Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Phóng Sự LaoĐộngViệt 20140319- Ba cụ già bán vé số ở Đà Nẵng

LTCGVN (19.03.2014)
Lần trước chúng ta đã nghe tâm tình của công nhân ở Trường Xuân. Tuần này, Lao Động Việt đến Đà Nẵng để 3 cụ già bán vé số được nói về công việc và cuộc sống của họ.
 Ngày bán vé số, tối ngủ dưới hiên
Mỗi ngày đi bộ trung bình hai chục km, lang thang từ quán cà phê này sang quán ăn nọ, người khá thì có chiếc xe đạp, người nghèo thì đi bộ quanh năm, mỗi ngày kiếm được từ 50 đến 70 ngàn đồng để đi chợ, lo mua sắm mọi thứ trong nhà… Đó là bức tranh rất chung của nghề bán vé số ở ba miền Việt Nam.
Bà Nghị, 70 tuổi, không con cái, sống ở thành phố Đà Nẵng rày đây mai đó, không có nhà cửa, ngày đi bán vé số, tối nằm ngủ tạm dưới hiên nhà người, bà cho biết: “Mỗi ngày bà kiếm được ba đến bốn chục ngàn đồng, cũng may là mình còn có cái thẻ chứng minh nhân dân để thế chấp mà nhận vé số đi bán!”.

“Nhưng đó là chuyện trước đây, cái thẻ chứng minh còn thế chấp được, bây giờ, không ai cho thế chấp chứng minh cả, phải có nhà cửa, sổ hộ khẩu. Nhưng mình có tuổi và nhận cũng ít, hơn nữa bán cho chủ vé lâu năm nên họ cho mình nhận vé. Họ cũng biết là mình chẳng lừa gạt chi ai, mà lừa lấy xấp vé rồi thì đi đâu để mà sống, chính vì thế mà mình nhận vé đi bán vô tư, khỏi lo chuyện thế chấp…”.
“Thì cứ đến bữa trưa, vào chợ, mua một dĩa cơm năm ngàn đồng, xin một chút nước chan và mua hai ngàn đồng rau luộc là qua bữa, buổi sáng không ăn, bữa nào đói quá thì ăn ổ bánh mì bữa lửng lúc chín giờ sáng, cứ như vậy, cuộc đời rồi cũng qua thôi!”.
Bà Nghị không có con cái, nên dù cuộc đời bà lây lất, đói khổ nhưng chí ít là bà thoải mái về phần trách nhiệm gia đình, sống bất định tuyệt đối. Sợ nhất trong giới lao động nghèo vẫn là tương lai bất định nhưng trách nhiệm gia đình thì cố định, một gia đình con cái đang học hành, chưa biết sẽ ra sao.
 Bán 5g sáng-4g chiều, về trả vé thừa, rồi đi bán tiếp đến 9g tối
Cô Hậu, người Châu Ổ, Quảng Ngãi, ra Đà Nẵng thuê nhà trọ để đi bán trái cây, bán không được bao lâu thì thua lỗ vì không chạy hàng, công an tịch thu hàng rong để “đảm bảo mỹ quan thành phố…”. Cô chuyển sang bán vé số. Cô chia sẻ: “Trách nhiệm gia đình làm mình mỏi vai lắm…!”.
“Mình có ông chồng và hai đứa con, ông chồng đi phụ hồ ở quê, hai đứa con đang học tiểu học và trung học cơ sở. Vả lắm, mỗi tháng phải ăn mắm mút dòi mà gởi tiền về nuôi tụi nó, mình đi bán từ lúc 5 giờ sáng cho đến 9 giờ tối, bán hai cử, cử đầu là bán cho đến 4 giờ chiều về trả vé thừa, xong lại nhận vé ngày mai đi bán tiếp buổi tối. Trung bình mỗi ngày kiếm được từ 70 ngàn đến 120 ngàn đồng”.
“Trả tiền thuê phòng trọ, tiền điện, tiền nước, nấu ăn, mỗi tháng tốn hết chừng một triệu hai trăm ngàn đồng, vì mình thuê phòng hạng bét nhất, mưa là dột, sương nhiều cũng dột, buổi tối mình nấu nhiều cơm một chút, ăn chừa lại một bát, sáng ra mình hâm lại, ăn đi bán. Ban đầu sống như vậy nhớ chồng nhớ con lắm, nhưng dần dần rồi cũng quen thôi!”.
“Những tưởng đầu đường thương xó chợAi ngờ xó chợ cũng thương nhau…”” – ông Tuấn, 78 tuổi, vé số 20 năm nay
 Những tưởng đầu đường thương xó chợ, Ai ngờ ..
Khác với bà Nghị và cô Hậu, ông Tuấn, 78 tuổi, vào Sài Gòn bán vé số đã hai mươi năm nay, với cuộc đời tứ cố vô thân. Ông được bà Bảy giúp đỡ, cho ăn ở trong nhà, cùng chia sẻ cảnh cô đơn, vì bà cũng sống độc thân mấy chục năm nay. Thế nhưng ba năm nay, bà Bảy bị tai biến não, nằm một chỗ, ông Tuấn đi bán vé số nuôi bà Bảy.
Ông kể: “Thành phố này đông người đi bán vé số lắm, nên kiếm ăn vất vả lắm! Cứ sáng ra chừng 6 giờ là tôi khởi hành, chiều 5 giờ về đến nhà, nấu cơm tối, nấu thêm nồi cháo để sẵn, trưa tạt về nhà đút cho bà ấy ăn, còn áo quần thì mình tranh thủ giặt ban đêm, tội nghiệp bà ấy cả ngày vất vả chuyện đi vệ sinh, nhưng nghèo quá, nương tựa nhau mà sống, mình phải hy sinh thời gian để kiếm ra tiền chứ!”.
Nói đến đây, ông đọc mấy câu thơ của cố thì sĩ Bùi Giáng, người đồng hương Duy Xuyên, Quảng Nam quá cố của ông: “Những tưởng đầu đường thương xó chợ/ Ai ngờ xó chợ cũng thương nhau…”.
Hình như mấy câu thơ đã nói lên tất cả về cuộc đời họ!
Hồng Hạc,Lao Động Việt
chao@laodongViet.org
GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Công Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.
- Hết-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét