Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

[Video VietCatholic] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 24-30/5/2013 - Thế giới Công Giáo cầu nguyện cùng Đức Thánh Cha


Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

 
LTCGVN (01.06.2013)

1. Thông báo về giờ cầu nguyện chung ngày 2 tháng 6

Trước khi bắt đầu chương trình hôm nay, chúng tôi xin lưu ý quý vị và anh chị em là theo thông báo của Tòa Thánh vào ngày Chúa Nhật 02 tháng Sáu, tức là Chúa Nhật Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả người Công Giáo trên toàn thế giới cùng cầu nguyện với ngài cho Giáo Hội được thánh thiện hơn để đương đầu với những thách đố cam go và phức tạp; cho anh chị em tín hữu Kitô ngày nay vẫn còn đang bị bách hại khốc liệt trên thế giới; cho những người đau khổ; và cho những người bị loại ra ngoài lề xã hội.

Đây là biến cố lịch sử chưa từng xảy ra khi tất cả người trên thế giới cùng hiệp ý cầu nguyện với Đức Thánh Cha trong cùng một thời khắc.

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichellla, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm Hoá cho biết:

"Đây sẽ là một thời khắc lịch sử, bởi vì trong một tiếng đồng hồ các Vương Cung Thánh Đường trên toàn thế giới sẽ hiệp thông với Đức Giáo Hoàng trong giờ chầu Thánh Thể. Chúng tôi đã nhận được một sự hỗ trợ lớn cho sáng kiến này: giờ đây sáng kiến này vượt qua giới hạn của các Vương Cung Thánh Đường để lan rộng đến các hội đồng giám mục, các giáo xứ và dòng tu, đặc biệt là dòng kín và các tu hội".


Để hiệp thông với Đức Thánh Cha, chúng ta được mời gọi để chầu Mình Thánh Chúa tại các Vương Cung Thánh Đường hay tại các nhà thờ có tổ chức Chầu Mình Thánh Chúa. Ở những vùng xa xôi hẻo lánh, hay trong những hoàn cảnh không thể tham dự được cùng với cộng đoàn, chúng ta hãy hướng lòng về Thánh Đô Rôma hiệp thông cùng với Đức Thánh Cha trong Kinh Mân Côi. 

Giờ cầu nguyện chung toàn thế giới sẽ diễn ra vào ngày Chúa Nhật 2 tháng Sáu từ 5h tới 6h chiều giờ Rôma. Tại California là 8h sáng Chúa Nhật. Tại Washington DC và Ottawa là 11h giờ sáng.Tại Việt Nam lúc ấy là 10 giờ tối. Tại Perth là 11 giờ tối. Tại Adelaide là 0h 30 ngày thứ Hai. Tại Brisbane, Sydney, và Melbourne là 1 giờ sáng ngày thứ Hai. 

Đức Tổng Giám Mục Jose Octavio Ruiz Arenas, tổng thư ký Hội Đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm Hoá nhận định rằng:

“Thật là khích lệ lớn lao cho tất cả các Kitô hữu khi biết rằng chúng ta đang cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha cho cùng những ý chỉ chung. Trước hết, chúng ta cầu xin cho Giáo Hội được thánh thiện hơn, tinh khiết hơn và không vướng bụi trần. Sau đó, chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu trở nên là hiện thân của tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Cuối cùng, cho một điều rất thân thiết với Đức Thánh Cha là những người đau khổ và bị gạt ra ngoài lề xã hội"

2. Đức Thánh Cha Phanxicô ướt đẫm nước mưa trong buổi triều yết chung 29/05/2013

Dưới bầu trời xám xịt và sau đó là mưa tầm tã, một con số kỷ lục là 90,000 anh chị em tín hữu đã đứng chật quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi triều yết chung với Đức Thánh Cha. Bất chấp mưa và gió lộng, Đức Thánh Cha đã đi trên chiếc xe jeep mui trần để chào đón những người hành hương. Ngài ướt đẫm nước mưa.

Khi tiến lên lễ đài, Đức Thánh Cha đã phải dừng lại để lau khuôn mặt ướt đẫm của ngài trước khi bắt đầu buổi triều yết chung thứ Tư 29 tháng Năm.

Trong buổi triều yết chung hôm nay, Đức Thánh Cha đề cập đến vấn đề gay góc là một ý tưởng sai trái nhưng khá phổ biến trong xã hội khi nhiều người nói: “Tin Chúa nhưng không thuộc về Giáo Hội” hay “Tin Chúa nhưng không tin các linh mục”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng bất chấp những khổ đau và tội lỗi của nhân loại, Giáo Hội mang con người đến gần với Thiên Chúa, và thực chất, Giáo Hội là hiện thân đại gia đình con cái Chúa trên trần gian.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trong buổi triều yết chung hôm nay tôi muốn nói về Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa. Giống như người cha nhân hậu trong dụ ngôn người con hoang đàng, Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta sống trong tình yêu của Ngài và chia sẻ sự sống của Ngài. Giáo Hội là một phần thiết yếu trong kế hoạch này của Thiên Chúa, chúng ta đã được tạo dựng để biết và yêu mến Thiên Chúa và, bất chấp tội lỗi của chúng ta, Ngài tiếp tục kêu gọi chúng ta trở về với Ngài.

Khi đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con của Người đến với thế gian để khai mạc một giao ước mới và vĩnh cửu với nhân loại qua hy tế của Chúa Kitô trên thập giá. Từ hành động tột đỉnh này của tình yêu hòa giải, Giáo Hội được sinh ra, trong nước và máu chảy từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Kitô.

Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần Chúa đã sai các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa đến tận cùng trái đất. Chúa Kitô không bao giờ có thể bị tách rời khỏi Giáo Hội của Người, là Giáo Hội mà Ngài đã thiết lập như một đại gia đình con cái Thiên Chúa.

Hôm nay, chúng ta hãy cam kết canh tân tình yêu của chúng ta đối với Giáo Hội và để Giáo Hội thật sự là gia đình các con cái Chúa, nơi mà tất cả mọi người cảm thấy được hoan nghênh, thông cảm và yêu thương. 

3. Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm và dâng thánh lễ tại một giáo xứ thuộc giáo phận Rôma

Hôm Chúa Nhật 26 tháng 05, Lễ Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm và dâng thánh lễ đầu tiên tại một giáo xứ thuộc giáo phận Rôma. Giáo xứ được Đức Thánh Cha viếng thăm là giáo xứ thánh Elisabeth và Dacaria. 

Đức Thánh Cha đến giáo xứ vào lúc 8h45. Ngài gặp gỡ và chào hỏi các gia đình và trẻ em được rước lễ lần đầu cũng như các bệnh nhân phải ngồi xe lăn. Thánh lễ bắt đầu vào lúc 9h30. Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã tự mình trao Mình Thánh Chúa cho các trẻ em được rước lễ lần đầu và các bậc phụ huynh. 

Các trẻ em đã là trung tâm của buổi lễ. Thật vậy, Đức Thánh Cha đã dành phần lớn bài giảng của ngài để giảng về Chúa Ba Ngôi cho trẻ em.

Ngài nói:

“Cha hỏi các con: ‘Ai trong các con biết Thiên Chúa là ai’. Nào, các con hãy giơ tay lên, hãy nói cho cha biết! Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất. Và có bao nhiêu Chúa, phải một không các con? Nhưng có người nói với cha rằng, Thiên Chúa là ba: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần! Làm sao để giải thích điều này? Có một nhưng lại là ba? Và làm sao có thể giải thích rằng, một Đấng là Chúa Cha, Đấng khác là Chúa Con, và Đấng khác nữa là Chúa Thánh Thần? Nói lớn lên các con. Lớn hơn nữa. Đúng rồi. Ba là một, Ba Ngôi trong một.”

Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất trong chuyến viếng thăm này là vào cuối Thánh Lễ các trẻ em được rước lễ lần đầu đã lên bàn thờ và cầu chúc muôn ơn lành cho Đức Giáo Hoàng bằng cách hát bài ‘Lời Cầu Chúc của Thánh Phanxicô’. Trong khi các trẻ em hát bài này, Đức Giáo Hoàng cúi mình về phía trước, như ngài đã làm trong buổi tối đầu tiên của triều đại giáo hoàng của ngài, khi các tín hữu trên Quảng trường Thánh Phêrô cầu nguyện cho ngài. 

Đức Giáo Hoàng cũng cảm ơn các linh mục trong giáo xứ chào đón ngài và yêu cầu các vị, cũng như anh chị em tiếp tục là những "tuần canh" trong các vùng ngoại ô.

Đức Thánh Cha nói:

"Kính thưa vị tuần canh thứ nhất, vị tuần canh thứ hai, và các vị tuần canh, tôi thích những gì anh chị em nói. Đó là từ ngữ ‘ngoại ô’ mang cả hai ý nghĩa tiêu cực và tích cực. Anh chị em biết tại sao không? Bởi vì thực tại như một tổng thể được hiểu tốt nhất không phải từ trung tâm của nó, nhưng từ các vùng ngoại ô. Anh chị em cũng có thể hiểu tốt hơn về những gì anh chị em đã nói là hãy trở thành những người canh giữ"

Đức Thánh Cha giải thích rằng ngài đã đến thăm giáo xứ không chỉ trong tư cách là vị Giáo Hoàng nhưng chủ yếu là trong tư cách Giám Mục Rôma. Ngài cũng đã có vài lời giới thiệu cho hai vị thư ký riêng của mình là Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein và cha Alfred Xuereb.

"Anh chị em biết rõ hai linh mục này. Các vị là thư ký của Đức Giáo Hoàng. Nhưng Đức Giáo Hoàng là tại Vatican: hôm nay, người ở đây là Đức Giám Mục Roma! Cả hai vị đều rất tốt. Nhưng hôm nay một trong hai vị là cha Alfred, kỷ niệm 29 năm chịu chức của ngài! Anh chị em hãy mừng ngài bằng một tràng pháo tay! Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài, xin Chúa ban cho ngài ít nhất là 29 năm linh mục nữa"

Sau buổi lễ, Đức Giáo Hoàng đi thăm các đường phố gần giáo xứ và ban phép lành cho dân chúng.

4. Đức Giáo Hoàng nói về mafia: Chúng ta hãy cầu nguyện để họ biết hoán cải

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói về mafia và những hậu quả tiêu cực của nó.

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi đang suy nghĩ với nỗi buồn về những người nam nữ, thậm chí cả trẻ em, đang bị khai thác bởi nhiều thứ mafia, là những kẻ bắt họ phải làm công việc khiến họ trở nên nô lệ, như mại dâm chẳng hạn, với rất nhiều áp lực xã hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hoán cải trái tim của họ, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa cho những người nam nữ mafia biết hoán cải".

Những lời của Đức Thánh Cha có liên hệ đến một linh mục tử đạo là cha Giuseppe Puglisi, là người vừa được phong chân phước vào cuối tuần qua. Cha Giuseppe đã bị nhóm mafia "Cosa Nostra" giết hại cách đây 20 năm vào năm 1993.

Rất hùng hồn, Đức Thánh Cha nói:

"Cha Giuseppe là một linh mục đầy gương mẫu. Ngài đã dâng hiến cuộc đời một cách đặc biệt cho công việc mục vụ giới trẻ, bằng cách giáo dục những người trẻ theo tinh thần Tin Mừng để mang họ ra khỏi thế giới của tội ác. Vì thế, Ngài đã bị chống đối và giết chết. Tuy vậy, trên thực tế, chính Ngài là người chiến thắng cùng với Đức Kitô phục sinh. Chúng ta tạ ơn Chúa vì tấm gương sáng ngời này, chúng ta hãy gìn giữ gương mẫu của ngài."

Suy tư về ý nghĩa lễ Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha giải thích rằng Chúa Thánh Thần không phải là một khái niệm mơ hồ, nhưng một cái gì đó rõ ràng và trực tiếp.

Đức Thánh Cha nói:

"Ánh sáng của lễ Phục sinh và Lễ Hiện Xuống canh tân mỗi năm trong chúng ta niềm vui và sự tự vấn đức tin để nhận ra rằng Thiên Chúa không phải là một khái niệm mơ hồ, hay trừu tượng, nhưng có một cái tên: “Thiên Chúa là tình yêu” Đó không phải là một tình cảm, một cảm xúc, nhưng là tình yêu của Chúa Cha, Đấng là nguồn gốc của mọi sự sống, là tình yêu của Chúa Con đã chết trên thập giá và đã sống lại, là tình yêu đổi mới con người và thế giới của Chúa Thánh Thần. "

Một nhóm các tín hữu hành hương Trung Quốc cũng có mặt trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Giáo Hoàng. Ngày 24 tháng 5, đánh dấu ngày mà tất cả người Công Giáo được mời gọi cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, nơi mà tự do tôn giáo không được tôn trọng. Đức Thánh Cha đã cám ơn nhóm này đã thăm Tòa Thánh và ngài cầu nguyện với Đức Mẹ, để Mẹ phù hộ tất cả các Kitô hữu.

5. Vị Giám mục Trung Quốc bị quản thúc sử dụng phương tiện truyền thông để khuyến khích khách hành hương

Đức Giám Mục bị giam lỏng Mã Đạt Khâm của Thượng Hải đã sử dụng phương tiện truyền thông để hướng dẫn các tín hữu cầu nguyện khi người Công Giáo Trung Quốc kính trọng thể Đức Mẹ Xà Sơn vào ngày 24 tháng Năm, và cũng là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc.

Đức Giám Mục Mã Đạt Khâm, người đang bị quản thúc tại một địa điểm bí mật ở Xà Sơn, được Tòa Thánh chuẩn nhận là Giám mục hợp pháp của Thượng Hải. Đức Cha đã bị bắt hôm 8/7/2012, một ngày sau khi ngài được truyền chức Giám Mục Phụ Tá Thượng Hải vì trong lễ tấn phong giám mục của mình, ngài đã tuyên bố rút ra khỏi Hiệp hội Yêu nước do chính quyền hậu thuẫn. 

Dù bị giam, ngài đã tiếp tục đưa các bài viết lên mạng xã hội, khuyến khích các tín hữu Công Giáo cầu nguyện, nhất là cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. 

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã thiết lập ngày 24 tháng Năm là Ngày cầu nguyện đặc biệt cho Giáo Hội tại Trung Quốc. Ngày này trùng với ngày hành hương hàng năm đến Đền Đức Mẹ Xà Sơn, gần Thượng Hải.

Khi kết thúc thánh lễ hằng ngày tại nhà nguyện ở Nhà trọ Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu cộng đoàn cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc. Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng, có sự đồng tế của Đức Tổng Giám Mục Saviô Hàn Đại Huy, vị Thư ký người Trung Quốc của Thánh Bộ Loan báo Tin Mừng, được kết thúc với một bài Thánh ca về Đức Mẹ Trung Quốc.

6. Đức Thánh Cha và các Giám Mục Italia tuyên xưng đức tin

Lúc 6 giờ chiều 23 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô và hàng Giám Mục Italia đã long trọng tuyên xưng đức tin tại Đền thờ thánh Phêrô nhân dịp Năm Đức Tin.

Buổi lễ này cũng trùng vào dịp Hội Đồng Giám Mục Italia kết thúc khóa họp toàn thể thứ 65 tại Vatican và kết thúc chương trình hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh kể từ đầu năm đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô gặp toàn bộ các Giám Mục của 226 giáo phận ở Italia.

Hiện diện tại Đền thờ có hơn 7 ngàn tín hữu, trong đó có đông đảo các linh mục và nữ tu.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Itallia, đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha. 

Đáp lại, Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nồng nhiệt cám ơn các Giám Mục và khích lệ các vị trong các việc cam go được bàn đến trong khóa họp, đặc biệt là tăng cường vai trò của các Hội Đồng Giám Mục miền và giảm bớt con số quá đông các giáo phận tại Italia. Công việc này hiện do một Ủy ban nghiên cứu và Đức Thánh Cha nói là ngài biết những khó khăn mà Ủy ban gặp phải.

Buổi tuyên xưng đức tin được mở đầu với bài Thánh Ca năm Đức Tin và diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha diễn giải câu hỏi của Chúa Giêsu với thánh Phêrô “con có yêu mến Thầy không?” và nhấn mạnh rằng “Mỗi thừa tác vụ trong Giáo Hội đều dựa trên cuộc sống thân mật với Chúa; bởi Chúa chính là mẫu mực việc phục vụ của chúng ta trong Giáo Hội, được biểu lộ qua thái độ sẵn sàng vâng phục, hạ mình xuống và hiến thân trọn vẹn”.

7. Đức Giáo Hoàng nhận được bộ hành trang World Youth Day

Chỉ còn hai tháng nữa là đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Để sẵn sàng cho chuyến đi lớn đến Brazil, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp tổng giám mục của Rio, Orani João Tempesta, và với một nhóm các nhà tổ chức World Youth Day hôm thứ Sáu 24 tháng Năm. Trong cuộc họp, các vị đã bàn về tất cả các chi tiết trước ngày trọng đại vào ngày 23 Tháng Bảy.

Để chuẩn bị cho Đức Giáo Hoàng trong chuyến đi lớn phía trước, ban tổ chức đã dâng lên ngài một bộ hành trang World Youth Day, bao gồm cả ba lô, một đĩa CD, và những hình ảnh về bức tượng Chúa Giêsu tại Rio De Janeiro

8. Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy tìm kiếm sức mạnh ngay cả trong bối cảnh của những thách thức của cuộc sống

Trong Thánh Lễ buổi sáng hôm thứ Sáu 24 tháng 5 tại nhà trọ Casa Santa Marta, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng các Kitô hữu cần phải kiên nhẫn khi đối mặt với khó khăn. Ngài khuyến khích họ đáp ứng với tình yêu và sự tha thứ ngay cả trong thử thách.

Đức Thánh Cha nói:

"Chịu đựng đau khổ là chấp nhận những khó khăn của cuộc sống và mang vác chúng trên vai với sức mạnh. Như thế, khó khăn không kéo chúng ta xuống được. Mang vác chúng với sức mạnh là một nhân đức Kitô giáo! Thánh Phaolô đã nói nhiều lần: hãy chịu đựng, hãy nhẫn nại. Điều này có nghĩa là không để những khó khăn đè bẹp chúng ta. Nghĩa là Kitô hữu có sức mạnh để không bỏ cuộc, để đương đầu trước khó khăn với sức mạnh. Hãy đương đầu với khó khăn, nhưng đương đầu với sức mạnh. Không phải dễ đâu, vì chán nản ập đến, và ta bị thôi thúc bỏ cuộc: "Ồ, thôi nào, chúng ta đã làm những gì chúng ta có thể nhưng chẳng đi tới đâu." Nhưng không, cần có ân sủng để chấp nhận chịu đựng. Trong gian truân, chúng ta phải nài xin ân sủng này. "

Vì là ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, nên Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đàn Huy, tổng thư ký Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc, và một nhóm đến từ Trung Quốc cũng tham dự Thánh Lễ

9. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các đại biểu từ Bulgaria và Macedonia

Ngày 24 tháng 5, Bulgaria và Macedonia kỷ niệm cuộc sống của hai thánh Cyril và Methodius, là các vị đã phát minh ra bảng chữ cái Cyrillic. Các ngài cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa và rao giảng Tin Mừng Kitô giáo trong các nước vùng Baltic.

Để đánh dấu ngày, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ Thủ tướng Bulgaria và Chủ tịch quốc hội Macedonia.

Đức Thánh Cha đã gặp gỡ Thủ tướng Bulgaria, Marin Raykov, trong khoảng 30 phút.

Đức Giáo Hoàng đã trao cho thủ tướng một vật dùng để mở thư trong khi Thủ tướng tặng lại ngài một bức tranh bằng bạc xi vàng với những cảnh của Tin Mừng.

Đức Thánh Cha cũng đã gặp gỡ ông Trajko Valjanoski, người đang giữ chức chủ tịch quốc hội Macedonia.

Ông chủ tịch không bỏ lỡ cơ hội để mời Đức Giáo Hoàng đến thăm đất nước của mình.

"Đó là một niềm vui lớn để chào đón ngài, thưa Đức Thánh Cha. Con có vinh dự được chính thức mời ngài đến thăm Cộng hòa Macedonia. Đất nước đã sẵn sàng để chào đón Đức Giáo Hoàng.

"Sự thật là ở đây chúng con cảm thấy như ở nhà, nhưng chúng con sẽ rất vui khi có Đức Thánh Cha là khách mời của chúng con. Chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ rất quan trọng đối với Cộng hòa Macedonia. "

Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với Valjanoski trong khoảng 20 phút.

Phái đoàn ngoại giao của Macedonia, cũng tha thiết đưa ra lời mời Đức Giáo Hoàng.

"Chúng con mời Đức Thánh Cha đến thăm chúng con, để trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm Macedonia."

Valijanoski đã trao tặng Đức Giáo Hoàng một món quà mà ông gọi là “món quà khiêm tốn”

"Đó là một món quà khiêm tốn từ Macedonia của quốc hội, phản ánh 1.200 năm truyền thống."

Đáp lại, Đức Giáo Hoàng tặng ông vật dụng để mở thư, rất đơn giản.

"Món quà của tôi thậm chí còn khiêm tốn hơn. Nhưng đó là từ trái tim. "

Trước khi từ giã Đức Thánh Cha, đoàn khách của quốc hội Macedonia đã nhắc lại lời mời một lần nữa.

- "Chúng con hy vọng chúng ta gặp lại nhau tại Macedonia."

- "Hy vọng, nhưng chúng ta hãy cầu nguyện."

Cho đến nay, kế hoạch dành cho các chuyến đi quốc tế của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong năm 2013 chỉ là đến Rio Brazil, nơi ngài sẽ chủ sự Ngày Giới trẻ Thế giới.

10. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa

Đức Thánh Cha đã dành thời gian đến thăm Dòng Thừa Sai Bác Ái để mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Bếp ăn miễn phí của Tòa Thánh Vatican. Tại đây có một nhóm các nữ tu chăm sóc cho những người nghèo và túng quẫn từ ngày này sang ngày khác, chỉ cách Quảng trường Thánh Phêrô vài bước chân.

Nữ tu Mary Prema Pierick, Bề trên Tổng quyền của Dòng Thừa Sai Bác Ái cho biết: "Ngày này 25 năm về trước, ngày 21/05/1988, Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã trao Nhà 'Dono di Maria' cho Chân phước Mẹ Têrêxa thành Calcutta".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tòa nhà này được Đức Chân phước Gioan Phaolô II mong mỏi thực hiện, và đã được ngài khánh thành. Giờ đây nó trở thành hoa trái nhờ tác động của các vị thánh, và hoạt động của các vị chân phước là Đức Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêsa Calcutta. Các đấng thánh thiện đã từng hiện diện nơi đây. Thật là đẹp biết bao!"

Đức Thánh Cha cũng đã gặp gỡ khoảng 100 người thường xuyên nhận được sự nâng đỡ từ các nữ tu truyền giáo, các thiện nguyện viên và cộng tác viên. Đức Thánh Cha mô tả đó không chỉ là ngôi nhà, nhưng là một gia đình, và là một trường học của bác ái. Ngài cho hay:

"Đây là một ngôi nhà, và khi tôi nói ngôi nhà có nghĩa đây là nơi chào đón, một căn nhà với môi trường nhân bản, nơi mà người ta cảm thấy thoải mái, một nơi để gặp gỡ những người khác, có cảm giác được bao bọc ở một nơi, trong một cộng đoàn".

Sau đó, ngài nhấn mạnh thêm rằng ngôi nhà là một hồng ân cho Giáo Hội, nhưng những người giúp đỡ cũng mang hồng ân đến cho Giáo Hội. Đức Thánh Cha giải thích rằng người ta có thể thấy Chúa Giêsu trên khuôn mặt của những người nghèo túng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Chúng ta phải khám phá ý nghĩa của những ân sủng, của hồng ân, của tình liên đới. Chủ nghĩa tư bản cực đoan chủ trương lý lẽ của lợi nhuận bằng mọi giá, cho để mà nhận, khai thác mà không quan tâm đến con người. Đây là những hậu quả chúng ta thấy được trong cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang sống".

Sau đó, Đức Thánh Cha và các nữ tu bác ái lần chuỗi Mân Côi trước tượng Đức Mẹ Fatima.

Đức Thánh Cha đã tặng Nhà 'Dono di Maria' một số món quà trong đó có một giỏ thức ăn và bức hình Thánh Phanxicô Assisi.

Ngài chào hỏi từng người một, và có lúc ngài cũng nói tiếng Tây Ban Nha.

Đức Thánh Cha: "Hân hạnh được gặp con".

"Con từ đâu đến?"

"Con là người Ý nhưng sống ở Argentina 40 năm, ở Mendoza."

Đức Thánh Cha: "Con là người Mendoza à!"

"Thật là thú vị, hân hạnh được gặp con".

"Thật là thú vị được gặp Đức Thánh Cha, chúng con là mẹ và con gái."

Đức Thánh Cha:

"Con đến từ Mendoza phải không?"

"Con là người Mendoza"

Đức Thánh Cha:

"Con có nhớ rượu Mendoza không ?"

Với chuyến thăm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kế tục truyền thống của các vị tiền nhiệm. Đức Bênêđíctô XVI đến thăm Dòng Thừa Sai Bác Ái của Rôma vào năm 2008 và Đức Gioan Phaolô II viếng thăm vào năm 1988.

11. Đức Thánh Cha kêu gọi sự hiệp nhất, yêu cầu tất cả người Công Giáo cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc

Tin tức từ Trung quốc cho biết Đức Tân Giám Mục Mã Đạt Khâm của Thượng Hải, người đã bị nhà nước bắt giam lỏng tại chủng viện Xà Sơn đã gởi thư cho anh chị em giáo dân Trung quốc nhân ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa 24/05/2013. Đức Cha Mã Đạt Khâm đã bị bắt hôm 8/7/2012, một ngày sau khi ngài được truyền chức Giám Mục Phụ Tá Thượng Hải

Trong bài giáo lý tuần này, Đức Thánh Cha đã nói về Chúa Thánh Thần giúp người Công Giáo trong đời sống hàng ngày ra sao. Ngài đã đã ứng khẩu một vài lời, kêu gọi người Công Giáo xây dựng sự hiệp nhất. Ngài cũng yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho Trung Quốc và suy tư về đời sống cá nhân của họ.

Đức Thánh Cha đưa ra các câu hỏi: "Tôi phải làm gì với đời sống của tôi? Tôi có mang lại sự hiệp nhất hay không? Hay là tôi gây chia rẽ bằng việc tán gẫu và đố kỵ? Chúng ta hãy tự vấn bản thân về điều này".

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng vào ngày 24 tháng Năm, Giáo Hội mời gọi tất cả các tín hữu cầu nguyện cho người Công Giáo ở Trung Quốc, nơi mà tự do tôn giáo không được tôn trọng. Ngài kêu gọi:

"Tôi thúc giục tất cả mọi người Công Giáo trên khắp thế giới hiệp lời cầu nguyện với anh chị em của chúng ta ở Trung Quốc, cầu xin Chúa ban ơn để họ công bố đức tin bằng sự khiêm nhường và niềm vui. Để loan báo Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại; để trung thành với Giáo Hội của Ngài và Người kế vị Thánh Phêrô, để sống đời sống hàng ngày nhằm phục vụ đất nước và đồng bào của họ theo cách xứng hợp với đức tin mà họ tuyên xưng".

Tại Trung Quốc có khoảng 12 triệu người Công Giáo, nhưng họ chỉ được phép thực hành đức tin của mình dưới sự kiểm soát của chính quyền. Nghĩa là, chỉ các giám mục và linh mục được Hội yêu nước Trung Quốc phê duyệt và chỉ các giáo xứ đã đăng ký mới được hoạt động. Đó là lý do tại sao nhiều người Công Giáo theo Giáo Hội 'hầm trú' vốn trung thành với Rôma.

12. Đức Giáo Hoàng gặp đội vô địch bóng đá Ý

Sự thật không có gì phải che giấu là Đức Thánh Cha là cổ động viên hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt. Khi đội 'Juventus thành Turin' giành chức vô địch Ý, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các thành viên ban huấn luyện và đội trưởng của đội bóng.

Một điều khá rõ ràng là Đức Thánh Cha theo dõi những tin tức cập nhật về thể thao, nhất là có liên quan đến đội bóng San Lorenzo de Almagro mà ngài yêu thích.

Đức Thánh Cha đã tiếp đón họ tại Nhà trọ Thánh Marta của Vatican trong một cuộc gặp gỡ nhanh chóng, thân thiện và ít lễ tiết. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone cũng tham gia cuộc gặp gỡ.

Đức Thánh Cha nói: "Một ngày nọ, tôi đi ngang qua Quảng trường Thánh Phêrô trong một buổi triều yết chung. Từ trên xe giáo hoàng, tôi thấy một người la hét và mặc chiếc áo của đội San Lorenzo. Tôi thấy anh ta và tôi phản ứng như thế này..."

Mọi người cùng cười ồ lên. Đức Thánh Cha nói đùa về lợi ích của việc chơi thể thao và để nêu gương, ngài nói về Đức Hồng Y Bertone:

"Hãy nhìn vào vị Quốc vụ khanh của chúng ta. Giờ thấy ngài hạnh phúc ra sao rồi đó".

Thủ môn Gianluigi Buffon của đội Juventus đã trao tặng Đức Thánh Cha một chiếc áo có chữ ký của chủ tịch đội bóng là Andrea Agnelli. Anh cũng tặng ngài ông một bản sao thu nhỏ chiếc cúp vô địch của họ.

Trong buổi gặp gỡ thân thiện, họ cũng trao đổi về giải đấu mùa hè, khi đội Ý sẽ giao đấu với đội bóng Argentina. Mặc dù có vẻ Đức Giáo Hoàng quan tâm, nhưng ngài không nói là sẽ có kế hoạch tham dự.

13. Đức Thánh Cha: Hãy là muối cho đời, đừng trở thành những vật trưng bày trong bảo tàng viện về Kitô hữu.

Trong bài giảng vào sáng ngày 23 tháng Năm tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta của Vatican, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu hãy là "muối cho đời". Ngài mô tả đời người Kitô hữu như là một cuộc sống sinh động với 'hương vị' phản ánh đức tin, đức cậy, đức mến. Ngài cũng thúc giục họ chớ trở thành những vật trưng bày trong bảo tàng viện về Kitô hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: "Căn tính Kitô không thuần nhất! Nhưng thể hiện trên mỗi người chúng ta tùy theo cá cách, đặc điểm và văn hóa riêng của mỗi người. Ta cần bảo vệ căn tính Kitô vì đó là một kho tàng quý báu. Tuy nhiên, căn tính này còn mang đến thêm cho mỗi người một điều nữa: đó chính là hương vị! Đặc tính Kitô giáo mà chúng ta có được thật tuyệt đẹp, vì nếu anh chị em tìm kiếm sự thuần nhất - và mọi người trở thành 'muối' trong cùng một cách thức, thì mọi thứ sẽ giống như người nội trợ nấu nướng nêm quá nhiều muối, người ta chỉ nếm được vị mặn của muối thay vì thưởng thức bữa ăn. Đặc tính Kitô giáo chính là: mỗi người là chính mình, với những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban tặng".

Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng 'muối cho đời' này phải được chia sẻ với tha nhân. Ngài giải thích thêm nếu chúng ta cất giữ nó, nó sẽ trở nên nhạt nhẽo và ẩm ướt.

14. Tổng thống El Salvador trao Đức Giáo Hoàng di hài của Đức Cha Oscar Romero

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng Thống El Salvador, Mauricio Funes, đến viếng thăm Vatican. Trong cuộc hội kiến, cả hai vị lãnh đạo đã bàn thảo vấn đề làm thế nào để Tòa Thánh và El Salvador hợp tác trong các lĩnh vực như bác ái, giáo dục, cuộc chiến chống nghèo đói và nạn tội phạm có tổ chức.

Một trong những điểm chính được đề cập đến là vấn đề Đức Cố Tổng Giám mục Oscar Romero. Vị tu sĩ Dòng Tên đã bị sát hại vào lúc cao trào của cuộc nội chiến hồi năm 1980 khi ngài cử hành Thánh lễ ở El Salvador.

Đức Thánh Cha gợi ý: "Chúng ta hãy nói về Đức Cha Romero".

Tổng thống đáp: "Đức Cha Romero đã giúp chúng tôi rất nhiều, nhất là khi đất nước của chúng tôi hướng đến tiến trình hòa bình".

Tổng Thống El Salvador đã tặng Đức Thánh Cha một phần của chiếc áo dòng mà Đức Cha Romero mặc khi ngài bị bắn chết. Ông nói:

"Với sự khiêm tốn hết sức, tôi muốn tặng ngài món quà này, đã được các nữ tu khâu lại với nhau. Đây là chiếc áo Đức Cha Romero mặc lúc đang dâng Thánh Lễ khi ngài bị sát hại".

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng tổng thống ba huy hiệu triều đại giáo hoàng của ngài. Sau đó, ngài chào ngoại giao đoàn tháp tùng với tổng thống và tặng mỗi người một tràng hạt.

Như thường lệ, trước khi tạm biệt, Đức Thánh Cha xin vị Tổng thống cầu nguyện cho ngài.

"Xin Thiên Chúa ban ơn lành cho Tổng thống. Hãy cầu nguyện cho tôi".

15. Thai nhi là “Một trong chúng ta”: Bảo vệ cuộc sống con người trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời

Ngày 18 tháng 10 năm 2011 đánh dấu một ngày đặc biệt đối với phong trào ủng hộ sự sống của châu Âu. Vào ngày hôm đó, Tòa án Tư pháp châu Âu công nhận phẩm giá của đời sống con người từ lúc thụ thai. Tòa án cũng nghiêm cấm hủy hoại phôi thai con người cho các mục đích nghiên cứu hoặc sản xuất.

Sau phán quyết này, các công dân châu Âu đưa ra sáng kiến thành lập phong trào “Thai nhi là một trong chúng ta” với ý nghĩa cần bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai. Những người ủng hộ hy vọng phong trào sẽ kích hoạt một sự thay đổi có thể được thực hiện trên pháp luật châu Âu.

Ông Jaime Thị Trưởng Oreja, thành viên của Nghị viện châu Âu

"Một trong chúng ta,” là một sáng kiến mang đến cho châu Âu chúng tôi một cơ hội độc đáo để cản trở sự phổ biến nền văn hóa của cái chết. Sáng kiến này cho thấy rằng bằng cách làm việc chung với nhau, với các hiệp hội và các quốc gia khác nhau, chúng ta có thể chứng minh rằng châu Âu không phải đã chết về tâm linh. "

Để đạt được điều này, mọi người từ tất cả các quốc gia tạo nên Liên minh châu Âu, đang yêu cầu hỗ trợ. Mục tiêu của họ là nhằm đạt 1 triệu chữ ký. Tại thời điểm này, có khoảng 450.000 chữ ký.

Thị trưởng Jaime nói tiếp:

"Chúng tôi chắc chắn sẽ đạt được. Chúng tôi còn thời gian cho đến ngày 1 tháng 11. Tôi hy vọng rằng những người hỗ trợ cuộc sống có thể bước ra và ủng hộ sáng kiến này. Chúng tôi cần phải có một cuộc nổi dậy lớn ở châu Âu để gửi một thông điệp rõ ràng: chúng tôi không chấp nhận nền văn hóa hiện nay là thúc đẩy sự chết ".

Các trang web 'oneofus.eu' được xuất bản dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mục đích là để bảo vệ thai nhi, và đặc biệt hơn để ngăn chặn việc Liên minh châu Âu cung cấp tài chính cho các hoạt động đi ngược lại nền văn hóa của cuộc sống.

VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét