LTCGVN (08.11.2013)
Câu nói của nhà thơ Nguyễn Duy đã được gợi ý thành tựa đề cho cuốn sách Bên Thắng Cuộc:
“Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì nhân dân đều bại.”
Nghiệm lại cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc ngày 20-7-1954 : Bên CSVN thắng thì nhân dân Miền Bắc Việt Nam mất hết đất đai tài sản do ông cha để lại, và mất luôn quyền tự do nhân phẩm của con người. Đúng là nhân dân bại.
Nghiệm lại cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30-4-1975 : Bên CSVN thắng thì nhân dân Miền Nam Việt Nam mất hết đất đai tài sản do mồ hôi nước mắt mình làm ra, và mất luôn tự do nhân phẩm của con người. Cũng đúng là nhân dân bại.
Trước năm 1975 tôi buồn cười cho câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu : “Đất nước còn, còn tất cả; đất nước mất thì mất tất cả”. Thuở đó tôi cho rằng nếu mất thì chỉ có ông mất cái chức tổng thống chứ tôi có gì để mà mất”? Nhưng rồi sau tháng Tư năm 1975 tôi bàng hoàng khám phá ra rằng : Khi đất nước mất vào tay Cọng sản thì nhân dân đều mất tất cả, từ đất đai tài sản cho đến quyền làm người.
Suy cho cùng, một khi CSVN thắng thì nhân dân Việt Nam bại. Chí lý thay và cũng đau xót lắm thay : Hằng triệu người đã bị lùa lên rừng sống kiếp lượm hái của loài vượn khỉ trong một chương trình gọi là “kinh tế mới”. Hằng triệu người xông bừa ra Biển Đông để rồi hằng năm có tới hằng trăm ngàn bà mẹ nhìn về Biển Đông mà khóc than cho cái chết thảm thiết của con mình.
Ngày mà cuốn sách Bên Thắng Cuộc được phát hành tại Hoa Kỳ cũng là ngày mà người Mỹ phải bật khóc khi chứng kiến 20 trẻ thơ vô tội bị giết hại. Nhưng hãy khoan chia sẻ với người Mỹ, mà hãy đếm giùm tôi bao nhiêu thiếu nữ Việt Nam bị hãm hiếp đến chết rồi bị quăng thây trên Biển Đông? Ai phải chịu trách nhiệm về những đau đớn này? Có oan hay không khi tôi đổ tội cho “Bên thắng cuộc”?
Ông Vũ Ánh, một người luôn luôn nhân danh 13 năm ở tù của mình để chống lại cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, giờ đây lại cũng nhân danh 13 năm ở tù của mình để ca tụng Bên Thắng Cuộc :
“Những người Cộng sản Miền Bắc tấn công Miền Nam Việt Nam trước và dưới cái nhãn “giải phóng và thống nhất đất nước”. Miền Nam Việt Nam chống trả dưới cái nhãn khác, đó là “tiền đồn của thế giới tự do”. Cả hai bên lao vào một cuộc huyết nhục tương tàn với súng đạn hai bên chẳng do người Việt Nam sản xuất. Chúng đến từ Nga, Tầu và Mỹ. Hai bên cứ thế mà lao đầu vào chém giết nhau…”
Có đúng là Miền Bắc “giải phóng và thống nhất đất nước” hay không ? Câu trả lời là chính ông Mao Trạch Đông cũng không dám giải phóng Đài Loan, Hồng Kông; và người Đông Đức không dám giải phóng Tây Đức bởi vì họ biết cho dầu thắng cuộc thì họ sẽ không nhận được gì, mà chỉ là nhân dân của họ chết và đất nước của họ đổ nát hoang tàn.
Có đúng là Miền Nam Việt Nam chống trả vì muốn làm “tiền đồn cho thế giới tự do”? Một đứa trẻ con Miền Nam cũng trả lời được câu hỏi này : “Người Miền Nam chiến đấu chỉ là để bảo vệ sự bình an cho mọi người. Họ ý thức được rằng, nếu để cho CSVN chiếm được Miền Nam thì con người sẽ không còn được sống như giống người, và mọi người sẽ bị cướp đi tất cả đất đai tài sản mà cha ông mình để lại và sẽ mất đi cái quyền làm con người mà Thượng đế đã ban cho kể từ khi mới sinh ra”. Chính cái gương của những người Miền Bắc tị nạn Cọng sản đã cho người Miền Nam biết rõ điều này.
Ông Vũ Ánh đã mang tội “tố điêu” khi cho rằng người Miền Nam chống cộng cho thế giới tự do, hay nói cụ thể hơn là chiến đấu cho Mỹ. Ông Vũ Ánh cũng mang tội nhục mạ người Việt Nam khi ông diễn tả một cách khinh bỉ là : “Hai bên cứ thế mà lao đầu vào chém giết nhau”.
So lại với Bên Thắng Cuộc của Huy Đức thì Huy Đức không hề có ý như thế, trái lại Huy Đức đã vạch trần cái dã man và sự dốt nát của tập đoàn lãnh đạo CSVN một khi họ trở thành bên thắng cuộc. Dưới con mắt nhìn của Huy Đức, những nhà lãnh đạo CSVN đã hiện nguyên hình là những tên ăn cướp tàn ác và vô cùng gian xảo. Những gì mà Huy Đức đưa ra là bằng chứng chứng minh về những thủ đoạn thâm độc của CSVN đối với nhân dân Việt Nam như : Học tập cải tao, Kinh tế mới, Nạn kiều, Đoàn tụ, Phản động, Gian thương, Đánh tư sản, Vượt biên, Tị nạn, Thanh niên xung phong…
Còn đối với phía thua cuộc, ông Vũ Ánh viết : “một số tướng lãnh hay các sĩ quan cao cấp không ngại ngùng nói thẳng ra chuyện các ông bỏ đơn vị, bỏ lính của mình như thế nào để thoát ra nước ngoài trong cơn lốc nghiêng ngửa của Miền Nam. Những cuốn sách ấy không thể là những thắc mắc mà cho tới bây giờ vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát, đó là: “Một quân đội thiện chiến, quả cảm, chiến đấu không mệt mỏi trong một cuộc chiến dài và đẫm máu như thế, tại sao họ vẫn thất bại”?
Nghĩa là cho tới bây giờ, 2013, ông Vũ Ánh vẫn làm như không biết vì sao người lính Miền Nam buông súng ! Ông viện bằng chứng là không có cuốn sách nào của bên thua cuộc giải thích được điều này.
Thế thì tôi xin gửi tới ông Vũ Ánh cách giải thích của một sĩ quan VNCH đã phổ biến từ năm 1999 :
- Chúng tôi buộc phải đầu hàng vì không còn gạo, không còn đạn nữa. Nói như vậy có nghĩa là chúng tôi không còn được viện trợ về kinh tế cũng như quân sự của Hoa Kỳ.
– Nhưng mà trên thực tế vẫn còn gạo, vẫn còn đạn?
– Cái sự còn đó không quá 3 tháng, sau đó chúng tôi cũng hành động y như vậy thôi.
– Nhưng mà mình phải chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và người cuối cùng.
– Để đạt được điều gì? Sau khi người cuối cùng nằm xuống thì sự thể vẫn xảy ra y như vậy nhưng lại có thêm hàng triệu gia đình mất con, mất cha. Chúng tôi là những người chỉ huy, chúng tôi có nên sử dụng sinh mạng của binh sĩ vào một việc mà biết chắc rằng sẽ không đi đến đâu hay không?( Bùi Anh Trinh, Bối Cảnh Lịch Sử Chính Trị Việt Nam, quyển hạ, trang 87b ).
Đây không phải là giải thích theo quan điểm riêng của cá nhân tôi, mà là giải thích theo quan điểm của ông Tổng tư lệnh của chúng tôi, ông ta đã nói thẳng với người Mỹ :
- “Các ông đã để chiến sĩ của chúng tôi chết đuối dưới làn mưa đạn của địch. Đó là một hành động vô nhân đạo của một đồng minh vô nhân đạo. Đó là một lý do tại sao, khi phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ đến đây, tôi nói với họ rằng, đây không phải là vấn đề 300 triệu nữa mà là vấn đề còn giữ lời hứa giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc bảo vệ tự do và độc lập của họ hay không. Chính vì lý tưởng tự do này mà người Hoa Kỳ đã chiến đấu sát cánh cùng chúng tôi và cũng vì đó mà 50 ngàn người Hoa Kỳ đã hy sinh xương máu ở đây”.
Chính ông Vũ Ánh đã phụ trách chuyển bài diễn văn này lên làn sóng của đài phát thanh Quốc gia Việt Nam Cọng Hòa vào đêm 21-4-1975. Không lẽ ông không nhớ? Hay là ông không hiểu ?
Rõ ràng là ông đã hiểu, bởi vì ông viết : “…nhưng đã có ai trong số những người lãnh đạo quân sự và chính trị còn sống ở đây dám đứng ra nhận lỗi với chính những người thua cuộc và dân chúng còn ủng hộ bên thua cuộc dù đã để mất miền Nam Việt Nam không, hay họ vẫn cứ vẫn dễ dãi đổ tất cả tội lỗi cho Mỹ và Dương Văn Minh”?
Giờ đây khi mà tất cả các tài liệu mật đã được giải mã, ông Vũ Ánh lại cho rằng bên thua cuộc đã đổ lỗi cho người Mỹ để chạy tội của mình. Tới đây thì đã đủ, xin chớ nhục mạ vong linh của những người đã ngã xuống tại trận tiền cũng như những người đã nằm xuống trong uất hận câm nín. Hãy để cho con cháu của họ nghĩ tốt về họ, đúng như con người thực của họ; đừng vì mưu lợi riêng mà bôi bác hình ảnh thiêng liêng trong lòng con cháu những chiến sĩ VNCH. Đó là một việc ác và đê tiện, bởi vì những người đã từng quyết định nhờ vợ nuôi con để tự mình đem thân đi chết nơi trận địa thì không thể nào đê hèn đến nỗi thua cuộc thì đổ cho đồng minh của mình.
Hãy thử lấy chuyện Hoàng Sa làm ví dụ : Vào tháng 4-1972, hai tháng sau cuộc thăm viếng Bắc Kinh của Tổng thống Nixon, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc tàu thuyền của Hoa Kỳ lảng vảng gần quần đảo Hoàng Sa. Hồi ký của Kissinger cho biết lúc đó ông ta đã trả lời cho Trung Quốc : “Không có gì trở ngại về phía chúng tôi. Hải quân HK sẽ nhận được lệnh cách xa các đảo đó 12 dặm ( Without prejudice to our legal position on territorial waters, our Navy would be instructed to stay at a distance of twelve miles from the islands”. Kissinger, The White House years, trang 1114 ). Đây là bằng chứng xác nhậnKissinger công nhận Hoàng Sa thộc chủ quyền của Trung Quốc.
Sau khi trận Hoàng Sa kết thúc, Chính phủ Pháp, Chính phủ Canada, Chính phủ Thụy Điển, Chính phủ Liên Xô lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm lăng lãnh thổ VNCH, đặc biệt Chính phủ Hoa Kỳ không lên tiếng. Đây là bằng chứng chứng minh Chính phủ Hoa Kỳ đã thông đồng với Trung Quốc về vụ xâm lăng Hoàng Sa. Trước đó 24 ngày Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger đang viếng thăm Bắc Kinh, nghĩa là Trung Quốc đã điều động quân đội của họ chiếm Hoàng Sa ngay khi Kissinger vừa rời Bắc Kinh.
Theo bình luận gia thời cuộc Nayan Chanda : “Chính phủ Thiệu lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ nhưng chỉ nhận được lời từ chối nhã nhặn. Ngũ Giác Đài nói rằng họ không hay biết gì về yêu cầu giúp đỡ của Nam Việt Nam, và Hạm đội Bảy của HK đang hoạt động trong vùng xảy ra chiến sự. Một cố vấn HK của lực lượng Hải quân Nam Việt Nam bị quân Trung Quốc bắt giữ đã được âm thầm cho hồi hương vài tuần sau đó” ( Brother Enemy, trang 21 ).
Những người ở bên thua cuộc đã đọc hồi ký của Kissinger và đọc sách của Nayan Chanda. Những sách này đã nói quá rõ rồi. Thế nhưng bên thua cuộc vẫn phải giấu con cháu của mình vì nói ra càng thêm nhục. Để rồi giờ đây ông Vũ Ánh lớn tiếng cho rằng không có sách nào chứng minh được vì sao VNCH để mất Hoàng Sa. Trong khi đó ông Vũ Ánh lại ca ngợi Huy Đức đã dám đưa ra sự thực :
“Cũng năm 1973, ông Lê Duẩn kể với bà vợ Nguyễn Thụy Nga: “Khi Nixon thương lượng với Trung Quốc, nó ra điều kiện nếu Trung Quốc để cho Mỹ ném bom B52 ra miền Bắc thì Mỹ sẽ nhường hòn đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc.”
Mỹ đã bán Hoàng Sa cho Trung Quốc, nhưng vấn đề là Trung Quốc mua bằng gì? Cũng chính Huy Đức giải thích bằng lời của vợ Lê Duẩn : “Sau đó, Chu Ân Lai sang gặp anh ở Hồ Tây. Ông đi dưới bậc thang lên đưa tay, anh không bắt. Anh nói: ‘Các đồng chí đã bán đứng chúng tôi. Các đồng chí lấy xương máu của dân tộc Việt Nam để trả giá với Mỹ.”
Huy Đức đã đưa ra hành động khẳng khái của Lê Duẩn để tô son cho bên thắng cuộc. Có thể hiểu được ý này của Huy Đức bởi vì ông ta hít thở khí trời của bên thắng cuộc. Nhưng Vũ Ánh nhục mạ những người lãnh đạo VNCH rằng chỉ biết đổ tội cho Mỹ thì có công bình hay không? Đâu phải Tổng thống Thiệu không biết, đâu phải nhân dân Việt Nam không biết.
Cho đến nổi ngày nay ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Trương Tấn Sang cũng thừa nhận điều đó. Hãy vào Website truongtansang.net (An ninh Quốc phòng) hay nguyentandung.org (Thời sự) thì thấy Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng thủ tướng CSVN đều có đăng bài phỏng vấn “Có Một Giờ G Khác Vào Năm 1974” của Đại tá Nguyễn Thành Trung. Trong đó Nguyễn Thành Trung ca ngợi chế độ VNCH, ca ngợi phản ứng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước biến cố Trung Quốc chiếm Hoàng Sa.
Để bênh vực cho Tổng thống Thiệu, Nguyễn Thành Trung đã nói : “Hạm đội 7 của Mỹ trên biển không cứu các hạm đội của đồng minh Việt Nam Cộng hoà bị bắn chìm và bị thương trên đảo. Dường như vì lợi ích của mình, các quốc gia lớn có quyền mặc cả và thương lượng bất chấp sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác”. Nghĩa là Mỹ đã thương lượng giao Hoàng Sa của VNCH cho Trung Quốc.
Chẳng qua là ngày đó Nguyễn Văn Thiệu không nói được như Lê Duẩn bởi vì mình còn chiến đấu là nhờ gạo và đạn của người ta. Rồi mãi cho tới khi đọc hồi ký của Kissinger và bài phỏng vấn Nguyễn Thành Trung thì những người bên thua cuộc vẫn phải ngậm đắng nuốt cay bởi vì nói ra càng thêm nhục.
Chính vì người ta không lện tiếng cho nên ông Vũ Ánh viết : “Tôi không ngạc nhiên về những lời phán này bởi vì trong 20 năm sống ở Mỹ, thói quen của một số người thuộc phía thua trận là bác bỏ và phủ nhận bất cứ một cuốn sách nào từ phía những người thắng trận, nhưng không may, họ lại không thể trưng ra được một tác phẩm nào của họ để đối chiếu.
Ông Vũ Ánh cho biết đã đọc Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Tâm Tư Tổng Thống Thiệu nhưng ông phủ nhận hết những bằng chứng chứng minh tài năng lãnh đạo quốc gia của ông Nguyễn Văn Thiệu trước thù trong giặc ngoài, kể cả phải đối phó với những người chuyên lợi dụng cái vỏ bọc “người quốc gia” để đâm lén đồng đội cỡ như Vũ Ánh.
Còn đối với những người nào viết sách vạch trần âm mưu xảo quyệt của CSVN thì ông Vũ Ánh lại cười : “Trong một trận banh, bên nào lừa banh được thì bên đó dễ dàng xuyên thủng lưới đối phương. Bên thua khó lòng viện dẫn lý do là bên kia quỷ quyệt, chơi xấu nên mới thắng”.
Hoặc “Làm sao có ai trả lời được câu hỏi nếu như Miền Nam là bên thắng cuộc thì liệu sự trả thù có diễn ra với bên thua cuộc là miền Bắc hay không”? Bất cứ một đứa bé con Miền Nam nào cũng có thể trả lời được câu hỏi này, thế mà Vũ Ánh suy nghĩ đến già vẫn nghĩ không ra: Nếu Miền Nam thắng, nghĩa là đánh bật được quân CSVN ra khỏi Miền Nam Việt Nam thì người lính VNCH trả súng về quê xây dựng lại xóm làng, chứ có điên mới đi sách súng ra Miền Bắc giết người cướp của để trả thù!
Với lối viết trịch thượng như vậy nhưng hễ có ai phản đối với lời lẽ không được đẹp thì ông Vũ Ánh nguyền rủa : “Ấy vậy mà từ 37 năm qua, người dân ở đây cho biết chưa bao giờ họ được nhìn thấy hay được nghe những lời lẽ ôn tồn, lịch sự trong các cuộc thảo luận những vấn đề nhậy cảm”.
Cách đây 5 năm tôi đã bàn với ông Vũ Ánh để mong ông chấm dứt cái luận điệu xuyên tạc này. Nhưng có lẽ là ông Vũ Ánh chưa đọc hay đã đọc nhưng không chấp nhận. Vì vậy tôi đành phải lập lại cho mọi người đều biết:
(Trích trong sách Bối Cảnh Lịch Sử Chính Trị Việt Nam, quyển hạ, trang 490b) :
“Theo ông Vũ Ánh thì người ta nên chống cộng một cách có trình độ và có đường lối, chứ không nên bạ đâu chống đó, rồi nhiều khi những thái độ quá lố khiến cho chính nghĩa bị hạ giá đi”.
“Ông Vũ Ánh có lý của ông, nhưng tâm lý của những người biểu tình có chỗ hiểu được. Đó là do họ không có trình độ ăn nói, không có trình độ viết lách tầm cỡ như ông Vũ Ánh để có thể diễn tả lòng căm thù Cọng sản của riêng cá nhân họ. Trong khi đó thì những lời tham luận chính trị cao xa không làm cho họ … đã ngứa! Vì trình độ học vấn của họ có hạn cho nên họ đã nổi xung lên với những lời tuyên truyền hạ cấp của Cọng sản, những lời tuyên truyền đó khiến họ ngủ không yên giấc. Cán bộ Cọng sản đã bắt họ phải kêu ông bố của cô Kỳ Duyên bằng “thằng Kỳ” và kêu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bằng “thằng Thiệu” chứ không được kêu bằng ông Kỳ, ông Thiệu; hễ ai lỡ miệng kêu bằng ông thì bị mang ra kiểm điểm vì còn mang đầu óc sợ Mỹ, phục Mỹ”.
“Vì vậy mà họ đành nén uất hận để chờ có cơ hội là phát tiết. Nhưng rõ ràng các bài viết của ông Vũ Ánh không giúp họ phát tiết được nỗi uất hận đã chất chứa trong nhiều năm. Vì vậy mỗi khi có dịp được chưởi rủa Cọng sản thì họ không dại gì mà không tuôn ra những lời hạ cấp mà họ cho rằng lấy gậy ông đập lưng ông: “Mày đã chơi tao bằng những đòn hạ cấp và mày đã thắng tao nhờ tuyên truyền hạ cấp, vậy thì tại sao tao lại không dùng những thứ đó để đáp trả lại mày?” Và họ cảm thấy được hả hê phần nào mỗi khi có dịp phát tiết được nỗi uất hận của mình, nếu không thì chắc có ngày họ sẽ điên lên mất”.
“Ông Vũ Ánh chỉ nói đúng khi nào chính ông hay ai đó nói thay cho họ hoặc đứng ra lãnh đạo họ, chỉ cho họ thấy nên tranh đấu như thế này, nên phát biểu như thế kia. Thì lúc đó họ sẽ nghe theo người lãnh đạo, như họ đã từng nghe theo lãnh tụ Nguyễn Cao Kỳ hay lãnh tụ Hoàng Cơ Minh trong những ngày đầu được đứng trên bến bờ tự do. Tuy nhiên đáng tiếc là ông Nguyễn Cao Kỳ đã bỏ cuộc và ông Hoàng Cơ Minh đã bị thanh toán. Thế thì tại sao lại trách họ không có tổ chức và không có đường lối? Đâu phải lỗi của họ? Vậy những lần họ hô lên lời chống cộng trong một dịp vu vơ nào đó thì cũng là lúc họ được vơi đi nỗi niềm”.
“Dĩ nhiên là lời nguyền rủa của họ không hay, không văn vẻ. Nhưng khả năng bày tỏ của họ đã được Trời ban cho như thế nào thì xin cho họ được phép bày tỏ như thế đó. Hơn nữa, dù sao cái lối bày tỏ mộc mạc như vậy cũng không phải là vô ích, nó cũng đánh động được lương tâm của một ai đó. Ví dụ như trong vụ Trần Trường. Cuộc biểu tình của người Việt tại Quận Cam đã khiến cho người Hoa Kỳ ngạc nhiên vì họ chống lại tu chính án số 1 của Hoa Kỳ, tức là quyền tự do phát biểu tư tưởng. Ông Trần Trường có cái quyền hợp lý đó”.
“Thế nhưng rồi người Hoa Kỳ đã hiểu. Họ biết là người Việt Nam căm thù Cọng sản đến độ nào. Và hình ảnh của ông Hồ xuất hiện tại nơi người Việt tị nạn thì có nghĩa là khiêu khích. Chẳng khác nào trương hình Hitler tại nơi cư ngụ của cộng đồng người Do Thái. Người Hoa Kỳ biết được điều đó không phải bằng những bài phân tích chính trị của những người có trình độ như ông Vũ Ánh. Mà là qua nét mặt của những người biểu tình. Người nào nói không hay thì la hét, người nào la khản cổ thì quơ chân múa tay. Thậm chí người nào không biết la, không biết quơ tay thì … đứng khóc”.( Hết trích )
Giờ đây những người đã từng quơ chân múa tay trên phố Bolsa rất muốn hỏi ông Vũ Ánh những câu hỏi chân tình nhưng lại sợ ông Vũ Ánh chê là thiếu lịch sự. Họ đành phải nhờ tôi nêu lên câu hỏi mộc mạc của họ : “Lâu nay mình cứ chưởi Phạm Văn Đồng bán Hoàng Sa cho Trung Quốc, nay theo như Bên Thắng Cuộc thì Mỹ mới là người bán Hoàng Sa cho Trung Quốc. Vậy thì phải chưởi cái người bán Hoàng Sa chớ sao lại cứ chưởi người mua? Còn cái tay Huy Đức đã khẳng định Mao Trạch Đông mua đảo Hoàng Sa bằng máu của nhân dân Việt Nam nhưng sao không dám nói luôn là đứa nào đã bắt nhân dân Việt Nam phải đổ máu ra cho họ Mao?
Có lẽ Huy Đức không dám trả lời nhưng tôi biết Vũ Ánh trả lời được. Lâu nay Vũ Ánh chưa bao giờ nghẹn trước câu hỏi của giới bình dân. Vậy tôi chờ.
BÙI ANH TRINH
Nguồn: Báo Tổ Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét