LTCGVN (16.02.2013)
Sài Gòn – Năm ấy Đức Hồng Y Etchegaray, Chủ Tịch Uỷ Ban Công Lý Hoà Bình của Toà Thánh công du tại Việt nam. Tôi được đứng trong số thanh niên làm hàng rào giữ trật tự tại Vương cung Thánh Đường Đức Bà Sàigòn. Có hai chi tiết trong cuộc rước ấy mà tôi sẽ nhớ mãi.
Chi tiết đầu tiên là khi tôi đang giữ chặt những thanh gỗ làm rào chắn trước vô số người đang chen nhau để nhìn thấy Đức Hồng Y, thì một linh mục trong đoàn Đồng tế tách ra, đến bên tôi và nói nhỏ mấy câu đầy trìu mến. Đó là cha Phêrô Dương văn Thạnh, giáo phận Vĩnh Long, là Giám đốc Đại chủng viện Cần thơ. Mấy câu nói ấy tôi sẽ nhớ suốt đời, và luôn nghĩ về Cha với lòng kính yêu biết ơn như ngày nào.
Chi tiết thứ hai là có một bà cụ chen lấn đến bên tôi và nói: “Cháu cho bà bước ra, chờ để chạm vào cánh tay Đức Hồng Y thôi cháu”. Tôi không dám để bà bước ra vì sợ đám đông ùa qua, lòng ngẫm nghĩ: “Có quan trọng gì việc chạm đến Đức Hồng Y”. Thế mà khi Đức Hồng Y tươi cười với mão gậy chào cộng đoàn, tự dưng trong tôi có một thôi thúc, bắt chước mọi người, khẽ chạm vào cánh tay Đấng Đại diện Đức Thánh Cha.
Tôi nhớ đến những chi tiết ấy trong những ngày suy tư nhiều về sự ra đi của Đức Thánh Cha Benedictô XVI. Hội Thánh qua những biến động và những thay đổi bên ngoài, vẫn trung thành duy trì đức Tin tông truyền. Và chính trong đức Tin ấy, người tín hữu giáo dân yêu mến Hội Thánh một cách đặc biệt, cũng như nghĩ về những người Cha trong Hội Thánh với lòng kính mến vô biên. Và tôi tin chắc chắn rằng các tín hữu cảm thấy Hội Thánh luôn gần gũi bên mình như người Mẹ hiền yêu dấu.
Ngày đầu năm tôi cũng nhớ nhiều đến Cha Stêphanô Chân Tín. Có một câu chuyện tôi chưa bao giờ kể với ai. Lần đó tôi vào thăm ngài, đang ngồi nói chuyện tôi chợt nghĩ đến một ngày ngài sẽ ra đi vì tuổi ngài đã cao, nên tôi hỏi ngài: “Con xin lỗi Cha, nhưng con không biết sau này ai sẽ tiếp nối công cuộc của Cha khi Cha không còn nữa”. Lúc ấy ngài đang ở căn phòng nhỏ bên cạnh Nhà sách Đức Mẹ. Ngài đứng phắt lên sau bàn giấy và ngài chỉ vào tôi: “Chính anh, và thế hệ các anh”.
Nghĩ đến đây tôi thấy thương nhớ Cha già quá. Cha ơi, chúng con kiến thức nông cạn hơn Cha, tài năng thì chẳng có. Cơ nghiệp Cha thì lớn lao, thế hệ chúng con gánh vác sao nổi.
May mắn thay, tôi lại nghĩ đến Hội Thánh. Trong Hội Thánh vẫn có rất nhiều mục tử nhân hậu, luôn nghĩ đến xã hội trần thế, quan tâm đến người nghèo, thao thức về công lý và hoà bình. Các ngài, và những anh chị em tôi khắp nơi trong Hội Thánh tại Việt nam vẫn không ngừng tìm sống các mối Phúc của Tin Mừng. Tạ ơn Chúa vì những con người sống Tin Mừng không hề do dự. Tạ ơn Chúa vì những người trẻ luôn thao thức sống Giáo huấn Xã Hội của Hội Thánh Chúa.
Ngày đầu năm tôi mở bản Tóm Lược Giáo huấn Xã Hội của Giáo Hội. Trong bản Mục lục Phân tích Chủ đề, từ mục Giáo Hội, tôi đếm được khoảng 120 vấn đề Giáo hội có liên quan (chưa kể ở các mục khác). Giáo Hội một dân tộc lữ hành với Đức Kitô, Giáo Hội và tình yêu, vận mệnh nhân loại, chiều hướng thế tục, Giáo Hội đứng về phía con người, Giáo Hội và cộng đồng chính trị, vân vân và vân vân.
Giáo Hội đi sâu vào vận mạng con người theo gương Đức Kitô là Đầu của Giáo Hội, Đấng đã đến chia sẻ tận cùng số phận con người và trở thành Đấng Cứu độ, Đấng chỉ đường duy nhất và muôn đời cho con người. Nếu tất cả mọi người tín hữu giáo dân đều tiếp cận với Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, chúng ta tin chắc chắn rằng ai cũng sẽ gắn bó với Giáo Hội hơn nhiều.
Ngày đầu Xuân, kể vài chuyện cũ và đưa ra vài suy tư ngắn gọn trên đây, tôi xin đến một kết luận cũng ngắn gọn:
Tôi yêu mến Giáo Hội là Mẹ hiền của tôi.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét