Nhiều người đến các bệnh viện ở Việt Nam ngày nay gặp phải những kỉ niệm “cay đắng mùi đời” như trong bài viết dưới đây của Trúc Giang.
Một trong những cách tháo gỡ rất có hiệu quả là để cho Giáo Hội Công Giáo tham gia vào lĩnh vực y tế nhưng cho đến nay chính quyền vẫn “ầu ơ ví dầu” không cho làm. Bản thân Giáo Hội cũng chỉ biết chờ đợi “đặc ân” này chứ không dám thể hiện “quyền” được phục vụ của mình trong khi bệnh nhân đang quá khốn đốn trong các Nhà ( không ) Thương.
Chúng ta không quên lời của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt: “Tự do tôn giáo là quyền, không phải là cái ân huệ 'xin-cho'.” Khẩu hiệu Giám Mục của ngài là “Chạnh lòng thương” cảm hứng từ Luca 9, 36: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.
Mong sao Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sẽ “Chạnh lòng thương” và tìm ra cách thể hiện quyền tự do phục vụ của mình trong việc dựng lên các Nhà ( thật sự ) Thương rất cần thiết cho con người thay vì hăng say dựng lên các Nhà Thờ mà không cần biết đến Thiên Chúa có thích được tôn thờ trong đó hay không.
NGUYỄN TRUNG
Thực Trạng Đau Lòng Của Nền Y Tế Việt Nam Ngày Nay
Con người không ai thoát khỏi cái vòng khổ lụy: sinh lão bệnh tử. Trong đời, ít nhất cũng phải có mặt một lần ở bệnh viện, đó là lúc chào đời tại nhà bảo sanh. Các tổ chức xã hội, các nhà cầm quyền đều có bổn phận phải chăm sóc đời sống của công dân, mức độ quan tâm chăm sóc tốt, xấu, ít nhiều, được thể hiện qua hai cơ quan là giáo dục và y tế của quốc gia.
Nền giáo dục XHCN của Việt Nam hiện tại đang bị nhiều khủng hoảng, ngành y tế quốc gia đang suy sụp. Sự quá tải của các bệnh viện hiện nay đã đưa đội ngũ cán bộ y tế đến tình trạng vô trách nhiệm, xem thường mạng sống con người, thái độ hống hách kiêu căng và tham ô. Bệnh viện quá tải đã có từ lâu, gây ra biết bao nhiêu cái chết oan ức, tức tưởi, tạo thành chuyện dài một ngàn lẻ một câu chuyên thương tâm, đau lòng trong dân gian, thế mà chính quyền vẫn chưa có hướng tháo gỡ mang tính đột phá.
Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến tuyên bố trước Quốc Hội: “Chẳng có nước nào ở châu Á mà bệnh viện quá tải như ở nước ta cả. Cả xã hội bức xúc về tình trạng quá tải của bệnh viện, nhưng cuộc sống phải công bằng giữa cho và nhận. Có cho ngành y tế cái gì đâu mà đòi nhận rất nhiều. Không đầu tư xây bệnh viện mà đòi dịch vụ y tế tốt, thì vô lý và bất công vô cùng”. Bà bộ trưởng nầy ám chỉ hai cơ quan, một là chính phủ không cấp tiền xây bệnh viện, hai là Quốc Hội đòi hỏi quá nhiều, tất cả đều vô lý và bất công.
Ngày 16.3.2012, bản tin trên Internet ghi lại phát biểu của những lãnh đạo ngành y tế và bệnh viện, nội dung như sau:
Hầu hết các bệnh viện Việt Nam đều luôn luôn quá tải. Bệnh nhân nằm la liệt trên các hành lang. Ở các Bệnh Viện Nhi Đồng, 4, 5 cháu nằm chung một giường, thậm chí người nhà phải giành nhau những chỗ ở dưới gầm giường, trải chiếu cho các cháu bị bệnh có chỗ nằm.
Ai có dịp chứng kiến cảnh tượng của bệnh viện Việt Nam ngày nay, đều không khỏi rùng mình. Vào bệnh viện, người ta trở thành người vô gia cư, vì nằm ngủ trên chiếc chiếu ngoài hành lang hay ngoài trời. Tình trạng quá tải làm cho sự nhiễm khuẩn ngày càng tăng cao, bệnh cũ chưa điều trị xong thì lại mang thêm bệnh mới do lây lan giữa bệnh nhân với nhau.
Trong tốc độ xây dựng khách sạn, sân golf, nhà hang, nhanh đến chóng mặt, thì việc chăm sóc sức khoẻ người dân không ai quan tâm tới.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện Ung Bướu Sài Gòn, phát biểu: “Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1.619 lượt bệnh nhân đến khám từ 6 giờ sáng và cả giờ nghỉ trưa. Với 631 giường mà phải gánh điều trị nội trú cho 1.807 bệnh nhân và 9.510 lượt điều trị ngoại trú, nên chuyện ghép 3 người vào một giường và thậm chí, bệnh nhân phải nằm dưới sàn nhà là chuyện bình thường.
Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình: “Trong vòng 26 năm, kể từ 1985 đến nay, bệnh viện vẫn giữ nguyên số giường như cũ, nhưng số bệnh nhân tăng lên gấp 4 lần, từ 8.310 lên tới 33.882 ( tháng 11 năm 2011 ), thì làm sao không quá tải cho được.
Điều đáng lo ngại là tình trạng quá tải gia tăng không ngừng. Các phòng cấp cứu, hồi sức không đủ chỗ cho bệnh nhân nằm, vì bệnh nhân rất cần thiết phải có chỗ nằm ở 2 nơi nầy. Trường hợp bệnh nhân cần phải được điều trị bằng máy móc kỹ thuật cao, hoặc điều kiện vô trùng, thì không thể thực hiện được. Đành bó tay. Hiện nay, Bệnh Viện Nhi Đồng 1 đang theo dõi và điều trị cho 10.000 trẻ bị tim bẩm sinh, đang chờ phẩu thuật. Trẻ nào không dai sức chờ đợi, thì phải ra đi thôi. Nhìn những đứa bé vô tội phải ra đi, mấy ai không đau lòng ?
Tại khoa Hô Hấp, Nhiễm, Tiêu Hoá thì quanh năm, bệnh viện phải gánh số lượng gấp đôi, gấp ba quy mô của bệnh viện. bệnh viện xoay sở đủ cách: kê thêm giường đôi ở giữa phòng, thay giường to bằng giường nhỏ ( thay vì 3 giường to, thì được 6 giường nhỏ ).
Quá tải làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng chẩn đoán và điều trị là lẻ tất nhiên, ảnh hưởng đến thái độ phục vụ, đến y đức của cán bộ y tế, khiến cho việc quản lý nhếch nhác, tắc trách.
Đã rất nhiều năm rồi, các bệnh viện từ trung ương đến các tỉnh thành, đã và đang ở tình trạng quá tải. Bệnh Viện Việt Đức có 500 giường cho 1.000 bệnh nhân nội trú. Trong 6 tháng đầu năm 2010, tăng lên 3.829 bệnh nhân, cho nên phải nằm dưới đất, ngoài hành lang thôi. Bệnh nhân đang chờ mổ lên tới 3.000 ca.
Theo phản ảnh của báo Đại Đoàn Kết, qua bài viết “Chuyện lạ ở bệnh viện K, Tam Điệp”, tác giả Hương Trà cho biết: “Bệnh nhân ung thư phổi phải nằm ngoài sân để điều trị, chai nước biển treo trên cành cây, giữa những ngày mưa phùn gió rét căm căm. Trong phòng, bệnh nhân chen chúc nằm dưới gầm giường, hành lang cũng không còn chỗ trống. Trong khi đó, hàng ngày, một số không ít bệnh nhân phải xếp hàng tại chùa Thanh Nhàn từ 6 giờ sáng để nhận cơm và cháo miễn phí.
Chuyện lạ hơn nữa, người nhà của bệnh nhân còn kiêm thêm việc “thay ống truyền”, vì bác sĩ và y tá bận rộn, có gọi cũng phải chờ đợi rất lâu.
Bệnh nhân Trần Thị Nhu: “Có bệnh mà phải nằm vật vã 4, 5 người một giường thì bệnh lại nặng thêm”. Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Chợ Lách, Bến Tre: “Lần đầu tiên tôi đưa con vào Bệnh Viện Nhi Đồng 1, không ngờ mẹ con tôi phải nằm ngoài hành lang. Ban đêm gió thổi lồng lộng, người lớn như tôi mà còn lạnh, huống chi con tôi mới 15 tháng tuổi lại bị sưng phổi mà phải nằm ngoài gió, thật là quá xót xa, tuyệt vọng, kêu trời không thấu”.
Nhiều bệnh viện, sau nhiều năm “quy lụy” mới xin được đất, nhưng phải chờ quy hoạch từ năm nầy đến năm khác, cuối cùng địa phương thản nhiên trả lời “không có ngân sách”. Trong khi đó, dự án xây Tượng Đài 50 tỷ đồng thì được xét mau lẹ. Dự án xây sân Golf thì được giải quyết nhanh chóng, dễ dãi, mà còn trải thảm đỏ mời rước linh đình.”
Trước tình trạng đổ vỡ, xuống cấp của nền y tế Việt Nam, có biết bao nhiêu cái chết oan ức, tức tưởi, chết bất thường, chết tức chết tối, chết không kịp trối, tạo ra biết bao nhiêu câu chuyện thương tâm trong gia đình Việt Nam ngày nay.
Ngày 21.9.2011, bà Trần Thị Hương té ngã tại nhà, được đưa vào Trung Tâm Y Tế Phù Mỹ. Bác sĩ Châu Tấn Khoa, Phó Giám Đốc đến khám. Bác sĩ chỉ hỏi qua loa vài câu rồi bỏ đi. Mẹ tôi lăn lộn đau đớn suốt đêm. Tôi báo thì bác sĩ trả lời: “Không sao đâu, chỉ té thôi mà”. Ngày 22.9.2011, sáng sớm, mẹ tôi được đưa xuống khoa Nội, tôi thắc mắc thì được giải thích: “Sức khoẻ bệnh nhân ổn định”. Chị Nguyễn Thị Thơm con của bà Hương thuật lại như thế. Chị cho biết, ngày 24.9.2011, bà Hương bị co giật, quang tuyến X cho biết: ”nhồi máu não, nhũn não, gãy xương đùi phải”. Vì thờ ơ tắc trách, khi biết được nguyên nhân gây bệnh thì đã quá trễ.
Cũng tại Trung Tâm Y Tế Phù Mỹ, anh Ngô Văn Tân có đơn yêu cầu cơ quan chức năng làm sáng tỏ, quy trách nhiệm về cái chết của đứa con sơ sinh của anh. Ngày 19.5.2011, anh Tân đưa vợ là Đinh Thị Mỹ vào Trung Tâm để sinh con. 7 giờ sáng, chị Mỹ bị vỡ ối, lên cơn đau dữ dội, Tân xin nữ hộ sinh đến khám thì bị quát nạt thô bạo, đau bụng đẻ là chuyện thường. Khi tình trạng xấu đi, gia đình xin sinh mổ, thì được bảo là “sinh mổ phải trả tiền công”. 4 giờ chiều, bác sĩ Hồ Thị Đào Hoa lắc đầu cho biết, hài nhi ngộp thở vì uống quá nhiều nước ối, không cứu được”.
Bác sĩ không cảm nhận được sự đau khổ của người làm cha mẹ khi bị mất con như thế nào. Rất nhiều cái chết xảy ra trước mắt, đã làm cho đội ngũ bác sĩ trở thành vô cảm. Còn biết bao nhiêu cái chết tức tưởi, oan ức do những câu nói “không sao đâu”, do tắc trách, lơ là và cẩu thả của nhân viên bệnh viện công Việt Nam hiện nay.
Ngày 7.6.2009, bệnh nhân Đỗ Thị Hoài, 18 tuổi, ở Hà Nam, đã tử vong sau một đêm tại Bệnh Viện Đa Khoa Thanh Liêm, do sự tắc trách của bác sĩ Lê Văn Thuyết.
4 giờ chiều cùng ngày, bệnh nhân bị sốt cao, gia đình có nguyện vọng xin chuyển lên tuyến trên, nhưng bác sĩ Lê Văn Thuyết xoa tay khẳng định: “Bệnh nầy nằm dưới tầm tay của chúng tôi. Đây chỉ là bệnh phụ nữ, người nhà không phải lo.” Khi gia đình năn nỉ xin chuyển, thì bác sĩ Thuyết lớn tiếng gắt giọng: “Nếu gia đình không tin vào năng lực của tôi, thì cũng phải tin vào cái bằng bác sĩ mà Nhà Nước đã cấp cho tôi chứ”. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn còn đau đớn mà bác sĩ Thuyết không đến kiểm tra tình hình. Bệnh nhân bất tỉnh, bác sĩ Thuyết cho 2 y tá đến chụp điện tim. Đến 7 giờ sáng, Đỗ Thị Hoài nhắm mắt.
Sau vụ việc, bác sĩ Thuyết lẩn trốn khỏi bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện tự ý cho chuyển thi thể bệnh nhân về nhà mà không thông báo cho gia đình biết. Khi gia đình hai bên nội ngoại chia nhau đi tìm và yêu cầu bác sĩ Thuyết giải thích. Lợi dụng khi người nhà nghe điện thoại, bác sĩ Thuyết nhảy qua cửa sổ trốn mất.
Văn hoá là những thói quen, những tập tục có tính truyền thống xem như mặc nhiên của một dân tộc. Ở Việt Nam, văn hoá phong bì nằm trong quốc nạn tham nhũng. Gíao sư Nguyễn Minh Thuyết nêu ý kiến: “Nạn hối lộ phong bì lan tràn phổ biến là do người ta nói nhiều mà làm ít hoặc không làm. Tôi từng biết, chuyện xin đi dạy học ở một miền núi xa Hà Nội. Để trở thành giáo viên chính thức của Sở Giáo Dục, giáo viên nọ phải bỏ ra 100 triệu để lót tay cho quan chức. Bỏ ra 100 triệu chỉ để lãnh lương hàng tháng vài trăm ngàn, như thế phải bao lâu mới lấy lại đủ vốn ?”
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Phó Chủ tịch Ủy Ban các Vấn Đề Xã Hội của Quốc Hội: “Khám bệnh và xin việc làm là hai lãnh vực gây bức xúc nhất hiện nay. Bây giờ bị ốm mà không lót tay cho bác sĩ thì có khi tánh mạng không còn giữ được, đã có nhiều trường hợp như thế xảy ra. Lương là phụ, phong bì là chính”.
Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến ( ảnh ) phát biểu: “Khi người dân, người bệnh không đưa phong bì thì y đức của bác sĩ cán bộ sẽ được cải tiến”. Nhiều người phản đối ý kiến của bà nầy. Anh Vũ Hải cho biết: “Chẳng có ai muốn đưa phong bì cho ai cả. Người dân nghèo không muốn bị mất tiền, vì đối với họ, 50.000 hay 100.000 là một số tiền lớn, đôi khi phải chạy đôn chạy đáo vay mượn. Tại sao không xét ngược lại, vì sao người ta phải đưa phong bì ?
Câu nói của bà bộ trưởng nầy đã chối bỏ trách nhiệm quản lý của Bộ Y Tế, của Nhà Nước. Bà nầy đã từ chối trách nhiệm của bà rồi lại đổ thừa cho người dân. Bệnh viện Nhà Nước tự khai và thừa nhận mình tham nhũng khi viết những khẩu hiệu “Nói không với phong bì” khắp nơi để nhắc nhở các nhân viên y tế. Bắt đầu từ tháng 9 năm 2011, 5 bệnh viện trung ương được Bộ Y Tế chọn làm “thí điểm” để triển khai quy tắc ứng xử, nâng cao y đức, nội dung chính là “Nói không với phong bì”. Thí điểm là nơi được chọn làm thí nghiệm để xem kết quả như thế nào, mà không bảo đảm có kết quả 100%.
Văn hoá phong bì là việc đưa và nhận hối lộ công khai, đặc biệt là nó đã trở thành một tập quán mang tính truyền thống trong xã hội. Năm bệnh viện được chọn làm thí điểm “nói không với phong bì” là: Bệnh Viện Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh Viện E, Bệnh Viện K và Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương.
Phó Giáo Sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám Đốc Bệnh Viện Việt Đức cho biết: “Cần phải nhận định rõ ràng, nếu đó là phong bì mà nhân viên y tế “vòi vĩnh” thì cần phải xử lý nghiêm khắc, nhưng nếu nhận phong bì sau khi hoàn tất việc khám nghiệm hay điều trị là một chuyện khác, có thể chấp nhận được.” Ý của ông Giám Đốc nầy cho phép bác sĩ bệnh viện công, được nhận tiền của bệnh nhân, chỉ khác nhau ở thời gian trước hoặc sau mà thôi. Tức là còn vấn đề, “không nói không với phong bì”. Giám Đốc nầy ngây thơ quá, hoặc ông cũng thuộc diện chuyên nhận phong bì của bệnh nhân.
Hai bên chỉ cần dùng ngôn ngữ, tiếng lóng, mật hiệu, thì đã có thỏa thuận về giá cả, tiền bạc bao nhiêu, vàng vòng bao nhiêu. Từ ngữ mà dân gian áp dụng “vấn đề đầu tiên” ( tiền đâu ? ), phương án chữa trị nầy có “3 khâu” ( 3 chỉ vàng ), phải tốn “1 chai” ( 1 triệu đồng ), “một xị”… Ngoài ra, còn những mật hiệu gật đầu, nháy mắt… cho nên việc đưa phong bì cho bác sĩ trước hay sau gì thì cũng thế thôi. Bộ Y Tế đã chọn lầm người thi hành chiến dịch “nói không với phong bì”, hoặc trong đội ngũ cán bộ không còn một ai trong sạch cả. Coi bộ còn lâu mới chống được tham nhũng !
“Trước khi người nhà lên bàn mổ ở Bệnh Viện K, tôi được một bệnh nhân lâu ngày tư vấn: “Trước khi mổ, bỏ vào phong bì từ 1 triệu đến 2 triệu rồi đưa đến phòng cho bác sĩ, nhớ ghi tên tuổi và số phòng là được. Đây là luật và là lệ rồi, ai ai cũng làm thế, không có không được”. Anh Nguyễn Văn Đố, Hà Nội, cho biết thêm: “Bây giờ khó khăn lắm, đưa phong bì phải khéo léo và kín đáo mới được, nếu không thì dễ bị chửi lắm, hư việc. Giá cả cũng rõ ràng lắm, sinh mổ 2 triệu, sinh thường thì 1 triệu”.
Bệnh nhân cho biết, có đưa phong bì thì họ an tâm hơn. Nhiều nhân viên y tế cũng bày tỏ, họ không nỡ nhận tiền của những người nghèo khó, nhưng nhiều khi họ “bị ép” nên phải nhận để cho gia đình bệnh nhân được vui lòng. Một bác sĩ ở Bệnh Viện K. cho biết: “Việc nói không với phong bì thì tốt, nhưng nay đã trở thành cái… văn hoá phong bì rồi, thì khó mà thay đổi được.”
Ngày 12.10.2011, chị Phạm Thị Nh. ở Hải Dương tìm mọi cách để tiếp cận bác sĩ để ngày hôm sau không phải trở lại lấy kết quả theo như thư hẹn. Chị Nh. cho biết, bà chị bị ung thư vú. Từ 4 giờ sáng phải lặn lội đến Bệnh Viện K để lấy thẻ, nhưng đến 16 giờ mới được siêu âm và X Quang. bác sĩ hẹn hôm sau đến nhận kết quả. Với kinh nghiệm nhiều lần đến bệnh viện nầy, nên chị chuẩn bị sẵn phong bì để nhận kết quả sớm hơn. Theo tính toán, nếu đợi sáng hôm sau thì phải trả mấy trăm nghìn để ở trọ, ăn uống, nên phải chọn cách đưa phong bì thôi. Lần trước cũng làm thế, nhanh lắm, nhưng hôm nay, nhiều nhà báo đến quay phim chụp hình nên phải đổi chiến thuật tiếp cận. Chiến dịch “nói không với phong bì”, thật ra chỉ làm khó cho… bệnh nhân mà thôi.
Trong khi đó, chồng của bệnh nhân Trần Thị H. ở Thái Bình, đang nhăn nhó chờ đợi, vì bác sĩ hẹn 1 tháng sau mới được nội soi đường ruột. Anh kể: “Đi từ 3 giờ sáng cho kịp xếp hàng lấy thẻ. Nhưng trong lúc chờ ở trong phòng ngộp thở vì đầy nghẹt cả người, vợ tôi mệt quá nên tôi đưa ra ngoài. Xui xẻo là lúc y tá gọi tên tôi không có mặt. Tôi nài nỉ và trình bày lý do vắng mặt, nhưng bác sĩ không chịu. Tôi vẫn đợi đến cuối giờ, hy vọng bác sĩ giúp cho. Nhưng y tá đến bảo, nếu cần nội soi thỉ hãy đến số 60 đường Quán Sứ để siêu âm rồi mang kết quả lại đây. Khi sang tới đó, thì họ đòi 895.000, tôi đành quay trở lại năn nỉ tiếp, bởi vì tôi chỉ mượn được có 1 triệu, mà từ sáng đến giờ đã tiêu hết 300.000 rồi…”
Không có phong bì không được. Bệnh viện có nhiều Vitamin cho bệnh nhân, nhưng rất thiếu Vitamin “T”, đó là sinh tố “đầu tiên” mà bác sĩ và y tá cần nhất.
Kết quả thanh tra của cơ quan Bảo Hiểm Xã Hội tại 13 tỉnh thành cho thấy nạn lạm dụng Bảo Hiểm Xã Hội gia tăng.
Hiện nay, các cơ sở y tế lạm dụng Bảo Hiểm Xã Hội ở mức “đại trà” và ngày càng gia tăng dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, phổ biến nhất là lạm dụng chẩn đoán bằng hình ảnh, như sử dụng quá mức các dịch vụ kỹ thuật đắt tiền, nhưng không cần thiết. Nhiều dịch vụ chồng chéo nhau, thực hiện nhiều lần, nhưng kết quả không khác nhau, lạm dụng siêu âm”.
Ông Nguyễn Tá Tĩnh, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo Hiểm Xã Hội nêu thêm ví dụ. “Tại Bệnh Viện Đa Khoa Bình Định, cán bộ đoàn kiểm tra “phát hoảng” về khả năng sử dụng các dịch vụ đắt tiền tại đây. Nhiều bệnh nhân chỉ cần siêu âm cũng đủ có kết quả tốt, nhưng bệnh viện nầy lại cho chụp hình cộng hưởng MRI, phải chụp một lô hình các bộ phận của cơ thể không cần thiết. Vì thế, mà phần chi phí chẩn đoán của Bệnh Viện Bình Định chiếm tới 50% chi phí khám bệnh. Trong khi đó, tỷ lệ nầy trên cả nước chỉ có từ 10 đến 12% mà thôi. Bệnh viện nầy cố tình chẩn đoán thật nhiều bệnh khác nhau trên một cơ thể bệnh nhân, để chụp hình cả “tâm can tỳ phế thận”.
Cho máy siêu âm chạy quá công suất để tận thu. Chẳng hạn như siêu âm ổ bụng cần thời gian từ 5 đến 7 phút, ở tim thì khoảng 25 đến 30 phút. Mỗi ngày bệnh viện nầy siêu âm 250 lần, tương đương với 20/24 giờ. Máy chỉ nghỉ có 4 giờ. Vì thế, thời gian phải rút lại, từ 1 đến 3 phút, thay vì 25 đến 30 phút. Do đó, kết quả không có giá trị vì không chính xác, trái lại, thu nhập gia tăng, tiền vô ào ào nhờ máy móc hiện đại.
Bệnh viện ở huyện Đoan Hùng, Phú Thọ có 22 nhân viên, nhưng riêng ngày 1.7.2011 đã gởi phiếu thanh toán 1.700 lượt xoa bóp bằng tay, kéo giãn cột sống thắt lưng, điện châm.
Ngoài những lạm dụng trên, bệnh viện còn lạm dụng thuốc, nhất là thuốc đắt tiền. Tại bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Long, thuốc kháng sinh ( trụ sinh ) quý, đắt tiền chiếm 70% số thuốc kháng sinh được kê cho người bệnh. Kiểm tra ngẫu nhiên 45 bệnh án về chẩn đoán sinh đẻ, cho thấy việc dùng kháng sinh đắt tiền Klamentine liên tục trong 16 ngày, trong khi theo nguyên tắc, thì 7 ngày là tối đa. Kê trong hồ sơ tính tiền nhưng chưa chắc gì tới tay bệnh nhân. Riêng trong quý 1 năm 2011, sản khoa đã cấp 4.000 viên Klamentine với số tiền 38 triệu đồng cho bệnh nhân sau khi ra khỏi viện.
Tất cả những lạm dụng nói trên mục đích móc túi bệnh nhân và quỹ Bảo Hiểm Xã Hội.
Trần Thị Hoa, Hà Nội. Vì vỡ kế hoạch khi đứa con đầu lòng còn quá nhỏ, nên quyết định phá thai. Chị kể: “Cô bé bàn kế bên la suốt. Cô ấy khóc và van nài, bác sĩ ơi nhẹ tay giúp cháu. Cô ơi, tiêm thuốc thêm cho cháu, cháu đau quá. Chị y tá lạnh lùng bảo: “Có ý định làm nữa không ? Nếu không thì đứng dậy đi về”. Cô bé vẫn khóc, kêu đau. Bác sĩ bảo: “Lúc sướng sao không kêu đau. Đã muốn sướng thì đừng có kêu”. Chị Hoa cho biết, thầy thuốc điều trị để giúp bệnh nhân khỏi đau đớn chớ không phải để dạy đạo đức cho họ. bác sĩ không nên miệt thị bệnh nhân, không nên tỏ ra có máu lạnh và vô cảm qua những lời nói rợn người như trên.
Trong những cô gái dại dột có thai ngoài ý muốn phải phá bỏ, Nguyệt, cô sinh viên năm thứ 3 ở trong số đó. “Họ gắt gỏng bảo em thay váy. Em không biết phải đứng ở đâu để thay. Họ lại gắt gỏng. Lúc vào phòng thủ thuật, em vẫn còn mặc quần chip, họ lại quát: “Không làm thì đi ra”. Họ ngứa mắt khi thấy em luống cuống ngượng nghịu khi cởi đồ để trên bàn, một bà, không biết là bác sĩ hay y tá bảo: “Nếu ngượng nghịu thì đừng vào đây”. Em tê tái cả người vì nhục nhã nhưng chẳng dám nói gì, vì thân thể của mình nằm trong tay họ”. Nguyệt kể lại với giọng buồn thiu.
Bác sĩ ơi, thuốc nầy đắt quá, nếu phải dùng lâu dài thì nhà em lấy đâu ra tiền ?” Bác sĩ tỉnh bơ trả lời: “Lâu gì, giỏi sống thêm mấy ngày là cùng”. Chị Nguyễn Thị Phương ở Tuyên Quang vẫn nhớ mãi câu nói nầy của ông bác sĩ điều trị người chồng quá cố của chị. Chị nói tiếp: “Trong lúc thập tử nhất sinh như thế, ai mà không bám víu trông cậy vào bác sĩ, như trẻ con trông nhờ vào cha mẹ, thế nhưng ông ta nói một câu như thế, đành rằng đó là sự thật, nhưng nghe nó tàn nhẫn quá”.
Anh Trần Hùng kể lại: “Bố tôi chịu đau đớn nhiều ngày vì bị ung thư, không còn cách chữa nào khác ngoài chích morphine, thế nhưng dù con cháu khóc lóc năn nỉ, ông cụ vẫn không cho tiêm thuốc. Ông nói: “Tôi lạ gì morphine, nó là ma túy, tiêm vào rồi nghiện thì sao ?” Bác sĩ bực mình buông một câu: “Chết đến nơi mà còn sợ nghiện”. Ông cụ không biết mình sắp chết. Nghe thế, ông cụ tuyệt vọng, không ăn uống, nằng nặc đòi xuất viện vì đàng nào cũng chết, ở đây làm gì cho khổ con cháu”. Anh Hùng kết luận: “Nếu không có lời nói trắng trợn của bác sĩ thì những ngày cuối cùng của bố tôi có lẽ đỡ khổ hơn, con cháu đỡ đau lòng hơn.”
Lời nói của bác sĩ cũng là liều thuốc cứu sống bệnh nhân, làm bệnh nhẹ đi và người nhà an tâm hơn. Lời nói không mất tiền mua, cần gì phải hà tiện ?
Các bệnh viện công đều có những khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu”, “Quyết tâm nói không với phong bì”. Bệnh viện quá tải, y đức tồi tệ, tham nhũng vô nhân đạo vì đã đánh vào bệnh nhân nghèo ở bệnh viện công, cho thấy một nền y tế đang sụp đổ.
Giáo dục phá sản, y tế đổ vỡ, tham nhũng vô lương tâm !
Tổng hợp của TRÚC GIANG, Minnesota
Theo EPHATA số 513
0 nhận xét:
Đăng nhận xét