Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Đối thoại (28)



LTCGVN (04.02.2013)

Đối thoại


 Sàigòn
TUẦN LỄ HỢP NHẤT sắp trở về với chúng ta trong một bầu không khí mới. hơn bao giờ hết, Giáo hội khao khát sự hợp nhất của các kitô hữu cũng như của tất cả mọi người trên thế giới, để ơn cứu độ của Chúa Kitô đến với toàn thể nhân loại cách dồi dào hơn.
Nhưng muốn hợp nhất, điều kiện tiên quyết là Giáo hội phải đối thoại với mọi người không trừ một ai. Đó là điểm mà Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh trong thông điệp đầu tay của ngài.

Ngài nói: “Giáo hội phải sẵn sàng đối thoại với hết mọi người thiện chí, không phân biệt là người ở trong hay ở ngoài Giáo hội. Không người nào là xa lạ đối với con tim của Giáo hội. Không người nào lại bị Giáo hội lãnh đạm. Đối với Giáo hội, không có ai là kẻ thù, trừ phi chính họ muốn như vậy. Không phải là vô cớ mà Giáo hội xưng mình là Công giáo, không phải là vô cớ mà Giáo hội được trao trọng trách cổ võ trên thế giới sự hợp nhất, tình yêu và hòa bình”.
Giáo hội là một người mẹ thương yêu hết mọi người và muốn phân phát ơn cứu chuộc cho mọi người. Như Chúa Kitô, Giáo hội thương xót nhân loại yếu đuối và tìm cách cứu chữa. Giáo hội không tuyệt vọng đối với thế gian lầm lạc và tội lỗi. Giáo hội muốn đối thoại với con cái mình cũng như với anh em phân cách và mọi người trên thế giới, kể cả những người vô thần, để soi sáng và cứu độ. Tuy phân biệt với thế gian, nhưng Giáo hội vẫn ở trong thế gian, với sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu rỗi cho thế gian. Chính Đức Phaolô VI nhận định rằng: “đối thoại phải là trách nhiệm của Giáo hoàng”. Đây không phải là lần đầu tiên, Giáo hội nói lên ý chí đối thoại: Đức Gioan 23, vị tiền nhiệm trực tiếp của ngài, đã nhấn mạnh về sự cần phải tìm hiểu thế giới hiện đại và đã ấn định cho Công đồng đặc tính mục vụ, nghĩa là đem tín như Kitô giáo hội nhập vào các trào lưu tư tưởng, từ ngữ, văn hóa, tập tục và xu hướng của con người hiện đại. Muốn đưa thế gian về với Chúa, cần phải đến gần và đối thoại với thế gian.
Cuộc đối thoại của Giáo hội với thế gian chỉ là sự tiếp tục cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại: Lịch sử ơn cứu chuộc là một cuộc đối thoại lâu dài giữa Thiên Chúa và loài người. Cuộc đối thoại ấy được chính Thiên chúa khai mào. Nó bắt nguồn từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đối thoại với loài người từ thuở ban đầu. Nhưng cuộc đối thoại ấy đã bị gián đoạn vì sự phản bội của con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã muốn tái lập cuộc đối thoại ấy, qua chính Con Một của Người: “Thiên Chúa đã thương yêu loài người đến nỗi ban Con Một mình cho loài người” (Ga,3,16).
Cuộc đối thoại của Thiên Chúa là mẫu mực cho cuộc đối thoại của Giáo hội: Như Thiên Chúa đã tự ý đến với nhân loại, Giáo hội cũng tự ý mở rộng cuộc đối thoại với mọi người, vì tình yêu thương vô vị lợi đối với họ, chứ không phải vì họ có công trạng gì. Cuộc đối thoại của Giáo hội không cưỡng bách ai, vẫn để mọi người tự do trả lời hay từ khước, luôn luôn tôn trọng lương tâm cá nhân. Giáo hội không đối thoại theo một khuôn khổ nhất định, nhưng sẽ thích ứng với hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người.
Đối thoại là một phương thế để chúng ta thi hành sứ mạng tông đồ của chúng ta, luôn luôn tìm cách đem sứ điệp Phúc Âm vào các cuộc giao tiếp giữa người với người. Nhưng muốn được hiệu nghiệm chúng ta cần phải tìm hiểu người đối thoại, vì đối thoại trước nhất là trao đổi tư tưởng. Cần phải chọn lựa từ ngữ, cách diễn tả tư tưởng thế nào để người đối thoại đón nhận chân lý dễ dàng. Trong khi thông đạt tư tưởng, ta đừng bao giờ kiêu căng, tự hào. Phải lấy sự dịu hiền, khiêm nhường, bác ái, ôn hòa, kiên nhẫn, quảng đại, đối xử với hết mọi người, kể cả những người đả phá Giáo hội. Đừng bao giờ dùng bạo động, dùng những mánh lới tuyên truyền, nhồi sọ, cưỡng ép tâm trí kẻ khác. Sức mạnh của đối thoại phát xuất tự bên trong, tự chân lý được trình bày, tự bác ái được thi hành, tự gương sáng được thể hiện. Ta tăng hồng ân cứu chuộc cho hết mọi người trong sự tôn trọng tự do và lương tâm của họ.
Trong khi đối thoại, cần phải có sự tín nhiệm nhau. Không những tín nhiệm nơi sức mạnh chân lý mình trình bày, nhưng có tín nhiệm và khả năng đón nhận người đối thoại. Có tín nhiệm, mới có cởi mở, mới có những cuộc tâm sự, trao đổi tư tưởng, kinh nghiệm trong tình bằng hữu. Có tín nhiệm, con người mới vượt lên trên tự ái ích kỷ cá nhân hay đoàn thể, ngõ hầu cùng nhau tìm chân lý và thiện ích chung.
Nhưng muốn hiệu quả, cuộc đối thoại còn phải đầy khôn ngoan, sự khôn ngoan của nhà sư phạm, quan tâm đến những điều kiện tâm lý của thính giả. Khôn ngoan để phân phát chân lý vừa tầm hiểu biết của mỗi giới và thích nghi tùy trường hợp để khỏi bị hiểu lầm.
Nếu cuộc đối thoại được hướng dẫn như thế trong chân lý và bác ái con người sẽ dễ dàng đạt đến ánh sáng đức tin và toàn thể nhân loại sẽ hợp nhất trong Đức Kitô đúng với lời nguyện của Ngài.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                            Số 188-1/1965
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét