LTCGVN (16.02.2013)
Tin bất ngờ Đức Bênêđíctô XVI từ chức đã tạo ra rất nhiều phản ứng và giải thích. Nhiều cơ sở truyền thông tại Rôma đã đùa dỡn với những từ ngữ đao to búa lớn như ly giáo hay gương mù gương xấu hoặc kẻ đào ngũ, mà quên không hiểu ra ngữ cảnh lịch sử trong quyết định của Đức Bênêđíctô XVI hay các động lực góp phần tạo ra nó. Tình yêu Giáo Hội và cuộc đối thoại thân mật của cầu nguyện không phải là những ý niệm được các cơ sở này thấu hiểu.
Một số người tại Rôma, nhậy cảm trước sự thay đổi của thời tiết và đôi chút mê tín, đã vội run rẩy khi thấy sét đánh trúng vòm nhà thờ Thánh Phêrô vào đêm quyết định. Họ không biết rằng cũng đã có sấm sét vào ngày Chân Phúc Piô IX tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Thai mà thực ra có gì xẩy ra đâu! Tuy nhiên, phần đông đã phấn khích bước vào vùng nước lạ, vì ý thức được rằng cùng với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, ta đang viết một trang mới cho lịch sử Giáo Hội.
Tôi dành ngày Thứ Ba để đọc mọi loại phúc trình tin tức từ những phúc trình đứng đắn nhất cho tới những phúc trình nực cười nhất, trong khi cố gắng hiểu càng thấu càng tốt quyết định của Đức Bênêđíctô. Vào buổi chiều, tôi cuốc bộ tới Castel Sant'Angelo nơi mới mở một cuộc triển lãm ngày 7 vừa qua. “Con Đường Thánh Phêrô”, tựa đề cuộc triển lãm xem ra quá thích hợp với giây phút lịch sử này, gần như thể do chính Đức Bênêđíctô tổ chức, giúp ta hiểu rõ hơn vai trò của Thánh Phêrô và các vị kế nhiệm ngài.
Được trưng bày trong một viện bảo tàng mà ngày xưa vốn là lăng tẩm nhà vua và sau đó là thành trì giáo hoàng, cuộc triển lãm qui tụ 40 công trình nghệ thuật từ Đông sang Tây, và từ hừng đông thời đại Kitô Giáo tới thời hiện đại, nhằm chiếu sáng lịch sử ơn gọi, lời đáp trả và số phận người ngư phủ Phêrô. Đây là tặng phẩm của thành phố Rôma cho Năm Đức Tin, dưới sự chăm sóc của Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa và Cơ Quan Giám Sát Di Sản Lịch Sử Và Nghệ Thuật Rôma.
“Thánh Phêrô luôn kích thích tâm trí các nghệ sĩ”, đó là lời phát biểu của Đức TGM Salvatore Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Tân Phúc Âm Hóa. Thực vậy, từ ảnh tới tượng, tới những bức khắc vĩ đại ở bàn thờ, các giai đoạn trong cuộc đời Thánh Phêrô đã được mô tả từ thế hệ này qua thế hệ nọ bằng thiên tài nghệ thuật .
Sự hợp tác đầy thành quả này giữa Giáo Hội và nhà nước thế tục trong cuộc triển lãm là một mô thức gợi cho thấy sự thánh thiện và vẻ đẹp đã đem con người lại với nhau như thế nào.
Phụ đề của cuộc triển lãm “Con người có thể làm gì cho Thiên Chúa và Thiên Chúa có thể làm gì cho con người” đã biến những bức tranh và những bức điêu khắc này từ những ảnh tượng đẹp đẽ thành chứng tá phong phú cho những điều kỳ diệu mà con người có thể đạt được khi hợp tác với ơn thánh Chúa.
Cách trưng bày thật tuyệt diệu được tăng tiến nhờ các hiệu quả thính thị đặc biệt khiến cho câu truyện về cuộc đời của Thánh Phêrô trở thành một phần trong đời sống hiện nay của Giáo Hội, giống như cuộc đời của vị kế nhiệm ngài hiện nay. Lời chú giải của Linh Mục Alessio Geretti, giám đốc cuộc trưng bày, cho ta nhiều cái nhìn sâu sắc về thần học… Nó buộc khách viếng thăm phải suy nghĩ về các ảnh tượng họ đang thưởng ngoạn, để tìm ra mầu nhiệm vây quanh Vị Lãnh Tụ Các Tông Đồ.
Tảng đá trong thời nhiễu nhương
Đoạn đường dốc cong cong tại Castel Sant'Angelo dẫn tới cuộc trưng bày xem ra rất hợp với ngày tiếp theo việc Đức Giáo Hoàng từ nhiệm. Hai bên đoạn đường uốn khúc, dường như chẳng dẫn ta tới đâu này là hai bức tường nặng nề đến như muốn úp thẳng xuống khách viếng thăm. Tôi là người rất hân hoan trước việc bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vào năm 2005, và tôi đã hết sức cố gắng để bắt kịp các thách đố trí thức của triều đại ngài. Tôi đã học hỏi được rất nhiều và còn học hỏi nhiều hơn nữa và luôn trông chờ những bài học sau. Nên việc ngài từ nhiệm, một đàng để lại trong tôi niềm xác tín rằng đây là một quyết định được đưa ra với và nhờ ơn Chúa Thánh Thần, nhưng đàng khác, nó không khỏi làm tôi mê mẩn đến không hiểu nổi Chúa Thánh Thần đang nghĩ gì.
Đứa trẻ trong tôi muốn thưa với ngài “Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha hãy trở lại, con sẽ ăn ở tốt hơn, Đức Thánh Cha đừng bỏ đi”. Sự kiện vị giáo hoàng từ nhiệm nổi tiếng nhất xưa nay là Celestine V từng viết trong chỉ dụ thoái vị rằng ngài từ nhiệm vì “sức khỏe kém và vì sự xấu xa của con người” vang lên bên tai tôi. Nhưng Đức Hồng Y Arinze, trong cuộc phỏng vấn vào ngày Thứ Ba, đã trách cứ các ý nghĩ trẻ con ấy khi mời gọi ta hãy trưởng thành trong đức tin, bằng cách để lại sau lưng cái thứ tình cảm “tôi thích” hay “tôi muốn” để củng cố đức tin của ta nơi Chúa Kitô.
Tuy thế, tâm thức bất an phát xuất từ viễn tượng mờ ảo vẫn cứ ám ảnh tôi mãi trong lúc bước vào căn phòng thứ nhất của cuộc triển lãm. Nhưng kìa, hình ảnh đầu tiên chính là hình ảnh Thánh Phêrô bị chìm xuống nước. Con thuyền gặp bão, Chúa Giêsu ung dung bước đi trên nước, Thánh Phêrô chạy lại với Người nhưng rồi ngài bắt đầu chìm. Bức khắc gỗ, thực hiện tại Brunico, miền Bắc nước Ý vào 1480, mô tả Chúa Giêsu vừa vươn tay ra với Phêrô vừa nói: “Ôi kẻ kém đức tin, tại sao con hoài nghi?” (xem Mt 14:31). Câu nghiêm khắc đó dường như muốn nói với tôi trong những ngày giông bão này.
Phần mở đầu cuộc triển lãm có tựa đề là “Gặp Gỡ”, một tựa đề muốn nói rằng đức tin phát sinh từ gặp gỡ. Giống Thánh Phêrô trên bờ hồ Galilê, mọi tín hữu đều đã gặp Chúa Kitô trong đời và như Đức Hồng Y Arinze viết, đức tin của ta phát sinh từ cuộc gặp gỡ này. Các hình ảnh Thánh Phêrô từ các bức khắc gỗ cho tới các bức tranh sơn dầu đều mô tả một con người mở rộng mắt, hoàn toàn tập chú vào Chúa Giêsu. Ý thức của ngài về sự hiện diện của Thiên Chúa chính là tập chú của mọi cố gắng của nhà nghệ sĩ.
Phần thứ hai có tựa đề là “Ngẩn Ngơ” và ở đây, các hoạ sĩ và điêu khắc gia cố gắng nắm bắt cho được cái giây phút con người “phải lòng” Thiên Chúa. Cuộc hôn nhân của đức tin và triết học, của ngưỡng phục và thực tại, đã gợi hứng cho nghệ thuật từ thuở ban đầu. Nhiều họa sĩ đã chọn sử dụng ánh sáng. Bức ảnh thế kỷ 15 của miền Novgorod vẽ cảnh Hiển Dung cho thấy Thánh Phêrô cúi đầu trước ánh sáng chan hòa của Chúa Kitô. Bức Trả Thuế của Mattia Preti, thực hiện năm 1645, vẽ một nhóm nhỏ bao quanh một chiếc bàn, riêng Thánh Phêrô thì được một tia sáng duy nhất chiếu lên trán khi ngài móc đồng tiền ra khỏi con cá. Công trình thứ ba của Hàn Lâm Viện Mỹ Thuật St. Petersburg dựng lại khung cảnh lịch sử của căn nhà thế kỷ thứ nhất trong bức “Con Gái Giai-rô” năm 1871, ấy thế nhưng chính ánh sáng mà Chúa Giêsu toả chiếu trên bé gái và biểu thức ngẩn ngơ của Phêrô từ phía bên kia căn phòng mới thực sự minh họa được ý nghĩa của kiểu nói "thaumaturgus," hay “người làm phép lạ”.
Còn nhiều phòng trưng bày nữa, mỗi phòng đều mang đến cho ta cơ may độc nhất để suy niệm. “Đối Kháng” đã nói với tôi một cách mạnh mẽ trong cái ngày khó hiểu kia, khi tôi khảo sát các bức tranh mô tả nỗi khó khăn của Thánh Phêrô trong việc hoàn toàn chấp nhận “sự khác biệt giữa cách Thiên Chúa tự tỏ mình ra và cách con người muốn Người tỏ mình ra”. Thánh Phêrô rút chân khỏi Chúa Giêsu trong bức “Rửa Chân” của Giovanni Baglioni thế nào, tôi cũng thấy mình chao đảo trong việc chấp nhận ý Chúa như thế, một ý chí chẳng phù hợp chút nào với điều tôi nghĩ Người nên hành động.
Đức tin của Thánh Phêrô được rèn luyện trong thử thách, trong đấu tranh, một cuộc đấu tranh “vụng về giáp mặt với sự ưu tuyển mênh mông Người dành cho ông” cho tới kết cục, ở chương cuối Tin Mừng Gioan, ông đành thưa “Lạy Thầy, Thầy biết mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21:17).
"Khủng Hoảng và Tái Sinh” đem ta vào Khổ Nạn, tâm điểm của cuộc trưng bày. Cuốn phim “Tin Mừng Theo Thánh Mátthêu” của Pier Paolo Pasolini trải dài trên một màn ảnh lớn khi ta vừa từ phòng trưng bày cảnh Thánh Phêrô chối Chúa bước vào. Âm thanh trong phòng thuật lại câu truyện Phêrô chối Thầy. Khi những lời ấy vang lên trong căn phòng xử án, làm sao ta lại không thấy chúng lên án tội lỗi ta?
Nhưng rồi ánh sáng bỗng mờ dần trên bức tranh của George de la Tour mô tả giờ phút đen tối nhất của Thánh Phêrô, để rồi rực rỡ trên bức tranh tuyệt vời mô tả ngài và Thánh Gioan vội vã chạy tới cửa mồ vào sáng Phục Sinh. Do Eugene Burnand vẽ, sắc mầu đầy mặt trời của danh họa Thụy Sĩ thế kỷ 19 này và nét mặt rạng rỡ của Thánh Phêrô quả làm ấm lòng người, nâng cao tinh thần họ.
Rời căn phòng Thánh Phêrô chứng kiến Phục Sinh, ta bước vào khu vực mang tên “Phó Thác Cho Thiên Chúa”. Một Thánh Phêrô chăm chỉ đang miệt mài viết, giữa lúc “Phêrô Hối Lỗi” của Guercino xuất hiện như tấm gương trước mặt người thưởng ngoạn. Vừa từ ăn chay đền tội bước ra, Thánh Phêrô ngước mắt lên trời, dàn dụa nước mắt. Nhờ thanh luyện, giờ đây ngài sẵn sàng thi hành sứ mệnh.
Một vài phần sau đó của cuộc trưng bày đưa ta vào tình đồng đệ với Thánh Phaolô và cuộc tử đạo cuối cùng của Thánh Phêrô, nhưng phần sau cùng của cuộc triển lãm không nằm trong các căn phòng tối tăm chất đầy các bức tranh, mà diễn ra ở bên ngoài khi từ sân thượng ta bỗng thấy mái vòm hùng vĩ của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Ngôi mộ hiển vinh của vị tông đồ, dựng trên nấm mồ người nghèo nơi thi thể Thánh Phêrô được tìm thấy, nhắc ta nhớ rằng Giáo Hội đã trải qua rất nhiều thách đố đối với Tòa Phêrô, nhưng “cửa hoả ngục không làm gì được nó”.
Qua cuộc triển lãm, ta thoáng nhận ra các vết chân mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI từng bước theo. Ta thấy rõ cái gánh nặng mênh mông từng được đặt lên đôi vai ngài nhưng đồng thời cũng thấy được sự hiện diện năng động của Thiên Chúa bên cạnh ngài, giúp ngài chu toàn ơn gọi cách tối hảo.
Phóng dịch bài của Elisabeth Lev trên Zenit ngày 14 tháng 2, 2013. Elisabeth Lev dạy môn nghệ thuật và kiến trúc Kitô Giáo tại Đại Học Duquesne tại Ý.
Vũ Văn An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét