người, thế nên nó “dụ khị” người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (St 3:1). Người đàn bà “hồn nhiên” nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết” (St 3:3). Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3:4-5). Ranh ma thật, quỷ quyệt thật! Nói ngọt như mía lùi thế thì sao mà không lọt tận xương được chứ?

Thật có lý khi người ta bảo “gái tai, trai mắt”. Đàn ông là sóng cồn, còn phụ nữ là sóng ngầm nên khó tránh hơn. Cuộc đời có sự-cám-dỗ-dây-chuyền: Ma quỷ à Đàn bà à> Đàn ông. A-đam “chết” vì E-va, còn Samson đành “bó tay” vì lời nỉ non “dụ dỗ” của bà xã Đa-li-la (x. 16:4-21).

Bà E-va nghe con rắn xúi dục rất bùi tai, lại nhìn thấy trái cây đó có vẻ ngon lắm, trông thì đẹp mắt, nhất là sau khi ăn trái đó thì mình được tinh khôn. Sướng rơn! Thế là cầm lòng chẳng đặng, bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình. Khốn thay là ông A-đam nghe bà xã dụ thế nào mà cũng dám “chơi” luôn. Đàn bà “đáng nể” thật đấy! Thế là y như rằng, bấy giờ mắt cả hai người mở ra tròn vành vạnh, sáng như đèn cao áp, họ mới giật thót vì mắc cở hết sức khi thấy mình trần truồng. Họ hết hồn hết vía, luýnh quýnh chạy đi lấy lá vả kết làm khố che thân. Đoạn phim thú vị thật, có lẽ đây là đoạn phim độc nhất vô nhị và hay nhất từ thuở hồng hoang cho tới kỳ tận thế!

Bà E-va mệnh danh là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20), đó là do chính ông A-đam tôn vợ mình quá nên mới đặt để bà xã như vậy. Chúng ta là con cái cháu chắt nên cũng bị “di truyền” gen Tội Nguyên Tổ. Cái gen ác nghiệt hết sức, nhưng đành chịu thôi! Đâu chỉ do di truyền, chúng ta còn hằng ngày vẫn liều mình “coi trời bằng nắp bia” nên phạm tội hơn tằm ăn dâu. Chính vì thế, chúng ta phải đêm ngày thú tội và hết lòng van xin: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử” (Tv 51:3-6).

Như máy móc cứ phải tân trang nhiều lần, hết tiểu tu, trung tu, rồi đại tu, thế mà vẫn xục xịch. Chúng ta cũng vậy, hứa rồi quên, quyết tâm chừa rồi lại tái phạm. Trái tim của chúng ta cứ sửa tới sửa lui, rửa bằng đủ loại thuốc tẩy mà vẫn không ổn. Chán lắm! Chỉ có Chúa mới có thể điều chỉnh nó. Do đó, chúng ta vẫn phải kiên trì mà năn nỉ Ngài: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:12-14). Có thế mới được lãnh nhận ơn cứu độ. Và chắc hẳn ai trong chúng ta cũng chỉ mơ ước được như vậy!

Trong các giờ kinh nhật tụng, Giáo hội vẫn cầu nguyện hằng ngày: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:17). Mỗi chúng ta cũng hãy cầu xin như vậy, nhất là mỗi sớm mai thức dậy…

CHIẾN THẮNG VÌ DÁM CHIẾN ĐẤU

Napoléon Đại Đế là người đã từng chinh Nam phạt Bắc thế mà còn phải thốt lên: “Chiến thắng một đạo quân còn dễ hơn chiến thắng chính mình”. Thánh Phaolô cũng đã thú nhận: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7:15). Thật vậy, không ai có thể nói khôn. Chưa gặp cám dỗ thì chưa thể nói mình mạnh. Chưa có dịp phạm tội thì đừng tưởng mình đạo đức. Có cơn cám dỗ mà không chiều theo nó thì mới là người hay, người giỏi; có dịp phạm tội mà không phạm tội thì mới là người đạo đức, thánh thiện. Đừng vội trách những người phạm tội. Chúng ta ghét tội và cương quyết chống lại tội chứ không ghét người có tội!

Trong hành trình sám hối Mùa Chay, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về cách so sánh của Thánh Phaolô: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới” (Rm 5:12-14).

Ông Tổ nhà ta phạm tội bất tuân, nhưng lại là hình ảnh của Đức Kitô. Thật kỳ diệu, như trong bài Exultet có lời kêu lên: “Ôi, tội hồng phúc!”. Tội lỗi mà lại hóa ơn phúc. Vì nếu ông A-đam không nghe vợ dụ khị thì chúng ta đâu được Chúa Giêsu đến thế gian làm người để đồng cam cộng khổ với chúng ta, và làm sao chúng ta được ăn Thịt và uống Máu Đức Kitô qua Bí tích Thánh Thể? Thánh Ý Thiên Chúa thật quá mầu nhiệm, chúng ta không bao giờ có thể hiểu nổi, dù chỉ một chút thôi!

Thánh Phaolô tiếp tục so sánh tỉ mỉ và có vẻ dài dòng một chút: “Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị” (Rm 5:15-17).

Xuyên suốt chiều dài lịch sử Giáo hội, chúng ta thấy hầu hết các thánh đều có một quãng đời tối tăm, thậm chí rất tội lỗi, nhưng sau khi “sáng mắt” thì cũng “sáng lòng”, họ quyết tâm hối cải và sửa chữa, quyết không lăn vào vết xe cũ, nhờ đó mà họ đã nên thánh ngay từ đời này. Quả thật, con-đường-tội-lỗi-và-thứ-tha là con đường mà mọi phàm nhân đều đi qua để có thể đến với Đức Kitô, Đấng-tử-nạn-và-phục-sinh. Chắc hẳn chúng ta cũng đã, đang và sẽ như thế. Nhân vô thập toàn, phạm tội là điều không tránh khỏi, ví như một “quyền” của phàm nhân vậy. Tại sao chúng ta sa ngã? Đó là để “sức mạnh của Đức Kitô được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (x. 2 Cr 12:9).

Thánh Phaolô kết luận: “Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5:18-19). Chúng ta chẳng làm được gì nếu không có Đức Kitô (x. Ga 15:5). Vì thế, chúng ta có thể nhờ Đức Kitô mà nên công chính, mà nên công chính thì được cứu độ. Thật là trên cả tuyệt vời!

Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu kể về ba chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chịu: Ăn uống, kiêu ngạo, và danh vọng. Đó là các “mối tội đầu” như những trái phá cực  mạnh, vô cùng nguy hiểm!

Đức Giêsu đã được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Sau khi Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Nhân tính là thế đấy!

1. Tên cám dỗ đến gần Chúa Giêsu và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” (Mt 4:3). Nhưng Người xác định ngay: “Đã có lời chép: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4).

Ăn uống là thứ hàng đầu trong “tứ khoái” của con người. Khi đói, người ta có thể giết người khác để mình có cái ăn. Đó là phản xạ sinh tồn. Khi đói ngấu, Thằng Bờm chẳng cần gì khác, dù là của cải to lớn, mà chỉ cần nắm xôi để giải quyết cái bụng trước. Miếng ăn rất thực tế. Nhưng cũng vì “cái thực tế” đó mà người ta tranh giành nhau, chiến tranh không ngừng, bao nhiêu tệ nạn như cướp của, giết người,… cũng chỉ vì người ta “sợ đói”. Miếng ăn có thể cao quý, nhưng cũng có thể tồi tệ. Chiến thắng cái đói là vượt qua chính mình, ăn chay là để kiềm chế nhục dục, tức là chiến thắng chính mình.

Thiết tưởng, cũng nên “hiểu rõ” rằng ăn chay không phải là để dành phần đó cho bữa khác, mà là để chia sẻ cho người nghèo hơn mình. Đó là thực thi bác ái Mùa Chay. Vấn đề này thường không được thực hiện đúng!

2. Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4:6). Đức Giêsu cũng “chỉnh” nó liền: “Nhưng cũng đã có lời chép: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4:7).

Ai cũng yêu mình. Yêu mình là tự bảo vệ mình, để sinh tồn. Đó là tốt. Nhưng nếu yêu mình quá thì lại là xấu, vì đó là tự ái (“tự ái” là “tự yêu mình” thái quá). Tự ái vì đề cao “cái Tôi” của mình, luôn cho mình là “cái rốn của vũ trụ”, là “bách khoa tự điển”, là “người có cả bụng chữ”, là nhà thông thái,… Điều này liên quan tính kiêu ngạo (kiêu căng, ngạo mạn,…), đồng thời cũng liên quan tính ích kỷ – tức là vị kỷ (vì mình) chứ không vị tha (vì người khác). Một chuỗi liên đới xấu xa, đậm tính tội lỗi, nghĩa là rất nguy hiểm. Kiêu ngạo là một trong bảy mối tội đầu!

3. Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, nó bảo: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4:9). Đúng là “điếc không sợ súng”. Chó mà đòi chạy trước hươu. Và Đức Giêsu liền nghiêm giọng: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4:10). Thế là quỷ “ngậm tăm”, nó xấu hổ muốn độn thổ, đành cúp đuôi bỏ Người mà đi. Lúc đó, các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

Danh vọng, địa vị, chức tước, quyền hành,… luôn là “bả” khiến người ta sập bẫy. Trong xã hội đời thường đã đành, trong sinh hoạt tôn giáo cũng vẫn “cám dỗ” người ta mê muội, muốn được nổi trội hơn người khác, họ tranh giành và thánh thức đủ dạng. Cả trong xã hội và Giáo hội cũng vẫn có những người dùng vật chất để lũng đoạn một cách rất tinh vi, khó có thể nhận ra. Người ta “che đậy” và “biện minh” bằng nhiều chiêu bài nghe rất kêu, và xem chừng cũng rất đậm tính bác ái. Thế nhưng, nếu can đảm xét cho cùng, thì chỉ là “sáng danh con” hơn là “sáng danh Chúa”, thậm chí có khi Chúa cũng chẳng “sơ múi” được gì! Ngày xưa người ta “mua chức quyền” theo kiểu “mộc mạc” nên dễ nhận ra, ngày nay người ta “mua chức quyền” theo lối tinh vi lắm, do đó mà khó nhận ra.

Với ơn Chúa, chúng ta có thể chiến thắng tất cả, nhưng chúng ta phải thực sự kiên trì và cố gắng chiến đấu không ngừng thì mới có thể chiến thắng 3 “mối tội” đó. Và như vậy là chúng ta chiến thắng chính mình, là “chết” cho tội, là “xé lòng”, là chay tịnh,… Nhờ đó mà chúng ta có thể được công chính hóa. Ai nên công chính thì được cứu độ, tức là nên thánh: “Ai cùng chết với Đức Kitô thì cũng được sống lại với Người” (x. Rm 6:4-5).

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con luôn can đảm chiến đấu ngoan cường với mọi chước cám dỗ, và xin canh giữ chúng con để chúng con đừng bao giờ là chước cám dỗ cho người khác, làm cớ vấp phạm cho tha nhân. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.


TRẦM THIÊN THU

Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét