Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Viết trong tâm hồn: ĐOẢN KHÚC 21: Ý THƠ TRONG ĐỊA ĐÀNG

LTCGVN (15.06.2012)

 Trước khi vào đoản khúc: + Lỗi phạm của Ađam, Evà là tội nguyên tổ, một sự dữ. + Sự sa ngã của Ađam là một điều xấu, không thể biện minh. Tôi nêu hai chú thích trên để khẳng định lời dạy của giáo lí Công Giáo, hầu hi vọng người đọc không thể hiểu lầm ý viết trong đoản khúc này.
          Giả sử Ađam đã không sa ngã thì địa đàng ra sao? Câu chuyện hôn nhân đầu tiên trong sách Sáng Thế Kí được trình bày bằng lối văn chương thật thơ mộng. Chuyện tình sử Ađam-Evà mang nhiều chất “tình” hơn chất “sử”. Ngay từ giây phút tạo dựng ban đầu, liên hệ nam nữ đã là đề tài thứ nhất. Thượng Đế không gọi Ađam đi tu. Ngài tìm cho Ađam một tâm hồn và một thân xác. Ngài dựng nên người nữ. Trong lối trình bầy đẹp như một chuyện thần tiên, những trang mở đầu của pho Kinh Thánh cũng là những trang nói về chuyện đẹp thần tiên ấy: Chuyện nam nữ. Ađam vào đời như một cung nhạc reo cao. Hân hoan. Thơ tới. Tuy nhiên, cái rong chơi của Ađam trong địa đàng có tự do, mà dường như là tự do trong không gian vắng của con tim. Có bướm bay và lá hoa khoe màu. Suối vui. Đẹp của địa đàng vẫn chỉ là đẹp trầm trầm. Có bình yên mà dường như vẫn thiếu. Ađam vẫn là Ađam của kiếm tìm. Bởi, chim và bướm không nói ngôn ngữ của Ađam. Và rồi, công trình tạo dựng của Thượng Đế chỉ trọn vẹn khi Evà xuất hiện. Tác phẩm mà Thượng Đế để dành sau cùng để làm xinh tươi địa đàng là người thiếu nữ. Lối trình bày ấy đưa chân dung người nữ lên thành hình ảnh một kiện toàn rất thơ mộng cho vũ trụ. Ađam bước một mình không tốt (Stk. 1:18). Nói việc tạo dựng nên Evà để Ađam được “tốt hơn”, có phải cũng là cách nói sự vắng mặt của Evà làm Ađam không toàn vẹn? Như thế, Evà không đến để phục vụ Ađam mà Ađam cần Evà cho đời sống của mình phong phú hơn. Là phần đời của Ađam nên Ađam không thể không bỏ mọi sự mà yêu thương Evà, nếu Ađam muốn mình sống trọn vẹn phong phú ấy (Stk. 2:24). Qua hình ảnh thi vị của câu chuyện sáng tạo, người nữ không những là vẻ đẹp Thượng Đế ban cho địa đàng mà còn là sự cần thiết Ngài ban tặng cho cuộc đời. Cách trình bầy câu chuyện sáng tạo mang chiều sâu của thi ca. Lời ngắn mà ý mênh mông. Vườn cây của địa đàng dưng dưng chờ đợi, và trái tim Ađam cũng thế, lặng lờ cho tới khi Evà chào đời. Bấy giờ mới thật đẹp xinh. Nhưng! khổ lụy khi Evà sa ngã thì sao? Qua dòng lịch sử và văn hoá của nhiều miền đất, Evà đã bị coi như căn do làm địa đàng bất hạnh. Đã có thời nền tu đức coi người nữ nguy hiểm như nguyên nhân tội lỗi. Bị chối từ nhiều ơn gọi. Từ cuộc sống thực hôm nay, nhìn lại lối trình bầy bóng bẩy trong văn chương “tình” nhiều hơn “sử”, ta thấy hình ảnh của người nữ là làm đẹp và kiện toàn sự sống trên vũ trụ như lời địa đàng thủa xưa. Đặt vấn đề vì Evà mà Ađam mới sa ngã và quy tội cho người nữ là căn nguyên tội lỗi là đặt một phán quyết thiếu nghiêm túc. Đã có một thời của quá khứ với những suy tư đáng tiếc ấy. Hôm nay, người nữ đang tìm lại được nét duyên trang trọng của trang Cựu Ước ban đầu. Bởi đó, nên nhìn câu chuyện “tình sủ” đẹp của ngày tạo dựng bằng “tình” hơn bằng “sử” và đọc với tâm hồn thi ca. Thi ca bao dung. Người có tâm hồn thi ca không phải nhìn đời dưới khía cạnh tất cả bóng tối là khổ nạn. Thi ca không đặt vấn đề vì hiện diện của Evà mà Ađam sa ngã. Nhưng tâm hồn thi ca muốn rủ đời thong thả đi vào sầu đắng để tìm mật ngọt. Nếu có đặt vấn đề thì băn khơn của người có tâm hồn thi ca là nếu Ađam không sa ngã thì sao ? Ngôn ngữ của trang Kinh Thánh rất thơ thì ta cũng hãy đi tìm ý của ngôn ngữ ấy với tâm hồn rất thơ của thi ca. Gỉa sử Ađam không sa ngã thì địa đàng chắc buồn lắm! Evà phạm tội thì đời nàng phải khổ lụy theo tội. Dù không muốn biệt li, nàng cũng phải chia tay Ađam mà xa dần. Nhìn Evà khổ lụy, liệu Ađam có khỏi trầm luân? Nếu Ađam không sa ngã theo Evà, nếu Ađam cứ đi riêng con đường của mình thì con đường nào Evà sẽ đi, đi về đâu? Phải chăng địa đàng từ đó là hai lối đi, hai ngã rẽ, hai khung trời? Nếu Ađam không theo lời Evà, cứ theo lộ trình khác đi riêng mình thì Ađam vẫn tiếp tục một mình vì thiếu vắng người nữ. Chính cái “một mình không tốt” ấy mà Thượng Đế đã tạo dựng cho Ađam người nữ. Vậy, giờ đây nếu Ađam không chung đường với Evà thì Thượng Đế có phải tạo một Evà khác cho Ađam? Mà tạo dựng Evà khác thì Thượng Đế sẽ tạo người nữ ấy từ hư vô hay cũng lấy xương thịt của Ađam. Nếu lấy từ xương thịt Ađam thì Evà có đi đâu chưng nữa vẫn là phần đời của Ađam. Ađam có một Evà khác xinh đẹp thế nào đi nữa thì cũng chẳng thể nguôi khoai được vì một phần đời cảu mình đã ở nơi Evà cũ. Nếu Evà thứ hai được tạo dựng từ hư vô thì liên hệ giữa Ađam với Evà thứ hai này có lẽ xa xôi như liên hệ của hai chủ nhân. Ađam không sa ngã là Ađam của ánh sáng. Evà mang thân phận bóng tối rồi. Không còn chung một khung trời thiêng liêng thì trong địa đàng là ngã rẽ, ngổn ngang đằng trước, gập ghềnh phía sau. Nếu không nhìn bưàng ý của thi ca trong câu chuyện sáng tạo thì Ađam phải lị dị Evà. Lúc ấy địa đàng chắc buồn lứam! Thượng Đế đã tạo dựng Evà từ xương thịt của Ađam là lối trình bầy thật quá thơ và quá thực. Thực, vì nó toát ra một gắn bó yêu thương quá tạo hình, không cần lí giải. Thơ, vì nó quá mênh mông nên cũng không thể dùng nhận thức của trí tuệ mà lí giải được. Tạo hình, vì Evà đến từ xương thịt Ađam thì địa đàng không thể có hai chủ nhân mà chỉ có một. Tình yêu ấy trở thành nhất thể. “Bởi thế mà đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khắn khít với vợi mình và chúng sẽ nên một thân xác” (Stk. 2:24). Bì chỉ có một nên Ađam xúc phạm Evà là xúc phạm chính mình. Ađam cũng không thể yêu thương Evà như yêu một chủ thể ngoại tại được, như thích một bông hoa, một ngọn đồi. Evà là phần đời của mình, bởi đó, cso phải con đường hạnh phúc và đẹp như thơ của Ađam là yêu thương Evà để yêu thương mình? Đấng Cứu Thế đã giáng trần vì tội nguyên tổ. Trong đêm Phục Sinh, lời phụng vụ reo vui và gọi tội ấy là “ôi! tội hồng phúc”. Tâm hồn thi ca có thể gọi sa ngã của Ađam là “tội yêu thương”. Gọi là Kinh Thánh vì lời đó có chất “thánh”. Vậy, ta hãy nhìn “tội” trong trang Kinh Thánh đầu tiên ấy với cái nhìn về phía “thánh” hơn là phía “tội”. Rồi, chuyện “tình sử” ấy sẽ tiếp tục lung linh đẹp lên ý nghĩa chuyện tình yêu. Cái sa ngã của Ađam làm cho Evà cùng đi chung một đường trần, cùng bước chung một nhịp tình. Tâm hồn thi ca thấy ý của sa ngã ấy, thấy nghĩa của lỗi phạm đó là địa đàng làm sao lại có thể có hai khung trời được. Địa đàng có đau khổ mà vẫn không thấy ngôn ngữ li dị. Có chao đảo mà không biệt li. Tội Ađam đã nâng đầy một vận điệu sai cung cho ngõ cụt có lối đi. Phải chăngm vì thế, cùng đi trong hôn nhân có một giá trị đẹp. Ý của thơ không tìm cách giải lí tại sao trong hôn nhân lại có đau khổ. Trong dầu đắng tâm hồn thơ đi tìm mật ngọt. Đối với thơ thì tình yêu hôn nhân trong vườn địa đàng thuở xưa đẹp vì hai tâm hồn ấy đã lấy đau khổ mà dìu nhau đu. Ađam đã cùng khổ lụy trong nỗi gian nan của Evà. Tình yêu từ đó đậm thêm ngôn ngữ thi ca. Có những quãng đời đường như không thấy hạnh phúc đâu. Lúc ấy hạnh phúc ẩn náu bằng ngôn ngữ của thơ. Thơ sẽ định nghĩa hạnh phúc là cùng nhau đau khổ. Ngôn ngữ của thi ca đi tìm hạnh phúc là khi cùng nhau sầu đắng thì có mật ngọt trong sầu đắng rịn ra. Đơn giản, kín đáo và siêu bạo. Trong cái nhìn bao dung của ngôn ngữ thi ca, ta chửng kết án Evà, không phàn nàn Ađam, rồi sẽ thấy ý đẹp của chuyện tình còn đó. Trong cái bao dung của ngôn ngữ ấy, ta thấy lỗi lầm của Ađam đã chủ động một tiềm lực sáng tạo ý nghĩa biết bao. Là chuyện “tình sử”, hãy nhìn phía “tình”. Là Kinh Thánh, hãy nghe tiếng nói từ phía “thánh”. Rồi ta sẽ thấy hình ảnh Ađam làm một chọn lựa với Evà, hai người cùng nhau đi trong gian nan, không phải là ngôn ngữ thẳm sâu nói về tình yêu của hôn nhân sao? Không đọc chuyện gian nan địa đàng xưa là chuyện cổ tích tội lỗi, mà với ý thơ, ta đọc như chuyện tình của chính mình. Người đàn ông ngã xuống với vụng về của Evà là bóng hình chính mình. Đức Kitô ngã xuống với nhân loại trong nghèo khó. Người đàn bà, bóng hình của người đàn ông, hạnh phúc vì nắm bắt được thiên đàng vừa vụt bay. Rồi bóng hình của nhau ấy cùng dìu nhau đi. Chất thơ trong tội của Ađam là “mình bõc vỏ mình” để với người yêu của mình cùng đi, dẫu đời có chát chúa. Địa đàng sau khi Evà phạm tội có thay đổi nhưng vẫn một khung trời. Tâm hồn hai người có khác thủa mới tạo dựng nhưng vẫn chung một lối đi. Vẫn còn là chuyện tình. Chớ gì ta luôn có tâm hồn thơ để bao dung với đời. Thinh lặng nhặt những mẩu đời tầm thường trong cuộc sống mà đưa thành sáng tạo, kiên nhẫn, nhân từ với bóng hình của chính mình. Trong tình yêu có những hiu quạnh và sầu đưáng, xin cuộc đời cho ta biết lắng nghe lời thi vị của thi ca mà tìm ý nghĩa. Ý nghĩa cuộc đời mà linh hồn của thơ muốn tìm là nếu Ađam không cùng chung hệ lụy với Evà thì bây giờ địa đàng thế nào. Chắc mỗi người một nẻo, hai người hai ngả rẽ, chuyện tình ấy rồi biết đi về đâu!

Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
Nguồn: Mạng Lưới Dũng Lạc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét