Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Người Công Giáo tốt mọi thời


Người Công Giáo tốt mọi thời

Trong cuộc họp của tổ công tác hỗn hợp Tòa Thánh Vatican và Việt nam ngày 28/2/2012, câu nói của đức giáo hoàng Benedict 16 trích trong huấn từ gửi các đức giám mục Việt Nam nhân chuyến Ad Limina năm 2009 “ một người Công giáo tốt và là một người công dân tốt “ lần nữa được nhắc lại trong Bản Thông Cáo Chung “ Cả hai bên đã nhắc lại giáo huấn của đức giáo hoàng Benedicto XVI về việc sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và những lập trường của ngài về việc là một người Công giáo tốt và là một công dân tốt, nhấn mạnh cần tiếp tục có sự hợp tác giữa Giáo Hội Công Giáo và chính quyền, để thực thi những giáo huấn ấy một cách cụ thể và thiết thực trong mọi hoạt động” ( Nguồn LTCG ngày 06/3/2012)

Đánh giá Bản Thông Cáo Chung này linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong cho rằng đây không phải là lần đầu tiên câu nói của đức giáo hoàng cũng như của HĐGM Việt nam = Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc đã được chính quyền Hà Nội sử dụng như “ Lá Bùa” trong các cuộc gọi là “ đối thoại” giữa Giáo Hội CG với chính quyền VN với nhiều hàm ý” ( Nguồn đã dẫn). 

Nói đến “ bùa” hay bùa phép, bùa chú người ta liên tưởng ngay đến một thứ gì đó mờ ám mang tính lừa gạt. Tuy nhiên đối với cái “ bùa” mà cha Nam Phong nói, nó lại có một tác dụng không nhỏ trong hàng ngũ cả giáo sĩ lẫn giáo dân. Đại đa số người Công Giáo chúng ta vẫn kính trọng và tin tưởng vào đức Thánh cha, cũng như các đức giám mục, bởi vậy một khí các ngài đã nói như thế thì phải đúng là như thế. Tin vào các đấng các bậc là điều tốt, thế nhưng cũng cần phải…tỉnh táo để khỏi bị người ta …bỏ bùa mà không biết. Trong câu nói của đức Benedict “ Một người Công Giáo tốt và một người công dân tốt” dường như có ngụ ý rằng để có thể là người Công Giáo tốt thì cũng phải là người công dân tốt. Thế nhưng thật sự thì không hẳn như vậy, bởi vì khái niệm công dân ở đây đã bị người ta,..bẻ quặt như là những người tán đồng chủ trương đường lối chính sách của Đảng. Từ cách hiểu như thế suy ra để có thể được gọi là người Công Giáo tốt thì phải nhất mực tán đồng đường lối chính sách của Đảng, ngược lại thì không.

Thực ra để phân định thế nào là người Công Giáo tốt hay không tốt chẳng những tại Việt Nam mà còn cho cả thế giới là điều hoàn toàn không dễ. Lý do bởi vì giáo hội hầu như đang bị chìm ngập trong tục hóa. Có vị đã chỉ dẫn …rành mạch cần phải sống đạo cách sao trong một thế giới Giải Thiêng ( Lm N. Hồng Giáo). Có vị khác lại còn mạnh miệng khẳng định “ Suy cho kỹ chính Đức Giesu mới là ông tổ của chủ nghĩa thế tục” ( Lm T.Cẩm – NS CG&Dt 205 tháng 01/2012). Còn có đấng bậc khác như ai cũng biết đã ca ngợi …cánh chung luận CS ngay trong buổi lễ trọng tại nhà thờ chánh tòa…!!!.

Một khi đã bước vào con đường tục hóa thì việc thỏa hiệp với thế gian là điều không thể tránh. Đang khi đó Chúa kêu gọi chúng ta ra khỏi thế gian “ Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng các ngươi không thuộc thế gian, song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 19). Những người sống niềm tin tôn giáo thì không thể thỏa hiệp với thế gian bởi vì nó trái ngược nhau về chí hướng. Người đời bám chặt lấy thế gian, lấy nó làm cứu cánh, còn người có đạo thì coi thế gian là chốn khách đày, tất cả hy vọng của họ đặt ở đời sau. Cùng một chí hướng với thế gian thì như Chúa nói sẽ được thế gian yêu mến, ngược lại sẽ bị ghét bỏ.

Dù bị thế gian ghét bỏ nhưng người có đạo thà vâng lời Chúa để phải chết còn hơn là sống mà trái lời Ngài. Trong buổi sơ khai giáo hội, Phero và các tông đồ đã bị điệu đến trước Công Hội và bị thầy tế lễ thượng phẩm cật vấn “ Chúng ta đã nghiêm cấm các ngươi chớ lấy Danh đó ( Kito ) mà dạy dỗ. Nhưng kìa các ngươi lại làm cho Gierusalem đầy dẫy sự dạy dỗ của các ngươi và toan khiến máu người đó đổ lại trên chúng ta. Phero và các tông đồ đáp lại = chúng tôi cần phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người đời” ( Cv 5, 28 -29 ).

Các tông đồ khi xưa cũng như biết bao con người có đạo kể cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước đã biết khẳng khái vâng lời Thiên Chúa để rồi đã bị thế gian ruồng rẫy bách hại. Trường hợp của vị Kinh Sư Do Thái cho thấy điều ấy = khi sắp chết vì đòn vọt, ông vừa rên vừa nói = Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn người biết là dù có thoát chết nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn trong thân xác còn trong tâm hồn tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người” ( 2Mcb 6, 30 ).

Vì lòng kính sợ Chúa mà can đảm chịu chết, những chứng cớ như vậy thì không sao kể xiết. Thế nhưng đối với thế gian thì đây vẫn là điều không sao hiểu nổi và cũng chính vì vậy mà họ căm ghét người có đạo. Lý do sâu xa của sự căm ghét đó là bởi họ đã không tin sự hiện hữu của Thiên Chúa. Còn về phần những người tự nhận mình là có đạo, chúng ta có tin sự hiện hữu ấy không ? Nếu tin thì phải vâng lời Thiên Chúa mới thật sự là tin, ngược lại cái gọi là lòng tin ấy chỉ vu vơ không thật. Chỉ nói tin mà không vâng lời Thiên Chúa thì không thể gọi là tin ? Mặc dầu vậy, để có được lòng tin ấy là điều rất khó bởi lẽ đức tin luôn phải đi đôi với việc làm “ Đức tin không có việc làm là đức tin chết” ( Gc 2, 17 ). Đức tin cần có việc làm, vậy việc làm ấy là những gì ?

I/- Tin và theo Chúa Giesu

Tin Thiên Chúa hiện hữu thì phải biết vâng nghe lời Ngài và sự vâng nghe ấy không phải điều gì khác mà đó chính là sống ơn gọi làm Con Chúa “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một Phép Rửa, một ĐCT là Cha của mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6). Làm sao để sống ơn gọi làm Con Chúa, đó phải là toàn bộ chí hướng của người Công Giáo chúng ta. Sống ở đời cần có chủ đích, nếu không sẽ là bất định. Một người tâm trí bình thường mỗi khi ra khỏi nhà cần biết mình đi đâu, với mục đích gì, nếu không chỉ là đi lang thang vơ vẩn. Lại nữa một người muốn sống cuộc sống thật là tốt thì cần có lý tưởng. Bởi như vậy mới có thể vượt qua được những gian lao khổ cực. Trái lại sẽ dễ rơi vào chỗ thất vọng buông xuôi cho hoàn cảnh. Mặt khác lý tưởng càng cao bao nhiêu thì mục đích đạt được càng lớn bấy nhiêu. Một người chỉ ra sức làm giàu thì không thể sánh với người hoạt động chính trị đấu tranh cho tự do độc lập dân tộc v.v…Tuy nhiên tất cả nỗ lực của người đời suy cho cùng đó chỉ là ảo tưởng, nếu không muốn nói nó chỉ đem đến những điều tệ hại. Một người cố gắng làm giàu dù bằng cách chính đáng đi nữa nhưng khi đã đạt được mục đích rồi, giàu có rồi thì khó mà tránh khỏi kiêu căng ngạo mạn đồng thời sinh ra biết bao tật xấu, đam mê tửu sắc, vợ nọ con kia lu bù.Là chiến sĩ đấu tranh nhưng khi cách mạng thành công rồi lại trở thành những tên độc tài đấu đá tranh dành quyền lợi địa vị cho bản thân cho phe nhóm đảng phái mình để rồi gây ra biết bao oán cừu v,v …

Bám giữ vào những cái không thể bám giữ đó chẳng phải là ảo tưởng sao ? Thử hỏi trước cái chết thì tiền bạc danh giá địa vị có giúp ích được chi cho mình ? Người tốt phải sống có lý tưởng thế nhưng lý tưởng ấy cần siêu xuất thế gian, đó mới thực là tốt. Cuộc đối đáp giữa anh thanh niên với Chúa Giesu đã cho thấy sự khác biệt giữa cái tốt của thế gian với cái tốt của siêu xuất thế gian. Anh thanh niên muốn tìm cho mình con đường cứu rỗi nhưng đã thoái lui khi nghe Chúa nói “ Anh còn thiếu một điều = Hãy bán hết của cải ngươi mà cho kẻ nghèo thì ngươi sẽ có của báu ở trên trời rồi hãy đến theo Ta” ( Mc 10, 21 ). Anh thanh niên là đặc trưng cho hạng người tốt ở thế gian, anh đã giữ tất cả mọi điều răn = không trộm cắp giết người không gian dâm lại còn có lòng hiếu thảo với mẹ cha ngay khi còn nhỏ tuổi. Đối với thế gian đó đã là quá tốt nhưng với Chúa thì chưa đủ = Cần phải bố thí tất cả gia sản rồi theo Chúa. Chính việc theo Chúa ấy mới làm cho con người được cứu rỗi chứ không phải là sống tốt theo nghĩa luân lý thế tục.

Phải bán hết gia tài sản nghiệp bố thí cho kẻ nghèo mới có thể theo Chúa, điều kiện ấy xem ra thật quá khó với chàng thanh niên ngày ấy cũng như tất cả chúng ta ngày nay. Chẳng những chúng ta mà ngay cả các Tông Đồ cũng lấy làm kinh ngạc hỏi Chúa “ Vậy thì ai mới được cứu ? Chúa đáp = Đối với loài người thì bất năng nhưng với ĐCT thì chẳng vậy vì mọi sự đều khả năng cho ĐCT” ( Mc 10, 26 -27). Mọi sự đều khả năng, điều ấy không có nghĩa Thiên Chúa sẽ cứu độ hết thảy bất kể họ là người vô thần không tin có Thiên Chúa hoặc chống phá Giáo Hội cách này cách khác, sống gian tham độc ác…Hoàn toàn không phải vậy bởi như Chúa nói muốn được cứu thì phải theo Chúa có nghĩa hết lòng yêu mến và vâng giữ các giới răn của Ngài “ Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 21).

Ai thương yêu Chúa thì giữ các giới răn Chúa và giới răn Chúa tất cả chỉ gồm tóm trong hai điều, đó là mến Chúa và yêu người “ Cả luật pháp và tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn ấy” ( Mt 22, 40). Mặc dầu theo Chúa chỉ cần giữ hai giới răn thế nhưng để giữ cho trọn vẹn lại là điều bất khả nếu không có Đức Mẹ là Đấng Trung Gian Các Ơn.

II/- Qua Đức Mẹ đến với Chúa Giesu 

Người Công giáo Việt Nam nói chung hiện nay có lòng kính mến Đức Mẹ, điều ấy thật là tốt. Thế nhưng cũng cần xét lại, đó có phải là lòng sùng kính chân thật hay chỉ là những cảm tính nhất thời ? Là cảm tính khi người ta cứ chạy tới hết đền này đền kia để xin ơn này ơn kia cho mình, cho người thân của mình. Xin ơn nếu được ơn thì tạ ơn nhưng nếu không được thì có khi lại…mất đức tin. Tuy nhiên cứ thực mà nói thì những người ấy họ chưa từng có đức tin mà đã không có thì sao có thể nói là mất được ?

Con người chỉ có đức tin chân thật khi niềm tin ấy đặt ở nơi Chúa Giesu Đấng Cứu Độ mình. Đức tin không do người khác nhưng phải tự mình chứng nghiệm đó mới thực là tin. Người phụ nữ xứ Samari sau khi được trò chuyện với Chúa Giesu bên bờ giếng Gia Cop bèn về báo lại cho dân làng.Họ ra gặp Chúa và mời Ngài ở lại hai ngày; trong thời gian đó giữa Chúa Giesu và dân làng tất nhiên đã có những cuộc trò chuyện thân tình nhưng hết sức bổ ích. Họ nói với người phụ nữ “ Nay chúng ta tin không còn phải vì lời ngươi nói bèn chính chúng ta đã nghe và biết rằng ấy thật là Cứu Chúa của thế gian” ( Ga 4, 42).

Qua câu chuyện của dân xứ Samari cho thấy đức tin chân thật vào Đấng Cứu Độ không thể do người khác truyền đạt nhưng phải tự mình nghe và biết. Về sự nghe, biết ở đây là gâp gỡ chính con người Giesu bằng xương bằng thịt chứ không như một hình ảnh, một khái niệm. Gặp gỡ một con người hoàn toàn khác với việc được người khác diễn tả về con người ấy. Dù cách diễn tả có hay ho chính xác đến đâu thì trước sau đó vẫn chỉ là một thứ khái niệm không hơn không kém. Khái niệm tất nhiên không phải thực tại, bất cứ ai dù là đứa trẻ con cũng biết phân biệt sự khác nhau giữa bức tranh vẽ bát phở với một bát phở đang bốc mùi thơm ngào ngạt. Bức tranh phở chỉ là một thứ khái niệm về phở. Không ai có thể nhìn ngắm bức tranh phở ( khái niệm) để no bụng mà chỉ có ăn bát phở ( thực tại) mới làm cho người ta no. Cùng một nhẽ ấy chúng ta chỉ có thể sống trong thực tại bằng cách gặp gỡ đích thực với Chúa Giesu chứ không phải bằng những khái niệm, những khoa thần học này khác…

Gặp gỡ Chúa Giesu trong thực tại Ngài Là, đó là điều bất khả với con người nhưng không bất khả đối với Thiên Chúa bởi vì ngay từ muôn thuở Ngài đã ban Đức Maria cho nhân loại qua lời hứa “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ). Mặc dù trình thuật không hề nhắc nhở đến Đấng Cứu Thế nhưng các nhà chú giải TK vẫn gọi đó là Giao Ước Hứa Ban Đấng Cứu Thế bởi vì Đấng ấy chỉ có thể ra đời thông qua cuộc giao tranh dữ dội giữa Người Nữ ám chỉ Đức Nữ Trinh Maria và con rắn tức quỷ Sa Tan. Đức Maria nhận lời cưu mang sinh hạ Đấng Cứu Thế bằng tiếng Xin Vâng “ Này tôi là tôi tá ĐCT, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” ( Lc 1, 38)

Một khi Đức Mẹ đã nhận lời cưu mang sinh hạ Chúa Giesu Đấng Cứu Thế thì cùng một thể ấy Ngài cũng nhận lời cưu mang sinh hạ chúng ta những kẻ được ơn gọi làm Con Chúa “ Cùng một năng lực Đấng Chí Cao, cùng một tác động của Thánh Thần đã làm cho Maria sinh ra Đấng Cứu Chuộc cũng làm cho người tín hữu sinh ra trong nước tái sinh” ( Mv Bernado O.P Mẹ Trong Đời Tôi).

Từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, người Công Giáo chúng ta đã nhận được Ơn Tái Sinh. Thế nhưng ơn ấy chỉ có thể mang lại hiệu quả nếu có Đức Maria làm Mẹ. Tại sao ? Bởi vì Ơn Tái Sinh ấy không phải là ơn nào khác mà là Chúa Giesu được sinh ra trong tâm hồn mỗi người. Nếu khi xưa Mẹ hoài thai và sinh hạ Chúa thế nào thì giờ đây Mẹ cũng hoài thai và sinh hạ Chúa trong ta như vậy. Mẹ đã sinh thì Mẹ cũng dưỡng để ta được lớn lên trong ơn Thánh do việc lãnh nhận các Bí Tích. Chúa Giesu thực sự sống trong ta ( In Christo Jesu ) đó là thực tại mầu nhiệm vô cùng cao cả và chỉ trong thực tại ấy mà người Công Giáo mới có thể sống tốt mọi nơi, mọi thời. 

Phùng Văn Hóa 
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét