Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Hàn Mặc Tử (1912-1940) - Từ miền nhân sinh đến cõi thiên linh

LTCGVN (03.06.2012)



HÀN MẶC TỬ (1912-1940) TỪ MIỀN NHÂN SINH TỚI CÕI THIÊN LINH

Trong bài viết “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử: Giới thiệu Bộ Sưu tập Thơ Công giáo "Có một Vườn thơ Đạo" trên trang web HĐGMVN và cả trên trang web Công Giáo Viêt Nam ngày 24/05/2012[1], Lm Trăng Thập Tự giới thiệu: “Ngày 22-9-2012 tới đây sẽ là kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử. Đây là một niềm vui cho giới Công giáo vì nhà thơ được công chúng biết đến rộng rãi nhất và được thương mến nhiều nhất này là một tín hữu Công giáo trẻ, chết lúc mới 28 tuổi”.
Theo Lm Trăng Thập Tự, Bộ Sưu tập Thơ Công giáo CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO, gồm 4 quyển trong đó quyển 1 “nói riêng về Hàn Mạc Tử, tập trung vào mảng thơ đạo của nhà thơ”.
Lm Trăng Thập Tự nhận xét: “Hiện nay giới văn học vẫn còn ngộ nhận trầm trọng về thơ đạo của Hàn Mạc Tử. Với những bài viết của một số tác giả Công giáo sắp xếp có hệ thống, quyển 1 của bộ sách mong sẽ giúp độc giả có được cái nhìn chính xác và sâu xa hơn, tiếp cận với tinh thần đạo hạnh và cả kinh nghiệm tâm linh sâu thẳm đáng kinh ngạc của nhà thơ trẻ tuổi”.
Phần mình, chúng tôi hân hạnh đóng góp một góc nhìn về tinh thần sống đạo của nhà thơ Hàn Mạc Tử (hay Hàn Mặc Tử[2]) trong nỗi đau bệnh cùi và những dòng thơ đạo của ông như sau đây.


HÀN MẶC TỬ
(1912-1940)
Từ miền nhân sinh tới cõi thiên linh
Lê Thiên & Lê Tinh Thông 
HÀN MẶC TỬ, người thanh niên 28 tuổi ốm yếu, bệnh hoạn, chết khi đang mang bệnh hủi[3] ở trại cùi Qui Hòa, Qui Nhơn, Bình Định, nhưng thơ ông và tên của ông vẫn sống mãi với đời, trong lòng người Việt Nam cũng như trên văn đàn và lịch sử dân tộc.
Năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi hào yểu mệnh này, chúng tôi xin ghi lại một số nét đặc thù thơ văn ông viết về những đớn đau ông đã trải nghiệm với chứng bệnh cùi bất hạnh của ông. Ở đó, chúng ta sẽ thấy ông không một lời than trách số phận, không một lời trách móc Đấng Tạo Hóa. Trái lại, lời thơ của ông toàn là những lời tán tụng Thiên Chúa, vinh danh Đức Giêsu và ngợi khen Đức Mẹ Maria Thánh Nữ Đồng Trinh.
           
Đôi dòng tiểu sử
Hàn Mặc Tử chính tên là Nguyễn Trọng Trí – FranÇois Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 bởi một gia đình Công giáo tại làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình, sau đó theo cha mẹ dời cư về các vùng Sa Kỳ, Bồng Sơn, Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định. Thân phụ là Nguyễn Văn Toản mất sớm (1926) lúc Trí lên 14 tuổi, Trí được mẹ – bà Nguyễn Thị Duy, và anh cả – Nguyễn Bá Nhân, dạy dỗ.
Nhời sự dìu dắt của anh Nhân (bút hiệu Mộng Châu), Trí bắt đầu làm thơ Đường Luật, xướng họa với anh. Chọn bút hiệu Minh Duệ Thị, rồi Phong Trần.
Năm 1928, Nguyễn Trọng Trí đi học Trường trung học Pellerin của các Thầy Dòng La San tại Huế và thôi học trở về Qui Nhơn năm 1930. Hai năm sau, đi làm ở sở Đạc điền Qui Nhơn, bắt đầu có thơ đăng ở các báo Tiếng Dân và Phụ nữ Tân văn. Bút hiệuLệ Thanh.
Năm 1935 (23 tuổi), vào Sài Gòn sống cuộc sống lãng du, phụ trách trang văn chương báo Sài Gòn, viết cho các báo Công LuậnTân Thời và Đông Dương tạp chí. Bút hiệu Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử xuất hiện từ dạo đó để sau này trở thành bất tử.
Năm 1937, xác định mình bị phung cùi, Hàn Mặc Tử cố ẩn mặt, cắt đứt quan hệ với bạn bè, tuy vẫn tiếp tục làm thơ gửi cho báo, hoặc tập hợp thành tập, như: Thơ Điên sau gọi là Đau Thương (1938),  Xuân Như Ý và Thượng Thanh Khí (1939).
Năm 1940, đang say sưa viết Cẩm Châu Duyên (gồm một số bài thơ và hai vở kịch thơ Duyên Kỳ Ngộ, Quần Tiên Hội), Hàn Mặc Tử phải vào nhà thương phung Qui Hòa ngày 20-9-1940, chưa đầy ba tháng thì mất ngày 11-11-1940 sau khi lãnh nhận các Bí Tích sau hết. 

Văn nghệ sĩ đương thời và hậu duệ đánh giá thơ văn Hàn Mặc Tử
Từ năm 1940, thơ Hàn Mặc Tử đã được một số người chú ý tới. Khen có, chê có. Nhưng càng về sau, càng đọc thơ Hàn Mặc Tử, người ta càng thấy thấm nguồn thơ và hồn thơ của anh. Và rồi cả công luận lẫn giới văn học đều nhìn nhận Hàn Mặc Tử là bậc thiên tài độc đáo nhất trên diễn đàn thi ca Việt Nam.
Người ta ca tụng thơ tình của anh, ngợi khen thơ lãng mạn của anh, tán dương những vần thơ điên, thơ loạn của anh. Có người – như Thế Phong[4], vinh danh anh là nhà thơ siêu thoát.
Có người – như Vũ Ngọc Phan[5], tung hô anh là nhà thơ Việt Nam đầu tiên đưa tôn giáo mình, đức tin của mình vào thơ.
Trọng Miên coi thi sĩ là bậc “thiên tài tử vì đạo đã truyền sang cho ta những rung động đê mê, những thanh thoát vô cùng, những say sưa điên dại”[6].
Hoài Thanh còn quả quyết: “Với Hàn Mặc Tử... thơ chẳng những để ca tụng Thượng đế mà cũng để nối người ta với Thượng đế để ban ơn phước cho cả và thiên hạ[7] 
Đặng Tiến dành trọn một bài dài đăng trên tạp chí Văn ở Sài Gòn chứng minh “Đức Tin Trong Hồn Thơ Hàn Mặc Tử[8] 
Nhà văn Công giáo Phạm Đình Khiêm có viết một tiểu luận thần học mang tên “Linh Hồn Hàn Mạc Tử” do Nhà văn Võ Long Tê giới thiệu, được Lm Thi sĩ Trăng Thập Tự cong bố năm 2010. Trong lời giới thiệu, ông Võ Long Tê ghi lại chính lời Hàn Mặc Tử tâm sự với ông Bùi Tuân như sau: “Bao giờ tôi cảm thấy mình đau đớn, trong xác thịt và trong tâm hồn, và nhất là tôi thấy mình bình tĩnh trong sạch thì mới làm ra những bài thơ đạo hạnh. Không phải lúc nào mình cũng làm được lối thơ ấy.” 

Nguồn cảm hứng thần nghiệm
Chúng tôi không nghĩ là Hàn Mặc Tử đóng vai nhà “minh giáo” hay muốn làm việc truyền giáo trong khi làm thơ. Hàn Mặc Tử chắc chắn không hề có mục đích khoác áo thừa sai cho thơ ca của mình. Ông làm thơ là vì “hồn ông trào từ ngọn bút” và rồi ngòi bút ông cứ thoăn thoắt chạy, tuôn ra những lời thơ mà kẻ phàm trần không bắt kịp. Chính bản sắc và giá trị thơ ông chuyên chở sứ mạng giới thiệu những nét thâm sâu của đạo thay ông. Phải chăng nguồn cảm hứng thần nghiệm (mystic experience) đã dẫn dắt Hàn Mặc Tử đúc kết nên những vần thơ “siêu thoát” tuyệt diệu?
           
Chuyện ông Gióp trong Kinh Thánh
Xin phép dừng lại đây giây phút để chúng ta cùng hồi tưởng câu chuyện một nhân vật trong Kinh Thánh Cựu Ước: Chuyện ông Gióp.
Sách ông “Gióp” là một thiên thi ca linh ứng. Thiên thi ca này thuật lại câu chuyện một người có tên là Gióp, giàu có, đông con, đông của, đông gia súc, đông người hầu hạ, và cũng được coi là một tấm gương công chính, thánh thiện. Bỗng dưng, tai họa bất ngờ dồn dập phủ xuống ông và cả nhà ông. Hết cướp bóc tới thiên tai đã nhanh chóng đẩy ông Gióp vào tình trạng mất người, mất của đau thương tang tóc. Cả con cái và gia nhân của ông lần lượt theo nhau mà chết, kẻ thì bị cướp giết hại, người thì bị cuồng phong làm sập nhà, đè chết... Cuối cùng, tới phiên chính ông Gióp rơi vào thảm trạng của “chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu. Ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi” (Gióp 2, 7-8), khiến ông Gióp thốt lên lời than thân thiểu não:
Hơi thở tôi khiến vợ tôi ghê tởm,
Mùi hôi thối xông ra
Làm cho anh em tôi gớm ghiếc,
Thậm chí tôi bị bọn nhãi ranh chế giễu...
Đến kẻ mến thương tôi cũng trở mặt với tôi (Gióp 19, 17-19)
Có người sẽ cho rằng thật là gượng ép nếu mang một câu chuyện Kinh Thánh ra mà so sánh với những gì xảy ra cho một người Việt bình thường thời hiện đại. Dầu vậy, đọc bệnh hủi của thi sĩ Hàn Mặc Tử qua ngòi bút và những dòng thơ của chính ông, chúng ta không thể không liên tưởng tới ông Gióp trong Kinh Thánh. Hay ngược lại, mỗi lần đọc truyện ông Gióp, ai đã từng đọc thơ Hàn Mặc Tử sẽ không thể nào không nghĩ tới  chứng cùi hủi đáng thương của nhà thơ.

Não nùng tâm trạng người mắc bệnh hủi
Bản thân Hàn Mặc Tử cũng đối diện với nỗi bất hạnh không kém ông Gióp. Cái bệnh cùi hủi của họ Hàn có lẽ cũng làm cho anh xông lên “mùi hôi thối... làm cho anh em gớm ghiếc” và xa lánh.
Hàn Măc Tử khác ông Gíóp ở chỗ Hàn chưa vợ, chưa con. Hàn không phải không có thân nhân, bạn bè, nhưng do bệnh hoạn, Hàn cố tình lánh mặt mọi người, kể cả song thân và anh chị em ruột của mình. Dầu vậy, là con người, Hàn cũng có một quả tim rung động, cũng ấp ủ những mối tình thầm kín và chắc chắn cũng ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc gia đình như bao nhiêu người khác. Nhưng rồi trong cơn khốn cùng, chàng lại nhìn thấy cả “bến mộng tân hôn” của mình cũng bị “sóng buồn” vây phủ tràn lan. Chàng đau khổ đến phát điên, “khóc cười nức nở” đến nỗi “héo don”:
Và sóng buồn dâng ngập cả hồn
Lan tràn đến bến mộng tân hôn
Khóc cười nức nở nơi đầu miệng
Là nghĩa trời ơi, nghĩa héo don! (Sầu vạn cổ)
Tiếng nức nở của Hàn Măc Tử có lẽ không khác tiếng nức nở của ông Gióp bao nhiêu. Có khác chăng là ở chỗ tiếng khóc nức nở của Hàn thì hòa quyện vào tiếng cười lạc quan thanh thản của chính anh, trong khi tiếng nức nở của ông Gióp lại vang thành tiếng “gào thét” não nuột vì kinh hoàng sợ hãi, nỗi kinh hoàng phát xuất từ những lo nghĩ  về  “trăm điều phiền muộn”:
Bánh tôi ăn chỉ là tiếng nức nở,
Tiếng tôi gào thét tựa nước lũ ngập tràn.
Những gì làm tôi kinh hoàng sợ hãi
Nay đã đến rồi.
Những gì khiến tôi rụng rời khiếp sợ
Nay ập xuống trên tôi.
Tôi chẳng được thư thái yên hàn
Tôi hết được nghỉ ngơi
Vì trăm điều phiền muộn (Gióp 3, 24-26)

Hàn Măc Tử ngược lại, “không nói không rằng, nín cả hơi”. Cùng lắm là buồn thầm, khóc vụng, chứ không than thân trách phận như ông Gióp:
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan! (Muôn năm sầu thảm)

Ông Gióp rên rỉ tuyệt vọng:      
Thịt tôi chai ra, dòi bọ lúc nhúc,
Da tôi nức nẻ, máu mủ đầm đìa.
Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa,
 Và chấm dứt không một tia hy vọng (Gióp 7, 5-6)

Còn Hàn Mặc Tử thì coi cơn đau máu chảy là cơ hội để “hồn trào ra đầu ngọn bút”:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da (Rướm máu).

Ông Gióp thất vọng đến hoảng hốt “thà chết” và chết thảm bằng “treo cổ hơn là sống lây lất”: 
Chẳng thà bị treo cổ,
Chẳng thà phải chết
Hơn là sống lây lất, da bọc xương  (Gióp 7, 15)

Hàn Mặc Tử vẫn giữ thái độ bình tĩnh thản nhiên, có khi còn thách thức cả đau thương:
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả hồn ta trong mớ chữ rung rinh (Rướm máu)
           
Trải niềm đau trên những dòng thơ
Gióp phân trần tự biện minh và trách móc, lắm lúc bị cám dỗ đổ lỗi cho Đấng Chí Tôn về tất cả những đắng cay chua xót ông gánh chịu:
Con phạm tội có hề chi đến Ngài?
Lạy Đấng dò xét phàm nhân!
Sao Ngài cứ đặt con làm bia để bắn?
Phải chăng con đã nên gánh nặng cho Ngài?
Người vùi dập tôi trong cơn giông bão,
Lại vô cớ bắt tôi chịu thêm nhiều thương tích.
Ngài chẳng để tôi kịp thở,
Mà lại dìm tôi trong bao nỗi đắng cay (Gióp 9, 17-18)

Hàn Mặc Tử thì không như vậy. Nỗi đau của chàng là một nỗi đau đầy “khoái lạc” từ niềm tin phó thác, đến nỗi trong khi cầu nguyện, chàng ọc ra máu mà cứ cho rằng mình đang ọc sữa, ọc thơ:
Đương cầu xin ọc thơ ra dường sữa,
Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau
Trên chín tầng điêu động cả trân châu.  (Đêm xuân cầu nguyện)

Ông Gióp nhìn nhận: “Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (Gióp 19, 26). Và rồi ông cam kết với Chúa:
Bao lâu tôi còn chút hơi thở,
Bao lâu sinh khí Thiên Chúa còn ở trong tôi,
Môi tôi sẽ không nói điều xảo trá,
Và lưỡi tôi không thốt lời dối gian (Gióp 27, 3-4)

Còn thi sĩ họ Hàn, trong cơn “khoái lạc của hồn đau”, đã cảm thấy từ ngòi bút mình đến cả lòng trí lẫn miệng lưỡi mình như cùng đồng thanh vang lên tâm tình tri ân, ngợi khen và chúc tụng trong khi tay nắm chặt cây nến nguyện cầu mà cứ ngỡ như “trong tay nắm một nạm hào quang” và cảm thấy “no nê” ơn mưa móc bởi Trời:
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua;
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị...
Và trong miệng ngâm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một nạm hào quang...
Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan (Xuân như ý)
           
Trong đau thương vẫn vang lên lời chúc tụng
Ông Gióp tỉnh cơn mê muội để nhìn thấy hồng ân và dung nhan Đấng Tối cao qua một cuộc thị kiến:
 Từ phương bắc, xuất hiện một vừng sáng huy hoàng.
Thiên Chúa đầy oai phong lẫm liệt,
Người là Đấng Toàn Năng, ta chẳng sao vương tới,
Người cao cả, vì Người hùng mạnh và công minh.
Người quyền năng, vì Người chính trực, nhưng chẳng áp bức ai.
Vì thế mọi phàm nhân đều kính sợ Người... (Gióp 37, 22-24)

Hàn Mặc Tử trong cơn đau thể xác tuy không được thị kiến như ông Gióp, nhưng có lẽ cũng đã được dẫn dắt vào cõi thiên linh hầu như… tương tự. Tuy nhiên, thay vì như ông Gióp thấy nét uy nghi của Đấng Toàn Năng, Hàn Mặc Tử lại nhìn thấy phép tắc (quyền uy) của Đấng Vô Thỉ Vô Chung qua những hình nét thiên nhiên đầy thi vị:
“Ôi! Trời hạo nhiên! Đây không phải do phép tắc mầu nhiệm của Đấng Vô thi Vô chung?
Đưa ra nào là nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc, và trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm...
Đưa ra nào là gió ly biệt, trăng đoàn viên, chim tứ chiếng, mây giang hồ, và nào trời thanh sắc, bông nhũ hương, niềm mộc dược.
Vẫn chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí muôn sao!” (Xuân như ý).
           
Xung phong làm thi sĩ của đạo quân Thánh giá
Từ sự chiêm ngưỡng quyền năng nhiệm mầu của Đấng Vô thỉ Vô chung”, Hàn Mặc Tử mạnh mẽ hiên ngang tự nhận mình là “thi sĩ của đạo quân Thánh giá”:
Đây, thi sĩ của đạo quân Thánh giá
Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô
Để sớt cho cả xuân, xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ (Nguồn thơm – Xuân như ý)

Ông Gióp cuối cùng nhìn lại mình và nói lên lời thống hối thảm thiết:
Trước kia, con chỉ biết về Ngài
Nhờ người ta nói lại.
Nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến.
Vì thế, điều nói ra con xin rút lại,
Trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn (Gióp 42, 5-6)

Hàn Mặc Tử cũng ăn năn sám hối và cầu xin ơn tha thứ, nhưng không phải chàng thống hối vì đã trót nói lời xúc phạm tới Đấng Chí Tôn, mà là xin ơn tha thứ cho những câu thơ tội lỗi:
Tôi van lơn thầm gọi Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng (Xuân như ý).
           
Ca tụng Mẹ... bằng hoa hương sáng láng
Có lẽ nhờ tấm lòng khiêm cung sám hối cũng như tâm tình hoàn toàn phó thác màHàn Mặc Tử đã được ơn linh ứng đặc biệt cả trong nguồn thi cảm lẫn trong thị kiến siêu phàm mà ít ai trên cõi đời này được ban cho.
Thử nghe lại một đoạn thơ của bài thơ Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, ta có cảm tưởng như thể ơn xuất thần đã thực sự thấm nhập vào hồn nhà thơ khiến anh tuôn ra những dòng thiên thi siêu thoát:
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
Và tổng lãnh Thiên Thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngợp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh...

Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn hoa?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng – bằng hoa hương sáng láng,
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng,
Một đêm xuân là rất đổi anh linh. (Xuân như ý).
Nhận định về lòng sùng kính Đức Mẹ của nhà thơ Hàn Mặc Tử qua bài thơ Ave Maria, nhà văn Phạm Đình Khiêm quả quyết, Hàn Mặc Tử “không chỉ là một đứa con hiếu thảo của Mẹ, ông còn tỏ ra là một tông đồ nhiệt thành và một thiên thần thi nhân của Mẹ có lòng thương xót. Không gì bằng kiệt tác Ave Maria  say sưa tình yêu và hy vọng, và bởi âm điệu du dương lôi cuốn mọi tâm hồn hướng về Mẹ thiên quốc, và bởi ngôn ngữ như thêu hoa, dệt gấm nó sánh được với nhạc khúc của các Thiên Thần …”
           
Vươn lên tới cõi thiên linh
Trong đớn đau, Hàn Mặc Tử không khóc lóc van nài, không kêu ca oán trách, trái lại tỉnh táo nguyện cầu bằng tất cả tâm tình tri ân, chúc tụng:
Cho tôi thắp hai hàng bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn Giang, cả màu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước... (Xuân Như Ý)

Hoặc:
Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền,
Không u ám như cõi lòng ma quỷ,
Vì có Đấng Hằng Sống hằng ngự trị,
Nhạc thiêng liêng dồn trỗi khắp hư linh! (Ngoài vũ trụ)
Một phế nhân bệnh cùi như Hàn Mặc Tử bị chôn sâu cuộc đời trong cô đơn tăm tối và đớn đau triền miên cả thể xác lẫn tinh thần, luôn đối diện với tử thần, “run như run thần tử thấy long nhan”, vậy mà trước mắt anh, trên môi miệng anh lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng, thần nhạc, nhạc thiêng, muôn hoa và tinh tú...  Và huyền diệu biết mấy
Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm
Có thứ gì rơi giữa khoảng im
Rơi tự thượng tầng không khí xuống
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim! (Huyền ảo)
Khi trích dẫn những dòng thơ trên của Hàn Mặc Tử, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan vốn là một người không Công giáo đã phải buột miệng thốt lên: “Tình tứ đến thế là cùng, cảm động đến thế là cùng. Một người mang bệnh rất đau đớn mà có tâm thần thư thái, bình tĩnh như thế, thật cũng lạ![9] 
Để kết thúc bài này, xin mượn nhận định của Hoài Thanh, tác giả cuốn “Thi Nhân Việt Nam”, là nhà phê bình văn học tên tuổi (cũng không Công Giáo), phát biểu như sau: “Hàn Mặc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa... Lòng tôi [dù] có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngợp vì cái vẻ huy hoàng sang trọng, lung linh, huyền ảo của lâu đài kia [đền thờ Chúa]? Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng[10]

[2] Nhiều nhà sưu khảo sử dụng tên gọi Hàn Mặc Tử thay vì Hàn Mạc Tử.
[3] Một số tài liệu cho biết, Hàn Mặc Tử bệnh hủi, nhưng không chết vì bệnh hủi mà chết vì kiết lỵ cấp tính.
[4] Thế Phong: Hàn Mặc Tử Nhà Thơ Siêu Thoát. Sài Gòn, 1957
[5] Vũ Ngọc Phan: Nhà Văn Hiện Đại, tập 3.
[6] Trọng Miên: Thơ Hàn Mặc Tử. Báo Người Mới, 23/11/1940
[7] Hoài Thanh: Thi Nhân Việt Nam. Huế, 1942
[8] Văn, số 179, ngày 01-6-1971. Sài Gòn
[9] Xem chú thích 2: Vũ Ngọc Phan
[10] Hoài Thanh: Thi Nhân Việt Nam. Huế, 1942

0 nhận xét:

Đăng nhận xét