Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Người giết ông Diệm đã chết như thế nào?

LTCGVN (08.11.2013)

Trích sách “ Giải Mã Những Bí Ẩn Của Chiến Tranh Việt Nam” của tác giả Bùi Anh Trinh :
Sự thật về cuộc chỉnh lý của Tướng Nguyễn Khánh
Năm 1963, ngày 8-12, Tài liệu của CIA: “Ngày 18/12/1963 phái đoàn McNamara đến Sài Gòn. CIA báo cáo Hội đồng Quân nhân bất lực vì chia rẽ và tham nhũng và lực lượng cộng sản mạnh hơn trước. McCone kết luận rằng tình hình sống còn của miền Nam rất mong manh và những gì được báo cáo về Washington những năm trước đây đều xa với sự thật.

Trước tình hình đó các tướng vẫn không ngừng chia rẽ và hất cẳng nhau. Giữa tháng 12/1963 tướng Dương Văn Minh thuyên chuyển tướng Nguyễn Khánh ra Vùng I chiến thuật ở Đà Nẵng. Đầu tháng 1/1964 tướng Minh tự phong làm Tổng Tư Lệnh quân đội. Hai tuần sau, CIA nhận được một báo cáo của Chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc biệt (người thay đại tá Lê Quang Tung, Tướng Lê Văn Nghiêm ) rằng tướng Trần Văn Đôn có thảo luận giải pháp trung lập hóa Nam Việt Nam với một giới chức người Pháp đang thăm viếng Sài gòn”.
“Khi Peer de Silva đến Sài Gòn tướng Khánh muốn gặp để thông báo tin tức ông có về vụ các tướngâm mưu trung lập hóa miền Nam nhưng Peer de Silva chần chừ chưa muốn gặp. Tướng Khánh bèn chuyển tin cho một người quen cũ là đại tá Jasper Wilson thuộc phái bộ MACV rằng chính phủ Pháp đang vận động trung lập miền Nam qua tướng Mai Hữu Xuân, vốn là một nhân vật tình báo của Pháp. Cùng với các nguồn tin khác Peer de Siva báo cáo âm mưu trung lập về Washington”.
“Ngày 29/1 tướng Khánh cho đại tá Wilson biết thêm rằng ngoài tướng Mai Hữu Xuân, hai tướng Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim cũng theo phe trung lập và tướng Khánh cho biết sẽ dùng vũ lực để bẻ gảy âm mưu này. Đại sứ Lodge (khi được đại tá Wilson báo cáo) điện tin này về Washington và thông báo ngay cho tướng Harkins” ( CIA and The Generals, bản lược dịch của Trần Bình Nam ).
Năm 1964, ngày 30-1,Tài liệu của CIA: “Vào lúc 3:15AM sáng ngày 30/1/64 đại tá Wilson từ bộ chỉ huy Lữ đoàn Dù thông báo tòa đại sứ rằng tướng Khánh cùng tướng Trần Thiện Khiêm sẽ làm đảo chánh trong vòng vài giờ nữa để loại các tướng trung lập ra khỏi thành phần chính phủ, và rằng tướng Minh đã được thông báo và đồng ý. Cuộc đảo chánh (gọi là chỉnh lý) đã diễn ra như dự tính. Năm tướng trung lập Xuân, Kim, Đôn, Đính và Nguyễn Văn Vỹ bị bắt và được quản thúc tại gia tại Đà Lạt. Tướng Minh tạm thời được giữ lại ở chức vụ quốc trưởng” ( CIA and The Generals, bản lược dịch của Trần Bình Nam).
* Chú giải :
Đối chiếu với hồi ký của Đại tá Phạm Bá Hoa :Mờ tối ngày 29-1, Trung tướng Trần Thiện Khiêm gọi Thiếu tá Hoa đến nhà riêngcủa ông tại Bộ TTM và ra lệnh:
“Vào sáng sớm ngày mai, tôi + Trung tướng Khánh + và Đại tá Viên (Cao Văn), lật đổ nhóm ông Minh ông Đôn, vì các ông này có kế hoạch đưa Việt Nam đến trung lập mà trung lập thì không sớm thì muộn cũng vào tay Cọng sản, chú rõ chưa?”… …
“Trước lúc bình minh, tại bản doanh – nhà Trung tướng Khánh – có mặt Trung tướng Trần Thiện Khiêm, Trung tướng Nguyễn Khánh, Đại tá Cao Văn Viên, một người Việt Nam dáng dấp trung bình về chiều cao lẫn chiều ngang, và một người Mỹ mặc quần tây dài, áo sơ mi tay ngắn. Anh chàng Mỹ này không phải là người Mỹ có mặt trong cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 trước đây. Nói cách khác, người Mỹ này không phải là Trung tá Conein…”
“Chỉ cần ba nhân vật, một ít lực lượng với một người Hoa Kỳ quyền thế, cuộc đảo chánh diễn tiến thật êm thấm vì chỉ cần bắt 5 vị tướng là xong…” ( Phạm Bá Hoa, Đôi Dòng Ghi Nhớ, bản in lần 4, trang 85-86 )
Đoạn hồi ký trên cho thấy cuộc đảo chánh xảy ra cũng do người Mỹ chủ động. Lực lượng đảo chánh lần này chỉ có một tiểu đoàn Nhảy dù dưới sự điều động của Đại tá Cao Văn Viên và với sự phụ họa của Đại tá Nguyễn Chánh Thi, cựu Chỉ huy trưởng Nhảy dù hiện đang giữ chức Tư lệnh phó Vùng 1 cho Tướng Khánh. Ông Khánh từ Đà Nẵng vào Sài Gòn làm đảo chánh chỉ mang theo được lực lượng gồm có ông ta và Đại tá Thi. Còn mọi việc đều do Tướng Trần Thiện Khiêm và Đại tá Cao Văn Viên bao giàn, với lực lượng dự bị là Sư đoàn 5 của Tướng Nguyễn Văn Thiệu ở Biên Hòa và Sư đoàn 7 của Tướng Nguyễn Hữu Có ở Mỹ Tho.
Lẽ ra thì Tướng Dương Văn Minh cũng bị hạ luôn nhưng Washington e rằng dư luận sẽ cho rằng đây là cuộc đảo chánh lật ngược thế cờ của phe trung thành với anh em ông Diệm. Phe Phật giáo sẽ không ngồi yên, họ sẽ biểu tình sống chết một lần nữa để khôi phục quyền lực cho phe lật đổ ông Diệm. Chắc chắn sẽ đưa tới rối loạn. Vì vậy mà ông Dương Văn Minh được lưu lại để chứng tỏ rằng phe đảo chánh lần này cũng là phe đã từng lật đổ ông Diệm.
Đối chiếu với hồi ký của Tướng Trần Văn Đôn : “Hôm 30-1-1964, người ngoài chưa rõ vụ chỉnh lý, chỉ nghe đồn là ông Khánh cầm đầu cuộc đảo chánh, vì thế lúc 5 giờ sáng, Đại sứ Cabot Lodge cho mời ông Khánh đến. Gặp ông Khánh, ông Lodge hỏi ngay:
“Sao các ông bắt mấy ông tướng đó?” – “Không bắt sao được, chúng tôi có đủ tất cả tài liệu đây nầy!”. Ông Khánh chỉ vào tập hồ sơ ông ta đang ôm trong tay. – “Thôi được, ông đưa tôi xem để tôi trình cho Hoa Thịnh Đốn”. – “Không được, vì trưa nay chúng tôi có cuộc họp báo, cần tài liệu này để trưng bằng cớ, rồi sau đó tôi sẽ đưa lại cho ông.” Hôm sau ông Lodge không thấy ông Khánh đưa tập tài liệu đến. Có hỏi thì ông Khánh bảo sẽ đưa. Rồi một hai tháng trôi qua, ông Khánh không đưa gì hết. Lúc ấy ông Lodge mới biết là bị gạt”(trang 349, lời kể của Frederich Flot, một nhân viên tình báo làm việc trong tòa Đại sứ HK ) (sic).
Đối chiếu với hồi ký của Đại tá Phạm Bá Hoa : “Thêm nữa, theo lời của cựu Đại tướng Trần Thiện Khiêm cho tôi biết vào tối 21 tháng 10 năm 2003 thì nguyên nhân dẫn ông vào cuộc đảo chánh này là vì Trung tướng Dương Văn Minh đã đồng ý với ông (tức Thiếu tướng Khiêm, cấp bậc lúc đảo chánh ) trong cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, là chỉ giải quyết ông cố vấn Ngô Đình Nhu, còn Tổng thống Ngô Đình Diệm phải được bình yên và xuất ngoại, nhưng sau đó Trung tướng Minh đã ra lệnh giết luôn Tổng thống Diệm làm cho ông bất mãn” (Phạm Bá Hoa, Đôi Dòng Ghi Nhớ, bản in lần 4, trang 94).
Tướng Khiêm bất mãn vì bị mất uy tín đối với Washington do không bảo vệ được mạng sống của ông Diệm như ông đã hứa với CIA trước khi đảo chánh. Cái chết của Tổng thống Diệm đã khiến cho ông trùm CIA Lou Conein tỏ phản ứng bất mãn ngay trước mặt Tướng Khiêm : “Conein phản ứng giận dữ, nói là các ông tướng đã không làm theo “lệnh” của Washington” ( CIA and The House of Ngo, bản dịch của Lê Đình Bì ).
Sau đó là sự nổi giận của Tổng thống Kennnedy và Đại sứ Cabot Lodge vì các tướng VN đã giết Tổng thống Diệm, phản lại lời cam kết trước đó với Hoa Kỳ. Những lời trách cứ từ phía Hoa Kỳ khiến cho những người quyết định giết ông Diệm biết rằng họ đã phạm sai lầm nghiêm trọng, bởi vì đây là một cam kết giữa những người lãnh đạo của hai quốc gia, một cam kết bí mật không thành văn nhưng phải có giá trị như một giao ước quốc tế, thế mà các ông đã hành xử lật lọng như những tên lưu manh; mà lật lọng ngay cả với nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ
Có một sơ hở trầm trọng của Tướng Minh là không đề phòng Đại tá Cao Văn Viên và Liên đoàn Nhảy dù. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ Đại tá Viên và 1 tiểu đoàn Dù đã hoàn thành cuộc đảo chánh thứ hai mà không hề có súng nổ hay có người chết.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung : Thực ra có một người phải chết, đó là Thiếu tá Nhung, người đã giết Tổng thống Ngô Đình Diệm, bởi vì mọi chê trách và mọi oán hận đều trút vào người của ông ta. Đúng ra là người ta đã chê trách cái người đã ra lệnh cho Thiếu tá Nhung nhưng vì không biết rõ ai ra lệnh cho nên người ta đành trút sự khinh bỉ lên Thiếu tá Nhung. Theo như lời của Tướng Khiêm nói lại với Đại tá Phạm Bá Hoa thì “Nghe nói một số quân nhân Nhảy dù đã vì tức giận Thiếu tá Nhung giết Tổng thống Diệm nên ra tay giết Thiếu tá Nhung”.
Tuy nhiên theo lời xác nhận của Thiếu tá Lâm Sanh Kim thì không có chuyện quân nhân Dù tức giận, bởi vì ông Nhung vẫn an toàn khi được giải giao vào Đồn quân cảnh 204 của Lực lượng Dù. Người tiếp xúc cuối cùng là Trung úy Lâm Sanh Kim, Trưởng ban An ninh của căn cứ Hoàng Hoa Thám (Bộ chỉ huy Liên đoàn Dù). Ông Lâm Sanh Kim đã thẩm vấn ông Nhung vào buổi tối, có ghi biên bản. Sau đó ông trở về nhà ngủ và sáng hôm sau ông nghe báo tin ông Nhung đã tự tử nên trở lại đồn Quân cảnh 204 và thấy ông Nhung treo cổ bằng giây giày, trước mặt có một câu viết trên tờ báo: “Em ở lại nuôi các con, bọn Diệm sống lại rồi”. So sánh tự dạng thì đúng là chữ của Nhung.
Như vậy ông Nhung chết không phải vì bị quân nhân Dù giết, mà là tự sát để giữ trọn nghĩa khí, ngầm báo cho Tướng Minh biết rằng ông chết để giữ bí mật về chuyện ai đã ra lệnh giết ông Diệm.
Câu nói “em ở lại nuôi các con” là để nhắn với Dương Văn Minh, nghĩa là ông đã vì Tướng Minh mà phải chết, xin Tướng Minh nuôi giùm các con của ông. Còn câu “bọn Diệm sống lại rồi” không phải là nhắn cho vợ, mà là nhắn cho Tướng Minh, không ai trối trăn với vợ mà lại trối về “bọn Diệm”. Ông Nhung nghĩ rằng ông Khánh là người trung thành với ông Diệm, cho nên chữ “bọn Diệm” ngầm chỉ cho ông Minh biết rằng người buộc ông phải chết là Tướng Khánh.
Thiếu tá Nhung chết để giữ kín bí mật cho Tướng Dương Văn Minh. Nhưng trong ba người cầm đầu cuộc đảo chánh là Tướng Khiêm, Tướng Khánh và Tướng Viên thì ai là người đã ra lệnh bắt giam và tra vấn Thiếu tá Nhung? Hồi ký của Tướng Nguyễn Chánh Thi xác nhận ông là người nhận trách nhiệm bắt và tra vấn Thiếu tá Nhung. Nhưng Tướng Thi không có thù oán riêng gì với Nhung mà cũng chẳng thương tiếc gì ông Diệm. Trong khi đó Thi là người của Tướng Khánh, đã cùng Khánh từ Miền Trung vào Sài Gòn làm đảo chánh. Vậy Khánh chính là người ra lệnh thẩm vấn Nhung.
Một dấu hỏi được đặt ra là tại sao Tướng Khánh lại cần lời khai của Nhung về việc ai ra lệnh giêt ông Diệm ? Câu trả lời là Khánh lỡ báo cáo cho HK biết là Minh cầm đầu các tướng trung lập, thân Pháp; nhưng nay đảo chánh xong thì không có bằng cớ nào cả cho nên HK vẫn quyết định giữ Dương Văn Minh làm quốc trưởng. Bí quá Khánh xoay ra tìm bằng cớ chứng minh Dương Văn Minh cải lệnh của Washington mà giết ông Diệm. Khi đưa ra bằng cớ này Khánh hy vọng vớt vát lại uy tín sau khi không trưng ra được bằng chứng các tướng chủ trương trung lập, đồng thời hy vọng HK sẽ loại bỏ Dương Văn Minh mà hỗ trợ Khánh lên thay Minh.
Theo tính toán của Tướng Khánh thì chỉ cần Thiếu tá Nhung chịu khai là có ngay bằng cớ để chứng minh với HK. Nhưng không ngờ Thiếu tá Nhung đã quyết định chết để bảo vệ bí mật cho Tướng Minh. Theo hồi ký của Tướng Nguyễn Chánh Thi thì ông có đọc biên bản thẩm cung Nguyễn Văn Nhung, trong đó Nhung thú nhận Dương Văn Minh đã ra lệnh cho ông ta giết hai anh em Tổng thống Diệm.
So lại với lời kể của Thiếu tá Lâm Sanh Kim thì Tướng Thi nói đúng, quả là Nhung có khai như vậy thật. Nhưng sau khi Nhung chết thì biên bản hỏi cung đó trở thành vô giá trị, bởi vì đó không phải là bản tự khai do chính tay Thiếu tá Nhung viết, mà là do Trung úy Kim viết, người ta sẽ đánh giá là biên bản đó do Kim bịa ra sau khi Nhung đã chết.
Cũng theo lời kể của Thiếu tá Lâm Sanh Kim thì sau khi có được lời thú nhận của Thiếu tá Nhung thì ông Kim thôi tra vấn, kết thúc cuộc hỏi cung và ra về. Điều này khiến cho Nhung biết được rằng người ta chỉ cần có lời khai của ông để làm hại Tướng Dương Văn Minh. Ông cũng suy ra sau này lời chứng của ông trước tòa án binh hay trước Hội đồng Quân nhân Cách mạng chắc chắn sẽ đưa tới tai họa cho Tướng Minh. Vì vậy mà ngay đêm hôm đó ông quyết định tự sát để cứu chủ tướng của mình. Còn nếu như ông phản cung, nhận là mình tự ý giết thì ông cũng sẽ bị tra tấn đến chết.
Dầu gì thì ông cũng sẽ chết vì tội giết ông Diệm, nhưng chỉ một mình ông là đủ rồi. Vì vậy mà ông nhắn lại để Tướng Minh hiểu cho tấm lòng trung thành của ông mà chiếu cố cho vợ con của ông. Còn lời khai của ông với Lâm Sanh Kim thì sẽ theo ông đi về với đất trời.
Hồi ký của Đại tá Phạm Bá Hoa có nêu một giả thuyết bên lề rằng khi bị bắt vào nửa đêm thì Thiếu tá Nhung chỉ có thể bận đồ ngủ cho nên ông Nhung không có giây giày để tự thắt cổ. Nghĩa là ông bị người khác treo cổ chứ không phải tự tử. Tuy nhiên nếu Đại tá Hoa có lật lại hồi ký của Tướng Trần Văn Đôn, trang 281 thì : “8 giờ sáng ông Dương Văn Minh đến Bộ tổng tham mưu, đến khoảng gần 12 giờ thì trở về nhà nhưng Thiếu tá Nhung lúc đó còn làm cận vệ cho ông Minh bị bắt giữ lại”.
Như vậy giả thuyết ông Nhung không có giây giày đã bị loại bỏ. Nghĩa là quả thực ông Nhung đã tự tử.
BÙI ANH TRINH
Nguồn: Báo Tổ Quốc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét