LTCGVN (05.06.2012)
Hội nghị Trung ương
lần thứ 5 của đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc vào hôm thứ Ba
15-5-2012 tại Hà Nội sau 9 ngày họp kín mà giới truyền thông không
được phép tiếp cận. Đài truyền hình nhà nước chỉ cho dân biết: Hội nghị với
200 thành viên, sau gần chục ngày làm việc “khẩn trương, nghiêm túc,
trong không khí dân chủ, đổi mới -với 750 lượt ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu
sắc- đã thành công rực rỡ”!?!
Phát biểu bế mạc của Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng (với những nội dung, câu chữ quen thuộc
đến sáo mòn) cùng Thông báo của Ban
chấp hành Trung ương về Hội nghị đã
hoàn toàn thống nhất với phát biểu khai mạc của
kẻ đầu đảng vốn đã định hướng cho chương trình nghị sự: thận trọng trong việc sửa đổi Hiến pháp vì đây là chuyện
“nhạy cảm”; không bỏ Điều 4 vì như vậy là “tự
sát”; duy trì khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
bất tam quyền phân lập” do đảng CS tuyệt đối và toàn diện lãnh
đạo ; tiếp tục gắn cái đuôi “định hướng xã hội chủ
nghĩa” vào kinh tế thị trường và lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo; không phục hồi chế độ tư hữu về đất đai và chẳng
có việc đòi lại đất đã bị xử lý,
cưỡng đoạt. Nghĩa là đảng vẫn cố chấp lì lợm trong những điều mà
thực tế và nhân dân thấy là sai trái hoàn toàn.
1- Về Điều 4 Hiến
pháp
Vốn là nền tảng cho quyền lực
của đảng Cộng sản, điều khoản ngang ngược này đã bị vô số người chỉ
trích là phản dân chủ và yêu cầu bãi bỏ từ bao lâu nay. Tuy nhiên,
Nguyễn Phú Trọng một lần nữa tái khẳng định: “Đảng CSVN... là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, tiếp đó tụng lại một mớ công thức sáo
rỗng lường gạt xưa rày: chế độ tại Việt Nam là “chế độ dân chủ xã hội
chủ nghĩa”, Nhà nước tại Việt Nam là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc
về nhân dân; nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua tổ chức nhà nước
dưới sự lãnh đạo của Đảng…”, “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm
các quyền con người, quyền công dân... Quyền của công dân không tách rời nghĩa
vụ công dân” Rồi thì là : “Nhà nước ta không tam quyền phân
lập…”, “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công,
phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.”
Chính vì não trạng Đảng phải lãnh
đạo toàn diện, và 3 quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước phải là công cụ
trong tay Đảng, nên người ta hiểu tại sao đại đa số cán bộ đảng viên, nhất là
những thành phần có chức quyền chưa bao giờ nghiêm chỉnh tuân thủ Ðiều 8
Hiến pháp 1992 viết rằng: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà
nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với
nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu
tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng.”
Ngược lại rất nhiều cán bộ, đảng viên không còn là “đây tớ” của nhân dân nữa mà
là những “trời con bản thổ”, “lãnh chúa địa phương”, “chủ nhân khu vực” cư xử
ngang tàng, mất phẩm cách, sống xa hoa, chuyên láo lường, thích bạo lực, coi
nhân dân như tôi tớ để hành hạ, thậm chí như kẻ thù để đàn áp hay cướp bóc, tệ
hại hơn bất kỳ thời đại nào trong lịch sử. Và cũng chính vì thế mà đảng tiếp tục
giam cầm, xét xử, kết án nặng nề những ai phê phán độc tài, đòi hỏi đa nguyên,
kêu gào dân chủ. Mới nhất là phiên tòa sơ thẩm đối với 4 sinh viên yêu nước lẫn
phiên tòa phúc thẩm y án đối với 2 nhà đấu tranh ở Nghệ An, và sắp tới sẽ là
phiên tòa trừng trị 3 nhà dân báo tại Sài Gòn….
Dĩ nhiên cũng có những kẻ mang danh
trí thức, song là loại trí thức gia nô, tự bịt mắt để khỏi trông nhìn, tự tẩy
não để thôi phán đoán, thản nhiên nhận định: “Không phải một đảng là
thiếu dân chủ… Yêu cầu một đảng cũng được nhưng đảng đó phải trong
sạch và làm đúng với quyền lợi của người dân… Khi mà đảng viên đều
là những người tốt và đảng có đường lối đúng thì một đảng chẳng
có hại gì”. Ha ha !
2- Về đường lối kinh
tế.
Như trong bài nói tháng trước tại trường đảng
cao cấp ở Cuba, Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh vai trò chủ đạo của
kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể –“nền tảng vững chắc của nền kinh tế
quốc dân”, tiếp tục coi các tập đoàn Nhà nước là quả đấm mạnh, là xương
sống của nền kinh tế, coi các doanh nghiệp Nhà nước là công cụ để điều tiết kinh
tế vĩ mô và ổn định thị trường! Ông trâng tráo khẳng định “tính đúng đắn
của luận điểm” này rằng: “Đây là kết quả của quá trình trăn trở, suy nghĩ,
tìm tòi, đúc kết từ thực tiễn đổi mới thành công của Việt Nam”.
Không hiểu cái “thực tiễn” mà Nguyễn
Phú Trọng “đúc kết” là thực tiễn nào? Đang khi thực tiễn sờ
sờ trước mắt nhân dân trong nước lẫn người ngoại quốc những năm vừa qua là tình
trạng yếu kém, sai phạm đến trở thành tội đồ, trở thành quốc nạn của các đại tập
đoàn, tổng công ty (gọi chung là Doanh nghiệp Nhà nước) mà Nguyễn Tấn Dũng và
đàn em đang nắm giữ.
Các DNNN này được chính phủ đầu tư
(cấp vốn) tới 34% GDP, sử dụng tới 65% tổng số tín dụng, được ưu đãi nhiều về
đất đai và vô số lợi thế khác nữa. Nhưng kết quả sản xuất kinh doanh thì 9-10
đồng vốn mới làm ra được 1 đồng lãi, thua hẳn DN tư nhân và DN FDI (=Foreign
Direct Investment, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài). Những sai lầm như đầu tư
tràn lan, buông lỏng quản lí, lãng phí tham ô, giả dối lạm quyền, cưỡng chế đất
đai bừa bãi… đã gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là tập đoàn tàu
thủy Vinashin đã làm thất thoát tới 86.000 tỷ đồng và để lại món nợ khổng lồ mất
khả năng hoàn trả. Tập đoàn độc quyền Điện lực trong khi không cung cấp đủ điện
cho đất nước (thiếu hụt 25%) mà vẫn đầu tư ngoài ngành, như đầu tư vào viễn
thông nhưng đã thua lỗ hơn chục ngàn tỷ. Tập đoàn dầu khí PetroVietnam với lợi
thế “trời cho, đất tặng” cũng sai phạm 18.000 tỷ. Các tập đoàn khác như
Than–Khoáng sản, Sông Đà, Viettel… theo thông tin từ thanh tra nhà nước, cũng
sai phạm tương tự. Gần đây nhất, làm nóng nghị trường và công luận là vụ bê bối
của tổng công ty hàng hải Vinalines, “đổ cả ngàn tỷ xuống sông xuống biển cứ như
đùa” (Nguyễn Bá Thanh). Ngay từ 2007, tổng giám đốc Dương Chí Dũng đã tự động ký
duyệt cho xây nhà máy sửa chữa tàu biển với mức đầu tư 3.854 tỉ đồng, tức 185
triệu đôla. Sang năm sau, chi phí này nâng lên thành 6.489 tỉ đồng, tức 312
triệu đôla. Tương tự với ụ nổi có sức nâng 25 ngàn tấn nhưng cũ mèm mang tên
No83M: tháng 10-2007 Dương Chí Dũng ký đầu tư 14,136 triệu đôla.
Tới tháng 2-2008, tức là chỉ 4 tháng sau, tiền đầu tư này đội lên thành 24,3
triệu. Và điều lạ lùng là hành vi tham nhũng lộ liễu này bị ém luôn tới năm 2012
mới khui ra, đang khi thủ phạm vẫn được đề bạt làm cục trưởng Cục hàng hải và
nay thì đã trốn biệt.
3- Về quyền sở hữu đất
đai.
Trong diễn từ bế mạc, Nguyễn Phú
Trọng báo cáo: “Hội nghị nhất trí cho rằng, phải tiếp tục khẳng định đất đai
thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản
lý”. Điều này có nghĩa Hiến pháp sửa đổi sắp tới cũng sẽ giữ nguyên qui định
về phần này: “Đất
đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng
biển, hui thềm lục địa và vùng trời... thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại
diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý."
Ông Tổng Lú còn thêm như một phát
kiến mới: quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng
không phải là quyền sở hữu. Rõ ràng là ý đồ muốn biến thứ quyền phụ tùy này
thành một phương tiện thêm nữa trong tay các quan chức chính quyền địa phương.
Ngoài ra, Nguyễn Phú Trọng còn muốn đưa thêm vào các điều luật buộc nông dân không được
quyền giữ đất, đòi đất, bảo vệ đất. Tức là không có quyền giữ nguồn sống, đòi
nguồn sống, bảo vệ nguồn sống của họ! Tuy nhiên, để mỵ dân một chút,
Nguyễn Phú Trọng hứa hẹn hạn thời giao đất nông nghiệp có thể kéo dài trên 20
năm và hạn điền diện tích cày cấy có thể mở rộng trên 3 hecta như hiện thời.
Nhưng ngay đến đứa trẻ cũng hiểu rằng “sở hữu toàn dân” là xạo hết chỗ
nói (XHCN), là dối trá lừa đảo. Dân chỉ là cái bung xung còn quyền sở hữu đất
đai thực chất là trong tay đảng viên cán bộ bản địa. Các địa chủ thực này có
quyền tước đoạt hết đất đai của dân cày mà vẫn “đúng quy định pháp luật”. Đang
khi sở hữu đất đai là quyền tự nhiên của con người. Chính quyền da trắng ở Mỹ, ở
Úc các năm gần đây đã phải trả lại nhiều vùng đất rộng lớn cho thổ dân bản xứ là
vì vậy.
Để hỗ trợ cho luận điểm của Nguyễn
Phú Trọng, báo Quân đội Nhân dân ngày 16-05 đã viết rằng ở VN đất là
“nguồn sống của nhân dân, tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước”, rằng người
dân được hưởng quyền sử dụng, nhưng chủ yếu nhấn mạnh đến các nghĩa vụ
của người sử dụng đất hơn là các quyền lợi của họ: từ “nghĩa vụ chấp
hành pháp luật về đất đai, sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch” đến
nghĩa vụ “chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà
nước”.
Chính vì nguyên tắc “sở hữu đất đai”
không giống ai trên địa cầu này (ngoại trừ Trung cộng) mà người ta đã chứng kiến
hàng ngàn hàng vạn vụ đuổi dân ra khỏi nơi cư trú hay hành nghề (chăn nuôi,
trồng tỉa) bằng bạo lực. Động trời nhất là vụ Tiên Lãng Hải Phòng tháng giêng,
vụ Văn Giang Hưng Yên tháng tư, vụ Vụ Bản Nam Định tháng năm, vụ Dương Nội Hà
Đông đang sôi sục và vụ Cái Răng, Cần Thơ đang gây nhức nhối lương tâm, phô bày
bộ mặt ghê tởm của Cộng sản qua sự việc hai mẹ con đã phải dùng tới biện pháp
khỏa thân để cố giữ đất đai của mình.
Qua việc tái khẳng định quyền lực là
sở hữu của họ, kinh tế là sở hữu của họ, đất đai là sở hữu của họ, đảng CS đang
tiếp tục “dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của… tiền và
quyền”. Không phải họ bất biết đó
là cố chấp trong bế tắc, lì lợm trong sai trái. Nhưng chẳng lẽ để “mọi lợi quyền
đã chuyển qua tay mình” (như lời Quốc tế ca) phải vuột mất sao? Tuy nhiên, vấn
đề là họ sẽ giữ được đến bao lâu, đang khi cơn mây đen báo hiệu cuồng phong bão
lũ của nhân dân đã xuất hiện ở chân trời?
BAN BIÊN
TẬP
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số
148 (01-06-2012)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét