LTCGVN (08.03.2014)
Người xấu tốt bụng
Xấu ở đây
có nghĩa là xấu xa, xấu bụng, xấu nội tâm, chứ không có nghĩa là xấu xí, không
đẹp ngoại hình. Xấu và tốt cũng có triết lý riêng: Cái gì tốt thì luôn luôn
đẹp, nhưng cái gì đẹp thì chưa chắc tốt!
Những người
xấu là những người tội lỗi, họ bị xã hội khinh miệt, bị gia đình xa lánh, bị người
khác ruồng bỏ, bị cộng đồng coi là phường bất hảo,... Họ bị người ta nhìn bằng
nửa con mắt, dè bỉu và chê bôi tới “tận cùng bảng số”. Có những người muốn hoàn
lương nhưng cộng đồng vẫn vô tình xô người ta ra xa, khiến họ không dám “ngước
mặt nhìn đời”, thế là họ cứ đắm mình trong vũng lầy tội lỗi, như nhân vật Chí
Phèo của nhà văn Nam Cao vậy. Có thể chúng ta cũng có “góp phần” trong đó, vì
tội lỗi cũng có tính liên đới!
Hãy coi
chừng, vì có thể “những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa
trước chúng ta” (x. Mt 21:31). Hai người vào nhà thờ cầu nguyện, người nào
“chảnh” thì lại ráng khệ nệ “vác” tội mình về nhà, còn ai thú nhận mình là tội
nhân thì được “trắng án”,
được hưởng Lòng Chúa Thương Xót (x. Lc
18:9-14). Có những người xấu xa nhưng lại
tốt bụng, đó là những tội nhân thánh thiện – như Đa-vít, Dismas (người trộm
lành), người phụ nữ ngoại tình, Phêrô, Phaolô,... Tội họ rất nặng nhưng họ đã
thật lòng khiêm nhường sám hối và họ nên thánh.
PHƯỜNG TỘI LỖI
Phụ nữ tội lỗi: Nhận biết
mình là kẻ tội lỗi, người phụ nữ lặng lẽ quỳ dưới chân Chúa Giêsu, có ý xin Người
tha thứ, dù chị không hề nói lời gì để xin tha thứ. Chị chỉ khóc cho nước mắt
rơi xuống chân Chúa rồi chị lấy tóc mình mà lau...
Trình thuật
Lc 7:36-50 kể: Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình.
Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người
tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền
đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà
khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn
chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền
nghĩ bụng: “Nếu quả thật ông này là ngôn
sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào:
một người tội lỗi!”. Đức Giêsu “đi guốc” trong bụng ông nên lên tiếng bảo: “Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với
ông!”. Ông ấy thản nhiên thưa: “Dạ, xin
Thầy cứ nói”. Đức Giêsu điềm tĩnh nói: “Một
chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục.
Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong
hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”. Ông Simon có vẻ vẫn “vô tư” và đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều
hơn”. Đức Giêsu vừa cười vừa gật gù vừa nói: “Ông xét đúng lắm”.
Rồi quay
lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không
đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình
mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây đã không ngừng
hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy lấy dầu thơm
mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến
nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. Rồi Đức Giêsu nói với người
phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”.
Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”. Nhưng Đức Giêsu nói với người
phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị
hãy đi bình an”.
Đoạn Phúc
Âm trên đây như một vở kịch tâm lý xã hội đầy tính nhân bản, rất thực tế, và
“chạm” tới bất kỳ ai trong chúng ta – những người mệnh danh là Kitô hữu, nhất
là “danh” Công giáo, tự hào mình “năng nổ” với những việc đạo đức, việc tông
đồ,... Nhưng hãy cẩn trọng, vì ngày nay người ta tinh vi lắm. Ai biết “giật
mình” thì phúc thay!
Dakêu: Ông Dakêu hành nghề thu thuế. Thời
đó, nhân viên thu thuế là loại người bị coi là tội lỗi, vì họ không chỉ thẳng
tay lấy thuế của dân mà không chút thương hại, họ còn “lóm lém” của công. Như
người Việt chúng ta cũng nói: “Sống chết
mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Trình thuật
Lc 19:1-10 kể: Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó
có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu
có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân
chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một
cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy,
Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông
Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Ông vội vàng tụt
xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”.
Ông Dakêu cứ mặc kệ họ, và ông thưa với Chúa: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu
tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin
đền gấp bốn”. Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho
nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để
tìm và cứu những gì đã mất”. Hay là ông tự nguyện “xin đền tội”.
Người phụ
nữ ngoại tình kia chắc là không xấu, hẳn là vóc dáng “coi được”. Còn ông Dakêu
chắc chắn xấu người, vì ông lùn tịt, thế nhưng lòng ông không xấu. Không ít lần
chúng ta cũng có động thái y như ông Si-môn đối xử với người phụ nữ tội lỗi, và
chẳng khác gì dân chúng ganh tỵ với ông Dakêu. Thế nhưng chúng ta vẫn cho là
mình hoàn toàn có lý và cư xử đúng đắn, chứ chẳng thèm (thực ra là “không dám”)
nhận mình sai!
NGƯỜI NGOẠI GIÁO
Trình thuật
Lc 10:30-35 kể: Thầy thông luật muốn chứng tỏ là mình biết nhiều và đủ lý lẽ,
nên ông ta hỏi vặn Đức Giêsu: “Ai là
người thân cận của tôi?”. Đức Giêsu không trả lời người này hoặc người nọ,
mà Ngài kể một câu chuyện thực tế: “Một
người kia từ Giêrusalem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp.
Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa
chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người
này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy,
cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường,
tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy
dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy
trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai
quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ
bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi
sẽ hoàn lại bác’. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là
người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Người thông luật trả
lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương
xót đối với người ấy”. Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như
vậy”.
Trình thuật
này được gọi là dụ ngôn Người-Samari-Nhân-Hậu. Ông là khách lạ, không hề quen
biết nạn nhân, và chắc hẳn ông bận rộn công việc, thế nhưng ông vẫn hết lòng
cứu giúp nạn nhân, tận tình và chu đáo. Ông không biết “đạo yêu thương” của
Chúa, vì ông là người ngoại giáo, nhưng ông đã biết “chạnh lòng trắc ẩn” đối
với người khác, đã thực sự sống Lòng Chúa Thương Xót một cách tuyệt vời, khiến
chúng ta phải xấu hổ lắm.
Chúa kể câu
chuyện này có cường độ “chạm” mạnh hơn, đau hơn, thấm thía hơn, vì trong đó có
đủ loại thành phần trong Giáo hội. Càng những “ông to” càng sai, thế mà vẫn “vỗ
ngực” tự nhận mình tốt lành và nhân hậu.
Tại giáo xứ
H. thuộc hạt G. của TGP Saigon. Nhiều người “than thở” về linh mục quản xứ (khoảng
ngoài 50 tuổi) đã có những động thái không đúng mực. Chẳng hạn, vào một ngày
nghỉ (theo lịch nhà nước Việt Nam) mới đây, một chị tân tòng vào gặp linh mục
vì có việc cần gì đó. Linh mục này bước ra, chỉ tay lên bảng (ghi ngày nghỉ,
không làm việc) và xẵng giọng: “Biết ngày
gì không?”. Tất nhiên, chị tân tòng kia chỉ có nước im lặng mà đi về, nhưng
chắc chắn chị thấy ấm ức lắm! Liệu chị còn đủ niềm tin vào Chúa, tin đạo chứ không tin người có đạo?
Thiết nghĩ,
không muốn tiếp khách vì là “ngày nghỉ” thì cũng phải lịch sự giải thích và nói
năng cho “vừa lỗ tai”. Kiểu nói năng như “dùi đục chấm mắm” như linh mục nọ thì
làm sao kéo người ta lại gần? Chúa Giêsu bỏ 99 con chiên béo tốt để lặn lội tìm
chỉ MỘT con chiên ghẻ kia mà? (x. Mt 18:12-14; Lc 15:4-7).
Tân tòng là người mới nhập đạo, chị tân tòng kia đã gặp “tình huống éo le” như
vậy thì làm sao chị sớm “trưởng thành” trong đức tin?
Có đầy mới
tràn. Cách nói chứng tỏ có lòng yêu thương hay không! Dụ ngôn
Người-Samari-Nhân-Hậu cho thấy rõ ai là người thân cận. Còn ai là con cái của
Chúa? Là người thi hành ý Chúa (x. Mt 21:28-32). Chúa Giêsu còn xác định: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự
trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12:50).
Kinh thánh
nói: “Viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên
đá tảng góc tường” (Cv 4:11; 1 Pr 2:7). Chúng ta có thể hiểu câu này với
những người-xấu-tốt-bụng. Họ bị chúng ta khinh miệt, loại trừ, nhưng họ đã xứng
đáng làm thánh trước mặt Chúa vì họ thành tâm sám hối. Thật vậy, Chúa Giêsu
cũng đã cảnh báo chúng ta: “Những người
thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21:31).
Nghe quen quá hóa nhàm chăng?
Lạy Chúa, con chỉ là
bụi của bụi tro mà dám “nổi loạn”, dám ảo tưởng, dám tự mãn. Vì thế mà trái tim
con tan nát, cuộc đời con te tua tơi tả. Con chân thành xin lỗi Chúa. Như Thánh
nữ Bernadette, con xin được thưa với Ngài rằng “con không xin thoát khỏi khổ
đau, nhưng xin Ngài đừng bỏ mặc con trong lúc khổ đau”. Xin Thánh ý Ngài nên
trọn nơi con, và xin giúp con “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh. Con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét