Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Những người lựa chọn cái chết

LTCGVN (19.11.2013)
Cuộc bách hại tinh vi ngày hôm nay len lỏi cả vào khắp nơi, từ giáo sĩ đến giáo dân. Cuộc bách hại, hay là mình tự bách hại mình khi hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân thích sống trong an toàn ổn định không còn tính ngôn sứ trước những bất công của xã hội, của Giáo Hội ; ta tự bách hại mình khi ta sống cầu an, thích được ca tụng, được tung hô ; khi ta ra sức làm vinh danh mình mà tưởng là làm vinh danh Chúa. Ta tự bách hại mình khi ta nhu nhược, tự bằng lòng với cơ chế « xin-cho» trong vấn đề tôn giáo, khi bị cuốn theo những cơn lốc chính trị, là bị mê hoặc trong những ảo tưởng của những thiên đường mù mà xa rời sứ vụ, xa rời đàn chiên, xa rời lý tưởng Nước Trời mà Đức Giêsu khi sinh thời đã ưu tư, đã sống chết vì lý tưởng đó.
Các bạn thân mến,
Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam – những người đã từng yêu cuộc sống, yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, nhưng các ngài đã anh dũng hi sinh mạng sống của mình để minh chứng tình yêu và lòng tin son sắt vào Đức Kitô. Xin gửi tới các bạn bài chia sẻ của mình.
*
Đêm 14 rạng ngày 15 tháng 4 năm 1912, khi hàng ngàn du khách đang say sưa tiệc tùng, vui chơi nhảy múa trên tầu Titanic, bỗng có một hồi còi báo động nguy hiểm. Mỗi hành khách chỉ có 3 phút để ra khỏi các khoang tầu. Một người phụ nữ trong số các hành khách đó mang theo mình rất nhiều vàng bạc. Sau một vài giây do dự, bà đã quyết định không đem theo số vàng bạc đó theo mình ra khỏi boong tầu, mà bà quyết định mang theo 3 quả cam. Khi con tầu chìm, trong số hàng nghìn hành khách, người thì chết chìm theo tầu, người thì chết khát, người thì chết đói. Riêng,nhờ có ba quả cam mà người phụ nữ đã sống sót. Đó là một lựa chọn khôn ngoan.
Tôi muốn mượn câu chuyện này để liên tưởng đến sự lựa chọn của các thánh tử đạo tại Việt Nam mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Lịch sử Giáo Hội VN ghi nhận sự hi sinh của trên dưới 130.000 người chịu tử vì đạo từ thời các chúa Trịnh, qua triều Nguyễn, đến Tây Sơn, Văn Thân, đặc biệt dưới triều đại 3 vua khét tiếng cấm đạo là Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.Trong số hơn 13.000 vị tử đạo đó, có 117 vị được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã tuyên phong lên hàng hiển thánh năm 1988.
Các thánh tử đạo là ai ? Thưa, họ là những người Việt Nam, là nhà truyền giáo từ phương Tây. Họ là giám mục, linh mục, thầy giảng, tu sĩ nam nữ, và giáo dân. Có những vị cũng từng là những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ trong gia đình. Họ cũng là những người bình thường bằng xương, bằng thịt như chúng ta. Họ cũng có những yếu đuối, những ước mơ, những khát vọng. Họ cũng là những người yêu cuộc đời, yêu quê hương, đất nước ; yêu cha mẹ, vợ con, nhất là họ cũng yêu sự sống và coi sự sống là điều vô cùng quý giá. Thế mà họ đã lựa chọn cái chết.
Chắc chắn các ngài không phải là những người cực đoan, chán ghét cuộc sống này. Các ngài cũng không phải là những cảm tử cuồng tín mù quáng lao vào cái chết như con thiêu thân. Trái lại, các ngài đã có sự lựa chọn cái chết với tất cả tự do,với đầy đủ ý thức. Chắc chắn rằng, các ngài rất yêu cuộc cuộc sống, yêu sự sống, hiểu sự sống đời này rất quý giá, nhưng các ngài đã có một tuệ giác, có ơn Chúa để nhìn thấy bên kia cuộc sống trần thế này còn có một cái gì đó cao quý hơn nhiều. Hơn ai hết, họ hiểu cái chết của họ sẽ đem lại sự sống đời đời. Ba quả cam có vẻ chẳng có giá trị gì so với đống vàng bạc, nhưng người phụ nữ đã chọn nên bà đã sống sót. Cũng vậy, cuộc sống này rất đẹp,rất đáng sống, nhưng chẳng là gì so với sự sống đời sau.
Cho nên sứ điệp mà tôi muốn chia sẻ về các vị tử đạo đó là sự lựa chọn quyết liệt của họ giữa cuộc sống trần gian và sự sống đời đời, chọn Chúa Kitô hay thế gian.

Để có thể lựa chọn cái chết, các ngài phải là những người đã thấm nhuần tinh thần của Đức Giêsu trong TM Luca mà ta vừa nghe : « Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? ».
Lời này của Đức Giêsu cho ta thấy chính Ngài mới là cùng đích của cuộc sống, chính sống đời đời là tột đỉnh của mọi sự. Vì các ngài chân nhận Đức Giêsu là tất cả nên các ngài bất chấp gông cùm, xiềng xích, bất chấp hùm beo đói khát, roi đòn, như Phaolô quyết tâm của Phaolô được ghi lại trong thư Roma mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc 2: « Dù sống trong lao nhọc, dù khó nghèo cay đắng, dù trần truồng đói khát…không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến trong Đức Kitô » hay « để có được Đức Kitô Giêsu tôi trở nên rơm rác, phân bón ». Cũng như Phaolô không có gì tách họ ra khỏi Đức Kitô, Đấng mà các ngài yêu mến, tôn thờ.
Đọc lại hạnh các ngài, ta thấy : thử thách quan trọng nhất mà đa số các ngài phải trải qua, đó là lựa chọn bước hay không bước qua thánh giá. Bước qua là được tiếp tục sống ở đời này, được tặng thêm bao phú quí vinh hoa. Không bước qua là chấp nhận tù đày, mất tất cả và mất chính mạng sống. Chỉ cần một quyết định là mọi chuyện sẽ thay đổi. Sự lựa chọn của các ngài tưởng là đơn giản vì chỉ là một bước chân, nhưng là một chọn lựa nghiêm chỉnh, chọn lựa này không những liên quan đến tương lai và sinh mạng của các ngài, mà còn liên quan đến sự sống đời đời của các ngài nữa.
Ðã có người bước qua, và đã có nhiều người không bước qua. Ðã có người được khiêng qua thánh giá, nhưng đã co chân lên như thánh Antôn Nguyễn Ðích. Ðã có người bước qua thánh giá, nhưng sau lại hối hận: đó là trường hợp của ba vị thánh Âu tinh Phan Viết Huy, Nicôla Bùi Ðức Thể, và Ða minh Ðinh Ðạt. Vua quan đã bày ra trước mặt các ông mười nén vàng, một tượng Chịu Nạn và một thanh gươm rồi nói: “Cho bay tự ý chọn, bước qua tượng thì được vàng, bằng không thì gươm sẽ chặt đôi người bay ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển.” ” Thánh Stéphane Vénard nói: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”
Tất cả các thánh Tử đạo mà chúng ta mừng kính hôm nay đều chọn Đức Kitô, nhưng có bao nhiêu vị tử đạo có bấy nhiêu tấm gương về sự lựa chọn. Tôi có dip đến thăm quê hương thánh Gioan B. Đinh Văn Thanh tại làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Làng này có một nhà thờ Công giáo và ngôi nhà thờ họ Đinh. Người ta cho biết rằng tại nhà thờ họ Đinh, trong gia phả họ Đinh không hề có tên Đinh Văn Thanh, vì theo người làng nói Đinh Văn Thanh là người bỏ đạo thờ ông bà mà đi theo Đạo Chúa nên gia tộc đã từ người. Chắc hẳn, chàng thanh niên Đinh Văn Thanh cũng phải đau đớn như thế nào khi chọn Đức Kitô, chấp nhận mang tiếng là bất hiếu (thực ra không phải là bất hiếu), chấp nhận bị gia đình dòng họ từ mặt để làm sao có được Đức Kitô, mà có được Đức Kitô là có sự sống đời đời.
Làm thế nào để các thánh tử đạo có thể có sự lựa chọn đó ? Trước tiên các thánh tử đạo phải là những người có niềm tin mạnh mẽ vào Đức Kitô và có một niềm hy vọng, mà ta hay gọi là đức Cậy, hy vọng vào ĐKT, vào những điều Ngài nói, Ngài làm. Có lần một cô giáo dạy văn tại ĐHSP HN 1,là vợ của người bạn tôi, nói : xin lỗi anh, tôi đã đọc Tân Ước, tôi đã đọc Tự Thuật của thánh Augustino, thú thực tôi thấy rất nhiều điều nghịch lý trong đường lối, chính sách cũng như trong giáo thuyết của Chúa Giêsu. Tôi hỏi nghich lý ở chỗ nào thì cô ấy nói : này nhé, sao Chúa đến lại đem gươm giáo, chia rẽ ; tại sao lại khuyên người ta chết đi, khuyên bỏ tính mạng đi, khuyên bỏ vợ con, cha mẹ đi mà theo ông ấy, rồi còn khuyên vác thánh giá tức là sẵn sàng chịu khổ vì ông ấy. Toàn những chuyện vô lý, tôi không thể nào hiểu nổi.
Đúng vậy, người không có đức tin sẽ chỉ thấy những điều nghich lý. Chấp nhận theo Đức Giêsu là đi ngược dòng với đời, ngược chiều những lý luận logic thông thường của người đời. Các thánh tử đạo lựa chọn cái chết cũng là một nghịch lý dưới con mắt của người đời. Chính niềm tin vào Đức Giêsu, chính thập giá và cái chết của Đức Giêsu đã giúp các ngài giải mã được cái mà cuộc đời cho là nghịch lý. Trong bài đọc 1 trong sách Macabêô quyển thứ 2, để bảy người con trai của mình có thể can trường trước cái chết, người mẹ đã khơi dậy lòng tin vào Thiên Chúa tạo dựng. « Các con ơi, mẹ không rõ các con đã hình thành như thế nào trong bụng mẹ ; không phải mẹ ban thần khí và sự sống ; cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con, mà chính là Đấng tạo hóa càn khôn ». Nếu không có lòng tin vào Thiên Chúa, không có niềm hi vọng vào sự sống đời sau, thì làm sao một người mẹ lại có thể can đảm khuyên các con chấp nhận cái chết ?
Thứ ba là các thánh tử đạo Việt Nam đã chết vì yêu mến Đức Kitô, chết vì yêu thương, chết trong yêu thương. Chính tình yêu Đức Kitô đã giúp họ vượt qua tất cả để chọn Chúa, để yêu Chúa hơn, như Thánh Phaolô : « dù sự chết hay sự sống,…, dù hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,… không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô » (Rm 8,38-39).
Có nhiều người đã chết có thể vì một sự nghiệp, hay vì một lý tưởng cao đẹp nào đó, nhưng họ đã chết trong thù oán, trong căm hờn, trong uất hận điên cuồng khi chạm với bước đường cùng, như Nguyễn Văn Trỗi, trước khi bị xử bắn đã hét lên : “đã đảo đế quốc Mỹ… Đả đảo Mỹ- Diệm.”, hay là tiếng kêu thất vọng oán thán, như một lời chửi đổng của thi sĩ Cao Bá Quát khi gần kề cái chết : 
Ba hồi trống giục mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.
Còn Các Thánh Tử đạo Việt Nam đã chết trong yêu thương, các ngài tha thứ ngay cho cả những lý hình, những người sắp giết mình. Tình yêu giúp con người ta có một sức mạnh diệu kỳ để làm những điều kì diệu. Tình yêu giúp con người ta vượt qua tất cả thậm chí dám chết đi. Nhà thơ Xuân Diệu từng định nghĩa : « Yêu là chết trong lòng một ít », và điều đó không hề đúng với các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài yêu là chết không phải một ít, không phải chỉ chết trong lòng, mà chết hoàn toàn, chết thật sự.
Vì tình yêu Đức Kitô họ đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng, thanh thản, bình an, thanh thoát. Trước khi ra pháp trường, Ông Án Khảm vui vẻ nói với mọi người : “Cha con chúng tôi hôm nay vào nước Thiên Đàng đây”. Ông Cỏn thấy người anh em sụi sùi nước mắt, ông nói : “Sao anh lại khóc, lẽ ra phải mừng cho tôi chứ ?”.
Sự chết của các thánh tử đạo là chiến thắng thế gian. Cờ chiến thắng của các ngài cũng không in bằng máu thù hận ; đường vinh quang của các ngài không xây bằng xác quân thù, mà xây bằng tình yêu Đức Kitô một cách quyết liệt, cách triệt để nhất.Vâng, tử đạo là thế đó. Tình yêu đến cùng dành cho Đức Kitô là thế đó.
Ngày nay liệu có còn bách hại không ? người tín hữu có phải lựa chọn gì không ? Xin thưa rằng ngày nay vẫn còn có đó những thử thách, những cuộc bách hại, vẫn còn đó những lựa chọn sống còn giữa Chúa và thế gian, giữa sự sống đời này và sự sống vĩnh cửu. Ngày nay người ta không bắt ta phải quá khóa, người ta không bắt chúng ta bỏ đạo. Cuộc bách hại không chỉ là việc chiếm đất, chiếm nhà của Giáo Hội, không chỉ là việc bắt giam giáo dân Thái Hà, Cồn Dầu, hay một số người đứng lên đấu tranh cho nhân quyền, cho công lý và hòa bình, nhưng cuộc bách hại ngày nay tinh vi hơn, gây ảnh hưởng sâu rộng hơn đến hàng triệu triệu con người. Cuộc bách hại hôm nay là cho phép và hợp thức hóa việc phá thai, bình thường hóa tội lỗi, hưởng ứng tự do tình dục…Những cuộc bách hại tinh vi của thế giới vật chất hưởng thụ, duy khoái lạc làm con người hôm nay chai lỳ lương tâm, làm càng ngày càng mất đi cảm thức về tội lỗi.
Cuộc bách hại tinh vi ngày hôm nay len lỏi cả vào khắp nơi, từ giáo sĩ đến giáo dân. Cuộc bách hại, hay là mình tự bách hại mình khi hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân thích sống trong an toàn ổn định không còn tính ngôn sứ trước những bất công của xã hội, của Giáo Hội ; ta tự bách hại mình khi ta sống cầu an, thích được ca tụng, được tung hô ; khi ta ra sức làm vinh danh mình mà tưởng là làm vinh danh Chúa. Ta tự bách hại mình khi ta nhu nhược, tự bằng lòng với cơ chế « xin-cho» trong vấn đề tôn giáo, khi bị cuốn theo những cơn lốc chính trị, là bị mê hoặc trong những ảo tưởng của những thiên đường mù mà xa rời sứ vụ, xa rời đàn chiên, xa rời lý tưởng Nước Trời mà Đức Giêsu khi sinh thời đã ưu tư, đã sống chết vì lý tưởng đó.
Ngày nay vẫn còn đó những điều mà người Kitô hàng ngày phải lựa chọn một cách quyết liệt : lựa chọn giữa thiên và ác ; Lựa chọn giữa việc vâng lời Thiên Chúa hay vâng lời loài người. Lựa chọn giữa một trận bóng đá, một bộ phim hay, một giấc ngủ ngon, một lời rủ đi chơi của bạn bè và tiếng mời gọi của Chúa nơi ngôi Thánh đường này. Lựa chọn giữa việc đi lễ để gặp Chúa hay ở nhà xem ti vi, chơi bài ; lựa chọn giữa đam mê nhục dục và lối sống trong sáng thanh cao.
Còn chúng ta hôm nay có còn thánh giá phải vác không ? ngày nay có còn tử đạo không ? Xin thưa, ngày nay vẫn còn tử đạo : tử đạo trong tâm hồn, tử đạo nơi thân xác, tử đạo trong tư tưởng. Ngày nay, tử đạo không chỉ là đổ máu, nhưng tử đạo là khi lòng ta tê tái, bất lực trước một ca phá thai, trước một sự đối xử tàn nhẫn. Tử đạo là khi ta lội ngược dòng, ta bị cô lập, bị đơn độc, không ai đứng về phía ta để bảo vệ lương tri, bảo vệ sự thật. Tử đạo là dám sống vì Tin Mừng mà chịu thua thiệt, chịu mất mát. Tử đạo có khi là lúc ta bị tai tiếng, bị oan uổng mà không thể nào thanh minh hay nói ngược lại những gì người ta nói.
Thưa các bạn, 
Mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam không chỉ là những cuộc rước kiệu linh đình, tôn vinh Cha Ông với niềm tự hào dân tộc, nhưng trước tiên là tạ ơn Chúa vì đó là hồng của Chúa đã gieo trồng Hội Thánh Chúa ở Việt Nam bằng những giọt máu đào đổ xuống mảnh đất hình chữ S này. Chúng ta tôn vinh Cha ông của chúng ta nhưng thực ra là chúng ta tôn vinh sức mạnh toàn thắng của Thánh Giá Chúa Kitô. Nếu không có ơn Chúa, nếu không có niềm tin, cậy, mến vào Thiên Chúa và nhất là vào Thánh giá vô địch của Chúa Kitô, Cha ông chúng ta đã không thể lãnh nhận phúc tử đạo, làm chứng cho Thiên Chúa.
Mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo còn là cơ hội cho mỗi người chúng ta nhìn lại cách sống chứng nhân của mình. Trong thời bách hại và tự bách hại cách tinh vi này, có thể chính chúng ta không những đã bước qua thập giá, mà còn tiếp tay cho cuộc bách hại tinh vi của thời hậu hiện đại.
Gương lựa chọn cái chết của các thánh tử đạo khiến ta phải suy nghĩ : ta đang chọn cái gì cho cuộc đời ta khi ta đi đạo ? Ta đi đạo vì ai,vì cái gì ? Ta đã thực sự khao khát Chúa, sẵn sàng hi sinh tất cả để được chính Chúa chưa? Chúa có phải là mục đích tối thượng của cuộc đời tôi không, hay có những thứ khác quan trọng hơn Chúa ? 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con sáng suốt biết nhận ra chính Chúa mới là cùng đích của cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết can đảm nhận ra những gì là phù phiếm, biết vứt bỏ đi những gì cồng kềnh đang cản trở chúng con là môn đệ Chúa, ngăn cản chúng con hi sinh cho Chúa. Amen.
Joseph Vũ Văn Được

Nguồn: Fb Vu Van Duoc Joseph

0 nhận xét:

Đăng nhận xét