Có một thời, tôi cứ thắc
mắc trong lòng và tự hỏi: Chúa Giêsu vốn dĩ là một thợ mộc hoặc
chí ít cũng là một người phụ việc cho bác thợ mộc Giuse, vậy mà
Người hay dùng những dụ ngôn hoặc hình ảnh của nhà nông để đem ra
giảng dạy. Nào là, người gieo giống, người chăn chiên, vườn nho, hạt
cải, bông lúa mì, mùa màng, kho lẫm… Chưa có lần nào Người dùng
hình ảnh cái bàn, cái ghế hay cái cưa, cái đục, cái chàng để giảng
dạy.
Thì ra, nếu nói về nghề mộc
thì chỉ những người chuyên môn trong nghề mới hiểu. Còn những hình
ảnh về nghề nông lại hiển hiện trước mắt mọi người như một quy luật
tự nhiên. Hơn nữa, trong nghề nông, không ai dám tự nhận mình là kẻ
chuyên nghiệp, luôn có một tác đ ộng mang tính
quyết định từ thiên nhiên.
Đó chính là
yếu tố để diễn tả hoặc minh họa hình ảnh Thiên Chúa, như Thánh
Phaolô đã nói: “Tôi trồng, anh Apôlô
tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới
chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể” ( 1Cr 3, 6
– 7 ). Vậy mà, bấy nay tôi vẫn thường tự hào:
-
Ngôi
Thánh Đường đẹp đẽ khang trang ấy là do tôi xây dựng.
-
Đoàn
thể ấy lớn mạnh là nhờ tôi tổ chức, tài bồi.
-
Cuộc
thi ấy thành công là nhờ có sự tham gia của tôi.
-
Cơ
sở ấy tồn tại được là nhờ tài khéo léo, xoay sở của tôi.
-
Công
việc làm ăn suôn sẻ, thuận tiện là nhờ sự khôn ngoan và tài ứng
biến của tôi.
-
Vị
bác sĩ tài ba ấy chính là học trò cũ của tôi.
-
Chàng
nghệ sĩ tài hoa kia chính là người bà con gần với tôi nhờ thừa hưởng
gien của dòng họ.
Tôi chạnh nhớ một huyền thoại về Tào
Tháo:
Có một người cứu Tào Tháo thoát chết nhờ giấu Tào Tháo trong nhà mình
khi họ Tào bị anh em Lưu Bị truy đuổi. Sau đó, Tào Tháo cũng lấy làm cảm kích
mà tạ ơn anh ta cách hậu hĩ. Từ đó, anh ta gặp ai cũng khoe công phò giúp Tào
Tháo của mình. Lại có một người được Tào Tháo cứu, tất nhiên, anh chẳng được
đãi ngộ gì vì anh chịu ơn Tào Tháo chứ họ Tào có chịu ơn anh đâu ! Vậy mà, đi
đâu anh cũng khoe việc Tào Tháo đã cứu mạng anh. Kết cục: Tào Tháo lấy làm bực
bội với anh thứ nhất và lập mưu giết quách anh ta đi. Còn anh thứ hai, sau này
được Tào Tháo phong quan tước và trở thành kẻ tâm phúc của Tào Tháo.
Tất nhiên, không thể lấy lòng dạ của
Tào Tháo mà đo tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Nếu Chúa chấp tội thì còn ai
đứng vững ? Tôi chỉ muốn so sánh cách hành xử của hai người trên, ai khôn ngoan
hơn ? Té ra, tôi cứ ngỡ mình uyên bác nhưng lại hành xử rất chi dại dột ! Chúa
là Đấng “đã làm cho cây tươi ra khô héo,
và làm cho cây khô trở nên xanh tươi” ( Ed 17, 24 ) thì cần gì những công
trình của tôi ? Người chẳng cần ở tôi bất cứ kỹ năng nào ngoài kỹ năng nên
Thánh, hay nói đúng hơn là, chấp nhận để Người làm cho tôi nên Thánh.
Người muốn tôi cộng tác với Người
trong vai trò người đi gieo, rồi “người
đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó
cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây,
rồi đâm bông, rồi kết hạt” ( Mc 4, 27 – 28 ).
Đến đây thì tôi mới hiểu tại sao
trong thời kỳ phôi thai của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam lại có rất nhiều Hạt Giống Tử
Đạo mà thời đại hôm nay phải lấy làm ghen tị ! Những “người gieo giống” lúc bấy
giờ có lẽ không có điều kiện thuận lợi như hiện nay. Ngôn ngữ thì bất đồng, văn
hóa thì dị biệt, tổ chức còn nhiều bất cập, cơ sở còn thiếu thốn… Vậy mà, “ngày
mùa” vẫn bội thu !
“Ta đã hạ cây cao xuống và cho cây thấp mọc lên. Ta đã làm cho cây tươi
ra khô héo, và làm cho cây khô trở nên xanh tươi. Ta là Chúa, Ta đã phán và đã
hành động" ( Ed 17, 24 ). Phán quyết chắc nịch của Thiên Chúa luôn được ứng dụng cho
ngàn đời: “Người hạ bệ kẻ quyền quý kiêu
căng và nâng cao người hèn yếu. Người cho kẻ đói khó no đầy ơn phúc và đuổi
người giàu có trở về tay không” ( Kinh Magnificat ). Có thể tôi không phải
người quyền thế và giàu có, nhưng tôi chưa dứt bỏ được thân xác yếu hèn và
những đam mê trần tục của nó. Tôi như cành hương nam cũng muốn được Chúa đem
trồng trên núi cao chót vót nhưng không dám tách khỏi chất nhựa bấy lâu tôi vẫn
bám vào để tồn tại.
Tôi lại sực nhớ chuyến hành hương về
Giáo Hạt để kiệu Mình Thánh Chúa vào Chúa Nhật vừa rồi. Trời nắng nóng khủng
khiếp ! Người từ các Giáo Xứ đổ về quá đông ! Chầu lượt xong, tiện tay tôi xách
luôn chiếc ghế nhựa đến chỗ bóng cây ngồi… thở ! Nghe nói có các cha giải tội ở
trong Nhà Thờ, tôi cũng định đi xưng tội nhưng nhìn khối lượng người, số ghế ít
oi và bóng cây khiêm tốn, tôi đành bỏ ý định. Một lát sau, anh bạn “lãng tử”
cùng xứ đi ngang qua rủ tôi xếp hàng đi kiệu. Nhìn chung quanh, rất nhiều người
đang “bám chặt” vào chiếc ghế nhựa như tôi, lòng thầm nghĩ: Chẳng lẽ đi kiệu mà
xách ghế theo ? Tôi lắc đầu: “Cậu đi đi, mình mỏi chân quá !”
Anh bạn tôi
đúng là… lãng tử ! Xem ra, chẳng có gì quan trọng đối với anh. Tháp tùng đoàn
kiệu trở về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ngay chỗ đứng trong bóng mát cũng chẳng
còn, anh cứ thản nhiên đứng giữa nắng dự lễ. Bỗng nhiên, có một ông chức việc
đem đến cho anh một chiếc ghế, một cái dù che nắng và một cái quạt. Một cảm
giác khó tả chạy xuyên suốt người tôi, vừa ghen tức với gã lãng tử vô tư lại
được ưu đãi, vừa tự giận mình vì “đam mê”… cái ghế, vừa hận cuộc đời… quá bất
công ! Rồi tôi chợt giật mình vì nhận ra gã lãng tử đã cố tình “tự buông thả”
để Thiên Chúa dẫn dắt và đem trồng trên núi cao. Nhờ thế, ông chức việc “nhận
ra” hắn. Còn tôi, cứ lẩn khuất nhạt nhòa giữa đám đông cả người lẫn ghế…
"Chúng ta cũng bạo dạn và ao ước thà lìa xa thân xác để ở cùng
Chúa” ( 2Cr 5, 7 ).
Có phải vì thế mà Chúa Giêsu đã quên
đi kỹ năng thợ mộc của Người để chỉ dùng những hình ảnh của nghề nông mà giới
thiệu cho chúng ta về Nước Trời, hầu chúng ta dễ dàng đón nhận ? Có phải vì thế
mà các vị Thừa Sai sẵn sàng bỏ đi gốc gác văn minh, quý tộc của mình để “hòa
nhập” với những dân tộc bán khai Á Đông và sẵn sàng đồng sinh đồng tử với họ ?
Chính những hy sinh đó góp phần làm cho Nước Trời triển nở giữa trần gian, từ
kích thước li ti như hạt cải đã trở nên nơi trú ngụ của chim trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho
chúng con biết từ bỏ những tự hào bản thân để từng ngày trở nên giống hình ảnh
Chúa. Xin cho chúng con biết ý thức được rằng những việc chúng con làm đều rất
nhỏ bé, nếu công việc ấy đạt thành quả là do Thánh ý Chúa muốn nó trở nên trọng
đại hầu mọi người nhìn vào đó và vinh danh Chúa. Amen.
Pio X LÊ HỒNG BẢO
Theo EPHATA số 514
0 nhận xét:
Đăng nhận xét