Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Viết trong tâm hồn: ĐOẢN KHÚC 9: CHIẾC NHẪN

LTCGVN (03.06.2012)   

Chắc khó có ai biết chuyện đời lịch sử của cái nhẫn. Nó ra đời từ bao giờ? Tại sao người ta lại đeo nhẫn? Hôm nay, nhiều người thích đeo nhẫn. Nhẫn làm đẹp. Nhẫn của nữ tu khấn dòng. Nhẫn hôn nhân. Nhẫn Giám Mục. Chúng không cùng một ý nghĩa giống nhau.

Những trang xa xưa nhất trong sách Sáng Thế Kí, lần đầu tiên nói đến nhẫn vàng là chiếc khuyên mà lão bộc của Abraham trao cho Rebecca (Gn. 24:22). Đó là nhẫn hôn nhân. Những trang gần nhất trong Tân ước thì Phúc Âm nhắc đến có một lần. Đó là chiếc nhẫn người cha đeo cho đứa con hoang đàng trở về. Nhẫn tình thươnf cho lại quyền làm con.

Ngày nay, có nghi thức trao nhẫn cho nhau trong lễ cưới. Biết đâu, đọc lại đôi dòng về cách tìm nàng dâu Cựu Ước và ý nghĩa chiếc nhẫn ông lão bộc của Abraham trao cho Rebecca, người vợ tương lai của Ysaac sẽ cho các đôi tân hôn những hình ảnh đẹp hơn về chiếc nhẫn họ trao cho nhau trong ngày cưới của họ. Chuyện kể:

Apraham đã già nua trong tuổi tác và trong mọi sự, Yavê đã chúc lành cho Abraham. Abraham nói với người lão bộc: “Ngươi hãy đặt tay dưới đùi ta, ta muốn ngươi lấy Yavê, là thần trời đất, mà thề rằng ngươi sẽ không lấy vợ con cho ta trong hàng con gái dân Canaan nơi ta lập cư đây. Nhưng ngươi sẽ đi tới đất quê ta, đến với dòng tộc  của ta mà cưới vợ cho con ta là Ysaac” (Gn. 24:1-4).

Rồi ông lão bộc lên đường thi hành sứ mạng chủ đã trao phó.

Lão bộc lấy mười con trong đàn lạc đà của chủ, đem theo tất cả những gì quý báu của chủ, mà lên đường đến xứ Aram Naharaim, đến thành của Nakhor. Lão cho lạc đà phục xuống bên ngoài thành, bên giếng nước, vào lúc xế chiều, vào buổi phụ nữ ra kín nước. Lão khấn: “Lạy Yavê, Thiên Chúa của Abraham chủ tôi, xin cho tôi được gặp may hôm nay, xin làm nghĩa cho Abraham chủ tôi! Này tôi đứng bên suối nước, và con gái dân thành đang ra kín nước. Cô gái nào tôi xin: “Cô ngả vò cho tôi uống với” mà cô ấy nói: “Xin ông uống! tôi cũng sẽ cho lạc đà của ông uống nữa”, thì đích thị cô ấy là kẻ Người sẽ se kết với tôi tớ của Người là Ysaac, và nhờ đó tôi biết là Người đã làm nghĩa cho chủ tôi.”

Lão chưa nói hết thì này, Rebecca đi ra. Cô gái nhan  sắc tuyệt đẹp, còn trinh, chưa đàn ông nào biết đến. Cô xuống suối, cho nước đầy vò rồi lên. Người lão bộc chạy lại đón cô và nói: “Làm ơn cho tôi uống một ngụm nước nơi vò của cô.” Cô đáp: “Xin ông uống.” Rồi cô lanh chai hạ vò xuống tay mà cho ông uống. Cho ông lão uống xong, cô nói: “Tôi sẽ kín nước cho cả lạc đà của ông nữa, cho đến khi nào chúng uống xong.” Rồi cô lanh chai đổ vò nước vào máng và còn chạy tới giếng để múc nước, và cô đã múc nước cho cả mấy con lạc đà. Người kia cứ ngắm cô, trầm ngâm muốn biết Yavê đã cho con đường của lão được may mắn hay  không (Gn. 24:10-21).

Qua bài tường thuật trên, ta thấy trước hết là nhân đức. Abraham trối lại cho lão bộc là tìm người con gái trong dòng tộc thuộc về Yavê. Ta thấy câu chuyện tìm nàng dâu trong Cựu Ước là một cảnh thật nên thơ. Dựa vào lời cầu nguyện mà tìm người. Một bên là cô gái hiền dịu, hăm hở giúp đỡ cho người qua đường. Còn một bên thì trầm ngâm không dám tin vào cảnh đang xẩy ra. Đây là người con gái Yavê gởi đến theo lời cẩu của tôi sao? Đẹp như thế ư. Con gái nhà ai mà nhân nghĩa vậy. Khi đoàn lạc đà uống nước xong, lão bộc lấy nhẫn và xuyến vàng đeo vào tay và mũi người con gái, đoạn ông hỏi: “Cô con nhà ai, xin nói cho lão biết. Nhà ông thân sinh có chỗ trọ cho chúng tôi đêm nay không?” (Gn. 24:23). Dĩ nhiên với tâm hồn cao thượng như thế  thì làm sao  cô không nói chuyện với cha mẹ cho ông già trọ đêm. Câu hỏi của lão bộc thật có duyên. Ông tính gặp thân sinh của cô gái để tính chuyện trăm năm ấy mà! Sau khi thuật lại tất cả cho ông bà thân sinh của Rebecca nghe về lời cầu khẩn của Yavê. Gia đình bên Rebecca thưa:“Sự xẩy đến do bởi Yavê, chúng tôi không thể nói với ông phải chăng gì nữa. Này Rebecca trước mặt ông, xin ông cứ lấy mà đi, nó hãy làm vợ con chủ ông, theo như Yavê đã phán” (Gn. 24:50-51). Sáng hôm sau, Rebecca chuẩn bị lên đường. Sắp xa con mất rồi, mẹ Rebecca băn khoăn xin lão bộc: “Cho con bé ở lại với chúng tôi ít ngày, mười ngày chẳng hạn, rồi sau đó sẽ trẩy đi” (Gn. 24:55).  Lão bộc nóng lòng không chịu. Phía gia đình Rebecca đề nghị: “Để chúng tôi gọi con bé lại và hỏi ngay chính miệng nó nhé” (Gn. 24:57). Họ gọi Rebecca và nói với nàng: “Con có muốn đi với người này không?” Nàng đáp: “Con xin đi” (Gn. 24:58).

Câu chuyện đám hỏi thật đẹp. Chan chứa tự do và kính trọng tôn ý Yavê. Trên đường về. Câu chuyện được Kinh Thánh ghi đoạn kết như sau:

Ysaac trên đường về sau chuyến đi giếng Lakhay-Roy, chàng ở lại vùng Nam-sa. Chàng ra dạo chơi ngoài đồng, lúc xế chiều. Ngước mắt lên chàng nhìn, thì thấy đoàn lạc đà đi lại. Rebecca ngước mắt lên chợt thấy Ysaac. Nàng xuống lạc đà. Và hỏi người lão bộc: “Ai đó, người đi trong đồng đang đến với ta kia?” Lão bộc đáp: “Chính chủ tôi đó.” Nàng liền lấy chiếc khăn phủ lấy mình. Lão bộc thuật lại tự sự việc mình đã làm. Ysaac đưa nàng vào lều của mẹ chàng. Chàng đã lấy Rebecca, và nàng đã nên vợ chàng. Chàng yêu nàng.

(Gn. 24:62-67).

Qua câu chuyện tìm nàng dâu Cựu Ước bên trên, ta thấy lão bộc dựa vào tiêu chuẩn tìm người có tâm hồn cao thượng, có lòng bác ái mà trao nhẫn. Còn Rebecca, người dám nhận nhẫn là kẻ biết mình có tiêu chuẩn đó. Múc nước cho mười con lạc đà không phải là ít. Chiếc nhẫn đầu tiên trong đám hỏi của Kinh Thánh nói về cam kết của sự cao thượng trong tâm hồn. Thiếu điều này, người tìm không trao, và người nhận cũng không nên cầm vì nhẫn đó không thuộc về mình.

Tôi không đeo nhẫn, nhưng tôi có chiếc nhẫn. Tôi cũng không biết chiếc nhẫn này của ai. Kẻ đã có thời giũ nó là một người đàn ông hay đàn bà? Tôi bắt gặp nó trong nhà thờ vào một sáng Chúa nhật, sau thánh lễ. Tôi giữ làm kỷ niệm, tôi gọi nó là “chiếc nhẫn mùa Chay.”

Năm đó vào khoảng năm thứ ba tôi ở trại Palawan, Philipines. Trại vẫn còn đến mấy ngàn người. Năm 1989, tôi mới tới trại, có lúc trại lên tới 9 ngàn người. Chật chội vô cùng. Chỗ nào cũng thấy người là người. Người ngồi gốc cây. Người nằm hong gió ở thềm nhà. Nhà lá san sát nhau. Lúc nào cũng ồn ào, gây gỗ, cãi cọ. Nam nữ, người có gia đình, độc thân ở chung lẫn lộn. Khi một ghe thuyền nhân tấp đảo là được chia vào những căn nhà nào có thể chứa. Có khi một căn gác chỉ bằng ba khoanh chiếu mà đến chục người. Ngăn vách trống trải. Những tấm phên tre che vội cho một buồng tắm thiếu kín đáo. Không phải họ chỉ ở một thời gian ngắn mà kéo dài suốt từ năm này qua năm nọ. Lo lắng vì tương lai định cư mù mịt. Thiếu thốn vật chất. Cô đơn xa lạ. Đời tị nạn mù mịt nghẽn lối tương lai. Chán nản. Trong hàng rào của bốn khung trời chật hẹp. Ngày cũng như đêm, đời họ chỉ có thế.

Trong hoàn cảnh như vậy, những chuyện tình vội, ghép hộ sống cho qua ngày, những vụ phá thai là chuyện phải đến. Có biết bao thiếu nữa, lúc tôi mới gặp lần đầu mới đến trại, hồn nhiên và yêu đời. Nhưng một vài năm sau, không còn hồn nhiên, vui tươi nữa. Chán nản và cô đơn là con đường dẫn đến những cuộc sống chung cho hết tháng ngày ở đây. Họ nghĩ đâu ai biết mình. Rồi mỗi người một chân trời. Căng thẳng tâm trí như sóng nước đến mùa dâng cao nhất. Nó triền miên kéo dài cho những ai dũng cảm cũng phải lung lay. Thế rồi, biết bao tâm hồn đã thua cuộc, xuôi tay cho những cuộc yêu vội đó muốn đi tới đâu thì đi. Xa dần sự bình an của tâm hồn, xa dần những ngày mới tới trại đầy nhiệt huyết ước mơ tương lai.

Sáng Chúa nhật đó, khi đổ túi tiền xin trong thánh lễ thì có một gói giấy nho nhỏ bằng cái kẹo. Trong đó gói một chiếc nhẫn vàng. Lạ quá. Có lẽ đấy là chiếc nhẫn duy nhất trên địa cầu này trong túi tiền xin ở các nhà thờ. Chiếc nhẫn được gói trong tờ giấy đơn sơ vậy thôi. Tờ giấy chỉ bằng khoảng ba ngón tay. Trong tờ giấy đó viết: “Con xin dâng Chúa chiếc nhẫn này. Nó làm con mất tự do, con dâng lên Chúa những sự ràng buộc, xin Chúa hãy nhận cho con trong mùa Chay thánh.”

Không biết nét chữ là nam hay nữ. Thế nào là ràng buộc? Thế nào là mất tự do? Có thể chiếc nhẫn đã đưa hai người vào những cam kết không chính đáng. Một sự ràng buộc mà người đeo nó biết đấy là sai. Chiếc nhẫn đã đưa hai người về những chân trời sóng gió nào? Nó đang dự tính đưa hai người phiêu lưu tới đâu nữa? Chắc vì thế, nhìn lại chiếc nhẫn trên tay, xét lại lương tâm mình, nhìn lương tâm người mình đang liên hệ. Rồi, một thánh lễ sáng Chúa nhật mùa Chay, quyết định bỏ cái nhẫn để tìm một khung trời tự do cho linh hồn. Tôi giữ chiếc nhẫn ấy như một kỉ niệm trong đời mục vụ để nhắc tôi về ý nghĩa của những chiếc nhẫn.



Dựa vào những lần Kinh Thánh nói tới nhẫn, ta có thể thấy có ba loại nhẫn. Đối chiếu trong đời sống xã hội hôm nay, dường như điều ấy vẫn đúng lắm.

Nhẫn hôn nhân. Đó là nhẫn Rebecca nhận cho một lời thề nguyền. Nhẫn ấy trên ngón tay ai thì nhắc cho người đeo nó về một giao ước tình yêu. Tôi sẽ không nhận nó nếu tôi không độ lượng bao dung với người trao tặng. Tôi cũng không trao tặng cho người không đủ rộng lượng bao dung với tôi.

Nhẫn cai quản. Sau khi nói về người lão bộc hỏi Rebecca làm con dâu cho Abraham, chiếc nhẫn kế tiếp được sách Sáng Thế Kí đề cập tới như sau:

“Pharaô nói với Giuse: “Sau khi Thiên Chúa đã tỏ cho khanh biết mọi điều ấy hẳn không có ai sáng suốt khôn ngoan được như khanh. Chính khanh sẽ là trưởng phái đầu triều của trẫm, toàn dân trẫm sẽ cắn cỏ vâng lệnh khanh, trẩm lớn hơn khanh chỉ vì ngôi báu.” Pharaô nói với Giuse: “Này trẫm đặt khanh coi toàn cõi Aicập.” Và Pharaô rút nhẫn khỏi tay mình mà trao tay cho Giuse (Gn. 41:39-42).

Người biết mình thiếu bổn phận thì không thể nhận nhẫn này. Quyền cai quản tượng trưng trên chiếc nhẫn cũng là dấu chỉ giao ước một đời phục vụ.

Nhẫn giàu sang. Tân Ước đề cập tới nhẫn có hai lần. Chiếc nhẫn trong dụ ngôn đứa con hoang đàng của Luca, người cha cho nó lại quyền làm con mà quản trị gia nghiệp. Và chiếc nhẫn trong thư thánh Yacôbê:

Giả như có người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói: “Đứng đó!” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!”, thì anh em đã chẳng tỏ ra kì thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? (Yacôbê 2:2-4).



Hai chiếc nhẫn đầu, Kinh Thánh dạy nhiều về nghệ thuật trao nhẫn và tư cách của người nhận nhẫn. Chiếc nhẫn trong thư thánh Yacôbê nhấn mạnh về nghệ thuật nhìn nhẫn.

Nhẫn cai quản mà thiếu phục vụ thì nhẫn thành độc tài. Nhẫn hôn nhân mà thiếu yêu thương thì nhẫn thành giả dối. Nhẫn giàu sang có thể thành kiêu ngạo, khoe khoang. Nhẫn là biểu tượng cho một ý nghĩa ở đằng sau. Nhưng nhẫn lại bằng vàng. Mà vàng thì làm người ta dễ ham muốn. Sự ham muốn có thể đưa người ta đeo lẫn lộn những cái nhẫn khác nhau, không phải của mình. Đeo nhẫn không dễ. Điều gian nan cho người đeo nhẫn là khi chỉ cần biểu tượng chứ không quan tâm ý nghĩa thì chiếc nhẫn ấy sẽ đưa họ vào những vùng trời tối xám, có khi không biết đâu là lối ra.

Có thể chiếc nhẫn dâng Chúa sáng Chủ nhật đó là chiếc nhẫn của ngươờ chồng biết mình đang phản bội. Hay là của người vợ biết mình không thuỷ chung? Biết đâu người thiếu nữ nào đó đã xuôi lòng thèm muốn trước vẻ đẹp giàu sang của chiếc nhẫn. Cũng không chừng người đàn ông nào đó muốn dùng chiếc nhẫn để lừa gạt một tâm hồn. Chiếc nhẫn mùa Chay hôm ấy sẽ mãi là chiếc nhẫn bí mật không có câu trả lời. Có điều chắc chắn là người từ bỏ không đeo nó đã mang về một bầu trời tự do cho tâm hồn.



Lạy Chúa, con sẽ cử hành nhiều thánh lễ hôn phối. Xin cho con trang trọng chúc lành cho những chiếc nhân ấy, kính trọng nó trong một bí tích cao cả. Con cầu xin cho các đôi tân hôn biết tha thiết ý nghĩa đàng sau chiếc nhẫn chứ không vì chiếc nhẫn mà quên ý nghĩa ở đàng sau.

Là linh mục, xin cho con biết kính trọng chiếc nhẫn quyền cai quản trên tay Giám Mục mà con đã hứa vâng phục ngày con lãnh thiên chức.

Và, khi con để mất sự công bình, vô tư, hoặc muốn làm bạn trứoc bàn tay chỉ vì chiếc nhẫn giàu sang là con đánh mất giá trị của một tâm hồn dũng cảm. Con cần một chiếc nhẫn để làm đepkj, đó là chiếc nhẫn mùa Chay. Xin cho con một tâm hồn thanh thản như một bầu trời rất tự do.


Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
Nguồn: Mạng Lưới Dũng Lạc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét